Xe Hơi

Cấu tạo hệ thống thắng (kỳ 2)

Friday, 15/09/2017 - 08:20:43

Pittong nối vào 2 bố thắng, khi nhận lực thì chạy xuống, đẩy 2 bố thắng ra, kẹp lấy đĩa thắng, làm bánh xe ngừng lại.

Bộ phận thắng ở mỗi bánh xe

Bài HAO SMITH

Thắng làm việc qua ba giai đoạn: Tác động lực, chuyển lực, tiếp lực và gây sức ép.
- Tác động lực: Xảy ra khi bàn chân của tài xế đạp thắng, kích động Piston trong Master Cylinder, tạo thành một lực đẩy xuống.


Sau khi gỡ lốp, bạn sẽ thấy các bộ phận thắng xuất hiện, rõ nhất là một cái đĩa tròn, gọi là Brake Rotor, và cái “mũ” Caliper có 2 tai kẹp ở 2 bên.

- Chuyển lực: Lực này được chuyền qua một đường ống, gọi là Brake Lines dẫn vào các bánh xe.
- Tiếp lực và gây sức ép: Tại mỗi bánh xe lại có một số bộ phận tiếp lực, tăng lực, và gây sức ép lên các bánh xe buộc chúng dừng lại theo ý muốn của tài xế.


Bên trong Caliper là cặp xilanh-pittong, và bố thắng ở 2 bên rotor

Lần trước, chúng ta đã nói về các bộ phận làm việc trong 2 giai đoạn đầu (tác động lực và chuyền lực), bài này chúng ta sẽ đề cập các bộ phận làm việc ở giai đoạn 3 (tiếp lực và gây sức ép), tức là các thành phần ở mỗi bánh xe.

Bộ phận thắng tại mỗi bánh xe

Thắng ở hai bánh trước thì giống nhau, gọi là thắng đĩa (disc brake). Thắng ở 2 bánh sau thường là thắng trống (drum brake). Phần dưới đây, chúng ta sẽ nói về thắng đĩa mà thôi.

Để có thể nhìn thấy được các bộ phận thắng ở mỗi bánh xe, bạn phải gỡ lốp xe ra trước. Gỡ lốp là việc tương đối đơn giản và dễ dàng: Bạn dùng một cái chìa khóa mở những con ốc gắn ở mặt ngoài lốp xe (những con ốc này gọi là Nut Lug, và chìa khóa gọi là Nut Lug Wrench). Lúc đầu chỉ xoáy lỏng, rồi kích xe lên cao mới có thể tháo lốp ra được.
Bây giờ bạn sẽ nhìn thấy các bộ phận thắng phô ra, bao gồm:
1. Brake Rotor
2. Brake Caliper
Ngoài ra, còn hai thành phần khác, tuy không nhìn thấy ngay nhưng không thể thiếu trong hệ thống thắng ở mỗi bánh xe, đó là:
3. Brake Pad
4. Slave Cylinder
Chúng ta sẽ giải thích từng thành phần:


Thắng của xe lửa, hay bất cứ loại xe nào, cũng có những thành phần căn bản như vậy: Rotor và Caliper

- Brake Rotor
Gọi là brake rotor hoặc brake disc, bởi vì trông nó như một cái đĩa sắt lớn (disc), quay tròn (rotating) theo vòng lăn của bánh xe. Khi tài xế đạp bàn thắng từ trên phòng lái, thì ở bánh xe sẽ có hai “bàn tay” đưa ra kẹp Rotor lại, buộc nó lăn chậm hoặc ngừng hẳn, và từ đó bánh xe cũng chậm lại hoặc ngừng theo.
Đĩa thắng là một đĩa tròn, phẳng, làm bằng thép cứng, có sẵn những đường rãnh hoặc lỗ nhỏ trên mặt. Sự cọ sát với 2 “bàn tay” trong lúc làm việc là một ma-sát lớn, sinh ra sức nóng khủng khiếp, nên nhà sản xuất phải thiết kế những đường rãnh hoặc lỗ nhỏ trên mặt Rotor để giải tỏa bớt sức nóng này. Tuy nhiên, lâu ngày chầy tháng, Rotor có thể hao mòn, móp méo, hoặc hư hại, bề mặt tiếp xúc không còn được bằng phẳng, khiến thắng không còn “ăn” nữa. Đó là lúc Rotor cần được thay mới. Đây là một công tác phải làm trong lịch bảo trì, chứ không phải là một khiếm khuyết của xe.
- Brake Caliper

Bộ phận thứ nhì đập ngay vào mắt bạn, sau khi nhìn thấy Brake Rotor, trông giống một “cái mũ”, gọi là Brake Caliper, với 2 cái “tai” úp trên đĩa thắng. Cái mũ này chứa 2 thành phần khác bên trong, đó là:
- Brake Pad
Thợ máy Việt gọi nó là bố thắng. Không hiểu tại sao lại có cái tên “cha thiên hạ” như vậy. Đúng ra, nó chỉ là cái bàn tay mà chúng ta đã giới thiêu ở trên, một bàn tay có sức mạnh Hẹc-Kuyn! Để thực hiện ý muốn của tài xế cho bánh lăn chậm lại hoặc ngừng hẳn, “bàn tay Hẹc-Kuyn” này sẽ đưa ra, ép chặt vào một bên má của đĩa thắng. Má bên kia cũng có một bàn tay đưa ra cùng lúc, để tăng sức ép 2 bên. Làm việc mãi như vậy, hai bàn tay này đương nhiên mòn dần, không còn tạo đủ sức ép cần thiết nữa. Đó là lúc thợ máy nói với bạn rằng: Cần phải thay bố thắng!

Sự hao mòn là một tiến trình tự nhiên do cọ sát gây ra, và thay bố thắng là một việc bảo trì cần làm, chứ không phải là một khiếm khuyết của xe. Vì 2 bàn tay làm việc theo cặp, nên độ hao mòn thường là giống nhau, nên khi thay, bạn phải thay cả 2 bố thắng.

- Slave Cylinder
Khi nói tới Cylinder (xi lanh), chúng ta hiểu rằng phải có một thứ gọi là Piston (pit-tông) đi cặp với nó. Không thể có xi lanh mà không có pít-tông, và ngược lại, không có pít tông thì không có xi lanh.
Các bạn có thể nhớ lại là trước đây chúng ta đã nói về một cặp đôi Xi Lanh-Pittong Chủ (Master Cylinder) nằm ngay dưới bình dầu thắng. Vì đã có chủ nên phải có tớ: Xi lanh sát gần bàn đạp thắng đã được gọi là Master (chủ), nên xi lanh ở bánh xe, cách xa bàn đạp, sẽ được “Slave” (đầy tớ).
Xi lanh nằm ẩn bên trong cái mũ “ Caliper” còn pít-tông là một cái trục sắt di chuyển lên xuống trong lòng xi lanh. Caliper có 2 tai, bám vào Rotor, tai bên trong có một cặp xi lanh- pittong (tai ngoài không có xilanh-pittong)

Pittong nối vào 2 bố thắng, khi nhận lực thì chạy xuống, đẩy 2 bố thắng ra, kẹp lấy đĩa thắng, làm bánh xe ngừng lại.

Với kết cấu như trên, các bộ phận ở bánh xe thực hiện việc tiếp lực (từ bàn đạp) và gây sức ép (trên rotor) để hãm đà chuyển động của bánh xe.
*

Kết luận: Tổng hợp với bài lần trước, chúng ta thấy hệ thống thắng bao gồm những thành phần sau đây:
1. Bàn đạp thắng (pedal): 1
2. Bình và dầu thắng (reservoir and brake fluid): 1 bình và khoảng 1 quart dầu
3. Cặp Xi lanh-pittong “chủ” (master cylinder, cũng gọi là “con heo dầu”): 1 cặp
4. Dây thắng dẫn từ xi lanh chủ đến 4 bánh xe.
5. Đĩa thắng (rotor): 1 đĩa tại mỗi bánh.
6. “Mũ” (caliper): 1 caliper tại mỗi bánh
7. Bố thắng (brake pads): 2 bố thắng tại mỗi bánh
8. Cặp xi lanh-pittong “tớ” ( slave cylinder): 1 cặp tại mỗi bánh
Trong số trên, ba thành phần cần được thay thế định kỳ theo lịch bảo trì là: Dầu thắng (brake fluid), đĩa thắng (rotor), và bố thắng (pads)…. Những bộ phận còn lại chỉ phải thay thế khi bị hư hỏng bất thường.
Hiểu được cách bố trí và làm việc của từng thành phần trong hệ thống, việc thay thế và bảo trì khi cần thiết sẽ trở nên khá dễ dàng.
Haosmith@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT