Đạo và Đời

Câu hỏi Phật Pháp (6)

Wednesday, 23/09/2015 - 07:31:08


Quan điểm của nhà Phật về tất cả hiện hữu trên thế gian là vô thường. Tâm cũng vô thường, khi tâm chuyển thì tất cả mọi thứ do tâm tạo cũng chuyển theo tâm. Cho nên, đối với nhà Phật, không có cảnh giới địa ngục vĩnh viễn. Mỗi người đều có thể tự ra khỏi địa ngục bằng sự “thanh tịnh hóa tâm” của họ. Đó là niềm hy vọng về giải thoát của tất cả mọi người.

Hỏi: Xin cho biết địa ngục có thật không?
Từ quan điểm “nhất thiết duy tâm tạo” trong kinh Hoa Nghiêm, thiên đường và địa ngục dưới mắt người Phật tử chính là những cảnh giới tâm thức, mà mỗi người đều trải qua hằng ngày. Nếu con người không chế ngự được ba thói xấu là tham lam, sân hận và si mê, để cho bản thân rong ruổi trong sự bon chen, tính toán lợi mình hại người, thì tâm hồn không được an lạc, mà phiền não triền miên, ăn không ngon, ngủ không yên, thường thấy ác mộng do những bực bội bất mãn gặp phải hằng ngày, đó cũng đã được coi là cảnh giới địa ngục của tâm thức rồi.

Trong kinh Địa Tạng, chúng ta cũng thấy nói đến những cảnh giới địa ngục. Vì “nhất thiết duy tâm tạo” nên những cảnh giới trong kinh Địa Tạng cũng là những cảnh giới tâm thức. Địa Tạng cũng có nghĩa là Tâm Địa, là Đất Tâm. Nhà Thiền có câu “Đất Tâm nếu trống không thì mặt trời Trí Tuệ tự chiếu”. Người nào có thể “thanh tịnh hóa tâm”, khiến cho Đất Tâm trống không, thí Trí Tuệ Bình Đẳng tự hiện, cũng có nghĩa là Bồ Tát Địa Tạng đã phá xong cửa ngục tâm thức cho người đó rồi. Còn như nếu Đất Tâm mà ô nhiễm quá, thì vào giờ phút lâm chung, do nghiệp thiện hoặc ác trong quá khứ, mà thần thức người đó sẽ bị chiêu cảm vào cảnh giới tương ưng.

Quan điểm của nhà Phật về tất cả hiện hữu trên thế gian là vô thường. Tâm cũng vô thường, khi tâm chuyển thì tất cả mọi thứ do tâm tạo cũng chuyển theo tâm. Cho nên, đối với nhà Phật, không có cảnh giới địa ngục vĩnh viễn. Mỗi người đều có thể tự ra khỏi địa ngục bằng sự “thanh tịnh hóa tâm” của họ. Đó là niềm hy vọng về giải thoát của tất cả mọi người.

Nhà Phật có câu: “Buông dao đồ tể là thành Phật” hoặc “Biển khổ mênh mông quay đầu là bến”. “Buông dao” và “quay đầu” ở đây có nghĩa là buông bỏ đời sống ô nhiễm, bước vào con đường thực hành các phương pháp để “thanh tịnh hóa tâm” như hành Thiền Quán Niệm Hơi Thở, Thiền Minh Sát Tuệ, Thiền Tổ Sư, Thiền Tông, Niệm Phật và còn nhiều pháp hành khác nữa.

Hỏi: Xin cho biết tiêu chuẩn tìm Thầy học đạo
Ngày xưa muốn học đạo phải lặn lội đi tìm thầy, vì thầy là người không những có đức hạnh mà còn có đầy đủ kinh nghiệm tu trì và có khả năng truyền dạy lại cho người sau. Thời ấy muốn học đạo phải đến chùa vì chỉ nơi đây mới có đầy đủ kinh sách. Ngày nay, việc tìm kinh sách không khó, ngoài chùa ra, còn có trong các thư viện trường đại học, các nhà sách lớn và ở trên Internet, ai cũng có thể tìm đọc và tự nghiên cứu học hỏi. Do đó có người nói việc tìm thầy học đạo thời nay không cần thiết lắm. Tuy nhiên, quý bạn cần lưu ý, ngay chuyện học ngoài đời, chúng ta vẫn phải có thầy dạy. Việc nghiên cứu trong sách vở là điều cần thiết nhưng vẫn cần phải có thầy hướng dẫn. Đó chỉ là học về kiến thức mà còn cần đến thầy dạy, huống chi cầu học đạo giác ngộ giải thoát?

Trong đạo Phật không phải chỉ học giáo lý suông mà còn phải tu trì nữa. Một vị thầy dạy chúng ta giáo lý không những qua việc thuyết giáo mà còn dạy chúng ta về giới đức qua hành động và cử chỉ hàng ngày của ông thầy mà thuật ngữ nhà Phật gọi là thân giáo. Chính thân giáo, tức hành động, nhân cách, giới phẩm và đức hạnh của vị thầy mới quan trọng, nó làm gương cho ta noi theo. Một trăm lần nghe không bằng một lần thấy. Một trăm lần tụng đọc về kinh Từ Bi không bằng một lần thấy hành động từ bi nơi vị thầy của mình.

Hiện nay có một số người tự xưng mình là Minh Sư, Đạo Sư, Vô Thượng Sư, Đại Sư, Thiền Sư, vân vân... thường dùng một số giáo lý Phật giáo, lợi dụng uy tín của đức Phật để thuyết giảng hầu lôi cuốn quần chúng, nhưng thực chất bên trong những điều giảng đó lại chứa đựng những tư tưởng đối nghịch với tư tưởng nhà Phật. Cho nên, nếu chúng ta là những Phật tử quyết tâm tu hành theo giáo lý giải thoát, mà không hiểu rõ giáo lý căn bản của nhà Phật thì rất dễ bị đi lạc đường.
Vậy làm thế nào biết được Thầy giỏi, Thầy hay, Thầy có đạo đức mà theo học?

Trước hết chúng ta nên lưu ý đặc biệt đối với những vị Thầy hay bất cứ một ai khi đến khuyên bảo chúng ta tu mà luôn luônkhoe khoang pháp môncủa mình là hay nhất và ra sứcchê baihaychỉ tríchpháp tu khác là sai đường, cho là không đúng, thì chúng ta phảixem xét lạinhững lời nói và hành động của họ, tức là tìm hiểu về thân giáo, tức hành động, nhân cách, giới phẩm và đức hạnh của vị ấy và động lực nào thúc đẩy ông ấy giảng dạy.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã dạy rằng: “Động lực giảng dạy của một vị Thầy phải trong sạch - không bao giờ vì một ước muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất... Trong thế giới, nếu không có một nhà lãnh đạo chân chính thì chúng ta không thể cải thiện xã hội được. Cũng vậy, trừ phi vị thầy có phẩm chất đúng đắn, thì mặc dù đức tin của bạn có mạnh mẽ đến đâu, việc theo học vị thầy có thể làm hại bạn nếu bạn được dẫn dắt theo một đường hướng sai lầm. Vì thế, trước khi thực sự coi ai là thầy, điều quan trọng là phải khảo xét họ...” [09]

Nếu như vị đạo sư của bạn buộc bạn phải làm việc vô đạo đức hay nếu giáo lý của vị ấy mâu thuẫn với Phật Pháp thì hành xử như thế nào? Ngài Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp: “Bạn nên trung thành với điều đạo đức và xa rời những gì không phù hợp với Pháp...”

Trong “Đại trí độ luận” cuốn 4 đã nêu lên 4 điều trọng yếu gọi là tứ y pháp “4 chỗ nương tựa”. 1) Dựa vào pháp không dựa vào người, 2) Dựa vào nghĩa không dựa vào lời, 3) Dựa vào trí, không dựa vào thức, 4) Dựa vào ý nghĩa rốt ráo, không dựa vào ý nghĩa không rốt ráo.

Căn cứ vào 4 điều chuẩn trên, chúng ta có thể phân biệt dễ dàng ai là minh sư, ai không phải là minh sư, rồi dựa vào 4 tiêu chuẩn đó mà quan sát thẩm tra minh sư mà mình mong gần gũi thì nói chung không thể có sự nhầm lẫn.

Y pháp bất y nhânlà một trong bốn tiêu chuẩn hướng dẫn chúng ta trên đường đi tìm thầy tìm học đạo. Câu này có nghĩa là nương theo giáo pháp chứ không nương vào thầy. Lẽ dĩ nhiên, y pháp bất y nhân không có nghĩa là được pháp rồi thì không cần biết gì đến thầy. Học đạo không giống như học các ngành học ở ngoài thế gian, học đạo phải có lòng tri ân tôn kính thầy nhưngkhông bám víu và thần tượng hóa thầy.

Ngày nay một số trong chúng ta theo thầy không phải vì thực sự cầu pháp giải thoát mà vì tình cảm hay biên kiến, hay vì thầy là người nổi tiếng trên thế giới, đông đệ tử xuất gia lẫn tại gia có học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, có chùa to đất rộng, vân vân...

Có nhiều Phật tử đặt câu hỏi: Sau khi quy y và tu học theo thầy một thời gian dài, cảm thấy không tiến bộ, tham sân si vẫn như cũ, chấp ngã gia tăng nhiều hơn, muốn đi chùa khác tìm thầy khác nhưng làm như thế có phải là phản thầy không. Chúng tôi xin thưa ngay là không có mang tội phản thầy. Khi làm lễ qui y là chúng taquy y với ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng, chứ không phải quy y với thầy.Thầy chỉ là vị đại diện Tăng Đoàn làm lễ quy y cho chúng ta quay về nương tựa với Tam Bảo. Trong buổi lễ chưa bao giờ chúng ta nói: Con xin quy y với thầy Thích Tâm A hay thầy Thích Tâm B. Hơn nữa, ở ngoài đời, học xong bậc tiểu học, chúng ta phải lên trung học rồi lên đại học chứ đâu có thể học mãi một lớp hay một trường được.

Xưa kia lúc còn tìm đạo, thái tử Sĩ Đạt Đa đến học với đạo sĩ Alara Kalama, sau khi chứng được thiền “Vô sở hữu xứ” và không học được gì thêm nữa thì ngài từ giã thầy. Kế tiếp ngài đến học đạo với Uddaka Ramaputta, sau khi chứng được thiền “Phi tưởng phi phi tưởng xứ” và không học được gì hơn thì ngài cũng kiếu từ ra đi. Nếu thái tử Sĩ Đạt Đa trung thành ở lại với đạo sĩ Kalama hay đạo sĩ Ramaputta thì chắc ngày nay chúng ta không có Đức Phật và Phật Pháp.

Là Phật tử, muốn có được đời sống an lạc, hạnh phúc, tiến bộ, chóng thành đạo quả giác ngộ thì phải hết sức cẩn trọng trong việc chọn thầy, chọn bạn, chọn pháp môn tu, chớ để tánh hiếu kỳ dẫn dắt, thì mới khỏi oan uổng công phu tu tập suốt cả một đời.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT