Chuyện Nước Pháp

Câu chuyện xi-nê-ma

Monday, 14/08/2017 - 10:48:52

Tôi đang lần mò kéo tấm bạt che rạp dựng sơ sài quây kín chỗ chiếu phim để chui vô xem cọp không mua vé thì bị bàn tay người lớn níu áo kéo lại. Tiếng rầy la phát lên, “Mày coi lén hả?”

Bài NGỌC DIỄM

Ngày xưa, song thân tôi khi còn trẻ và phải đảm đương trách nhiệm gia đình với đàn con đông đúc (khúc đầu mới có bốn trự) đã có ý kiến chọn lựa nghề làm chủ nhân rạp hát bóng lưu động. Tôi không nhớ gì nhiều về vấn đề kỹ thuật thời đó, một kỷ niệm vẫn còn ghi lại mãi trong ký ức là đám con nít lúc đó.
Ông chủ rạp với cái tên “Đoàn hát bóng lưu động B.V.” cho xe hơi chạy khắp nơi quảng cáo khách hay biết, rồi tối đến đậu lại một chỗ để bán vé và chiếu phim giải trí. Cảnh tượng về đêm rất vui vẻ với thật đông người đến xem và tiếng động đủ thứ phát ra ồn ào vô cùng, nhiều nhất vẫn là nhạc và tiếng nói của phim phát ra qua mấy cái loa để đâu đó trước tấm vải trắng tinh làm màn ảnh. Người lớn đến xem đem theo con cái khá nhiều.

Tôi đang lần mò kéo tấm bạt che rạp dựng sơ sài quây kín chỗ chiếu phim để chui vô xem cọp không mua vé thì bị bàn tay người lớn níu áo kéo lại. Tiếng rầy la phát lên, “Mày coi lén hả?”
Tôi quay lại rồi phá lên cười ha ha lấy lòng, “Ủa, cậu Tư, con nè!”

Thì ra, cậu ruột tôi được lịnh đi kiểm soát bắt con nít vô lậu hay người lớn không mua vé vào cửa. Cậu cười trừ rồi tha mạng cho nó... tiếp tục chui vô kiếm một chỗ ngồi bẹp xuống đất coi phim đã bắt đầu lâu rồi. Thời đó khi chiếu phim thì đèn đuốc tắt ráo, đen thui mờ mờ khắp nơi rất khó thấy đường. Tức cười, về sau mấy anh chị em hỏi nhau mới biết đứa nào cũng chun trốn vô coi lậu bị ông cậu bắt gặp hết cả đám! Quân ta phân tán mỏng nên bị quân địch tóm gọn từng mống nhưng là nội gián nên được tha mạng hết.

Trở lại rạp hát bóng thời nay, đúng hơn là rạp chiếu bóng, nay gọi hay hơn cả là rạp xi-nê. Tiếng Pháp trở thành tiếng Việt cũng là chuyện thường tình, 100 năm đô hộ để lại dấu vết vĩnh hằng nói gì tiếng Trung Hoa với 10 lần nhiều hơn. Trong thời gian thập niên từ 1950 cho đến 1960, đó là đợt sóng chiếu phim lưu động ngoài trời hay chạy xe mà song thân tôi đã làm nghề này rất mới mẻ lúc đó (gọi là ciné mobile loại nhỏ, lớn hơn là ciné-parcs hay drive-in).

Tấm vải trắng dùng làm màn ảnh chiếu phim có kích thước từ bốn đến 27 thước tây chiều dài và chiều cao khoảng từ ba mét trở lên cho tới hơn 18 mét. Thời đại tân tiến ngày nay hiện giờ các tấm vải ngày xưa được thay bằng chất nhựa tổng hợp PVC nhiều kích thước khác nhau dành cho màn ảnh nhỏ tại gia hay trong các phòng hội thảo. Loại standard chúng ta thường thấy là 16/9 thay thế cho loại 4/3 từ những năm 1950 cho màn ảnh nhỏ cũng như phim đọc là bốn phần ba, tỷ lệ dài/cao là 1,33/1. Khi nói 16/9 tức là chiều dài chiếm 16 phần thì chiều cao là 9 phần. Riêng các màn ảnh trong những rạp xi nê lớn, còn gọi là Cinema Scope thì chúng lớn hơn nhiều với tỷ lệ 21/9.

Những rạp xi nê ngày xưa chỉ có một gian phòng rộng duy nhất đã lùi sâu vào dĩ vãng. Ngày ấy rạp hát gần nhất nhà chúng tôi là Ca-Xi-Nô ở Đa Kao trên đại lộ Đinh Tiên Hoàng thuộc về thủ đô Sài Gòn, còn rạp Huỳnh Long chuyên môn chiếu phim Ấn Độ hóa phép cho con nít coi mê mẩn thuộc về Gia Định. Có lẽ bị cha mẹ nhồi sọ từ thuở bé nên bọn trẻ chúng tôi tứ đại phá đám rất thích đi coi phim, từ hạng bét bè be thì đi riêng với nhau còn phim hạng nhứt thì đi theo ông bà già.


Rạp xi nê Casino bên Sài Gòn thuộc khu phố Đa Kao năm 1960. (Không rõ nguồn trên internet)

Đi chung là đi mấy rạp bình dân và nhỏ xíu người lớn chê, còn đi phim số dzách thì người lớn dẫn ra tuốt ngoài Sài Gòn vào rạp Rex có máy lạnh mát da và rộng lớn mênh mông. Vừa vén màn bước vào bên trong là cảm giác mát lạnh làm con nít nổi da gà một hồi sau mới quen. Rạp bình dân, như Casino và Huỳnh Long thì trẻ em vô cửa trả năm, sáu đồng khoảng đó mà coi tới hai phim một lượt mỗi đứa.
Ngày ấy, thật lõng lẻo vô cùng vì trẻ con vị thành niên đi coi không có phụ huynh theo canh chừng vô cửa tuốt luốt. Có khi thiếu tiền, chúng tôi năn nỉ ông canh cửa cho vô thì có ông dễ dãi ô kê liền, có ông khó chịu bắt đi về! Nhớ lại dĩ vãng tươi đẹp của thời con nít vì chúng tôi đa số trong rạp đều đi coi những phim anh hùng uýnh nhau với kẻ gian để xúm nhau vỗ tay vang dội cả rạp. Thời bây giờ thật cổ kính đạo mạo, bên Tây này vô trong rồi là thì thào bên tai chứ có ai dám xì xào phê bình nọ kia như bên nhà! Và cũng không bao giờ có trò sờ mó bỉ ổi của người lớn nham nhở khi thấy những cô bé đi cùng người lớn. Chúng tôi khi đó, đến rạp là kéo lũ em nhóc tỳ theo bắt làm bình phong che chở cho đàn chị! Rồi còn đại nạn thuốc lá cháy nghi ngút trong phòng làm nhức bưng cái đầu sau khi xem, thời ấy chưa cấm và cũng may mắn thế nào mà không nghe cháy rạp xi nê gì cả.


Rạp chớp bóng, danh từ thân thương của VNCH ngày xưa nay còn đâu?

Thế kỷ thứ 21 thì đi xem phim khoa học giả tưởng mới nhất của đạo diễn Pháp tên họ là Luc Besson. Cuốn phim này là cuốn thứ sáu, tốn kém cả trăm triệu đô la với cái tên “Valérian et la cité des milles planètes,” tạm dịch Valérian và thành phố của một ngàn tinh cầu. Với số vốn chính xác 180 triệu đồng Tây, đây là cuốn phim đắt đỏ nhất chưa từng thực hiện lần nào bởi một hãng phim độc lập EuroparCorp do chính đạo diễn Luc Besson làm giám đốc.

Cuốn phim mà chúng tôi đi coi trong tuần khi có đầy đủ ba thế hệ trong nhà nhân lúc hè về bên Tây này lại thành công khá lớn so với bên Mỹ là nơi nó chào đời. Dân Pháp ủng hộ gà nhà đi coi ào ào dù bị đám trẻ trong khoảng 14 đến 18 tuổi chê là lập lại những màn cũ rích cóp từ mấy phim trước cũng của Luc Besson làm ra. Đám già chúng tôi và đám papa maman còn chưa tới trung niên thì khen ngợi vì ép-phê đặc biệt rất nhiều, hơn 2,700 cái làm lác mắt. Từ hôm thứ Sáu mấy tuần qua cuối tháng Bảy đến nay phim chỉ được sắp hạng năm trong mấy ngày đầu tiên ra mắt trên 3,553 rạp chớp bóng tại Mỹ. Cuốn phim chiến tranh vĩ đại Hoa Kỳ -Anh - Hoà Lan mang tên Dunkerque của đạo diễn Christopher Nolan chiếm thượng phong với số thu $50.5 triệu đô la cho đến cuối tuần. Phim Valérian chỉ thu về có $17 triệu vì chủ đề phỏng theo tranh vẽ khoa học giả tưởng của hai tác giả Pháp.


Hai tài tử chính trong phim và đạo diễn Luc Besson lúc ra mắt phim.

Nhân vật chính trong phim là hai tài tử trẻ nam nữ standard đến nỗi tôi chỉ để ý đến nam tài tử đóng vai phụ gốc Á Châu thật bảnh trai đến giờ chưa tìm ra manh mối tên tuổi. Riêng về Rihanna vừa gặp Tổng Thống Macron tuần rồi đã mất hàng chục ký lô khi đóng phim lần đầu tiên với đạo diễn Pháp. Thì ra, để chui lọt vào bộ đồ công chúa như cái khuôn ôm sát nút thân hình sexy của nữ ca sĩ danh tiếng, cô nàng phải gầy bớt đi.

Xem xong và đọc lời diễn giải chúng tôi mới ngợ ra vì phim quá dài và quá nhiều chi tiết đố ai nhớ hết! Rihanna kể lại bộ đồ làm bằng chất dẻo latex làm cô nóng hừng hực và đổ mồ hôi như tắm nên cứ phải ngừng quay để thấm bớt. Nhân vật cô đóng nhớt nhảy tên là Glamopod, quái vật ngoài hành tinh. Và như tôi có ghi lại trong bài cũ, con glamopod thân thiện với hai nhân vật chính trong phim cuối cùng bị bọn gian ác làm tử thương. Rihanna cho biết đạo diễn Pháp rất chăm chú nghe lời tài tử đóng phim và thường hỏi họ thích vai mình hay không, nếu có thì tốt quá còn không thì tại sao.

Luc Besson luôn muốn truyền đi cảm hứng của mình để làm mọi người cùng yêu thích đóng phim. Ông đã nói là chờ đợi suốt cả đời mình để làm ra nó. Dù sao đi nữa, công ty ông không hề lỗ vốn và khán giả Pháp vẫn quyết tâm ủng hộ gà nhà đến cùng. Vào lúc cập nhật bài này, ngày 14 tháng Tám, chỉ tiêu tăng lên khá hơn với hơn 1,600,000 vé vào cửa tại chỗ. Tính ra với tám đồng một vé thì số thu vào hơn 13 triệu đồng cộng với 60 triệu khắp thế giới là 73 triệu. (nd)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT