Người Việt Khắp Nơi

Câu chuyện thương tâm của một đồng hương vừa bị cháy nhà

Saturday, 27/01/2018 - 10:39:38

Thấy hoàn cảnh thương tâm của ông, tôi an ủi ông, “Sông có khúc, người có lúc, chẳng may bị thế này, bây giờ ông có muốn cộng đồng giúp đỡ trong lúc ngặt nghèo này không?”

'Tôi chấp nhận mất tất cả để được vợ tôi trở về với tôi'

Bài THANH PHONG

GARDEN GROVE - Giữa đống đổ nát đầy tro bụi và nước chữa lửa vẫn còn lênh láng từ trong nhà ra đến ngoài đường, người đàn ông 56 tuổi, anh Michael Phạm bới những đồ đạc bị cháy như đang tìm một vật gì quý giá lắm. Đợi anh ngẩng đầu lên, tôi lên tiếng chào, anh quay ra, đôi mắt đỏ hoe, thất thần nhìn tôi rơm rớm nước mắt vào chiều thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018.
Tôi hỏi, “Anh đang tìm cái gì vậy?”


Căn nhà rộng 3,500 square feet nay chỉ còn là đống tro tàn. Chỉ tay vào chiếc Lexus, ông Michael Phạm nói, “Chiếc xe này lúc trước tôi mua tặng cho vợ. Lúc đó, vợ tôi xúc động lắm bác ạ. Bây giờ xe nằm đây mà người thì biền biệt nơi đâu? Tôi nhớ vợ tôi quá bác ơi!” (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Lát sau anh tìm được một chiếc kính đeo mắt chỉ còn một tròng, anh đeo vào và tìm thêm được chiếc quần lót chưa bị cháy nằm trong cái vali nhỏ, anh mừng rỡ giơ chiếc quần lót lên nói bâng quơ, “Ồ, còn được cái quần lót cũng đỡ.”

Sau đó anh thấy mấy chiếc quần Jean ướt sũng nước, anh lượm bỏ vào một góc rồi bước ra nói chuyện với chúng tôi.


Ông Michael Phạm với tấm màn nhựa quấn che người, đứng xem lửa thiêu hủy ngôi nhà mà ông đã sống trong 20 năm. Hình này do một người hàng xóm thâu bằng điện thoại và cung cấp cho đài CBS LA.

Anh tâm sự, “Sáng hôm qua (thứ Năm), khoảng 8, 9 giờ tôi đang tắm bỗng nghe thấy tiếng chuông báo động cháy ở trong nhà, nhìn vào phòng khách nơi tôi để máy móc làm văn phòng làm việc, thấy lửa phực lên to, tôi lấy chiếc khăn tắm đang ướt chạy ra chụp vào đống lửa hy vọng cứu nhà khỏi cháy, nhưng ngọn lửa càng bùng lên to hơn, tôi sợ quá chạy rất nhanh ra ngoài la hét, bà con lối xóm chạy tới.

“Thấy họ nhìn mình chằm chằm tôi ngó xuống mới biết mình đang trần truồng, thật sự lúc đó mình không còn nghĩ cái gì hết chỉ cố làm sao thoát thân nên khi thấy mình đang trần truồng, tôi lấy hai tay bụm cái chỗ đó lại rồi một người đưa cho tôi tấm khăn mỏng dính, tôi quấn vào, đứng chết trân nhìn ngọn lửa thiêu rụi căn nhà và tài sản của mình bao nhiêu năm làm ăn, chắt chiu gầy dựng bỗng chốc trở thành tro bụi!”
Tôi hỏi anh, “Lúc lửa cháy vợ con anh đâu? Có ai làm sao không và anh có biết nguyên do làm sao cháy không?”


Ông Michael Phạm đứng xem nhà bị cháy trong sự bàng hoàng vào sáng thứ Năm. (CBS LA)

Anh Michael Phạm cúi mặt xuống, cố nén xúc động trả lời, “Vợ tôi không có ở nhà, hai cháu tốt nghiệp UCI đi làm ở xa nên không có ai bị gì cả.”

Rồi anh nói tiếp, “Tôi thương vợ tôi lắm bác ạ, cô ấy không phải người xấu, cô ấy bị bệnh. Tôi ở Saigon, vượt biên lúc 15 tuổi trước khi miền Nam mất hai ngày, qua đảo tôi quen với cô ấy, sang Mỹ vài năm sau chúng tôi kết hôn, sống với nhau mấy chục năm nay, có với nhau bốn đứa con, cùng nhau làm lụng nuôi các cháu ăn học. Từ ngày lấy nhau đến giờ chưa khi nào vợ chồng tôi xa nhau quá tám ngày, nay cô ấy tự nhiên xa nhà đã tám tháng, không hề thư từ hay điện thoại cho tôi biết cô đang ở đâu, làm gì; tôi buồn lắm, khổ lắm bác ơi! Tôi nghĩ có một ẩn khúc gì đó mà tôi chưa tìm ra khiến vợ tôi ra đi. Hàng đêm tôi nhớ vợ tôi, tôi khóc. Tôi lại chiếc giường vợ tôi vẫn nằm đứng nhìn và nước mắt cứ thế trào ra!”
Ông lập lại mấy lần câu “Tôi thương nhớ vợ tôi lắm.”


Với cặp kính đeo mắt vừa tìm được chỉ còn một tròng, ông Michael Phạm đang tìm lại những vật kỷ niệm của gia đình nhưng đã biến thành tro bụi. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Sau đó, ông xúc động kể tiếp, “Tôi đang sửa lại căn nhà, tân trang lại nhà bếp, mua những thứ thật đắt tiền về làm cho cái nhà bếp tối tân để đón vợ tôi về. Tôi nghĩ chỉ còn vài tuần nữa Tết rồi, hy vọng cô ấy về để vợ chồng, con cái đoàn tụ ăn Tết. Tôi nghĩ, khi trở về, nhìn thấy căn nhà đã sửa sang, nhà bếp đẹp đẽ, vợ tôi chắc sẽ sung sướng lắm vì có một người chồng cũng có bản lãnh. Nào ngờ, bỗng chốc trở thành tro bụi, hy vọng tiêu tan, tôi buồn quá bác ơi, khổ quá bác ơi! Còn nguyên do làm sao cháy thì cảnh sát đang điều tra, tôi không biết, lúc đó tôi đang tắm.”


Ôm tấm ảnh chiều thứ Sáu, ông Michael Phạm nói, “Bác chụp cho tôi tấm hình tôi đang ôm bốn con tôi. Tôi nhớ vợ, con tôi lắm bác ơi!” Tấm hình được giữ trong xe nên còn nguyên vẹn. Nhà của ông bị cháy rụi vào sáng thứ Năm, giờ ông phải ở tạm motel và cần sự an ủi về tinh thần từ tha nhân. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Ông Michael Phạm cho biết, căn nhà của ông mua cách đây 20 năm, nhà có ba phòng ngủ, phòng nhỏ nhất cũng 150 square feet, toàn bộ nhà ở rộng 3500 square feet, đất rất rộng.

Ông chỉ tay sang căn nhà đối diện nói, “Căn nhà đó là nhà ông chủ cây xăng mà ngày xưa ông Nguyễn Cao Kỳ đứng bán xăng cho ông ấy đấy. Nhìn quanh, khu này là khu nhà ở khang trang thuộc giới trung lưu.”
Đang nói chuyện với nhau bỗng sực nhớ ra điều gì, ông nói, “Bác đứng đây đợi tôi một tý.” Ông đi nhanh tới chiếc xe hơi, mở cửa lấy ra một tấm hình khá to đã đóng khung, ông ôm tấm hình nói với chúng tôi, “Tôi may mắn, còn sót được tấm ảnh bốn đứa con, tôi để trong chiếc xe kia nên không bị cháy, bác chụp cho tôi tấm hình tôi đang ôm các con tôi vào lòng. Tôi nhớ vợ con tôi quá bác ơi!”

Trên một miếng vách phía trước nhà, cảnh sát dán một thông báo cấm không cho ai vô nhà vì có thể gặp tai nạn, vì thế người chủ nhà dẫn chúng tôi đi quanh khu đất phía ngoài và chỉ cho chúng tôi những cây ông trồng, toàn cây nhiệt đới, trong đó có cây mít đã có hai trái lấy giống từ Thái Lan rồi những cây này cây kia, nhưng ông vẫn chú trọng đến vợ.

Chỉ tay vào chiếc xe Lexus màu trắng đang đậu ngoài sân còn nguyên vẹn, ông Michael Phạm nói, “Chiếc xe này lúc trước tôi mua tặng cho vợ tôi nhân ngày Birthday của cô ấy; lúc đó, vợ tôi xúc động lắm bác ạ. Bây giờ xe nằm đây mà người thì biền biệt nơi đâu? Tôi nhớ vợ tôi quá bác ơi!”

Rồi ông chỉ vào một chỗ ở góc phải căn nhà từ ngoài đường nhìn vào và nói, “Đó là phòng của vợ tôi, hàng đêm tôi lại ngó cái giường vợ tôi nằm trước khi đi ngủ, tôi lại khóc, thương vợ tôi quá. Không biết giờ này vợ tôi làm gì, ở đâu?”

Ông tự tay thiết kế những bồn hoa, trồng những cây hiếm quý trước và sau nhà; trong một chiếc bồn bông do ông tự xây có ghi con số 9301 là số nhà của ông, nằm trên đường Royal Palm Blvd thuộc thành phố Garden Grove. Ông kể, hồi đó ông bà nhạc gia tôi rất quý tôi, ông bà có nhiều con nhưng vào cuối đời, ông ở với vợ chồng tôi 10 năm trước khi hai ông bà vĩnh viễn ra đi. Tiêu, tiểu gì cũng một tay tôi lo cho ông bà mà chưa một lần nào tôi nhăn mặt. Không phải để kể công gì đâu, chỉ muốn cho bác biết, tôi là con người như thế nào. Tôi coi bố mẹ vợ như bố mẹ đẻ của mình, không phân biệt, nên ông bà qúy mến và cũng coi tôi như con ruột của ông bà vậy.”

Thấy hoàn cảnh thương tâm của ông, tôi an ủi ông, “Sông có khúc, người có lúc, chẳng may bị thế này, bây giờ ông có muốn cộng đồng giúp đỡ trong lúc ngặt nghèo này không?”

Ông đáp, “Điều đó thì quá quý. Tôi không mong đồng hương mình giúp đỡ tiền bạc gì đâu, tôi mong nhận được tình thương của mọi người, những lời an ủi, những sự giúp đỡ cấp thời nó thể hiện cái tinh thần đùm bọc, lá lành đùm lá rách của người Việt mình. Tôi cũng xin cám ơn nhật báo Viễn Đông đã đến đây chứng kiến cảnh khốn khổ của gia đình tôi. Điện thoại của chúng tôi đã cháy tiêu hết rồi, tôi đang ở tạm motel, vì thế nếu đồng hương thương tôi, xin gọi cho bạn tôi là anh Trần Cao Sơn, tôi và anh Sơn là bạn học từ hồi mẫu giáo, chúng tôi thân nhau từ đó đến giờ, anh Sơn luôn hết lòng giúp đỡ tôi. Điện thoại của bạn tôi là (714) 222-2838.”

Trước khi rời khỏi căn nhà nay chỉ còn là đống tro tàn, anh Michael nắm chặt tay tôi nói lời cám ơn, và một lần nữa anh lại nói, “Tôi thương nhớ vợ tôi lắm bác ơi.”

Sau khi về nhà, chúng tôi đã thông báo ngay cho ông Phát Bùi, Phó Thị Trưởng thành phố Garden Grove và cũng là Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali để xem ông có cách gì giúp đỡ cấp thời cho người đồng hương này. Ông Phát Bùi đã nhanh chóng liên lạc và sau khi nói chuyện với ông Sơn, ông Phát Bùi đã gọi lại báo cho chúng tội biết, hiện nay ông Michael Phạm được Hội Hồng Thập Tự giúp cho mỗi ngày khoảng hơn $50, ở tạm trong motel trong khi chờ sự giải quyết của hãng bảo hiểm.

Nếu ông Michael Phạm cần, ông Phát Bùi có thể giúp ông xin đến ở trong một chỗ dành riêng cho những nạn nhân thiên tai, hỏa honạ, còn về quần áo thì ông Sơn đã đưa quần áo của mình cho ông Michael mặc đỡ. Tuy nhiên nếu đồng hương nào có lòng giúp ông Michael trong hoàn cảnh ngặt nghèo này xin cứ liên lạc với ông Trần Cao Sơn qua số điện thoại vừa nêu.

Ông Michael Phạm hy vọng vợ ông đọc được bản tin này và trở về cùng ông chia sẻ những đau khổ trong tai nạn đau thương này và cùng nhau xum họp bên con cái trong dịp Tết Nguyên Đán dù không còn căn nhà đầy ắp kỷ niệm suốt 20 năm qua.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT