Phóng Sự

Câu chuyện sống sót của một nữ bệnh nhân ung thư vú gốc Việt

Friday, 20/10/2017 - 09:21:55

Chị Mimi Ngô bày tỏ mong muốn sẽ giúp đỡ những ai muốn hỏi thêm những thông tin gì trong quá trình điều trị ung thư, xin hãy liên lạc với chị số điện thoại cell 714-642-9205 (xin để lại lời nhắn, nếu Mimi Ngô không bắt máy, hoặc text).

“Khi mình mổ xong thì bác sĩ sẽ gắn một cái ống nơi mổ, treo vào ống là một cái túi nhỏ để đựng nước chảy ra từ vết thương ra. Tôi có đến ba cái túi để đeo lận. Hai cái ở hai bên hông và một cái ở ngực nơi mổ.”

Bài BĂNG HUYỀN

Ung thư vú (breast cancer) là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Mỹ, ngoại trừ đối với bệnh ung thư da. Khoảng 1 trong 8 (12%) phụ nữ ở Mỹ sẽ phát triển ung thư vú xâm lấn trong suốt cuộc đời của họ. Ung thư vú là nguyên nhân thứ hai dẫn đến tử vong ung thư ở phụ nữ. Tại thời điểm gần đây có hơn 2.8 triệu người sống sót ung thư vú ở Hoa Kỳ. (Điều này bao gồm phụ nữ vẫn đang được điều trị và những người đã hoàn thành điều trị.)

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không phải là không thể phòng tránh hoặc điều trị được. Các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu không ngừng nghỉ để tìm ra các phương pháp sàng lọc phát hiện và điều trị ung thư. Tuy nhiên, sự thành công trong điều trị ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố (loại ung thư, sức khỏe người bệnh, giai đoạn ung thư). Do vậy phải hiểu rõ về bệnh ung thư mình bị mắc phải và có hướng điều trị thích hợp là rất quan trọng. Khi hiểu sai về nó và có hướng điều trị không thích hợp thì sẽ làm cho bệnh trở nên trầm trọng và khó cứu chữa hơn.

Bài viết này xin gửi đến độc giả câu chuyện về hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư vú của một nữ bệnh nhân, và học hỏi thêm những kinh nghiệm thực tế để chiến thắng căn bệnh quái ác này cũng như quá trình tái tạo lại vú sau khi giải phẫu của nữ bệnh nhân.


Người bị ung thu vú cần sự hỗ trợ về tinh thần của gia đình và bạn bè, từ giai đoạn chữa trị cho đến tái tạo cơ thể sau thời gian lành bệnh. (Getty Images)

Nhận được hung tin

Chị tên Mimi Ngô, 49 tuổi, là một dược sĩ người Mỹ gốc Việt, có chồng cũng là một dược sĩ và hai con sinh đôi, sống tại quận Cam. Trong một lần khám sức khỏe định kỳ mammogram vào tháng 7, 2016, chị hết sức bàng hoàng khi nhận được hung tin rằng chị đã bị ung thư vú. Cũng như tất cả các bệnh nhân khác, khi nghe bác sĩ thông báo về bệnh trạng của mình, chị cảm thấy sợ hãi và lo lắng vì nghĩ rằng "bị ung thư là chết chắc," rồi chị nghĩ đến hai con của mình chỉ mới 13 tuổi, vẫn còn cần có mẹ ở bên để bảo bọc, chăm sóc, kèm theo là những lo sợ về những đau đớn về thể chất và tinh thần mà chị phải chịu đựng trong thời gian tới.

“Tôi ăn uống rất điều độ, bữa ăn hằng ngày thường ăn rau sống, trái cây, mỗi ngày đều tập thể dục hai tiếng đồng hồ, rất khỏe mạnh, trong gia đình tôi, không có ai bị ung thư ngực hết. Vậy tại sao tôi lại mắc bệnh?” Chị Mimi Ngô đã không thể ngăn sự cay đắng toát lên từ giọng nói khi nhớ lại cảm giác biết tin mình bị bệnh.

Chị Mimi nói, dù chị là dược sĩ, đã có một số kiến thức y khoa nhất định, vậy mà khi biết mình bệnh ung thu chị cũng bối rối và thiếu tỉnh táo, ngỡ ngàng như bất kỳ ai. Chị không ngờ là ung thư vú có muôn hình muôn vẻ. Không ai giống ai hết. Vì vậy cách chữa trị cũng không giống nhau. Có người cần phải cắt bỏ hoàn toàn vú, hoặc cũng có thể thực hiện giải phẫu cắt bỏ một phần. Để quyết định loại thủ thuật cần thực hiện, các bác sĩ sẽ lưu ý đến độ tuổi của bệnh nhân, tình trạng sức khỏe, kích thước ngực, vị trí khối u và tế bào ung thư dựa vào kích thước khối u, mức độ di căn hạch nách, tình trạng di căn xa hay gần, người ta chia ung thư vú làm 5 giai đoạn: 0, I, II, III và IV.


Nữ tài tử Angelina Jolie là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất sống sót sau khi bị ung thư vú. Sự công khai lên tiếng của bà đã giúp cho công chúng quan tâm hơn đến một bệnh rất phổ biến. (Getty Images)

Giai đoạn 0 là ung thư tại chỗ, chưa có di căn hạch. Giai đoạn càng cao khi u càng to hoặc di căn hạch càng nhiều. Giai đoạn IV là giai đoạn cuối bất kể u to hay nhỏ, hạch di căn nhiều hay ít nhưng đã có di căn xa vào các phần như xương, phổi, gan, não. Vì thế bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm để đánh giá tình trạng toàn thân, gan phổi, não, xương, thận.

Nếu khối u ở quá gần núm vú hoặc kích thước vú không cho phép mô vú bảo toàn hình dạng bình thường sau giải phẫu, bác sĩ giải phẫu có thể đề nghị giải phẫu cắt bỏ toàn bộ vú.

Nếu bệnh nhân không muốn giải phẫu cắt bỏ toàn bộ vú, các bác sĩ có thể đề nghị hóa trị, làm nhỏ khối u vú trước khi thực hiện giải phẫu cắt bỏ một phần vú.

Chị Mimi Ngô khuyên, “Khi đi gặp bác sĩ, mình nên đi cùng một người hay hai người nữa, để họ nghe cùng với mình. Vì mình đang trong tình trạng lo âu, bác sĩ nói một đằng, mình sẽ nghe một nẻo, mình không còn tỉnh trí mà mình nghe nữa. Sự hỗ trợ của người thân rất quan trọng với bệnh nhân ung thư. Ngay như chính bản thân, tôi đã không thể tự quyết định được khi bác sĩ cho tôi tự chọn hai cách chữa trị, cắt bỏ ngực và chỉ cắt một phần tế bào ung thư của ngực hồi hóa trị, xạ trị. Ông xã chính là người cho tôi lời khuyên nên chọn cách nào. Vì anh là người ngoài cuộc, anh nhìn với cặp mắt rõ ràng hơn.”

Chị cho biết vì tế bào ung thư của chị nó nhỏ li ti như hát cát nên theo lời khuyên của chồng, chị đã đồng ý cắt bỏ hết một bên ngực. May mắn là tế bào ung thư chưa lan ra nên sau khi cắt bỏ ngực xong, chị không cần phải hóa trị, xạ trị và được tái tạo lại ngực mới ngay trong phòng mổ kéo dài 12 tiếng sau khi đã cắt bỏ ngực.

Theo chị Mimi Ngô, những ai phát hiện bệnh, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về mặt lợi và hại trong từng cách điều trị trước khi quyết định phương pháp nào là phù hợp với mình. Nếu bệnh ở giai đoạn nhẹ, chưa bị di căn thì chỉ cần giải phẫu cắt bỏ vùng quanh khối u (giải phẫu cắt bỏ khối u ở vú hoặc giải phẫu bảo tồn vú), nhưng với giải phẫu này, bác sĩ phải rạch rộng để loại bỏ u vú cùng các mô xung quanh, do đó kích thước vú cần lớn hơn khối u, để có thể sử dụng mô vú nhằm duy trì hình dạng vú bình thường sau giải phẫu và cần phải xạ trị sau giải phẫu để làm giảm tỷ lệ tái phát ung thư. Còn nếu kích thước nhỏ thì chị Mimi Ngô cho rằng nên cắt bỏ toàn bộ vú (giải phẫu mổ vú) sau đó tái tạo lại vú sẽ thẩm mỹ hơn, đây là cách chị đã chọn.

Tái tạo lại vú sau giải phẫu

Chị Mimi Ngô kể, bây giờ việc tái tạo lại vú ở các bệnh viện tại Mỹ hiện đại hơn xưa rất nhiều. Thủ thuật này thay thế da, đầu vú, và mô ngực bị mất trong giải phẫu cắt bỏ vú. “Giải phẫu tái tạo này có thể được thực hiện bằng cấy ghép lấy thịt và mỡ ở bụng của mình để đắp lên. Thành ra mình sẽ có bụng nhỏ lại và ngực thì vẫn bình thường.”

Từ kinh nghiệm của bản thân đã trải qua, chị Mimi Ngô chia sẻ, “Theo tôi hiện nay cách chữa ung thư ngực tại Mỹ các bác sĩ đều giỏi hết. Khi mới phát hiện bệnh, tôi rất bối rối khi có nhiều người khuyên tôi không nên chỉ tìm đến một bác sĩ mà còn phải tìm thêm một bác sĩ thứ hai để xem bác sĩ ban đầu mình tới gặp có chữa trị đúng cách hay không.

“Theo tôi mình chỉ nên làm vậy khi mà mình không có bằng lòng với những chẩn đoán của người bác sĩ đang khám cho mình. Khi tôi phát hiện bệnh, tôi đã đến bệnh viện UCI để chữa trị và chọn bác sĩ Erin Lin, lúc đó có nhiều người nói sao tôi không đi City of Hope, là nơi chuyên chữa trị về ung thư sẽ chữa giỏi hơn. Họ còn nói sao không đi bác sĩ Alice M. Police, giỏi hơn (vì bác sĩ tôi chọn từng làm việc cho bác sĩ Police và cũng từng là học trò của bác sĩ Police), khiến tôi rất hoang mang.”

Nhưng cuối cùng chị đã không bị những lời khuyên như vậy làm rối trí, vẫn chọn chỉ đi một bác sĩ là bà Erin Lin, vì “khi mình đi bác sĩ mà người ta đồn là giỏi, thì bác sĩ đó rất đông bệnh nhân, mình không thể lấy hẹn được, mà có lấy hẹn được thì họ cũng không có nhiều giờ dành cho mình. Trong khi mình đi bác sĩ cũng làm việc với bác sĩ giỏi, họ cho mình số cell phone, theo dõi mình từng ly từng tí thì điều đó tốt thôi, đâu cần phải tim bác sĩ mà ai cũng muốn đi. Mình cũng không nên đi thêm nhiều bác sĩ khác, vì những người ung thư ngực tại Mỹ hiện nay rất nhiều, mỗi lần lấy hẹn với một bác sĩ khác, mình cũng phải thực hiện lại tiến trình xét nghiệm lại từ đầu thì việc chữa trị của mình rất chậm trễ.

“Thậm chí đi gặp chỉ một bác sĩ thôi cũng đã lâu rồi. Bởi vì mỗi lần mình làm một xét nghiệm gì thì cần phải một đến hai tuần sau mới có kết quả. Ngay khi mổ cũng vậy. Phòng mổ rất đông, mình không thể nào nói tôi muốn mổ ngày mai là được, có khi là phải cả tháng trời mới book được phòng mổ. Ngoại trừ mình bị nặng quá, bác sĩ sẽ tìm cách để xếp cho mình vào mổ sớm.

“Tôi nghĩ mình nên tin tưởng bác sĩ, không nên nghe người này nói người kia nói, rồi lo lắng, hoang mang. Mà tâm lý không tốt cũng ảnh hưởng đến bệnh trạng của mình nhiều thêm. Mình đã bệnh rồi, quá lo lắng nên ngủ không được, ăn không được, sút cân rất nhiều, thì làm sao cơ thể chống lại được căn bệnh mình đang có đây.”

Chị nói khi điều trị ung thư luôn có một nhóm bác sĩ cùng làm việc, bàn về trường hợp bệnh tình của bệnh nhân. “Có cả bác sĩ chuyên đọc các kết quả xét nghiệm của mình nữa. Chứ không chỉ có một bác sĩ đơn thuần như mình nghĩ đâu. Sẽ có cả một nhóm bác sĩ cùng làm việc với nhau, gồm bác sĩ lo về mổ vú, và một bác sĩ lo về ung thư chung nữa, để họ kiểm tra gen của mình, nếu gen có gì không bình thường thì mình lại phải đi gặp bác sĩ về gen. Như tôi có phần đắp thịt và mỡ từ bụng để tái tạo ngực mới thì có thêm bác sĩ sửa sắc đẹp, để làm phẩu thuật này. Một lúc như vậy mình phải đi gặp bốn bác sĩ chuyên khoa. Sau khi mổ xong, thì mỗi ba tháng, sáu tháng phải đi tái khám lại để họ theo dõi quá trình lành bệnh của mình.”
Nói về kinh nghiệm giúp vết thương sau mổ mau lành và không lồi lõm xấu xí, chị Mimi nói may mắn là bác sĩ của chị rất kỹ, cứ ba ngày là thay băng cho chị, ngoài ra chị nghe lời bác sĩ dặn, đã tránh làm việc nhà, không lái xe một thời gian, cố gắng nghỉ ngơi thư giãn đầu óc bằng những bài nhạc đạo, đọc sách tĩnh tâm.
Để bồi bổ cho mình, chị tiếp tục thói quen ăn rau xanh như xà lách, ăn chất đạm như thịt, đậu hủ, cái chính là uống nước juice xay ra chung hỗn hợp gồm có trái thơm (có tác dụng chống sưng vết thương), gừng (giúp máu lưu thông) và nghệ (làm giảm sưng). Nhờ vậy bác sĩ khen vết mổ của chị lành rất nhanh và đẹp, không bị lồi.

Chị nói, “Có những cái mình làm bình thường, nhưng sau khi mổ xong, phải kiêng hết. Mình thấy đau thì không nên làm, đừng có cố. Tôi chỉ uống thuốc giảm đau một ngày khi còn trong bệnh viện, sau khi về nhà tôi không uống thuốc giảm đau nữa. Vì khi mình không uống, mà vết thương không làm mình khó ngủ thì nó cho mình biết nó sắp lành. Nếu mình làm cái thế này, mà cảm thấy đau, thì mình không làm nữa. Còn khi mình uống thuốc giảm đau, mình không biết đau, thì sẽ không tránh làm những thế bất lợi cho cơ thể. Mình nên nương theo sự đau của mình để mình vận động, đưa tay qua trái mà đau thì không nên đưa nữa.
“Sau một tháng, tôi có thể mở nắp thùng rác to ở nhà ra được. Vì trước đó chỉ cần nhấc lên một chút thì sức nặng của nắp thùng rác làm tôi đau. Nếu có mổ bụng thì vết thương lâu lành, sau một tháng rồi mà vẫn đau, tôi phải chống walker để đi, do vết thương chưa đàn hồi, nên kéo thịt mình xuống, làm mình đau, lưng khòm như bà già. Nhưng khoảng hai tháng thì tôi mới đi thẳng bình thường lại được, lúc đó vết thương đã lành bên trong.”

Chị kể thêm, “Khi mình mổ xong thì bác sĩ sẽ gắn một cái ống nơi mổ, treo vào ống là một cái túi nhỏ để đựng nước chảy ra từ vết thương ra. Tôi có đến ba cái túi để đeo lận. Hai cái ở hai bên hông và một cái ở ngực nơi mổ. Nếu ai bị mổ hai ngực thì phải đeo hai cái. Mới mổ xong, chất nước vẫn còn đọng trong người, khi đo thấy nước rỉ ra mỗi ngày xuống còn 5 cc thì bác sĩ mới cho lấy cái ống đó đi, lúc đó vết thương mới lành được. Nhiều người có thể từ hai tuần cho đến ba tuần đeo ống đó hoặc ngay lập tức có thể bỏ ống đó ngay được rồi.

“Riêng tôi phải đeo cái ống đó hai bên hông khoảng hai tháng, đeo cái đó rất khó chịu. Nếu mới có thì không sao, nhưng khoảng một tháng, thịt của mình nó muốn liền mà không được, vẫn có một lổ luôn có nước rỉ ra, càng đeo lâu thì càng đau dù năm thế nào hay đứng thế nào cũng đau hết. Nhưng bác sĩ của tôi có nói là nếu không đeo ống này, bịt lỗ này lại thì nước trong bụng nó chưa có thoát đi được, thì ông lại phải lấy kim chích vô bụng hút nước đó ra, còn đau hơn đeo ống này nữa. Thành ra tôi phải đeo.

“Ngày tôi rút được cái ống ra tôi đã chụp hình lưu niệm lại vì mừng quá. Khi ra ngoài, để che ba cái túi nước nhỏ này, tôi chọn mua váy đầm rộng che phủ và chọn áo phía trên hơi dầy để che phủ, vì thời gian sau phẩu thuật ngực mình không được mặc áo ngực vài tháng lận. Ngoài thị trường có bán những bộ áo có túi bên trong, mình có thể bỏ những bọc nước đó trong túi ở trên ngực hay dưới bụng. Nhưng kiểu đồ đó rất xấu, giống như đồ y tá mặc vậy, thành ra không thiết thực. Vì vậy không nên mua những bộ đồ đó, phí tiền lắm, chỉ cần sắm những váy dài rộng thùng thình và áo vải dày rộng bằng len thì tốt hơn.”

Khi mới mổ xong, để nằm ngủ, chị phải dùng một cái gối để đỡ bả vai, cánh tay của mình phiá bên mổ ngực, giúp chị nằm mà không đau. Khoảng hai tháng sau thì chị mới nằm không cần gối đỡ bả vai, cánh tay mình nữa. Khi ngủ, chị chọn nằm ngang và phía gần dưới chân giường để nửa đêm có thức dậy đi vệ sinh, thì chỉ cần rướn người một chút là chân chạm đất để ngồi dậy được rồi, nằm dọc thì khi bò dậy sẽ rất đau và khó khăn.

Trợ giúp của người thân

Theo chị Mimi Ngô, bệnh nhân ung thư rất cần sự ủng hộ nguyên một đại gia đình, nếu gia đình có đông người giúp đỡ thì tốt rồi, còn gia đình đơn chiếc, thì người bệnh nên nhờ đến bạn bè của mình và phải kiên nhẫn trong khi chữa trị. Vì phải đi gặp bác sĩ rất nhiều lần trong quá trình điều trị và tái khám để kiểm tra bệnh đã hết hẳn chưa.

Chị nói, “Đừng nên tự dằn vặt mình là tôi có làm gì sai để tôi bệnh ung thư, mình chẳng làm gì sai hết mà do cơ thể muốn bệnh thì bệnh thôi. Người phối ngẫu của người bệnh phải luôn trấn an bệnh nhân và phải thông cảm nỗi lo của người bệnh. Khi tôi bệnh, tôi hay lặp đi lặp lại câu hỏi với bác sĩ là hãy cho tôi biết là tôi có bình thường lại không? Mình hỏi hoài là vì mình muốn được trấn an. Người phối ngẫu phải giống như một bông gòn, thấm hết những lo sợ của vợ mình, thấm hết những nỗi ưu tư, mặc dù mình cũng buồn, nhưng phải cho vợ sự lạc quan, cắt nghĩa cho vợ biết, chứ đừng có la vợ. Chúng ta đừng nên để sự khó khăn đó làm mất đi hạnh phúc gia đình.”

Chị tâm sự, “Nếu chúng ta có niềm tin và tín ngưỡng thì chúng ta hãy luôn trông cậy vào ơn trên, cầu nguyện, tĩnh tâm và qua mọi biến cố không hay xảy đến cho chúng ta, chúng ta luôn luôn học được bài học vô giá, nó sẽ không đến với chúng ta thì sẽ không học được. Với tôi, bài học mà tôi có được là biết cảm thông hơn với những người cũng ở trong cảnh ngộ giống mình. Biết đặt lại những gì quan trọng trong cuộc đời mình.

“Biết cảm nhận hạnh phúc ở chung quanh mình, dù nó rất giản dị, như hành động nhỏ là cắt củ cà rốt nấu cho con ăn vốn rất bình thường trước khi bệnh, mà sau khi giải phẫu xong, lúc mình cắt được củ cà rốt, mình mừng lắm, vì đã không còn đau nữa. Mình luôn cảm ơn thượng đế mỗi ngày đã cho mình một sức khỏe, những gì mình có được chưa chắc đã quý, nhưng những gì mình không mua được là sức khỏe của mình, cái đó mới quý. Trước khi có bệnh, nhiều khi mình vùi đầu làm việc quần quật, hoặc không dành thời giờ cho những người thân thương của mình. Để khi mình bệnh xuống rồi, mình muốn làm gì đi nữa thì lại không làm được.”

Đối với chị hạnh phúc nay giản dị lắm, đó là những giờ ở bên chồng, con, bên bạn bè với một sức khỏe bình thường không bệnh tật, đó là hạnh phúc rồi, không muốn gì hơn nữa.

Chị bảo rằng hồi đầu khi mới biết bị ung thư, chị nghĩ mình đã chịu án treo rồi, không biết sẽ chết lúc nào. Nhưng chị có nói chuyện với bác sĩ điều trị, bà nói chị đừng lo, bà có nhiều bệnh nhân ung thư đã sống thêm 30 năm nữa, họ không chết vì ung thư mà vì những bệnh khác trong người. Chị cũng có biết vài người có ba, bốn ung thư trong cơ thể mà vẫn sống một thời gian.

“Tôi không biết ngày mai ra sao, bệnh có tái phát lại hay không, nhưng tôi luôn cảm tạ thượng đế và luôn nghĩ đến điều tốt, hướng thiện và sống tốt với hiện tại bên chồng con, người thân, bạn bè. Mà nếu có điều gì xấu xảy ra trong tương lai thì ít ra mình cũng có thể tự nói với mình là mình đã có những giây phút sống hạnh phúc nhất của cuộc đời mình rồi. Theo tôi biết phần lớn ung thư vú có thể chữa khỏi nếu phát hiện bệnh sớm. Vì vậy chị em chúng ta nên quan tâm đến việc kiểm tra ngực hằng năm rất quan trọng. Như bản thân tôi, năm ngoái khi lấy hẹn đi khám định kỳ rồi, tôi đã định bỏ, vì nghĩ là mình khỏe mạnh mà, đâu cần phải đi khám làm gì mất công. Nhưng vì lỡ lấy hẹn rồi, bỏ thì kỳ đành phải đi, nhờ vậy mới phát hiện sớm để chữa trị kịp thời.”

Chị Mimi Ngô bày tỏ mong muốn sẽ giúp đỡ những ai muốn hỏi thêm những thông tin gì trong quá trình điều trị ung thư, xin hãy liên lạc với chị số điện thoại cell 714-642-9205 (xin để lại lời nhắn, nếu Mimi Ngô không bắt máy, hoặc text).

“Tôi sẽ sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc nếu quý vị nào đang chữa trị hoặc sắp chữa trị muốn biết những kinh nghiệm mà tôi đã trải qua. Không có gì làm tôi vui bằng việc mình có thể giúp mọi người sắp trải qua những giây phút khủng hoảng nhất. Nếu tôi có thể giúp đem lại chút xíu gì ánh sáng, hay bình an gì cho họ thì tôi thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn.”
--

Mời đi bộ chống ung thư vú. “Making Strides Against Breast Cancer” (Cuộc Đi Bộ Vì Tiến Bộ Chống Ung Thư Vú) của hội Hội Ung Thư Hoa Kỳ sẽ được tổ chức vào sáng Chủ Nhật, 22 tháng 10, tại trung tâm nghệ thuật Segerstrom Center for the Arts, 600 Town Center Dr, Costa Mesa, CA 92626. Ghi danh lúc 7 giờ sáng, cuộc đi khởi hành lúc 8 giờ và chấm dứt khoảng 10 giờ.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT