Chuyện Nước Pháp

Câu chuyện như trong phim Hồ-Ly-Vút ở Paris

Monday, 03/04/2017 - 09:44:30

Có thể hàng chục năm sau, phim trường Hồ-Ly-Vút sẽ dựng lại cốt chuyện quá đặc biệt giữa tổng thống (tương lai) và đệ nhất phu nhân vì nó chưa từng có trên đời này. Tiền bạc thu về sẽ tràn ngập túi họ, sử sách cũng có chuyện lạ để lưu danh hậu thế.

Bài NGỌC DIỄM

Đọc chủ đề trên có liên quan đến cuộc đua ráo riết vào điện Elysée, chắc quý vị độc giả quý mến thường hay theo dõi tiết mục “Chuyện nước Pháp” đã đoán ra nhân vật chính trong chuyện là ai. Đó là Tiểu Tử hay Tiểu Đệ (xem bài Chân Dung 11 ứng cử viên) hoặc Vòng Tay Học Trò chính trị gia danh tiếng năm nay xấp xỉ tuổi tứ tuần. Tên họ ông là Emmanuel Macron (E.M.). Trong một quyển sách viết về tiểu sử ông này của nữ ký giả báo Figaro tên Anne Fulda với cái tựa rất ca tụng cá nhân (Emmanuel Macron một chàng trai trẻ quá toàn mỹ) do nhà xuất bản Plon phát hành, một số điều lý thú được tiết lộ ra.


Duyên ba đời giữa ứng cử viên tổng thống 40 tuổi và phu nhân 64 xuân xanh.  


Tên Emmanuel cũng khá đặc biệt, có nghĩa là Chúa ở bên con (nguồn gốc tiếng Do Thái Hébreu, lúc khác lại dịch nghĩa là thiên tử, con Trời). Cha mẹ ông kể lại rằng tuy vị con Trời này ai cũng tưởng là trưởng nam thật ra lại là thứ nam. Mẹ ông là bà Françoise Noguès-Macron (bác sĩ làm việc cho Sở An Sinh Xã Hội) đã bị mất đứa con đầu tiên, cha ông (cũng là bác sĩ, Jean-Michel Macron, làm việc trong một bệnh viện) an ủi phu nhân hết sức mình. Sau đó, họ đã có ông E.M.

Niềm vui tột bậc và sự an ủi cho người mẹ đau khổ sau biến cố lớn nói trên (theo thống kê tại Pháp, số trẻ con đầu tiên vừa sinh ra bị đột tử vì bất cứ vấn đề nào là khoảng từ 1 cho đến 2% - rất thấp) là đứa con trai thứ nhì. Mười tám tháng sau, họ có đứa bé kế tiếp, em trai của EM tên Laurent. Hai anh em rất khác biệt nhau, người anh thông minh học sớm biết đọc lúc lên năm. Người em bình thường và khi hai đứa trẻ con lục đục gây sự với nhau, đứa anh luôn luôn thắng với những câu nói lý luận làm cậu em cứng họng tuy nó chỉ muốn dùng võ lực. Từ nhỏ, chú bé đã có khả năng thích làm diễn giả trước mặt cử tọa.
Nhân vật kế tiếp là một trong hai vị phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời của người anh: bà ngoại tên Manette đến trước phu nhân Brigitte. Người sinh ra ông anh hiện giờ là ngôi sao chính trị trẻ trung (nhiều dân chúng thuộc nữ giới cũng như nam giới ít hơn chút đều ngõ lời tâm sự là họ sẽ bầu cho vị này nhờ tuổi tác của ông khiến bầu không khí chính trị bớt đi nét già nua đáng chán) khá buồn phiền vì bị bỏ qua. Bà Françoise nói trên, luôn muốn chứng tỏ là bà vẫn yêu thương con dù nó đã vuột mất khỏi vòng tay của bà.

Tại sao lại nhớ bà ngoại mà không đếm xỉa gì đến mẹ ruột (và cả cha ruột)? Câu trả lời thật đơn giản: cha mẹ cấm cản cậu con trai lớn không được yêu bà giáo sư hơn mình 24 tuổi và đã có ba đứa con! Thế còn bà ngoại thì khác, bà đã hết lòng đốc vô mọi chuyện và còn báo trước là đứa cháu sẽ không có hậu duệ nối dõi. Chúng ta thấy có vẻ như nhà chính trị trẻ tuổi tẩy chay bố mẹ vì sự chống đối tình cảm đầu đời của ông. Điều này về tâm lý rất quan trọng vì mối tình đầu tiên của nam nữ thường khi là thánh thiện và được họ ghi nhận rất lâu rất khó quên. Nếu bị cấm cản thì sự việc càng thêm rắc rối và có thể viết thành phim quay rất thơ mộng éo le như trường hợp ông EM.

Bà ngoại là người gần gũi ông rất nhiều và ông cũng rất thương bà có lẽ vì vậy mà ông không ngần ngại khi được cô giáo già sùng bái. Lúc họ phải lòng nhau thì ông mới 16 tuổi và phu nhân tương lai 40 cái xuân xanh lại có ba hậu duệ học cùng trường cùng lớp. Trên giấy khai sinh, họ cách nhau 24 tuổi chứ không phải là 20 (tính theo năm, 1953 và 1977). Giáo sư cưng học sinh giỏi và để ý đến nó quá mức nên tình cảm phát sinh giữa họ. Điều này cũng có thể xảy ra khá thông thường ở mọi nơi trên thế giới nhưng tựu chung rất hiếm khi kéo dài và cho kết quả tốt đẹp.

Có thể hàng chục năm sau, phim trường Hồ-Ly-Vút sẽ dựng lại cốt chuyện quá đặc biệt giữa tổng thống (tương lai) và đệ nhất phu nhân vì nó chưa từng có trên đời này. Tiền bạc thu về sẽ tràn ngập túi họ, sử sách cũng có chuyện lạ để lưu danh hậu thế.

Khi hai vị bác sĩ cha mẹ biết chuyện thì nền giáo dục cổ điển và sự hợp lý của đời sống khiến họ bất bình. Họ viết tối hậu thư cho bà Brigitte cấm không được gặp cậu bé cho đến khi cậu ta trưởng thành 18 tuổi. Hai vị bố mẹ học sinh còn vị thành niên nhận được câu trả lời, “Tôi không hứa bất kỳ điều gì.” Phần cậu bé lỳ lợm cãi lại cha mẹ vì cậu rời xa gia đình đi học ở Paris để giữ tự do luyến ái. Khi mẹ chất vấn tiếp tục có còn liên lạc với người yêu hay không, cậu trả lời thẳng thừng vẫn yêu nàng ta. Thế là do luật pháp ấn định, cậu bé ngày xưa được quyết định lấy số phận hôn nhân của mình và cậu giữ luôn trong lòng sự bất mãn cha mẹ đã không tán thành điều này.

Giới truyền thông đã ghi nhận đúng vì nhân vật chính trị tuổi trẻ tài cao này không hề nhắc tới gia đình của mình, trừ bà ngoại. Bà này vốn là một nhà giáo dạy tiểu học và bà cố ngoại thì mù chữ. Trọng tâm của ông Emmanuel chính là bên nhà vợ. Phu nhân Brigitte cũng nhắc lại rằng nhờ có sự ủng hộ hết sức của bà ngoại tên Germaine gọi thân mật là Manette mà họ chính thức cưới nhau năm 2007 (bà đã ly dị chồng trước là chủ nhà băng).

Nếu Manette cũng phản đối thì mọi chuyện đã an bài theo cách sống thông thường của xã hội bảo thủ là tránh những vấn đề quá tế nhị. Bà ngoại về cõi vĩnh hằng năm 2013 sau khi gọi tên đứa cháu yêu dấu trong vòng tay ôm của cô cháu dâu. Có hai câu ca dao của người Việt chúng ta nói rằng “chồng già vợ trẻ là tiên, vợ già chồng trẻ là duyên ba đời.” Thật đúng đến kỳ lạ, vì theo tác giả quyển sách đã thăm hỏi thân nhân của ông chồng trẻ thì dù có đem tặng những phụ nữ mỹ miều nhất nước Pháp ông cũng không thèm ngó tới.

Trong một quyển sách khác viết về đôi phu thê so le tuổi này, tác giả (cũng là một phụ nữ) đã tỏ rõ vì sao họ trung thành với nhau hết mực qua mấy câu viết rất ngụ ý thâm sâu. Ông Emmanuel lại cho thấy ông có đến hai chiếc nhẫn đeo trên hai bàn tay rất khác thường. Được tờ Paris Match chất vấn ông mới nói là chiếc thứ nhất do phu nhân tặng, chiếc thứ hai là do phong tục đám cưới rồi thì đàn ông xỏ nhẫn. Đúng như sách viết bà là cái la-bàn của ông, ông là kim chỉ hướng chính cho bà. Sự thông cảm tri-kỷ tương thân tương trợ sát cánh bên nhau - tuy hai mà một đã gắn bó họ với nhau suốt đời.

Chẳng những thế, trong cuộc tranh cử tổng thống chỉ còn có ba tuần lễ là hạ hồi phân giải, các con riêng của bà Brigitte đều hết lòng ủng hộ cha ghẻ. Người con trai trưởng của bà hiện là kỹ sư và bố của ba đứa trẻ (mà Emmanuel xem là cháu của ông) lãnh phần trông nom các mạng xã hội bầu cử. Người con gái thứ nhất là luật sư phụ trách một tổ nhỏ ủng hộ đảng cha ghẻ. Người con gái thứ nhì là bác sĩ chuyên gia về tim làm cố vấn sức khoẻ cho ứng cử viên tổng thống bố dượng. Ngoài sự trung thành với vợ và để được sự đáp trả sâu đậm của ba người con riêng, chính trị gia trước đó đã xem họ như con ruột và không muốn có đứa con nào khác nữa là vì thế. (nd)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT