Phóng Sự

Câu chuyện của xướng ngôn viên, MC Hồng Vân

Sunday, 19/07/2015 - 10:09:18

Làm MC một số chương trình văn nghệ, thơ văn của cộng đồng người Việt không chỉ tại Quận Cam mà còn ở Houston, San Jose, Washington, D.C.

Nghề xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình và MC trong cộng đồng người Việt tại quận Cam (tiếp theo)

Bài BĂNG HUYỀN

Câu chuyện của xướng ngôn viên, MC Hồng Vân

Đối với một người xướng ngôn viên, đọc làm sao cho hay, chính xác đã là khó. Đọc làm sao cho uyển chuyển, nhịp nhàng càng khó nữa. Nhất là với phần đọc truyện, người xướng ngôn viên phải làm nên “hồn cốt” cho câu chuyện bằng giọng đọc của mình. Một mình sắm mấy vai, cần phải chỉnh giọng liên tiếp khác nhau theo tâm trạng nhân vật trong truyện để câu chuyện trở nên sống động, tạo được ấn tượng đối với thính giả.
Đây chính là điều mà xướng ngôn viên Hồng Vân (Vanessa Hồng Vân Nguyễn) đã thành công khi phụ trách phần “đọc truyện” hàng tuần trên đài Voice Of America (VOA) suốt 16 năm (bắt đầu từ năm 1994, đến năm 2010 do đài hết ngân quỹ nên cắt chương trình). Giọng đọc truyền cảm, chuẩn theo âm giọng của người Hà Nội xưa, có âm sắc riêng biệt, xướng ngôn viên Hồng Vân qua phần “đọc truyện” đã để lại dấu ấn không phai trong trái tim nhiều khán thính giả gần xa.
Ngoài đài VOA, Hồng Vân đã từng là xướng ngôn viên của đài truyền thanh "Sống Trên Đất Mỹ" (từ 1991- 1992), đài Little Saigon Radio (làm khoảng 10 năm từ 1992), đài Văn Nghệ Truyền Thanh (cùng dẫn chung với MC Việt Thảo), Saigon Radio Hải Ngoại, VNCR. Song song với đài radio, nhờ có ngoại hình khả ái, nên chị còn là xướng ngôn viên truyền hình trong phần đọc tin tức trên đài Little Saigon TV, sau đó vì các chủ nhân tách ra thì đổi tên đài, nên chị cộng tác với đài Sài Gòn TV.
Hiện nay chị giúp cho đài FreeVN-TV của ông Bùi Bĩnh Bân. Chị cũng rất quen thuộc trong vai trò MC, ngay từ thập niên 1990 chị đã làm MC cho chương trình văn nghệ của hội Nghệ Thuật Âm Nhạc California (nhạc trưởng là Thomas Ngô), chương trình Tình Ca 1 thuở. Từng phỏng vấn các nhạc sĩ tên tuổi như Phạm Duy, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên. Làm MC một số chương trình văn nghệ, thơ văn của cộng đồng người Việt không chỉ tại Quận Cam mà còn ở Houston, San Jose, Washington, D.C.

Hồng Vân

Xướng ngôn viên chỉ là nghề tay trái

Nhưng nghề xướng ngôn viên, MC chỉ là nghề tay trái, Hồng Vân làm là vì yêu thích tiếng Việt, muốn trau dồi ngôn ngữ mẹ đẻ, muốn phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực truyền thông, văn hóa, còn nghề chính của chị là làm cho các cơ quan Corporation của Mỹ.
Tâm sự về mình, xướng ngôn viên Hồng Vân cho biết, “Hồi nhỏ, từ lớp mẫu giáo đến tú tài, Hồng Vân được bố mẹ cho đi học trường Pháp tại Sài Gòn. Hồng Vân chưa bao giờ học tiếng Việt ở trường mà chỉ tự học tiếng Việt ở nhà thôi. Vì vậy tiếng Pháp của Hồng Vân vẫn lưu loát hơn tiếng Việt. Dù không được học chữ Việt, nhưng rất yêu tiếng Việt, nên Hồng Vân tự trau dồi, học tiếng Việt.
“Hồng Vân rời Việt Nam từ lúc 17 tuổi để sang Pháp du học từ năm năm 1972. Tốt nghiệp Cử Nhân ngành Khoa học nhân văn (Humanities) và Chính trị kinh doanh Paris. Sau khi học xong, Hồng Vân thi tuyển và trở thành ủy viên công cán về nghi lễ hay phối trí các chuyến công du của thượng cấp, làm việc tại văn phòng bộ trưởng Pháp với nhiều đời bộ trưởng các bộ Gia Cư, Giao Thông, Môi Trường từ năm 1980- 1990.
“Đầu năm 1991, bố Hồng Vân bệnh nan y, ông vốn đã định cư tại Hoa Kỳ cùng mẹ và các anh chị em của Hồng Vân sau biến cố 1975. Nên vào năm 1991, Hồng Vân xin nghỉ phép một năm không ăn lương để qua Mỹ để chăm sóc bố giai đoạn cuối đời và sau đó Hồng Vân định cư luôn tại Mỹ từ đó đến nay.”
Trong thời gian đoàn tụ với gia đình ngay tại Quận Cam từ năm 1991, công việc đầu tiên của chị là dạy Pháp văn tại đại học Goldenwest College, Huntington Beach (1991-1992). Năm 1991, làm ở phòng thương mại Việt Mỹ, giúp bài trừ thuốc lá. Năm 1993-1996 làm Giám đốc thương vụ Á Châu của hãng điện thoại AT&T. Năm 1996-2000: Điều hợp viên chương trình Hiến Tủy Á Châu (Asian Marrow Matches). 2000-2011: hơn 11 năm làm điều hợp viên "One Legacy," Hiến tặng cơ phận.
Hiện nay chị là Điều Hợp Viên Cộng Đồng tại bệnh viện Fountain valley RH nên chị vừa tạm ngưng với đài Sài Gòn TV (chương trình Kinh Tế Tài Chánh phát hình hàng tuần, đồng nghiệp cùng phụ trách chung chương trình này Tony Bùi, vì công việc gia đình, tạm ngưng sáu tháng nay).
Nay chị chỉ còn giúp cho đài FreeVN về phóng sự cuối tuần và phỏng vấn nhân vật cộng đồng. Chị tự biên soạn câu hỏi và viết lời dẫn khi xuất hiện trong các chương trình này.
Chị cũng đã nhận được những phần thưởng cho sự dấn thân vào những công tác xã hội từ Tổng Thống Obama (2012), được vinh danh là một trong những phụ nữ xuất sắc năm 2008 do Hội Phụ nữ Doanh Nghiệp Á Châu Thái Bình Dương trao tặng vì đã có những hoạt động đóng góp tích cực cho cộng đồng. Nhận giải thưởng về truyền thông do Hội America News Media trao.

Cơ duyên đến với nghề xướng ngôn viên

Hồng Vân cho biết chị đến với công việc xướng ngôn viên và MC vừa tình cờ mà cũng như là một định mệnh.
Chị kể, “Hồi còn bé, ở Việt Nam, nhờ có năng khiếu về ngoại ngữ, mộng của Hồng Vân là lớn lên đi làm bộ ngoai giao tại một quốc gia nói tiếng Pháp (như Algerie, Maroc, Canada) vì Hồng Vân rất thich du lich và học hỏi về văn hóa khác nhau trên thế giới. Khi du học tại Pháp, trong thời gian sinh hoạt ở tổng hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, đài phát thanh France Culture có cho mỗi tuần 1 tiếng cho các sinh viên Việt Nam, nên Hồng Vân đảm nhận vai trò xướng ngôn viên, đọc truyện trên đài và những tin tức của tổng hội.
“Hồng Vân cũng đã làm MC trong những chương trình của tổng hội sinh viên tổ chức vào dịp lễ, tết, nên cũng khá quen thuộc với sân khấu. Khi sang định cư tại Quận Cam, vào năm 1991, Hồng Vân thấy báo đăng đài Sống Trên Đất Mỹ cần tuyển xướng ngôn viên, nên đến thử giọng. Đó là đài phát thanh đầu tiên tại California.”
Xướng ngôn viên Hồng Vân cho biết, “Tại Hoa Kỳ, muốn làm XNV truyền thanh hay truyền hình trong ngành truyền thông dòng chính, cần phải có bằng cử nhân về truyền thông báo chí (B.A. về Broadcast Journalism hoac Communications, như Leyna Ng dài CBS 2 và KCAL 9, hoặc Betty Nguyen đài NBC), sau đó luyện giọng hai năm mới được ngồi làm XNV.
“Riêng cộng đồng Việt Nam chưa có, lúc trước, nhật báo Người Việt có anh Đỗ Ngoc Yến và Lê Đình Điểu bên VNCR có mở một khóa huấn luyện để những ai thích vào ngành báo chí Việt, theo học, nhưng sau này hai ông mất rồi, thì không thấy ai mở lớp dạy như vậy nữa.”

Bí quyết nghề nghiệp

Đến với công việc xướng ngôn viên, MC Việt ngữ, thì cũng như các đồng nghiệp tại hải ngoại, chị phải tự khai phá một con đường hoàn toàn mới, không có trường lớp nào đào tạo. Vừa làm vừa nghe phản hồi từ khán giả và tự rút kinh nghiệm, tìm ra nhiều kỹ năng đọc để tự học, trau dồi cho mình.
Chị luôn có ý thức cầu tiến, học hỏi, rèn luyện. Những lời động viên của thính giả khích lệ để chị càng thêm gắn bó với nghề.
Về bí quyết để trở thành một xướng ngôn viên, MC, Hồng Vân chia sẻ, “Người làm cần phải yêu nghề, có sự chuẩn bị và nghiên cứu. Về xướng ngôn viên đọc tin tức, trước khi đọc một bản tin, xướng ngôn viên phải đọc trước báo chí, lúc trước chưa có internet, Hồng Vân phải đọc nhật báo Việt ngữ và báo của Mỹ, sau này có internet thì dễ rồi, chỉ cần vào online là đọc được.
“Nếu gặp các danh từ, tên riêng ngoại quốc mà xướng ngôn viên không rành, thì phải hỏi người quen giỏi những ngoại ngữ này xem phát âm ra sao, hoặc vào google translate, bấm danh từ riêng, hoặc tên để xem người Mỹ đọc ra sao, để đọc theo, chứ phát âm sai thì rất tai hại. Ví dụ TT Pháp Francois Hollande, đuôi đằng sau là câm, không có đọc rõ ra, mà nhiều người cứ đọc theo kiểu Mỹ tên của ông, nghe rất khó chịu.
“Xướng ngôn viên cần phải đọc chuẩn, càng không nên dùng chữ của Việt cộng, là những từ rất dễ gây phản cảm cho cộng đồng ở bên này. Đó là mình tôn trọng khán thính giả.
“Với công việc của MC, cũng phải có sự chuẩn bị chu đáo, khi nói đề tài nào, nếu là âm nhạc thì phải tìm hiểu kỹ và nắm vững tác giả âm nhạc, ca sĩ hát, tác phẩm ra đời khi nào… Khi nắm vững rồi thì mình sẽ rất tự tin.”
Làm MC, chị luôn tìm hiểu kỹ tài liệu. Chị học cách của Mỹ, một phút đầu (Ice breaker lúc đầu) phải tạo được hấp dẫn thu hút khán giả. Không nên dài dòng, vì càng nói dài, sẽ càng dở. Bên cạnh đó chị luôn chú ý cách dẫn phù hợp với đối tượng khán giả, theo thị hiếu của phần đông khán giả. Không đùa quá trớn và đụng chạm đến ai. Nếu khán giả phần lớn là lớn tuổi thì nói điềm đạm. Làm lâu thì nghề dạy nghề, nhưng phải biết học hỏi. Khi nhận làm MC, chị luôn nhờ người thâu lại để sau chương trình, về xem lại cách dẫn của mình để tránh những sai xót.
“Hồng Vân luôn lắng nghe lời góp ý mang tính xây dựng, không tự ái. Trong nghề này, phải luôn biết lắng nghe, nếu tự ái, chỉ thích nghe lời khen, mà không bao giờ muốn nghe lời chê, thì sẽ không khá nổi. Hồng Vân luôn cám ơn những người phê bình đúng, chẳng hạn khi kể chuyện cười, mặt mình nghiêm nghị, người nghe khi hiểu câu chuyện sẽ cười như vậy hay hơn là mình vừa kể vừa cười, sẽ rất vô duyên. Khi ai mới làm MC, cũng phạm những sơ xuất, Hồng Vân cũng không ngoại lệ. Những năm đầu làm MC, tôi rất hay ậm ờ, vì trong đầu còn dịch từ tiếng Pháp qua tiếng Việt để nói (do tiếng Pháp thạo hơn tiếng Việt), nhưng bây giờ cố gắng tránh được. Biết yếu điểm để khắc phục, luôn trau dồi, có tinh thần hướng thiện và luôn lắng nghe, tiếp thu những góp ý.”
Chị nói thêm, “Xướng ngôn viên truyền hình nếu không chuẩn bị trước phần tin sẽ đọc, mất tự tin, sẽ có sự căng thẳng, nó sẽ hiện lên khuôn mặt, lên ánh mắt khi xuất hiện trước máy quay. Xướng ngôn viên truyền hình khó hơn truyền thanh rất nhiều. làm bên truyền hình phải có vóc dáng, gương mặt dễ nhìn, ăn mặc phải hài hòa màu sắc, phải biết trang điểm. Vì khi quay hình, ánh sáng đèn trong phim trường rất dễ làm cho mình mập ra hơn 10 pound. Làm ở đài truyền thanh, mình mặc đồ sao cũng được, có tài liệu trước mặt để đọc. Còn truyền hình, không thể như vậy, xướng ngôn viên phải nhìn vào monitor (phương tiện hỗ trợ bằng kỹ thuật chạy chữ trên màn hình) do đó con mắt phải nhanh để kịp nhìn chữ để đọc, nhưng phải thật tự nhiên.
Chị cho biết niềm vui của chị khi làm xướng ngôn viên là được những khán thính giả gặp gỡ bên ngoài, đến chào hỏi, cho biết rất yêu thích giọng đọc của chị và thường nghe những chương trình do chị phụ trách.

Ưu tư về nghề

Nói về những nỗi buồn trong nghề và những trăn trở của chị về nghề xướng ngôn viên, MC hiện nay tại Quận Cam, Hồng Vân bày tỏ, “Khi Hồng Vân mới bước vào nghề năm 1991, lúc đó chỉ có hai đài TV và hai đài truyền thanh, do đó ít cạnh tranh. Quảng cáo còn giá cao, nên trả thù lao cho xướng ngôn viên còn khá. sau này vì có nhiều đài cạnh tranh, tiền quảng cáo trên truyền hình rẻ, nên nhiều chủ đài về mặt thương mại không đủ sở hụi, nên vài đài họ bắt chẹt XNV như trả ép, hoặc chậm chạp trong việc chi trả lương. Hoặc mướn những người không chuyên nghiệp, chỉ cần khuôn mặt xinh xắn nhưng ít kiến thức, hoặc mới định cư nên khả năng Anh ngữ yếu kém. Nhiều người sẵn sàng làm xướng ngôn viên miễn phí, chỉ để khán giả biết đến mình, để dễ làm thương vụ, đi lấy quảng cáo về cho đài, nhận tiền hoa hồng…
“Chị chỉ ước mong những ai đến với nghề xướng ngôn viên, cần phải học hỏi và tự khắc khe với chính mình, chứ không nên nói và đọc theo bản năng. Vì đọc, nói chuẩn trên truyền thanh, truyền hình chính là một cách để truyền lại cho những bạn trẻ Việt Nam sinh ra tại hải ngoại sự chuẩn mực trong phát âm tiếng Việt phổ thông.
“Những bạn trẻ này nếu xem truyền hình, nghe truyền thanh Việt ngữ với giọng đọc không chuẩn của xướng ngôn viên, họ sẽ không thể biết được tiếng Việt phổ thông phát âm như thế nào là chuẩn. Người làm truyền hình, truyền thanh, ngoài việc đưa thông tin còn cần giữ gìn bản sắc ngôn ngữ tiếng Việt, dù đó chỉ là cái tin nhỏ nhất.
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT