Mẹo Vặt

Cắt tỉa cây ăn trái – tổng kết

Tuesday, 23/06/2015 - 11:15:15

Cắt những cành gẫy, cành tổn thương, cành chĩa xuống đất, cắt những nhánh phụ chồng chéo để khai quang cho ánh sáng và không khí lọt vào, những cành còn lại có đủ không gian để phát triển.

Bài VŨ HẰNG



                         Ba dáng cây: Thân chính chủ đạo, thân chính biến thể, và ngọn cụt cành loe

Với cây ăn trái, nếu không được cắt tỉa, cây sẽ phát triển khá gian nan, lâu ra trái, hoặc kết quả không như ý muốn. Cắt tỉa cũng giúp cây sống còn khi chúng ta vừa đào cây lên rồi trồng lại trên một khu vườn khác. Nhà vườn chuyên nghiệp đưa ra rất nhiều qui tắc về cắt tỉa, mà Hằng học trước lại quên sau, ấy là chưa kể có lúc qui tắc này lộn với qui tắc kia, rồi đánh nhau lộn tùng phèo, làm mình rất nhức óc. Thôi thì em chỉ xin cố gắng tóm tắt một vài điều căn bản như thế này:
1. Cắt tỉa nên làm vào lúc cây đang ngủ, tức là khi đã trụi lá từ cuối thu đến hết đông, để khỏi làm cho cây quá “nhức nhối” vì thương tích. Đồng thời, cây trụi lá cũng giúp chúng ta dễ tìm ra những cành cần loại bỏ để dáng cây được nhẹ nhàng và năng lực tập trung.
2. Cắt những cành gẫy, cành tổn thương, cành chĩa xuống đất, cắt những nhánh phụ chồng chéo để khai quang cho ánh sáng và không khí lọt vào, những cành còn lại có đủ không gian để phát triển.
3. Cần nhận diện “suckers” và “watershoots” và loại trừ ngay những “kẻ hút máu, bú nhờ, ăn chặn” làm mất nhiều sinh lực của cây. Suckers mọc gần rễ, phát triển song song với thân chính. Watershoots là nhánh phụ, mọc từ cành chính, vươn thẳng vút cao giữa đám cành nhằng nhịt.
4. Cắt tỉa có 2 cách: Cắt trọn cành để tỉa mỏng tàng cây (thinning cuts) và cắt hớt ngọn mà vẫn để lại cành cây (heading cuts).


   Hớt ngọn đầu cành, làm cho cây xanh tốt, tạo thành nhiều “nhà máy chế biến thực phẩm” lâu dài cho cây.


- Cắt trọn cành (thinning cuts) là cắt những cành chính, mọc ngang trực tiếp từ thân cây, làm cho cành đó không phát triển nữa. Cắt trọn cành được áp dụng để khai quang cấu trúc của cây, giúp cây dồn năng lượng phát triển một số ít cành còn lại, trổ sinh ra nhiều trái lớn, thơm ngon hơn. Bạn đưa dao phạt chéo góc, sát gần điểm tiếp giáp giữa cành và thân, nhưng nhớ phải tránh cổ (branch collar), là những vòng ngấn khởi đầu trước khi cây trổ cành. Cắt ngang vào cổ sẽ gây thương tích và có thể làm cho thân cây bị thối.
- Cắt hớt ngọn (Heading cuts) là chỉ cắt bỏ một đoạn cành ở đầu ngọn. Làm như vậy, cây sẽ trổ sinh nhiều nhánh mới mọc thẳng lên từ phần còn lại ngay dưới chỗ bị cắt, làm cho cây rậm rạp hơn. Bạn chọn một vị trí gần một cái chồi nào đó, đưa dao phạt chéo cách chồi chừng ¼ ở phía trên chồi.
- Cắt ngắn cành: Là phối hợp của 2 cách trên, không đòi hỏi cắt sát vào thân để loại bỏ cả cành, nhưng cũng không chỉ hớt ngọn đầu cành. Điểm cắt cần vào sâu, và dừng lại ở một cành phụ mọc ngang khá lớn.
- Phối hợp những lối cắt trên để có kết quả tổng hợp: Cành mọc ngang mang trái, cành mọc thẳng trổ lá tạo thành những “nhà máy” chế biến thực phẩm lâu dài cho cây. Kết hợp hài hòa của cả 2 loại cành - mọc ngang và mọc thẳng - để tận thu kết quả cho hiện tại và tương lai.
5. Cắt tỉa để tạo dáng: Bạn có thể tỉa cắt cho cây mang một trong 3 dáng:
- “Thân chủ đạo” vút cao (central leader), làm trụ cho các cành chính bám vào, càng lên cao cành càng nhỏ lại, như hình kim tự tháp. Dạng cây vươn cao, chỉ thích hợp với những khu đất rộng, hoặc những loại cây lùn.
- “Ngọn cụt cành loe” trông như một cái chén đáy thon mình rộng, bởi vì thân chính đã bị cắt ngọn, và chừng 2 tầng cành, phát triển mạnh về chiều ngang. Nếu bạn muốn có cây thấp với những trái trĩu cành, vừa tầm tay hái thì đây chính là dạng thích hợp.
- “Thân chủ đạo biến thể” (modified central leader): Thân chủ đạo khá cao, nhưng khi phát triển được chừng 3, 4 tầng cành thì bị cắt ngọn, để không vươn cao thêm được nữa. Đây là dạng biến thể, mang đặc điểm của cả 2 loại cây trước.
Sau cùng, còn một điểm quan trọng chúng ta không thể bỏ qua: Trừ khi mình cắt vào tận gốc, sát bên thân chính, nếu chỉ cắt ở đầu ngọn, hoặc cắt nửa cành, thì cắt ở đâu là kích thích phát triển ở đó, thậm chí còn vào sâu tới 8 inches kể từ chỗ cắt. Mà đoạn cắt bỏ càng có nhiều chồi thì phần cành còn lại càng được hưng phấn để phát triển và mọc thêm nhiều cành non khác.
Thưa thật với các bạn, nghe chuyện này xong thì ông nhà em có vẻ ngậm ngùi lắm. Cậy răng ổng ra mới nghe được mấy lời rướm nước mắt: “Hổm rày nghe chuyện bên Tàu, có bà la-sát trả thù chồng, ra tay cắt vào tận gốc…. Phải chi bả chỉ cắt nửa chừng, để “cái cây” đó có thể mọc thêm ra thì đỡ cho ông ta biết mấy!”
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT