Hôm Nay Ăn Gì

Canh tôm bầu, mát lòng mát dạ

Thursday, 01/04/2021 - 08:56:56

Thử tưởng tượng râu tôm mà nấu với ruột bầu, cả hai thứ này đều là của bỏ đi, thế nhưng nó vẫn ngon.


(Tom/ Viễn Đông)

Bài TOM

Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon
(Ca dao)

Thử tưởng tượng râu tôm mà nấu với ruột bầu, cả hai thứ này đều là của bỏ đi, thế nhưng nó vẫn ngon. Cái chữ ngon ở đây không chỉ hiểu theo nghĩa bóng, tức ấm áp tình nghĩa vợ chồng, không khí thuận hòa, yên ấm… mà là sự ngon của vị giác, hiểu theo nghĩa đen. Bởi ruột bầu tuy là thứ bỏ đi, râu tôm cũng vậy, nhưng cả hai thứ này rửa sạch, nấu với nhau thêm mắm muối gia vị, nước để thành món canh, vớt toàn bộ xác, chỉ lấy nước canh, có được một bát súp ngọt lịm, thanh khiết. Đó chỉ mới là thứ bỏ đi, ngược lại, nếu lấy cơm bầu nấu với thân tôm thì sao?

Nói tới món này, tôi lại nhớ tới một người Raglai khác ở Bác Ái, Ninh Thuận, cái xứ sở nắng nóng như một chảo lửa vào buổi trưa, những buổi còn lại đóng vai trò bốn mùa trong năm. Tôi đặc biệt ấn tượng với cái thị trấn nhỏ này, một thị trấn nghèo, một cái nơi nghèo nhất nhì về vật chất và giàu nhất nhì về tâm hồn. Rất khó để tìm đâu ra một vùng đất mà ở đó, con người còn giữ được bản nguyên của mình, không tự biến mình thành một cái cây trang trí thời du lịch giống như nhiều tộc người thiểu số khác và kể cả tộc người đông đúc nhất – người Việt.

Sở dĩ tôi nói rằng hầu hết các tộc người trên đất nước này tự biến mình thành cái cây trang trí du lịch bởi dường như càng về sau, khi mà ngành du lịch phát triển phì đại, giấc mơ làm giàu từ du lịch len lỏi từ đường phố vào tận giường ngủ của đại bộ phận người Việt, yếu tố trình diễn mọi thứ mình có được bỗng dưng lên ngôi, phì đại tỉ lệ. Từ việc người ta biểu diễn nấu ăn, hát dân ca, múa dân gian, đánh lưới, bắt gà, bẫy chim, làm ruộng, làm vườn… Mọi thứ đều có thể biến thành một kịch bản trình diễn để thu hút du lịch. Đáng sợ hơn, người ta mang chính đời sống của mình ra để trang trí du lịch. Và khi đó, dường như người ta có thể bắt gặp cái cây trang trí mang tên đặc trưng, đặc thù, bản sắc khắp mọi ngõ ngách. Kỳ thực, đó là một vết thương dân tộc học đang mưng đau.

Bởi khi mọi thứ đều khoác chiếc áo trình diễn, đến một lúc nào đó, bản chất trình diễn sẽ thay thế cho tính thật và tính thật bị đẩy lên thành một loại trình diễn mới, theo lối hậu hái lượm. Cái sự hậu hái lượm này cũng phát triển khắp mọi ngóc ngách của cuộc đời. Nếu như văn hóa loài người đi từ chỗ hái lượm sang nông nghiệp và công nghiệp, đến hậu công nghiệp thì quá trình hậu công nghiệp ấy lại dẫn dắt người ta trở về với hậu hái lượm cho một bộ phận không nhỏ con người. Tại Việt nam, chuyện này nhìn rất rõ, rất dễ thấy. Những khu công nghiệp mọc lên bên cạnh những khu nhà ổ chuột, tồi tàn, và sự hiện diện của các khu công nghiệp này làm phát sinh một bộ phận dịch vụ kèm theo một bộ phận hái lượm không nhỏ. Thử nhìn về miệt Tây Nam Bộ hay nhìn sang những tộc người thiểu số ở bất kì vùng đất nào. Dường như thứ văn minh hậu hái lượm có mặt ngay trên cái nền hậu công nghiệp – bãi rác. Nói như vậy để thấy rằng càng trình diễn, càng huơ tay múa chân, người ta càng nhanh chóng chạm với cổ sơ trong bộ dạng lấm lem hiện đại.


(Tom/ Viễn Đông)

Và may mắn lắm mới còn một vài nơi, một vài tộc người vẫn sống theo nhịp điệu cố cựu của mình. Ở một nơi, chung quanh là núi, có một thung lũng hình lòng chảo, cái chảo ấy mưa chang và nắng cháy, không có tháp cổ, không có nhà thờ hay chùa chiềng, không rõ đâu ra một cái thư viện rất cổ, dường như người ta bỏ hoang cũng lâu lắm rồi. Nhưng cũng không ai đập bỏ đi. Bởi nó như một điểm tựa của rất nhiều ngôi nhà của người Raglai nghèo nàn, buồn bã và hồn hậu.

Người Raglai sống tự nhiên như một cái cây. Họ gần như ít tiếp xúc với ai mặc dù bản chất họ là người hồn hậu, dễ thương và không biết trình diễn. Tôi nhớ lần ấy, gia đình tôi ghé thăm một gia đình Raglai ở ngay thị trấn Bác Ái. Tám con người sống quây quần trong một ngôi nhà nhỏ, trình tường bằng đất sét giống như nhà trình tường của người Tày, Nùng ở Đông Bắc, Tây Bắc. Nhưng có cái khác là nhà trình tường của người Tày, Nùng đẹp, mát và vững chãi, còn nhà trình tường của người Raglai có vẻ tạm bợ và có gì đó buồn thảm. Nhưng có một điểm giống nhau là bước vào nhà trình tường của người Tày, Nùng hay nhà trình tường của người Raglai đều thân thiện, gần gũi và chắc chắn nếu gặp bữa, người ta sẽ mời bạn ngồi ăn cơm, mời thật tình và tự nhiên, bạn cũng không nên từ chối vì bị từ chối người ta sẽ buồn, nghĩ rằng bạn chê họ nghèo, mà sợ họ nghèo thì hà cớ gì không ngồi ăn chung dù một miếng nhỏ, sau đó tặng chút quà khéo léo!

Tôi đã làm thế, và đó cũng là cái may của tôi khi bữa cơm đó có món canh tôm nấu bầu. Đây là món mà bất kỳ người Việt nào cũng biết, nó dân dã vô cùng, nhưng với người Raglai, nó là món quí. Bởi trái bầu thì dễ trồng, dễ có nhưng con tôm thì hiếm và không phải ai cũng mua nổi một lạng tôm. Nó trở nên quí giá và ngon lạ thường.

Một khúc bầu chẻ thành từng miếng như khoai tây để chiên, một vài con tôm rửa sạch bóc vỏ. Tao sơ qua tôm với chút nước mắm, tiêu hành giã nhỏ, sau đó cho thêm khoảng hơn chén nước nóng vào, đợi nước sôi, cho bầu vào. Trong lúc canh sôi thì vớt các bọt trắng nổi bên trên, sau đó cho sôi chừng ba phút thì tắt bếp, múc canh vào tô, cho một chút tiêu bột vào canh và hành ngò xắt nhỏ bên trên. Xem như có một tô canh bầu ngọt, mát dịu.

Kính chúc quí vị ngon miệng và có bữa ăn vui vẻ, ấm áp!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT