Thế Giới

Cảnh sát Pháp bắn chết nghi can sát hại mẹ và chị ruột

Thursday, 23/08/2018 - 08:59:45

Trong khi đó, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáp ISIS đã nhanh chóng nhận trách nhiệm sự việc, nói rằng “nghi can tại thành phố Trappes là một chiến binh ISIS, và đã thực hiện sự việc để đáp lại lời kêu gọi tấn công nhắm vào công dân của các nước thuộc liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu.”

PARIS – Một người đàn ông cầm dao đã sát hại mẹ và chị ruột của hắn ta, và làm bị thương nghiêm trọng một người đi đường, trước khi bị cảnh sát bắn chết tại thành phố Trappes, phía tây Paris, theo Bộ Nội Vụ Pháp cho biết sáng thứ Năm. “Cảnh sát được thông báo lúc 9:30 sáng về một vụ tấn công trên đường phố ở Trappes. Khi đến hiện trường, họ nhìn thấy 2 thi thể trên mặt đất,” Bộ Trưởng Nội Vụ Gerard Collomb nói trong cuộc họp báo. “Kẻ tấn công đang ở trong ngôi nhà của mẹ hắn khi cảnh sát đến hiện trường,” ông Collomb nói. Kẻ này bị bắn chết khi đi ra khỏi nhà và cầm dao lao về phía cảnh sát.

Theo truyền thông, nghi can đã hô lớn “Allahu Akbar” (Thượng Đế vĩ đại) trước khi bị cảnh sát bắn hạ. Người này từng bị nhà chức trách chú ý vì truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, sự việc không bị coi là một vụ tấn công khủng bố. “Sự việc nên được coi là một vụ gây án của người tâm thần, hơn là hành động của một người nhận lệnh từ tổ chức ISIS,” ông Collomb nói. Trong khi đó, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáp ISIS đã nhanh chóng nhận trách nhiệm sự việc, nói rằng “nghi can tại thành phố Trappes là một chiến binh ISIS, và đã thực hiện sự việc để đáp lại lời kêu gọi tấn công nhắm vào công dân của các nước thuộc liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu.”

Ấn Độ từ chối đề nghị viện trợ của UAE
NEW DELHI - Chính phủ Ấn Độ vào thứ Tư đã từ chối đề nghị của Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), muốn viện trợ $100 triệu Mỹ kim cho một quỹ đặc biệt ở bang Kerala, sau khi đợt lũ lụt tại đây đã khiến hơn 400 người thiệt mạng. Quyết định của New Delhi được đưa ra bất chấp lời kêu gọi của thủ hiến bang Kerala, người đang hy vọng chính phủ sẽ hỗ trợ nhiều hơn và sẽ chấp nhận sự hào phóng của quốc gia vùng Vịnh. Thông cáo của Bộ Ngoại Giao Ấn Độ tuyên bố, dựa theo các chính sách hiện nay, chính phủ sẽ đáp ứng các nhu cầu hỗ trợ và tái thiết thông qua các nỗ lực nội địa. Bộ này thêm rằng các khoản tiền từ nước ngoài chỉ có thể được quyên góp thông qua các cá nhân hoặc tổ chức thuộc Ấn Độ.
Chính phủ New Delhi trước đây cũng từng nhiều lần từ chối viện trợ nước ngoài sau thiên tai, bao gồm cả lần từ chối trợ giúp sau trận sóng thần năm 2004. Theo giới chuyên gia, chính phủ Ấn Độ đang muốn chứng tỏ rằng họ có thể tự thân giải quyết mọi tình huống khẩn cấp trong nước. Tuy nhiên, việc từ chối viện trợ nhiều khả năng sẽ gây xung đột chính trị. Thủ hiến bang Kerala, ông Pinarayi Vijayan, đang yêu cầu được đàm phán cấp cao với chính phủ để được nhận tiền viện trợ từ Các tiểu vương quốc Ả Rập. Chính phủ Ấn Độ cho đến nay chỉ hứa hỗ trợ $97 triệu Mỹ kim, trong khi ông Vijayan đang yêu cầu $375 triệu Mỹ kim, và nói rằng các thiệt hại tại tiểu bang Kerala lên đến hơn $3 tỷ Mỹ kim. Trận lũ lụt vừa qua tại Kerala đã khiến hơn 420 người chết tính từ tháng 6, và khoảng 1.34 triệu người phải sống nhờ tại 3,300 trại tạm cư trên khắp tiểu bang.

Anh khuyến cáo gặp khó khăn vì Brexit
LONDON - Vào thứ Năm, chính phủ Anh đã khuyến cáo các công ty có giao thương với EU rằng, họ có thể sẽ đối mặt với nhiều thủ tục quan thuế rắc rối, bị trì hoãn ở biên giới, và tốn kém nhiều hơn với các khoản tiền trả bằng thẻ tín dụng, nếu chính phủ không thể đạt được thỏa thuận thương mại với EU trước khi Anh quốc rời tổ chức này. Dù vậy, Bộ Trưởng Brexit Dominic Raab nói, ông tin tưởng rằng 2 bên sẽ sớm giải quyết được vấn đề.
Anh quốc sẽ rời EU vào ngày 29 tháng 3 năm sau, và chỉ còn 7 tháng để đàm phán. Đề nghị của Thủ Tướng Anh Theresa May về một kế hoạch ưu tiên cho thương mại đã không gây được ấn tượng với các nhà đàm phán ở Brussels, đồng thời cũng bị chỉ trích dữ dội ở quê nhà. Sau hơn 40 năm gia nhập EU, việc rời khỏi tổ chức này khiến Anh quốc phải điều chỉnh lại mọi khía cạnh của cuộc sống. Theo thông báo của London, nếu Anh quốc rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận, việc di chuyển hàng hóa tự do giữa Anh và Liên Âu sẽ bị đình chỉ.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc không đạt được thỏa thuận thương mại Brexit sẽ gây tổn thất nặng cho nền kinh tế Anh quốc, cũng là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, vì EU là thị trường lớn nhất của nước này. Những người ủng hộ Brexit tại Anh tin rằng, việc rời khỏi Liên Âu có thể sẽ gây ảnh hưởng ngắn hạn cho nền kinh tế quốc gia, nhưng về dài hạn, nền kinh tế sẽ thịnh vượng trở lại nhờ được giải thoát khỏi các luật lệ của EU.

Duterte: Hoa Kỳ muốn đàm phán bán vũ khí
DAVAO - Vào thứ Năm, Tổng Thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte cho biết 3 viên chức trong nội các của Tổng Thống Donald Trump đang muốn đối thoại về kế hoạch mua vũ khí quốc phòng của Manila. Ông Duterte nói, ông đã nhận được lá thư được ký bởi Ngoại Trưởng Mike Pompeo, Bộ Trưởng Thương Mại Wilbur Ross, và Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis, khẳng định rằng Washington sẽ hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Phi Luật Tân. Vào tuần trước, viên chức Ngũ Giác Đài Randall Schriver đã đến thăm Philippines, và khuyên Manila không nên mua các hệ thống vũ khí của Nga.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân Delfin Lorenzana dự kiến sẽ gặp gỡ người đồng cấp Nga trong tuần này, để thảo luận về việc mua vũ khí từ Moscow. Lá thư của chính phủ Hoa Kỳ được ông Duterte đọc trong một sự kiện quân sự ở thị trấn Davao, nói rằng “mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước sẽ chỉ được phát triển thêm thông qua việc gia tăng đối thoại và hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh.” Lá thư cũng nhắc đến quyết định gần đây của Manila về việc mua trực thăng chiến đấu Bell và máy bay Cessna, là các sản phẩm của hãng quốc phòng Textron của Hoa Kỳ.
Ông Duterte nói ông sẵn lòng gặp mặt các viên chức Hoa Kỳ, nhưng sẽ không đến Washington để đàm phán. Tổng thống Phi Luật Tân trước đây từng thề rằng, ông sẽ mua các thiết bị quân sự hoàn toàn mới để chống lại các tổ chức phiến quân Maoist và Hồi Giáo, và sẽ không mua các vũ khí đã qua sử dụng của Hoa Kỳ. Manila từng hủy một hợp đồng mua súng trường tấn công của Hoa Kỳ, sau khi một số nhà lập pháp Hoa Kỳ vận động để ngăn chận hợp đồng này, nhằm phản đối chiến dịch chống ma túy đẫm máu của ông Duterte.

Congo chọn thêm các thuốc thử nghiệm trị Ebola
BENI – Cộng Hòa Dân Chủ Congo đã phê chuẩn thêm 4 loại thuốc thử nghiệm để chữa trị virus Ebola, trong nỗ lực khống chế đợt dịch bệnh đang bùng phát tại phía đông quốc gia, vốn đã khiến hàng chục người thiệt mạng. Bộ Y Tế Congo vào cuối ngày thứ Ba thông báo, Ủy Ban Đạo Đức đã cho phép sử dụng thêm các loại thuốc mới gồm Remdesivir, thuốc chống virus được sản xuất bởi hãng Gilead Sciences của Israel; thuốc ZMapp, một phương pháp chữa trị bằng kháng thể của hãng dược Mapp, có trụ sở ở San Diego; Favipiravir, thuốc chống virus sản xuất bởi hãng Toyama Chemical của Nhật; và một loại thuốc khác chỉ được đánh số là Regn3450-3471-3479.
Thuốc Remdesivir đã được dùng cho 1 bệnh nhân đầu tiên ở trung tâm chữa trị Ebola ở thành phố Beni vào thứ Ba, và Bộ Y Tế Congo cho biết người này cho đến nay “vẫn còn khỏe.” Trước đó, từ ngày 11 tháng 8, Congo đã cho các bệnh nhân dùng loại thuốc thử nghiệm mAb114, được phát triển bởi Viện nghiên cứu bệnh dị ứng và truyền nhiễm Hoa Kỳ. Mười bệnh nhân được dùng thuốc mAb114 cũng đang có “những tiến triển tốt.”
Đợt dịch Ebola hiện nay tại vùng phía đông Congo được thông báo vào ngày 1 tháng 8, chỉ vài ngày sau khi một đợt dịch bệnh khác ở phía tây quốc gia được tuyên bố đã kết thúc. Tính đến tối thứ Tư. Tổng cộng có 103 người đã được báo cáo có triệu chứng bị sốt xuất huyết tại các tỉnh phía đông North Kivu và Ituri, với 76 ca đã xác nhận nhiễm Ebola, và 27 ca bệnh vẫn còn nghi ngờ. Con số này cũng bao gồm 61 ca tử vong, với 34 người chết được xác nhận là vì Ebola. Trong số người bệnh có cả các nhân viên y tế.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT