Pháp Luật

Cảnh sát có quyền kiểm tra điện thoại di động của dân không?

Friday, 01/08/2014 - 10:55:06

Vai trò của cảnh sát là bảo vệ an ninh của quần chúng và xã hội. Để làm việc này, cảnh sát có quyền bắt giữ những ai họ nghi là tội phạm. Hơn nữa, luật pháp cho cảnh sát điều tra để tìm bằng chứng kết tội người bị nghi. Tuy nhiên, quyền của cảnh sát để chặn và kiểm soát người dân không tuyệt đối

LS Diệp Thế Lân



 
Vai trò của cảnh sát là bảo vệ an ninh của quần chúng và xã hội. Để làm việc này, cảnh sát có quyền bắt giữ những ai họ nghi là tội phạm. Hơn nữa, luật pháp cho cảnh sát điều tra để tìm bằng chứng kết tội người bị nghi. Tuy nhiên, quyền của cảnh sát để chặn và kiểm soát người dân không tuyệt đối. Tu Chính thứ Tư của Hiến Pháp Hoa Kỳ cấm mọi đại điện của chính phủ làm việc lục soát và tịch thu một cách vô lý. Khẳng định thế nào là một hành động lục soát và tịch thu “hợp lý” là một đề tài dễ gây tranh cãi vì có người sẽ ưu tiên hơn cho nhu cầu bảo vệ đám đông, còn có người sẽ ưu tiên cho quyền riêng tư của cá nhân.

Nói chung, một cảnh sát viên có quyền chặn tất cả mọi người để hỏi một số câu hỏi. Nếu trong cuộc trao đổi ấy hoặc căn cứ vào những sự kiện đã chứng kiến, người cảnh sát viên tự nhiên có một nghi vấn hợp lý (reasonable suspicion) là người bị chặn đã làm một điều gì phạm pháp, cảnh sát viên ấy có quyền rờ vào phía ngoài của người bị nghi để xét xem người ấy có vũ khí không. Cảnh sát chỉ có quyền móc túi của người bị nghi nếu rờ vào một thứ gì người cảnh sát nghi là một vũ khí hoặc là một thứ gì bất hợp pháp như là thuốc phiện, nhưng cảnh sát viên không có quyền lục soát thân thể người đó để “xem thử” có kiếm được bằng chứng gì không. Nếu muốn xét cho kỹ, người cảnh sát phải đi xin trát lục soát từ tòa.

Tuy nhiên, vì nhu cầu giữ an ninh, và tính cách gấp rút của nhiều trường hợp không cho phép cảnh sát có đủ thời giờ để ra tòa xin trát lục soát, luật pháp cho phép cảnh sát khám xét chi tiết trong một số trường hợp. Vào năm 1973, Tối Cao Pháp Viện đã cho phép cảnh sát nhìn vào một bao thuốc lá đã tìm thấy trong túi của một người đã bị bắt giữ. Nguyên do là vì Pháp Viện đã muốn giúp bảo vệ cảnh sát, và tránh tình trạng cho người bị nghi có cơ hội phá hủy bằng chứng cần có.

Cách đây vài tuần Tối Cao Pháp Viện đã quyết định hai vụ kiện mới cũng liên quan đến quyền điều tra của cảnh sát khi chưa xin trát tòa. Trong cả hai trường hợp, phía chính quyền đã cãi là sau khi một ai đã chính thức bị bắt, cảnh sát có quyền mở và kiểm soát nội dung điện thoại di động của người ấy, dù không có trát tòa, vì một điện thoại cũng không khác gì những thứ khác trên người của mình, như một gói thuốc là hay một gói thuốc phiện.

Trong cả hai vụ kiện này, Tối Cao Pháp Viện đã không chấp nhận lý luận của phía chính quyền, và đã thống nhất với nhau trong quyết định 9-0 là sau khi bắt một ai, cảnh sát không có quyền kiểm tra điện thoại di động của họ nếu không có xin trát tòa trước.

Cần nhắc lại là trong vụ kiện Riley v. California trước đây, cảnh sát Cali đã ngưng xe của bị can vì tội lái chiếc xe chưa trả tiền ghi danh, và sau đó đã khám phá là bằng lái xe của bị can cũng đã hết hạn luôn. Cảnh sát đã xét xe của bị can và tìm được vài khẩu súng có đạn đầy. Sau khi chính thức bắt giữ bị can, cảnh sát đã kiểm tra điện thoại di động của người ấy và tìm thấy những bức hình và đoạn phim cho thấy bị can là một thành viên của băng đảng. Căn cứ vào bằng chứng này, cảnh sát đã điều tra thêm và kết luận rằng ông Riley là người cảnh sát đang tìm kiếm trong một vụ bắn người trước đây.

Cũng trong vụ kiện United States v. Wurie, cảnh sát đã tịch thu hai điện thoại từ người bị can sau khi bắt ông ta vì tội bán thuốc phiện. Trong khi đang ở sở cảnh sát, một trong hai điện thoại đó đã có ai gọi mấy lần. Cảnh sát đã mở điện thoại ra, xem số gọi đến là số gì, và từ đó truy ra địa chỉ nhà của người gọi. Khi gởi cảnh sát đến nhà này thì họ đã tìm được nhiều thuốc phiện và một khẩu súng của bị can. Trong cả hai vụ kiện, cảnh sát đã không đi xin trát tòa trước.

Khi quyết định hai vụ kiện này, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã xét nhu cầu kiểm tra điện thoại di động của những người bị bắt trước khi đi xin trát tòa. Kết luận của Pháp Viện là trong đại đa số trường hợp, cảnh sát sẽ không có lý do chính đáng để mở ra và kiểm tra nội dung điện thoại di động của người bị bắt giữ. Cảnh sát có thể cầm xem điện thoại để khẳng định điện thoại ấy không phải là một vũ khí bị giả trang, nhưng không thể mở và kiểm tra điện thoại. Nếu cho cảnh sát quyền làm như thế là sẽ cho cảnh sát điều tra vào cuộc đời riêng tư của những người bị bắt giữ một cách phi lý, phạm vào quyền bảo vệ riêng tư của những người này.

Hơn nữa, trong thời đại tân tiến này, các điện thoại di động “khôn” (smartphone) không chỉ được dùng như là một điện thoại bình thường, nhưng lại được dùng như là một máy vi tính, một máy chụp hình, một máy quay phim, một máy ghi âm, một cuốn lịch, một máy xem phim, một báo chí, một thư viện, v.và Và nếu điện thoại đó có GPS thì cảnh sát có thể nhìn thấy các nơi mà người bị can đã từng đến trong nhiều tuần qua, từ gia cư, sở làm, nhà thân nhân, và các nơi mà chủ nhân điện thoại đã đến thăm. Cho cảnh sát cơ hội biết hết tất cả những chi tiết như thế là cho cảnh sát quá nhiều quyền xem xét vào đời riêng tư của dân, nhất là khi một trong những trách nhiệm của cảnh sát là phải đi điều tra kiếm bằng chứng để chứng minh và kết tội người bị can. Nếu có thể xem vào điện thoại di động một cách dễ dàng như thế thì có lẽ sẽ không còn cần điều tra nữa, mà cảnh sát chỉ cần kết tội thôi.

Phía chính quyền đã cho rằng là nếu không xét nội dung của điện thoại ngay lập tức, những bằng chứng quan trọng có thể bị xóa mất dùng phương thức vệ tinh. Nhưng lý luận này đã không thuyết phục được các thẩm phán. Vì việc xin một trát tòa không phải là một thủ tục lâu dài trong thời đại này, và nếu muốn tránh việc dùng vệ tinh để xóa nội dung của điện thoại thì cảnh sát có thể tắt điện thoại hoặc gỡ pin ra. Và trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ như khi cần phản ứng trước tình trạng một em bé bị bắt hoặc cần tìm một trái mìn đã bị dấu bỏ đâu đó, luật pháp đã trao cho cảnh sát quyền hành động ngoại lệ, và trong trường hợp như vậy thì có thể kiểm tra điện thoại di động của một ai đó trước khi có trát tòa.

Mỹ là một nước rất tôn trọng quyền riêng tư của người dân. Những quan chức của chính phủ có trách nhiệm giữ an ninh cho toàn bộ dân chúng, nhưng họ không thể thi hành trách nhiệm này bằng cách chà đạp trên những quyền căn bản của người dân, trong đó có quyền không bị kiểm soát vô cớ và quá đáng. Vì thế, một người đã phạm pháp vẫn có thể tránh tội nếu phía chính quyền đã thu thập bằng chứng kết tội nhưng dùng những phương thức tôn trọng quyền riêng tư của bị can.

Hãy mừng là chúng ta đang sống tại một quốc gia tôn trọng hiến pháp, và tôn trọng quyền của dân. (dtl)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT