Hoa Kỳ

Cảng LA bị đình trệ vì tấn công điện toán

Wednesday, 28/06/2017 - 07:44:08

Viên chức tại cảng LA đang hy vọng trạm APM sẽ có thể hoạt động lại bình thường, khi tàu hàng kế tiếp cập cảng vào thứ Năm.



LOS ANGELES – Vào hôm thứ Tư, trạm chuyển hàng lớn nhất tại cảng Los Angeles tiếp tục ngưng hoạt động, sau khi bị ảnh hưởng bởi đợt tấn công điện toán toàn cầu xảy ra vào 1 ngày trước đó. Dù cảng Los Angeles không nhận thêm tàu hàng nào trong ngày, nhưng vụ lây nhiễm chương trình điện toán tống tiền cũng khiến nhiều hoạt động tại cảng bị rối loạn. Trạm APM, lớn nhất tại cảng LA, bị nhiễm virus tống tiền vào sáng thứ Ba, ngay sau khi một con tàu vừa rời khỏi cảng lúc 6 giờ sáng.
Vụ tấn công điện toán khiến trạm APM phải ngừng toàn bộ công việc chuyển hàng và vận tải. Trạm APL thuộc sở hữu của hãng tàu Maersk của Đan Mạch. Hãng này cho biết, một số đơn vị kinh doanh của hãng đã bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công điện toán toàn cầu. Tổn thất kinh tế vì vụ tấn công hiện vẫn đang được đánh giá. APM là 1 trong 8 trạm chuyển hàng tại cảng LA. Các trạm còn lại vẫn hoạt động bình thường. Viên chức tại cảng LA đang hy vọng trạm APM sẽ có thể hoạt động lại bình thường, khi tàu hàng kế tiếp cập cảng vào thứ Năm.

Mỹ chuẩn bị xây 8 mẫu thử nghiệm tường biên giới
HOA THỊNH ĐỐN - Cơ quan Quan Thuế và Bảo Vệ Biên Giới (CBP), nơi quản lý việc xây tường biên giới, đang dự định sẽ xây dựng từ 4 đến 8 mẫu thử nghiệm cho dự án, tại San Diego vào cuối mùa hè này. CBP hiện đang bước vào giai đoạn 2 của dự án, và hiện đang đánh giá các đề nghị từ các hãng đấu thầu xây tường. Tuy nhiên, CBP hiện chưa quyết định sẽ giao hợp đồng cho bất kỳ công ty nào. Vào ngày 17 tháng 3, CBP đã gởi 2 yêu cầu cho các công ty xây dựng về mẫu thử nghiệm, bao gồm “bê-tông gia cố,” và “vật liệu thay thế.”
Vào tháng 1 năm nay, Tổng Thống Donald Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu “xây dựng ngay lập tức một bức tường ở biên giới phía nam,” – một mục tiêu mà tổng thống đã liên tục hứa hẹn trong suốt quá trình vận động tranh cử. Cơ quan CBP không tiết lộ thông tin về các công ty tham gia đấu thầu việc xây tường biên giới, vì đây là quy định liên bang. Việc xây dựng đoạn tường thử nghiệm có thể sẽ hoàn thành trong vòng 30 ngày, sau khi các công ty nhận lệnh khởi công. Các mẫu thử nghiệm này sau đó sẽ được kiểm tra và đánh giá, để chọn ra hãng nhận thầu sau cùng.
Trong năm tài chính 2017, Quốc Hội đã cung cấp ngân sách để thay mới 14 dặm tường biên giới ở San Diego, 2 dặm ở El Centro, 20 dặm hàng rào cản xe ở El Paso, 4 dặm tường chặn người đi bộ ở El Paso, và 35 cổng kiểm soát mới tại vùng Rio Grande Valley.

Đảo mới nổi ngoài khơi N. Carolina ngày càng lớn
Một dải đất hình vành khuyên xuất hiện ở mũi Point, Buxton, North Carolina, từ mùa xuân năm nay. Hiện tại, hòn đảo đã dài hơn 1.5 cây số và rộng gần 120 mét. Người dân địa phương gọi dải đất này là đảo Shelly, do bãi biển trên đảo có một số lượng lớn vỏ sò, vỏ ốc. Bà Janice Regan, một người dân sống gần đó nói, cho đến tháng 4 vừa qua, hòn đảo vẫn chỉ là một gò đất nhỏ. Các hình ảnh chụp từ trên không cho thấy, hòn đảo giờ đây có kích thước khá lớn. Những người sưu tầm vỏ ốc, người thích tắm nắng, dân chèo thuyền kayak và nhiều nhiếp ảnh gia, đã đổ về đây để quan sát hòn đảo mới. Tuy nhiên, đội bảo vệ bờ biển cảnh báo du khách nên thận trọng.
Ông Dave Hallac, nhân viên của Tổ Chức Bờ Biển Quốc Gia Cape Hatteras, khu vực mũi Point, cho biết người dân không nên đi hay bơi ra đảo mới, dù địa điểm này có vẻ hấp dẫn. Ông cho biết, trong cát có thể có nhiều lưỡi câu, do đây là điểm yêu thích của những người câu cá. Ngoài ra, nhà chức trách cho biết, cá mập và cá đuối lớn đã xuất hiện ở khu vực nước cạn gần bờ. Dải cát này hình thành nhờ dòng biển và những cơn bão mạnh. Các chuyên gia cho biết hình dạng của đảo có thể tiếp tục thay đổi, và đảo có thể biến mất hoặc nối liền với mũi Point trong năm tới.

Nghiên cứu tạo giống bò chịu nóng cho tương lai
FLORIDA - Các nhà khoa học đang tìm cách tạo ra giống bò chịu nhiệt tốt, thịt ngon, trong bối cảnh nhiệt độ Trái Đất ngày càng tăng. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Florida, Viện Thực phẩm và Khoa học Nông nghiệp Hoa Kỳ, đang nỗ lực tạo ra giống bò có khả năng chịu nhiệt tốt. Nghiên cứu này đã nhận nguồn tài trợ liên bang $733,000 Mỹ kim trong 3 năm.
Dự án nghiên cứu bao gồm hai mục tiêu: sử dụng công nghệ biến đổi gene nhằm tạo ra giống bò mới thích nghi với thời tiết nóng, và tạo ra loại thịt bò hảo hạng. "Căng thẳng do nhiệt là yếu tố chính giới hạn quá trình tạo ra protein ở động vật, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tinh thần của gia súc ở các khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới,” Tiến sĩ Raluca Mateescu, giáo sư Ngành Khoa học động vật nói.
Các nhà khoa học tại Đại học Florida nghiên cứu giống bò Brangus, lai giữa bò Angus và bò Brahman, có đặc điểm sinh trưởng tốt trong khí hậu ấm, nhằm xác định các đoạn DNA giúp giống bò này kiểm soát tốt nhiệt độ cơ thể. Công nghệ biến đổi gene sẽ được áp dụng sau đó để tạo ra dòng gia súc khỏe mạnh, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết nóng. Theo Tiến sĩ Mateescu, việc phát triển các chiến lược hữu hiệu, để đối phó với các ảnh hưởng của nhiệt độ, là việc làm cấp bách để giúp ngành công nghiệp chăn nuôi Hoa Kỳ phát triển ổn định và bảo đảm chuỗi thực phẩm toàn cầu.

Facebook đạt mốc 2 tỷ người dùng
CALIFORNIA - Mạng xã hội lớn nhất thế giới đã đạt một cột mốc quan trọng vào ngày 27 tháng 6, khi có số người dùng là 2 tỷ người. Số thành viên của Facebook cao hơn dân số của bất cứ quốc gia nào, cũng như lớn hơn 6 trong số 7 lục địa trên thế giới. Facebook đếm thành viên dựa trên số người dùng có vào tài khoản mạng xã hội, qua website hoặc qua điện thoại, trong một tháng. Nó không bao gồm những người sử dụng Instagram hay Whatsapp.
Con số trên giúp Facebook vượt xa các đối thủ, như Twitter đạt 328 triệu thành viên hoạt động trong tháng 4, 2017, trong khi Snapchat là 166 triệu người dùng, tính đến hết quý I, 2017. WeChat, mạng xã hội rất phổ biến ở Trung Quốc, trong tháng 5, 2017 cũng tuyên bố đã có 938 triệu người dùng, tức sắp tiến đến cột mốc 1 tỷ thành viên. Facebook đạt mốc này vào tháng 10, 2012.
Mạng xã hội lớn nhất thế giới được Mark Zuckerberg và hai bạn học thiết kế tại phòng ký túc xá Đại học Harvard vào tháng 2, 2004. Mục đích của website khi đó là trở thành "trang web kết nối mọi người qua mạng xã hội trong các trường đại học.”

Không quân phát triển phi công robot
HOA THỊNH ĐỐN - Không quân Hoa Kỳ đang phát triển robot lái máy bay tự động, nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt phi công nghiêm trọng. Viện nghiên cứu kỹ thuật Không quân Hoa Kỳ vừa đặt hàng hãng RE2 Robotics phát triển hệ thống lái máy bay tự động, có khả năng sử dụng trên tất cả mẫu máy bay quân sự, bao gồm cả các loại chiến đấu cơ chiến lược.
Theo yêu cầu của Không quân, mẫu phi công robot này phải được thiết kế như một chủ thể riêng biệt với máy bay, và lắp đặt tại vị trí ghế của phi công truyền thống. Các robot này cũng phải có cánh tay cơ học và camera quan sát, để có thể làm chủ hệ thống điều khiển phức tạp trong buồng lái, và theo dõi những dữ liệu được cung cấp từ mặt đất.
Hợp đồng giữa hai bên quy định RE2 Robotics phải đưa ra mẫu thử nghiệm trước cuối năm 2018. Không quân sẽ kiểm tra khả năng điều khiển cất, hạ cánh, cũng như tất cả thao tác trong tình huống thực chiến của hệ thống vào năm 2019. Theo phát ngôn viên Không quân Robert J. Leese, đến cuối năm 2016, lực lượng này thiếu khoảng 700 phi công máy bay chiến đấu và trong hai năm nữa, họ sẽ thiếu khoảng 1,000 người. Tình trạng này xảy ra do ngày càng nhiều phi công chiến đấu rời quân đội, để làm việc trong lĩnh vực dân sự có thu nhập tốt hơn.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT