Thế Giới

Căn cứ bí mật của Hoa Kỳ giữa sa mạc Úc

Sunday, 26/11/2017 - 03:13:58

Các bức ảnh chụp từ trên không cho thấy một khuôn viên rộng lớn với những căn nhà có mái vòm trắng, trông như những trái bóng golf khổng lồ. Bên trong những "quả bóng" này là hệ thống ăng-ten gởi và nhận thông tin từ vệ tinh trên quỹ đạo.


Căn cứ Pine Gap

ALICE SPRINGS – Nằm giữa vùng sa mạc hẻo lánh của Úc, căn cứ Pine Gap được cho là có vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ toàn cầu của Hoa Kỳ.

Căn cứ, được biết đến với cái tên Cơ Sở Quốc Phòng Pine Gap, có nhiệm vụ điều khiển các vệ tinh thu thập thông tin dùng để chỉ thị những cuộc không kích trên toàn thế giới, theo dõi hoạt động của vũ khí hạt nhân, cùng nhiều nhiệm vụ quân sự và tình báo khác, theo các chuyên gia và những tài liệu bị rò rỉ từ Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ (NSA).

Kết quả là cơ sở này, với hàng loạt tòa nhà khổng lồ nằm giữa vùng sa mạc hẻo lánh, trở thành thỏi nam châm thu hút những người biểu tình phản đối chiến tranh ở Úc. Vào tuần trước, một nhóm những người phản chiến đã bị bắt vì xâm nhập căn cứ, và có thể phải đối mặt với hình phạt 7 năm tù. Các phiên tòa đã khiến căn cứ Pine Gap rơi vào vòng chú ý của dư luận.

Thành lập từ thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Pine Gap được giới thiệu trước công chúng Úc vào năm 1966 với danh nghĩa một cơ sở nghiên cứu không gian. Nhưng phía sau, nó được Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) điều khiển để thu thập thông tin từ các vệ tinh gián điệp. Từ đó đến nay, các đặc vụ, kỹ sư, nhà mật mã học, và chuyên gia ngôn ngữ Hoa Kỳ hàng năm đều đổ về thị trấn Alice Springs gần đó để tiện tới làm việc tại căn cứ.

Năm 2016, có ít nhất 599 người Mỹ sinh sống tại Alice Springs, dù sự hiện diện của họ khá mờ nhạt. Pine Gap nằm cuối một con đường cụt. Từ xa, người ta có thể nhìn thấy bảng cảnh báo yêu cầu hạn chế tiếp cận. Nếu không có giấy phép, cách duy nhất để có thể nhìn thấy Pine Gap là qua đường hàng không, hoặc leo lên dãy núi MacDonnell bao quanh căn cứ.

Các bức ảnh chụp từ trên không cho thấy một khuôn viên rộng lớn với những căn nhà có mái vòm trắng, trông như những trái bóng golf khổng lồ. Bên trong những "quả bóng" này là hệ thống ăng-ten gởi và nhận thông tin từ vệ tinh trên quỹ đạo.

Trước đây, nhân viên tại Pine Gap chủ yếu là người Mỹ. Nhưng từ những năm 1980, chính phủ hai nước đã thỏa thuận giữ số lượng nhân viên ở đây với tỷ lệ 50% người Mỹ, 50% người Úc. Hiện nay, hơn 800 người, đến từ cả hai quốc gia, được cho là đang làm việc tại Pine Gap, tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn nắm quyền kiểm soát chính.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT