Văn Nghệ

Cảm xúc từ Chiều Nhạc Tưởng Niệm Trầm Tử Thiêng

Saturday, 29/02/2020 - 02:13:01

“Chiều Nhạc Thính Phòng Trầm Tử Thiêng” thật nhẹ nhàng, lắng đọng trong sự hoài niệm của rất đông những đồng hương, thân hữu, khán giả nặng tình với cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.

Từ trái, Hương Thơ, bà Teresa Đỗ Thái Tân là “nàng thơ” trong nhiều ca khúc được nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết dành cho bà và cũng là người thực hiện chiều nhạc lần này, bên cạnh là Thụy Vi và Trung Nguyễn, hai thành viên trong ban tổ chức (Hình cung cấp)

 

 

Bài BĂNG HUYỀN

Chiều Chủ Nhật tuần qua, ngày 23 tháng 2, 2020 tại Moonlight Restaurant & Banquet đã diễn ra “Chiều Nhạc Thính Phòng Trầm Tử Thiêng” thật nhẹ nhàng, lắng đọng trong sự hoài niệm của rất đông những đồng hương, thân hữu, khán giả nặng tình với cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Các ca sĩ, nhạc sĩ trong ban nhạc, MC, thành viên ban tổ chức và người thưởng thức đã có hơn 2 giờ ngồi bên nhau để tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng (1937-2000), người nhạc sĩ tài hoa đã rời xa cõi tạm 20 năm.

Cách ban tổ chức lựa chọn ca khúc, mời các tiếng hát Thanh Lan, Hương Lan, Anh Dũng, Chung Tử Lưu, Trọng Nghĩa, bé Hugo Nguyễn. Phong cách hòa âm, phối khí, trình diễn của các nhạc sĩ ban nhạc Hoàng Thi Thi, cho đến hệ thống âm thanh Hoàng Duy Tân, ánh sáng Richard Long, sân khấu đẹp mắt tại Moonlight Restaurant & Banquet, cùng với hai người điều hợp chương trình thật duyên dáng, dí dỏm GS nhà văn Quyên Di, ca sĩ Hương Thơ đã thật sự làm hài lòng rất đông khán giả yêu nhạc Trầm Tử Thiêng.

"Hay quá! Tuyệt quá!" là nhận xét chung của những người có mặt trong buổi chiều nhạc sau khi được thưởng thức một không gian âm nhạc với nhiều cảm xúc. Không gian ấy có những hoài niệm về tình yêu. Có sự chìm lắng suy tư và chiêm nghiệm về cuộc sống, về những đớn đau của thân phận người con Việt Nam trong chiến tranh.

 

Ca sĩ Kim Tước, ngồi bên phải (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

 

 

Có nỗi nhớ nhung quê hương tang thương sau tháng 4 năm 1975 của người Việt hải ngoại nơi bến bờ tự do và có cả sự bay bổng tươi mới qua những nhạc khúc dành cho thiếu nhi, đã được các ca sĩ hát lên trong chiều nhạc, giúp mọi người hiểu rõ hơn về nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.

Về những sáng tác không bao giờ bị phai mờ bởi thời gian và những đóng góp to lớn của ông đối với nền âm nhạc Việt Nam, để càng yêu hơn, quý hơn người nhạc sĩ tài hoa. Buổi diễn đã được live stream khi đang diễn ra và lưu lại trên youtube để khán giả gần xa xem lại.

 

Tâm tình của người yêu nhạc

 

Có mặt từ rất sớm, ngồi trong hàng ghế khán giả để dự buổi chiều nhạc, ca sĩ Kim Tước bày tỏ cảm xúc với phóng viên nhật báo Viễn Đông, “Nền âm nhạc Việt Nam rất đa dạng, có những người làm cho mình nhớ một cách đặc biệt, thì nhạc anh Trầm Tử Thiêng là một trong những dòng nhạc đặc biệt đó. Tuy tôi và anh không tiếp xúc nhiều với nhau lúc anh còn sống, nhưng tôi rất quý anh và nghe nhạc của anh nhiều. Tôi nghĩ mỗi một nhạc sĩ có cá tính riêng và có dòng nhạc riêng, khán giả mà nhập hội được nhạc của người ta là đã yêu người ta rồi.

“Cũng như nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, dòng nhạc của ông tuy là ít phổ biến ra ngoài công chúng, nhưng khi đã nghe rồi thì thấy ngấm vào mình. Có những điều mình muốn nói mà ông đã nói giùm mình, mình thấy sung sướng lắm. Tuổi cao rồi, giờ tôi không còn nhớ mình từng hát ca khúc nào của Trầm Tử Thiêng, nhưng tôi rất thích nhạc Trầm Tử Thiêng, nên tôi có mặt ngày hôm nay.”

 

Em Hugo Nguyễn và cha Hoài Nguyễn (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

 

 

Em Hugo Nguyễn (giải nhì VSTAR- Kid 2015) là giọng hát nhỏ tuổi nhất của chương trình, đã chia sẻ với người viết trước khi chương trình bắt đầu, “Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng là một nhạc sĩ rất quen thuộc với những người Việt, con cũng hơi run, vì khán giả rất thích nhạc của Trầm Tử Thiêng, nên con hy vọng là con có thể hát hay và khán giả có thể thích. Hai bài con sẽ hát rất hay, rất dễ thuộc nhưng để hát hay cũng rất khó. Chương trình này con và những ca sĩ khác đã tốn nhiều thời gian để tập luyện và chuẩn bị cho chương trình và con hy vọng quý vị sẽ thích.”

Anh Hoài Nguyễn bố của bé Hugo Nguyễn cho biết, “lúc nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng còn sống, tôi chưa bao giờ hân hạnh được gặp ông. Nhưng biết nhiều nhạc của ông, yêu thích dòng nhạc của ông, những bài hát đấu tranh ông sáng tác chung với nhạc sĩ Trúc Hồ. Bé Hugo có sinh hoạt với bên SBTN, trung tâm Asia, nên rất gần gũi với dòng nhạc Trầm Tử Thiêng. Lần này khi ban tổ chức mời bé tham gia trong chương trình này, tôi rất vui. Trước đó, bé từng hát những ca khúc Trầm Tử Thiêng như Bên Em Đang Có Ta…

“Dòng nhạc Trầm Tử Thiêng là dòng nhạc hay, quý hiếm, nhưng tôi có cảm giác sức phổ biến chưa được xứng đáng với tầm của ông. Tôi nghĩ dòng nhạc Trầm Tử Thiêng nên được quảng bá nhiều hơn, đều đặn hơn để công chúng biết đến ông nhiều hơn. Vì dòng nhạc của ông xứng đáng được điều đó.”

 

Hai  MC Hương Thơ và Quyên Di (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

 

 

Chiều nhạc nhiều cảm xúc

 

Trước khi bước vào thế giới của những âm thanh giai điệu và ca từ rất lạ, ý sâu, độc đáo của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, với tài ăn nói lưu loát, cùng chất giọng truyền cảm của mình, MC Hương Thơ và GS Quyên Di đã gởi đến khán giả nhiều thông tin súc tích về tiểu sử của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Tiết mục mở đầu là giọng đọc của Trọng Nghĩa đọc bản di chúc của Trầm Tử Thiêng dành cho người ông yêu, nhưng vì nhiều nguyên do cả hai đã không gắn bó trong tình vợ chồng, riêng ông vẫn thủy chung với mối tình này cho đến lúc từ giã cõi đời.

Bà là Teresa Đỗ Thái Tân và cũng chính là người thực hiện buổi chiều nhạc tưởng niệm này. Bản di chúc qua giọng đọc của Trọng Nghĩa được thu âm lại thành video clip trên nền nhạc đệm là giai điệu của bài Tưởng Niệm, tiếng guitar mênh mang. Hình ảnh minh họa trong video clip này là những tấm hình nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng lúc còn trẻ. Bản di chúc được nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết vào mùa hạ năm 1969 tại Sài Gòn khi nhạc sĩ còn rất trẻ. Lối viết lãng mạn, nhưng cũng rất cao siêu mang tính triết lý về Tình Yêu, Âm Nhạc và Quê Hương.

 

Ca sĩ Trọng Nghĩa và Hugo Nguyễn (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

 

Hai MC Quyên Di, Hương Thơ đã gởi đến khán giả nhiều thông tin súc tích về sự ra đời các ca khúc của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng được hát trong chiều nhạc. Hai MC đã khéo léo dẫn dắt người nghe vào sâu trong từng bài hát, buồn có, vui cũng có, và mỗi câu hát lại gợi lại năm tháng cuộc đời của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, giúp người nghe nhạc hiểu hơn và càng thêm yêu hơn những ca khúc để đời của ông.

Dù khán phòng đông kín người, nhưng tất cả đều rất trật tự, yên lặng thưởng thức âm nhạc. Những tràng pháo tay dài không dứt của khán giả có mặt trong buổi diễn đã nói lên tất cả, âm nhạc của Trầm Tử Thiêng vẫn luôn cuốn hút người nghe bởi nó chạm đến tâm hồn họ, ai cũng tìm được cho riêng mình những cảm xúc khó gọi tên.

 

Các ca sĩ cùng hát Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy  (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

 

 

Thế giới âm nhạc Trầm Tử Thiêng

 

Trong một bài viết về nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và âm nhạc của ông, cố thi sĩ Du Tử Lê (1942-2019) từng viết, “Nếu ở mặt quê hương, Trầm Tử Thiêng là kẻ chọn gieo mình lên đỉnh đầu ngọn sóng quê hương, chọn đứng cheo leo trên những ngọn dốc dân tộc; là nhân cách âm nhạc Trầm Tử Thiêng, thứ nhất; thì, trong tình yêu, họ Nguyễn lại tự nguyện làm người tình thủy chung với những đổ vỡ, những bất hạnh, chia, lìa,...

Tôi có cảm tưởng như tính thủy chung, lòng bao dung của họ Nguyễn là nhân cách âm nhạc thứ hai của đời nhạc Trầm Tử Thiêng vậy.”

Các ca khúc được chọn hát trong chiều nhạc giúp khán giả nhìn rõ được ba giai đoạn quan trọng trong cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, trước ngày 30 Tháng Tư năm 75, sau năm 1975 và thời gian ông lưu lạc ở quê người. Chân dung âm nhạc của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng trong cả ba giai đoạn luôn tồn tại một Trầm Tử Thiêng đau nỗi đau quê hương và tôn thờ tình yêu chung thuỷ. Không chỉ là giai điệu và ca từ, âm nhạc Trầm Tử Thiêng còn là một di sản quý giá giúp người yêu nhạc tìm thấy trong đó một cách yêu dành cho quê hương, cho con người, cho người tình thật sâu sắc, thủy chung.

 

Ca sĩ Chung Tử Lưu và Hương Lan (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

 

 

Những giọng hát trong chiều nhạc

 

Các giọng hát của các ca sĩ Thanh Lan, Hương Lan, Anh Dũng, Chung Tử Lưu, Trọng Nghĩa, Hugo Nguyễn, mỗi người một chất giọng, một bài hát rất riêng và dường như từng giai điệu, từng nốt nhạc của Trầm Tử Thiêng qua tiếng hát của họ cứ như xuyên thấu lòng người, neo lại nơi trái tim người nghe những dư âm, khiến khán giả không thể rời khỏi ghế và đắm say theo miền cảm xúc âm nhạc mà họ mang lại.

Chất giọng ấm áp, mạnh mẽ và rất tình đã giúp Chung Tử Lưu chinh phục người nghe khi anh hát “Mùa Xuân Trên Cao”, Đưa Em Vào Hạ, Người Hùng Cô Đơn, Hạnh Phúc Ta Hạnh Phúc Người, Kinh Khổ

Ca sĩ Hương Lan thu hút người nghe bằng chất giọng, sự luyến láy ngọt ngào, đã lột tả được sự day dứt trong từng ca từ khi hát Bảy Ngàn Đêm Góp Lại. Thư Xuân Hải Ngoại. Bài Hương Ca Vô Tận. Đò Dọc. Bên Này Biển. Trộm Nhìn Nhau (hát cùng với Chung Tử Lưu).

Ca sĩ Trọng Nghĩa đem lại ngạc nhiên cho nhiều khán giả vốn quen nghe anh hát nhạc Pháp, nay trong chiều nhạc Trầm Tử Thiêng, qua hai ca khúc Gửi Em Hành Lý, Chợt Nghĩ Về Hai Nơi giọng hát giàu cảm xúc của anh đã nhận được những tràng pháo tay ngợi khen từ khán giả.

Giọng ca cuốn hút của Anh Dũng như lột tả chính xác từng cùng bậc cảm xúc của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, anh hát như nói về những tâm sự của chính mình khi anh diễn tả giai điệu ca từ của các bài hát Em Có Còn Trở Lại, Mười Năm Yêu Em, Một Thời Uyên Ương, Một Thời Để Nhớ, Đêm Nhớ Về Sài Gòn, Bài Tình Ca Mùa Đông.

 

Ca sĩ Anh Dũng và Thanh Lan (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

 

Do bị bệnh vẫn chưa hết với giọng nói hơi khàn đặc nên ca sĩ Thanh Lan đã không thể xuất sắc khi hát trong chương trình, nhưng sự quý mến nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, nên cô không thể bỏ phần trình diễn của mình trong chiều nhạc. Thanh Lan là nữ ca sĩ từng được nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng mời hát rất nhiều ca khúc của ông trước 1975 và khi ra hải ngoại, trong đó có album nổi tiếng Tình Ca Dọc Đường. Mặc dù chưa thể hiện hết phong độ vì lý do sức khỏe nhưng Thanh Lan cũng đã đã cố gắng thể hiện những ca khúc Tưởng Niệm, Hối Tiếc, Em Không Còn Gì Đâu (hát cùng với Anh Dũng), Ai Biểu Anh Làm Thinh, Mộng Sầu, Từ Đó Đến Nay (Hát cùng với Trọng Nghĩa).

Giọng hát tươi trẻ của em Hugo Nguyễn cùng với giọng bè của ca sĩ Trọng Nghĩa, một già một trẻ thật ăn ý với nhau đem lại những tràng pháo tay thích thú của khán giả vì đã thổi vào từng ca khúc một không khí tươi trẻ, mới mẻ, đôi chân người nghe như muốn nhún nhảy theo qua hai nhạc phẩm thiếu nhi Hãy Hát Lên Tuổi Thơ, Trên Quê Hương Đáng Yêu.

Các ca sĩ Thanh Lan, Hương Lan, Anh Dũng, Chung Tử Lưu, Trọng Nghĩa, Hương Thơ và bé Hugo Nguyễn cùng hợp ca Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy kết thúc phần 1 chương trình. Lời ca, âm điệu và người ca sĩ thể hiện đã đem lại nhiều bồi hồi cho khán giả, như dội vào tâm tư của mọi người về một lịch sử đau thương của dân tộc và mong ước đầy nhân văn của người nhạc sĩ “Vì sao không thương mến nhau còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu / Mối thù chờ sang ngày nào nối lại nhịp cầu rửa hờn cho nhau.”

 

Tứ ca Hương Thơ, Anh Dũng, Trọng Nghĩa, Hugo Nguyễn hát Cám Ơn Anh. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

 

Tứ Ca Hương Thơ, Hugo, Anh Dũng, Trọng Nghĩa cùng hát Cám Ơn Anh kết thúc chiều nhạc Trầm Tử Thiêng. Dư âm chiều nhạc sẽ vẫn còn vang vọng và còn rộn ràng trong lòng những khán giả yêu nhạc thật lâu về sau, như lời chia sẻ của GS Quyên Di trên sân khấu khi gửi lời chào tạm biệt khán giả,“chương trình chấm dứt, nhưng có một điều không chấm dứt, đó là tình yêu chúng ta dành cho nhạc sĩ tài hoa Trầm Tử Thiêng. Bao lâu chúng ta còn hát nhạc Trầm Tử Thiêng, bấy lâu chúng ta còn yêu mến người nhạc sĩ này”.

Người nhạc sĩ đã có những tác phẩm chắc chắn sẽ vẫn sống mãi với thời gian để bao trái tim yêu nhạc mỗi khi vui, khi buồn cất lên lời ca điệu nhạc, để khán giả vẫn nghe mãi những ca khúc của ông mà không bao giờ thấy cũ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT