Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Cảm xúc đẹp qua đêm nhạc Piano Soirée của hai nghệ sĩ từ Úc

Saturday, 18/07/2015 - 08:26:31

Cũng qua buổi diễn, khán giả từng yêu mến tiếng đàn và tài hoa hòa âm của nghệ sĩ Vân Anh, sẽ càng thán phục hơn trước những thành tích mà cô gái trẻ này đã đạt được.

Bài BĂNG HUYỀN

Tối Thứ Hai, ngày 6-7- 2015 vừa qua, tại Viện Việt Học đã diễn ra đêm nhạc thính phòng gây quỹ giúp Viện Việt Học, mang tên “Piano Soirée” qua phần trình diễn của 2 nghệ sĩ đến từ Úc Châu. Dương cầm thủ Vân Anh (là nghệ sĩ dương cầm biểu diễn nhạc cổ điển, Crossover, đồng thời là nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất) và mẹ của cô, Phan Kim Oanh, giọng nữ cao trữ tình (Lyric Soprano) (là người điều hành chi nhánh dạy nhạc tại Úc Accelerated Centre for Education, Sydney), đã mang đến những tiết mục trình diễn khó quên, dìu cảm xúc của người nghe vào mê cung của âm thanh đầy quyến rũ, đầy chất thơ và nhạc cảm tuyệt vời.

Giáo Sư Lê Văn Tùng (bên trái) vị hiệu trưởng cuối cùng của trường trung học Ban Mê Thuột dưới thời VNCH, nơi chị Phan Kim Oanh theo học, lên tâm sự vài điều trong đêm nhạc. (Băng Huyền/Viễn Đông)



Nét tài hoa của nghệ sĩ trẻ Vân Anh
Ngay từ phần mở màn buổi diễn, trong phần độc tấu của mình, tiếng đàn của nghệ sĩ Vân Anh vô cùng cuốn hút, đã làm rung động sâu sắc trái tim người nghe với tất cả sự điêu luyện của một nghệ sĩ dương cầm giàu tài năng, tràn đầy năng lượng không bao giờ vơi cạn và cả niềm xúc cảm mạnh mẽ. Các tác phẩm Vân Anh chọn để độc tấu, tựa như "ma lực" cả về nội dung lẫn cách trình tấu. Từ mãnh liệt, dữ dội đến trữ tình, tha thiết của các nhà soạn nhạc tài hoa Chopin (tác phẩm Waltzes op 64 Complete), Liszt (tác phẩm Liebestraum No 3), Debussy (tác phẩm L'isle Joyeuse), Brahms (tác phẩm Hungarian Dances No 1). Đây cũng là những tác phẩm khó về mặt kỹ thuật biểu diễn. Dù ở thể loại nào, tác giả nào, Vân Anh cũng cho khán giả chiêm ngưỡng một trình độ điêu luyện, mọi kỹ thuật được trình diễn rất tinh tế như thể cô đang chơi đùa với những phím đàn.
Khi thưởng thức màn độc tấu của Vân Anh, người viết dường như cảm thấy chất nhạc của cô thẩm thấu vào trong người mình, đem lại cảm giác lâng lâng tuyệt diệu vô cùng. Sự mãnh liệt và khỏe khoắn trong cách chơi với ngón đàn linh hoạt, nhịp phách chính xác, lướt từ nốt này sang nốt khác của Vân Anh đã đem đến cho người nghe những cung bậc cảm xúc mãnh liệt nhất trong từng tác phẩm. Có những đoạn lướt nhanh vụt lên chao xuống dù là rất nhẹ, cũng rõ từng nốt, những đoạn chậm dài, những nốt cao và nhẹ nghe như gió thoảng, những đoạn to dần lên tới đỉnh điểm, âm thanh như nhấn chìm mọi vật. Cách trình tấu của Vân Anh có sự góc cạnh và mạnh mẽ nhưng cũng không kém vẻ đẹp tao nhã rất thơ. Cô chơi rất rõ những đoạn đảo phách, chất swing và độ “phiêu” thật bay bổng khi thể hiện tác phẩm của Liszt, của Chopin.
Ngoài tốc độ, kỹ thuật trình tấu tay phải và tay trái của Vân Anh gần như hoàn hảo như nhau, tuy nhiên so với tay trái thì tay phải càng có nhiều điểm đặc biệt hơn, nó tạo nên âm sắc tuyệt vời trong tiếng đàn, thật tình cảm nhưng cũng rất mạnh mẽ, kịch tính.
Qua đến phần “crossover”, tiếng đàn Vân Anh hòa tấu trên nền nhạc thu sẵn do chính cô soạn hòa âm cho các nhạc cụ như violon, viola, bass... , đó là bản “Toccata and Fugue” của J.S Bach đậm nét trữ tình. Là vũ khúc mê hồn của dòng nhạc Tango lả lướt, khêu gợi (tác phẩm Libertango của Astor Piazzola). Và đó còn là bản “Alone” do chính Vân Anh sáng tác, mô tả nỗi buồn đau sâu sắc, sự mất mát trong trái tim mình sau khi chia tay mối tình, mà cô cứ ngỡ rằng nó sẽ mãi gắn bó dài lâu. Tiếng đàn của cô cũng thật sống động, nhiều thay đổi cường độ và do đó, mang theo nhiều cảm xúc.
Phần crossover này, là sự kết hợp giữa nhạc cổ điển, pop, bán cổ điển. Một bên hướng tiết tấu sôi động, giai điệu mạnh mẽ, còn bên kia có hòa thanh cổ điển hài hòa, chuẩn mực, cấu trúc chặt chẽ, khúc chiết, sang trọng. Sự kết hợp này trong hòa âm, tạo nên nét mới mẻ, độc đáo cho tác phẩm. Điều này cũng giống như khi xem một cuốn phim quen thuộc, tự nhiên nó bỗng trở nên sinh động đầy màu sắc mà mình không hề ngờ tới.


Ông Nguyễn Minh Lân đại diện cho Viện Việt-Học gửi lời cám ơn hai mẹ con nghệ sĩ Kim Oanh- Vân Anh đã biểu diễn chương trình “Piano Soirée”giúp gây quỹ cho Viện Việt Học. (Băng Huyền/Viễn Đông)



Tiếng hát của Kim Oanh
Ngoài phần độc tấu và hòa tấu, Vân Anh còn đệm đàn cho mẹ mình, Phan Kim Oanh, hát các ca khúc “Hương Xưa” (Cung Tiến), Mama (là tên một bài hát nổi tiếng của Ý, do Cesare Andrea Bixio sáng tác nhạc và Bruno Cherubini viết lời), và tặng thêm cho khán giả ca khúc “Ngày xưa Hoàng Thị” (Thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy).
Với chất giọng nữ cao trữ tình, tiếng hát của Kim Oanh thật thanh mảnh, cao vút, mượt mà, truyền cảm, vững vàng trong làn hơi, đã chuyển đến người nghe đầy đủ tinh thần của bản nhạc, nét đẹp, chất thơ của “Hương Xưa”; lời ca mượt mà, giai điệu da diết, ngợi ca mẹ qua ca khúc “Mama”. Tuy rất ít người có thể hiểu được ý nghĩa lời bài hát tiếng Ý do Kim Oanh thể hiện, nhưng giọng hát cao vút, đầy cảm xúc của chị đã lưu lại vẻ đẹp ngọt ngào và xúc động trong phần trình diễn này. Và với ca khúc tặng thêm cho khán giả, “Ngày Xưa Hoàng Thị”, vẻ đẹp nên thơ của ca từ, giai điệu, vẽ lên khung cảnh lãng mạn trong sáng, mối tình thoảng nhẹ vu vơ, tình yêu của lứa tuổi học trò, là cái kết dễ thương cho đêm nhạc “Piano Soirée”.
Có thể nói màn kết hợp của 2 mẹ con Kim Oanh- Vân Anh thật tuyệt. Sự nhịp nhàng hòa quyện từ điệu đàn đến lời ca rất “ăn ý”, đã dẫn dắt người nghe vào một thế giới với những âm thanh và cảm xúc thăng hoa.
Theo lời chia sẻ của chị Kim Oanh, cả hai mẹ con không có nhiều thời gian tập luyện trước với nhau, vì đêm nhạc được thực hiện cũng hoàn toàn “đột xuất”. Nhân dịp chị sang Nam California để tham dự họp mặt Đại hội thế giới kỷ niệm 60 năm trường trung học Ban Mê Thuột vào ngày Chủ Nhật, 5-7-2015, tổ chức tại khách sạn Hilton Costa Mesa, chị liên lạc được với con gái lúc này đang lưu diễn tại một số tiểu bang ở Mỹ. Thế là hai mẹ con quyết định thực hiện mini show để ra mắt khán giả quận Cam và giúp gây quỹ cho Viện Việt Học.
Chỉ tiếc là Vân Anh bận rộn với những dự án nghệ thuật tại Mỹ và sẽ về lại Úc để chuẩn bị cho chuyến lưu diễn tại Châu Á, còn mẹ Kim Oanh thì sau đại hội, sẽ đi tour cùng thầy cô và bạn hữu theo chương trình ban tổ chức sắp xếp, nên buổi diễn đành được chọn tổ chức vào tối thứ Hai, chứ không phải ngày cuối tuần. Vì vậy khán giả đến thưởng thức đêm nhạc không được đông như mong muốn.
Tuy vậy buổi diễn cũng có kha khá khán giả đến dự. Ngoài thân hữu của Viện Việt Học, phần đông là thầy cô và bạn hữu cùng trường trung học Ban Mê Thuột của chị Kim Oanh. Chính vì vậy mà không khí của buổi nhạc dường như thân tình hơn, ấm cúng hơn. Cũng qua buổi diễn, khán giả từng yêu mến tiếng đàn và tài hoa hòa âm của nghệ sĩ Vân Anh, sẽ càng thán phục hơn trước những thành tích mà cô gái trẻ này đã đạt được.

Những thành tích của nghệ sĩ Vân Anh
Được biết “Vân Anh bắt đầu học dương cầm từ hồi 15 tháng tuổi do mẹ dạy. Năm 4 tuổi, cô được nhận vào chương trình Young Artists Program for the Gifted & Talented Musicians tại Sydney Conservatorium of Music. Năm 9 tuổi, cô đã đạt được bằng cấp Associate Diploma in Music (Úc), và ở tuổi 12, cô đã nhận được Licentiate Diploma in Music (Úc), tạo nên dấu ấn là một trong những người trẻ nhất trong thế hệ của mình. Cô đã có nhiều buổi biểu diễn trên truyền thông bao gồm trên Channel 9's Kerry-Anne Kennerley Show và Channel 7's The Witness Program. Kể từ khi 5 tuổi, cô đã được biểu diễn trực tiếp trên đài phát thanh 2MBS-FM và ABC. Cô đã giành được nhiều giải thưởng trong quá trình học đàn piano của mình trên khắp nước Úc, đã đặt được giải thưởng Kawai Piano Award (Úc) và Audience Prize in the 13th Sommerklavierfest, Bad-Bertrich (Đức). Vân Anh nhận được bằng danh dự tại Vienna International Pianists Summer Festival 2005. Giải Audience Choice award tại 2005 Klavier Summer Festival, Đức. Vào chung kết từ bang New South Wales trong cuộc thi Yamaha Piano Youth Competition vào những năm 1999, 2001, 2003, và 2005. Ttừng biểu diễn độc tấu ở nhiều nước như Mỹ, Đức, Áo, Đài Loan, Việt Nam...
“Ngoài biểu diễn, Vân Anh còn có niềm đam mê trong việc viết lách, cô đã tốt nghiệp với bằng Cử nhân Truyền thông (Viết). Cô đã từng viết bài cho cho Tạp chí ABC Limelight Magazine và tiếp tục nghề viết cho 2MBS-FM's Fine Music Magazine. Tuy nhiên, với niềm đam mê và tình yêu dành cho âm nhạc và mong muốn truyền cảm hứng cho khán giả, Vân Anh đã dừng bằng Cử nhân thứ hai về Luật, để trở lại với âm nhạc và theo đuổi chương trình sau đại học tại Sydney Conservatorium of Music.”
Để có được một nghệ sĩ dương cầm tài hoa Vân Anh như ngày hôm nay, ngoài năng khiếu trời cho cùng sự luyện tập, học hỏi, sáng tạo không ngừng của Vân Anh, nhưng cũng không thể thiếu vắng sự dìu dắt từ bố mẹ (cả hai đều là giảng viên về âm nhạc) của Vân Anh.

Nghệ sĩ Vân Anh và mẹ, chị Phan Kim Oanh trong tiết mục “Hương Xưa.” (Băng Huyền/Viễn Đông)

Vài nét về Phan Kim Oanh
Riêng về mẹ của Vân Anh, chị Kim Oanh, được biết, chị bắt đầu hát với các ca đoàn và đài phát thanh tại nhà thờ và đài phát thanh Ban Mê Thuột từ khi còn là một cô bé 8 tuổi. Chị học thanh nhạc tại Nhạc Viện Sài Gòn và tốt nghiệp Nhạc viện Sydney năm 1985. Tốt nghiệp Cử Nhân Sư Phạm Âm nhạc tại Đại Học New South Wales, Sydney năm 1994. Song song với đào tạo nghệ sĩ trẻ, chị còn trình diễn các thể loại cổ điển Tây Phương, đôi khi pha trộn một chút nhạc Việt Nam, để giới thiệu nhạc Việt trong các buổi trình diễn tại nhiều nơi ở Sydney như Đại học Sydney, Nhạc Viện Sydney, Hội Rotary, nhiều nhà thờ, các Town Halls, Hội Nghệ Sĩ Úc và Opera House.
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT