Văn Nghệ

Cảm xúc đẹp đẽ từ chiều nhạc Ngàn Khơi "Đàn Chim Tha Hương"

Friday, 24/11/2017 - 09:28:03

Giọng alto khàn đẹp cùng lối hát bay bổng biến ảo khôn lường, đi từ nhẹ nhàng ngọt ngào tới bùng nổ cảm xúc cùng sở trường hát nhạc jazz của ca sĩ Thương Linh đã thể hiện khá thành công hai bài nhạc theo thể điệu jazz của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín “Tuổi Hồng Hoang” và “Tiếng Hát Ru Người”.

Bài BĂNG HUYỀN

Những khán giả đến dự chiều Nhạc Ngàn Khơi 2017, chủ đề “Đàn Chim Tha Hương” vào 4 giờ chiều ngày 19 tháng 11, 2017 tuần qua tại Saigon Performing Arts Center, đã hài lòng khi có vài giờ đồng hồ ngồi lại bên nhau để cùng thưởng thức một buổi hòa nhạc tuyệt đẹp, là vẻ đẹp của những giá trị thẩm mỹ nghệ thuật được chắt lọc từ những học hỏi âm nhạc thế giới và đan xen khéo léo giữa dòng âm nhạc giao hưởng thính phòng uyên bác với âm nhạc truyền thống Việt Nam và dòng ca khúc nghệ thuật của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín.
Khác với những chương trình trước, các tác phẩm trình diễn trong chiều Nhạc Ngàn Khơi 2017 lần này chỉ trừ bài hát truyền thống của Ngàn khơi được chọn để kết buổi diễn “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của cố nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang, còn lại 26 tác phẩm đều của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín sáng tác hoặc của các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Lê Thương, Phạm Duy, Cung Tiến… do nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết hòa âm. Chương trình như một lời cảm ơn của ban tổ chức gửi đến nhạc sĩ Hồ Đăng Tín, cảm ơn những âm thầm đóng góp của ông cho Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi nói riêng và nền âm nhạc Việt Nam nói chung bằng cả cuộc đời không chút vị lợi hay mưu cầu danh tiếng nào cho riêng mình.


Ca sĩ Bích Liên với bài Hoa Bướm, thiền ca của Hồ Đăng Tín.

Chiều Nhạc càng đẹp hơn vì những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đã được trình diễn bởi những giọng hát đơn ca, tạo được dấu ấn đẹp trong lòng khán giả mộ điệu gần xa, như Trần Thái Hòa, Bích Vân, Phạm Hà, Thương Linh, Mộng Thủy, Bích Liên, cùng với phần hợp xướng do các ca viên của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi thể hiện, và những nhóm hát của Ngàn Khơi gồm Hợp Ca Nam, nhóm Cát Trắng, ban Sóng Xanh. Phần hát hợp xướng được ca trưởng Nguyễn Hoàng Hương và ca trưởng Bùi Quỳnh Giao điều khiển. Dẫn dắt các tiết mục trong chương trình do hai MC Lê Đình Y Sa và luật sư Nguyễn Hoàng Dũng. Phần nhạc đệm năm nay đặc biệt hơn những lần tổ chức trước, không chỉ có ban nhạc Quốc Vũ, với dương cầm thủ - keyboadist Quốc Vũ và Bạch Đằng, bass Vũ Anh Tuấn và tay trống Gary Wing, chương trình còn có phần trình tấu của nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Hải Hoàng và dàn nhạc thính phòng Chamber Orchestra do nhạc sĩ vĩ cầm Nguyễn Bảo Thi lĩnh tấu cùng với các nhạc sĩ Mỹ với các nhạc cụ đàn giây violin, viola, cello, và bass, sáo.

Bấy nhiêu thôi cũng đủ cho thấy vị thế vững vàng, độc đáo, là một concert thính phòng sang trọng và gây xúc động cho người thưởng thức do ban Hợp Xướng Ngàn Khơi tổ chức. Có lẽ, đó cũng là một trong những lý do khiến chương trình của Ngàn Khơi bao năm qua luôn thu hút sự quan tâm của những khán giả yêu nghệ thuật. Năm nay cũng không ngoại lệ, khán giả đến xem rất đông, với các hàng ghế trong rạp hát gần như kín hết.

Bích Vân trong ca khúc Hà Nội Ngày Tháng Cũ.

Vẻ đẹp của tác phẩm được hát

Các ca viên của ban hợp xướng Ngàn Khơi đã không phụ lòng kỳ vọng của ca trưởng Nguyễn Hoàng Hương, Bùi Quỳnh Giao và của chính họ suốt bao tháng trời luyện tập bên nhau, đưa người nghe vào một không gian âm nhạc với nhiều cảm xúc đẹp qua hình thức hợp xướng, một thế mạnh nổi trội trong việc biểu hiện mạnh mẽ sức mạnh cộng đồng, khơi gợi khí phách Việt, qua những tác phẩm, mở đầu chương trình phần 1 là “Đòan Lữ Nhạc” (nhạc và lời Đỗ Nhuận, hòa âm Hồ Đăng Tín) và “Hương Xưa” (nhạc và lời Cung Tiến, hòa âm Hồ Đăng Tín) do ca trưởng Bùi Quỳnh Giao điều khiển. Kết thúc phần 1 là 2 tiểu khúc “Nguyện Cầu” và “Về Nhà Mẹ” trích từ trường ca Mẹ La Vang (nhạc Hồ Đăng Tín, từ bài thơ La Vang, Một Ngày Một Đời của Lê Đình Bảng). Mở đầu phần 2 là “Hòn Vọng Phu 3- Người Chinh Phu Về” (nhạc và lời Lê Thương, hòa âm Hồ Đăng Tín), “Nhớ Người Thương Binh” (nhạc và lời Phạm Duy, hòa âm Hồ Đăng Tín), “Chiến Sĩ Biệt Kích” (nhạc, lời và hòa âm Hồ Đăng Tín, do nhóm ca nam Ngàn Khơi ca), “Đàn Chim Tha Hương” (nhạc, lời và hòa âm Hồ Đăng Tín), “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” (Nhạc và lời Nguyễn Đức Quang). Tất cả các bài trên đều do ca trưởng Nguyễn Hoàng Hương điều khiển. Các ca viên của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi thật xuất sắc khi gửi đến người nghe vẻ đẹp của các tác phẩm âm nhạc với phần hòa giọng tuyệt vời, nhịp nhàng, đúng chỗ, đúng lúc, đúng thanh điệu, âm sắc với những mảng bè được phối đủ màu sắc, độc đáo, thể hiện kết quả của một quá trình luyện tập gian khổ. Đặc biệt như bài “Hương Xưa” vốn thường được hát đơn ca, trong chương trình qua phần hát hợp xướng đã được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết hòa âm cho hợp xướng 3 bè tôn thêm vẻ đẹp vốn có của tác phẩm thêm bội phần.


Ca trưởng Nguyễn Hoàng Hương và Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi.

Từng lời ca vang bay bổng, người nghe đắm chìm trong không gian âm nhạc tuyệt diệu, dường như không còn “cách trở” không gian và thời gian, người hát và người nghe đã cùng giao hòa trong cảm xúc, cùng một nhịp đập của trái tim, khơi lại tình cảm thiêng liêng cao vợi qua 2 tiểu khúc trích từ trường ca “Mẹ La Vang” của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín. Tiểu khúc mang tên “Nguyện Cầu” dựa trên điệu ru con của Dân Ca Nam Bộ với âm điệu nhẹ nhàng ngân nga đầy tình cảm, và tiểu khúc “Về Nhà Mẹ” được ông viết dựa trên nền nhạc Tây Nguyên rộn ràng mạnh mẽ của người dân tộc Jarai với với những đảo phách theo nhịp 5/ 4 kết hợp sự thay đổi màu sắc của hòa âm, rất độc đáo. Màn trình diễn 2 tiểu khúc này của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi đã khiến cả khán phòng tràn ngập trong tiếng vỗ tay vang dội.

Độc đáo không kém là tác phẩm “Nhớ Người Thương Binh” của cố nhạc sĩ Phạm Duy, được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết hòa âm, hát acapella, không nhạc đệm. Người hát phải dùng chính giọng của mình để thay thế cho những âm thanh của nhạc cụ, vì vậy, có thể khoe được kỹ thuật và nội lực của giọng hát, đã được Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi trình diễn thật tuyệt. Đoạn mở đầu với những tiếng hò lơ vui vẻ của người nông dân trên đồng khung cảnh thanh bình, và rồi người thanh niên phải bỏ cày bỏ cuốc để bảo vệ quê hương bờ cõi, đến một chiều trên quãng đường xa, người thanh niên trở về mất đi một phần thân thể, tiếng đệm của bè nữ cao, tựa như tiếng khóc nức nở, sau khi qua khỏi đau đớn tạm thời, thì người thương binh trở lại làm một người đàn ông kiên cường Thân tàn nhưng trí còn vương mây trời, kèm theo là những tiếng hò lơ, hò lơ của mong ước thanh bình, êm đềm, chạm đến tận sâu trái tim người nghe, lâng lâng, lan tỏa niềm tri ân, ghi nhớ công ơn những người chiến sĩ đã để lại một phần thân thể cho quê mẹ Việt Nam trong cuộc chiến vừa qua.


Ca trưởng Bùi Quỳnh Giao và Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi.

 



Lấy cảm hứng từ một sự tích dân gian, một bi kịch đã được truyền tụng từ bao đời nay, cố nhạc sĩ tài hoa Lê Thương, tác giả của bộ ba ca khúc trường ca Hòn Vọng Phu bất hủ, đã kể câu chuyện bi thiết về người thiếu phụ có chồng đi chinh chiến, thủy chung ôm con chờ chồng để rồi hóa đá, bằng âm nhạc đặc sắc với ca từ bay bổng giàu tính tự sự. Dưới tài hòa âm của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín qua “Hòn Vọng Phu 3”, vẻ đẹp của những âm điệu khi trầm bổng, khi cao vút, lúc thì dồn dập, khi thì khoan thai, lúc thật êm dịu, bi thiết, não nùng, du dương tuyệt vời, đã được ban hợp xướng Ngàn Khơi diễn tả thật đầy đặn cảm xúc.

Bài “Chiến Sĩ Biệt Kích” được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết tặng cho các chiến sĩ Biệt Kích Dù VNCH, là bài hùng ca rất hay, được ông viết cho ba bè, đã được nhóm ca nam Ngàn Khơi mô tả trọn vẹn vẻ đẹp bi hùng của tác phẩm.

Từ những hào hùng của Quân Lực VNCH lừng danh chuyển sang thân phận đau khổ buộc phải tha hương, mất nước với ca khúc chủ đề buổi diễn “Đàn Chim Tha Hương”, phần mở đầu bài hát giọng ca Phạm Hà solo, thê lương, buồn thảm, nhưng về sau sáng dần lên với phần bè hợp xướng và kết thúc với thông điệp gửi đi những niềm hy vọng về sự đổi thay, đổi mới, hướng tới tương lai của quê hương, mong chờ một ngày mai đất nước huy hoàng.

Các ca viên của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi không chỉ thành công khi hát những bài hợp xướng, hợp ca mà một vài thành viên lập nên những nhóm hát như nhóm Cát Trắng, Nhóm Sóng Xanh, với khả năng thể hiện tinh tế phần phối bè, cùng với ưu điểm nổi bật của mỗi giọng hát trong nhóm hòa quyện với nhau đầy sắc màu, tô điểm thêm vẻ đẹp cho mỗi tiết mục, với “Gọi Tên Bốn Mùa” (Nhạc và lời Trịnh Công Sơn, hòa âm Hồ Đăng Tín) do ban Sóng Xanh hát. “Chú Cuội” (Nhạc và lời Phạm Duy, hòa âm Hồ Đăng Tín) do ban Cát Trắng trình diễn. Giọng nữ cao âm vực nhẹ nhàng, thanh âm trong trẻo của Đan Tâm (thành viên Ban Sóng Xanh) thể hiện thật hay ca khúc “Em Là Dòng Suối Nhỏ” (nhạc và lời Hồ Đăng Tín, hòa âm Hồ Đăng Tín) với phần bè của các giọng ca nam.

Vẻ đẹp của khí nhạc

Là một nhạc sĩ đa tài, nhạc sĩ Hồ Đăng Tín không chỉ sáng tác ca khúc, viết hòa âm cho hợp xướng, hợp ca, nhóm hát, mà còn có tác phẩm khí nhạc. Khí nhạc có đất phát triển mênh mông, vô hạn độ, diễn tả những điều người ta khó hát lên được. Âm nhạc diễn đạt những cái tinh tế cũng như hùng vĩ, lớn lao. Đó là ưu thế của nghệ thuật này. Chương trình chọn 2 tác phẩm khí nhạc của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín để trình diễn. Tác phẩm dân ca chuyển soạn “Lý Qua Đèo-Lý Qụa Kêu” viết cho piano của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín được ngón đàn điêu luyện của dương cầm thủ Nguyễn Hải Hoàng trình tấu, tác phẩm đã không còn là 2 bài lý quen thuộc mà đã dày dặn hơn, nhiều bè nhiều lớp hơn để trở thành một tác phẩm khí nhạc mang tính chất thính phòng, sánh ngang với các tác phẩm khí nhạc quan trọng khác. Là sự phối hợp rất kỳ lạ và thú vị giữa âm nhạc dân gian với âm nhạc phương Tây, làm cho ngôn ngữ âm nhạc phong phú, sức diễn đạt mạnh mẽ, đa dạng và ý nhị hơn rất nhiều.


Nhóm ca nam với ca khúc Chiến Sĩ Biệt Kích.

“Concerto in D” viết cho violon solo với phần đệm của piano được nghệ sĩ vĩ cầm Nguyễn Bảo Thi trình tấu cùng nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Hải Hoàng. Đây là một Concerto tinh tế, khá phức tạp với ngôn ngữ âm nhạc hiện đại và mới mẻ. Những nét giai điệu đa chiều và gãy gọn trong tác phẩm này cho thấy một tài hoa sáng tạo trong sáng tác, khắc họa rõ nét dấu ấn cá nhân của tác giả. Đặc biệt nghệ sĩ violin Nguyễn Bảo Thi đã thể hiện xuất sắc và gần như hoàn hảo phần solo dành cho violin, hòa điệu với tiếng nhạc đệm dương cầm của Nguyễn Hải Hoàng, đã nhận được rất nhiều sự cổ vũ ngợi khen của các khán giả.

Những tiếng hát đơn ca qua các ca khúc

Giọng hát cao vút du dương, khi nhẹ nhàng, khi bay bổng, thánh thót của Bích Vân hát “Mây Trắng Non Xanh” (viết dựa trên bài thơ của Xuyên Thiền Sư, là một trong những bài nhạc trích từ tuyển tập nhạc thiền của Hồ Đăng Tín) và “Đóa Hoa Dâng Mẹ” (nhạc và lời Hồ Đăng Tín). Bài “Hoa Bướm” (nhạc và lời Hồ Đăng Tín), “Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng” (nhạc và lời Phạm Duy, hòa âm Hồ Đăng Tín) được thể hiện qua giọng nữ cao thanh thoát, nhẹ nhàng của Bích Liên. Đây là các ca khúc đưa khán giả vào những giây phút phiêu bồng, thoát tục, là cơ hội để mở cho người nghe một sự khai ngộ, để tâm tư thanh thản, tâm hồn tĩnh lặng, thanh khiết vô ngần.

Không chỉ có những bài mang tính thiền ca, nhạc sĩ Hồ Đăng Tín còn có những hòa âm hoặc sáng tác các bài tình ca cũng rất độc đáo. “Chú Cuội” là một bài tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy viết tặng cho hiền thê của mình, ca sĩ Thái Hằng, khi 2 người mới lấy nhau, được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết hoà âm cho ban Cát Trắng trình diễn. Bài “Thương Yêu” được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết tặng cho bạn đời của ông, được giọng hát của Trần Thái Hòa gửi đến người nghe câu chuyện tình thủy chung của tác giả và bạn đời của mình. Anh cũng hát rất hay ca khúc “Nguyệt Cầm” (nhạc Cung Tiến, phổ thơ Xuân Diệu, hòa âm Hồ Đăng Tín).

Giọng ca nồng ấm của Phạm Hà đã đem đến cảm xúc đầy đặn cho người nghe khi thể hiện “Một Lần Yêu” (nhạc và lời Hồ Đăng Tín). Anh cũng đã đảm nhận vai trò lĩnh xướng trong ca khúc “Hòn Vọng Phu 3” và “Đàn Chim Tha Hương” với Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi.

Tiếng hát đầy kỹ thuật, nhưng cũng thật tình cảm của ca sĩ Mộng Thủy khi cô hát “Sài Gòn Chiều Mưa” (Nhạc và lời Hồ Đăng Tín), đã thể hiện trọn vẹn những cung bậc ẩn hiện tiếng lòng đầy thổn thức của người con dành cho Sài Gòn, dành cho quê hương. Cô cũng thật tinh tế khi hát “Cửa Mùa Xuân” (Nhạc Hồ Đăng Tín, Thơ Nhã Ca), khiến bài hát vốn đã đẹp của sự hòa quyện giữa lời và nhạc, lại càng đẹp thêm qua giọng hát, tiếng đàn của ban nhạc.

Giọng alto khàn đẹp cùng lối hát bay bổng biến ảo khôn lường, đi từ nhẹ nhàng ngọt ngào tới bùng nổ cảm xúc cùng sở trường hát nhạc jazz của ca sĩ Thương Linh đã thể hiện khá thành công hai bài nhạc theo thể điệu jazz của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín “Tuổi Hồng Hoang” và “Tiếng Hát Ru Người”.

Ca khúc “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang được vang lên bởi ban hợp xướng Ngàn Khơi tạo nên những cảm xúc bâng khuâng khó tả, đã được ban tổ chức xếp đặt khéo léo ở phần cuối, kết thúc chiều Nhạc Ngàn Khơi “Đàn Chim Tha Hương” như một cách thổi bùng lên những cảm xúc đẹp đẽ đã được nuôi dưỡng trong suốt chương trình. Lời ca đung đưa theo nhịp nhạc, những tiếng vỗ tay bắt nhịp của các khán giả trong khán phòng rạp hát đã cùng vang lên như một theo nhịp điệu của ca trưởng Nguyễn Hoàng Hương bắt nhịp, để lại những ấn tượng khó quên cho các khán giả khi ra về, gợi lại những “hồi ức” đau thương và cả “niềm hy vọng” nơi những người con Việt dẫu ly hương nhưng vẫn gìn giữ “những giá trị bất tử trong tinh thần người Việt là tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa cả.” (Đây là tâm tình khi còn sống của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang về ý nghĩa của ca khúc Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, đã được phổ biến trên trang mạng internet).

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT