Tiêu Thụ

Cấm xe hơi, nên chăng?

Friday, 06/04/2018 - 10:08:18

Khách quan nhận xét, lệnh cấm đưa ra đúng là hợp lý, nó tạo ra nhiều cơ hội cho sinh hoạt thương mại, đặc biệt là những cơ sở tiểu thương phục vụ nhu cầu muôn mặt của những dòng khách bộ hành lúc nào cũng lũ lượt chảy đi như những luồng thác lớn.

Bài ERIC TRẦN

Có thể nói rằng xe hơi là một sản phẩm phổ thông có đông khách tiêu thụ nhất. Với đa số chúng ta, khó mà tưởng tượng được đời sống sẽ ra thế nào nếu không có xe hơi. Nhờ xe hơi làm cho sự di chuyển dễ dàng mà việc mua bán mau mắn, đời sống kinh tế - cá nhân cũng như tập thể - trở nên sung túc rộn rịp hơn. Lợi ích của xe hơi đương nhiên không cần bàn cãi… nhưng nạn “kẹt xe” do giao thông quá đông đúc trên đường phố mới là vấn đề nhức nhối, đến nỗi giới thẩm quyền có lúc đã phải đặt ra câu hỏi: Có nên cấm xe không?
Ở đây chúng ta chỉ nói đến xe hơi cá nhân, chứ không ai đặt vấn đề với những phương tiện di chuyển công cộng, như xe bus, tàu điện… Đồng thời, tình trạng cấm xe, nếu có, chỉ được đề nghị cho các khu vực trung tâm thành phố (downtown), chứ không ai nói tới những tuyến đường dài trên freeway thăm thẳm cả. Dù vậy, câu hỏi trên vẫn làm bùng lên nhiều ý kiến đối nghịch. Chúng ta sẽ xem ý kiến của giới chuyên môn trên cả mặt: Nên cấm và không nên cấm.


Thành phố không xe, độc quyền cho xe đạp và khách bộ hành nhàn du thưởng ngoạn.

Cấm xe hơi? Rất nên!

Chúng ta hãy nghe ý kiến của một chuyên gia: Ông Elliot Sclar, chuyên viên về kế hoạch kiến thiết đô thị (urban planning), giáo sư danh dự tại Đại Học Columbia University, và giám đốc Trung Tâm Phát Triển Đô Thị (Center for Sustainable Urban Development) trong đại học này.

Theo giáo sư Sclar, việc hạn chế xe hơi cá nhân đi vào các vùng trung tâm thành phố là một ý tưởng rất đáng xem xét trong thời buổi này. Lý do đơn giản là: Xe hơi cá nhân chiếm quá nhiều diện tích đường phố, trong lúc xã hội đang có nhiều nhu cầu khác cần sử dụng đến những khu vực ấy.


Ngay cả những ngày thường, New York cũng đông nghẹt khách bộ hành, đường phố ưu tiên cho các phương tiện giao thông công cộng, hay các loại xe dịch vụ. Xe hơi cá nhân khó mà chen vào đây.

Khi bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng 120 năm, chính xe hơi đã làm cho thành phố trở thành một trung tâm thương mại. Là vì, nhờ có xe hơi cá nhân, việc di chuyển trở nên nhẹ nhàng và linh động, khiến người ta không ngại ngần ra sinh sống ở các vùng ngoại ô, để dành downtown cho các cơ sở kinh doanh buôn bán.
Cái hợp đồng ngầm như vậy được thực hành một cách tốt đẹp trong khoảng 100 năm đầu của lịch sử xe hơi. Nhưng về sau, dù không ưu tiên cho dân cư chăng nữa, đất thành phố cũng càng lúc càng trở nên hiếm hoi, quí giá, và chật chội với luồng xe cộ đổ vào càng ngày càng đông. Người ta từ từ nhận ra rằng cái xe hơi chiếm một diện tích quá... xa xỉ trên đường phố. Khi luồng xe đông đúc, vận tốc đương nhiên phải chậm lại, làm ngãng trở nhiều công dụng khác của đường phố, như sự đi lại của khách bộ hành, sự di chuyển của xe giao hàng, dịch vụ tắc xi và limousine, phương tiện chuyên chở công cộng, xe cứu thương, xe cảnh sát... Dựng đường cho xe lưu thông đã vậy, rồi lại còn phải tìm chỗ cho xe đậu nữa mới phiền. Rốt cuộc, người ta đành phải thừa nhận rằng cái xe có những đòi hỏi quá quắt, ắt hẳn cả những lợi ích ban đầu nó mang lại. Cùng với dân số gia tăng và kinh tế phát triển, nhà chức trách bắt buộc phải nghĩ tới việc hạn chế xe hơi cá nhân đi vào vùng trung tâm thành phố.


Công trường Times Square, New York, đông nghẹt khách trong những thời khắc chuẩn bị đón Năm Mới.

Mặc dầu chẳng ai muốn bị cấm xe, nhưng chúng ta cũng phải đồng ý với giáo sư Sclar là xe hơi chiếm nhiều chỗ quá. Chẳng nói đâu xa, người viết bài này đến nay vẫn chưa quên cái cảm giác ngỡ ngàng khi được điều khiển xe hơi lần đầu tiên cách đây 30 năm. Một mình ngồi sau tay lái khi xe lăn bánh trên đường, hắn thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn sang bên cạnh, lúc khác lại liều gan quay hẳn ra đằng sau để nhìn những băng ghế trống trong cái “không gian thênh thang” đang di chuyển cùng với mình. Một cái xe “to lớn, sang trọng” thế này mà chỉ chở có một người, sao lại phí phạm thế nhỉ? Mặc dầu đó chỉ là một chiếc Civic hai cửa, cũ mèn sau 15 năm phục vụ. Mới có chiếc Sedan mà đã thế, chứ nếu được ngồi trên một chiếc SUV, hay Truck… như bây giờ thì không hiểu hắn còn xuýt xoa tiếc của đến đâu?

Đó là cảm giác của một anh thanh niên Việt nam mới đến Mỹ từ một xứ sở mà phương tiện giao thông phần lớn chỉ là xe đạp, và xe gắn máy. Không hiểu giới chuyên gia về kiến thiết đô thị ở vùng Bắc Mỹ cách đây 30 năm đã có ý nghĩ “tiếc của” như vậy chưa, nhưng chuyện cấm xe hơi đi vào trung tâm thành phố thì chưa thấy đặt thành vấn đề.

Việc cấm xe hơi ở Mỹ mới được đặt ra cách đây 10 năm, khởi đầu với khu vực Times Square của New York City. Nếu có dịp ghé vùng này, chắc bạn cũng sẽ ngốt người với cảnh khách bộ hành nườm nượp ở khắp mọi gốc phố. Có được phép lái xe cũng khổ sở và hồi hộp không khác gì như đang len chân đi giữa... bãi mìn. Du khách tứ phương cùng với cư dân New York địa phương bây giờ tràn ngập những con đường mà vài năm trước đây còn đang kẹt cứng xe cộ.


Khách bộ hành tràn ngập đường phố.

Giới hạn sự lưu thông của xe hơi cá nhân, thành phố tiết kiệm được nhiều diện tích để khai thác cơ hội làm ăn mà các phát minh khoa học kỹ thuật hiện đại mang lại. Xe hơi do cá nhân điều khiển đang dần được thay thế một cách hiệu quả bởi xe tự lái, tàu điện tự chạy.

Khách quan nhận xét, lệnh cấm đưa ra đúng là hợp lý, nó tạo ra nhiều cơ hội cho sinh hoạt thương mại, đặc biệt là những cơ sở tiểu thương phục vụ nhu cầu muôn mặt của những dòng khách bộ hành lúc nào cũng lũ lượt chảy đi như những luồng thác lớn.

Vấn đề cấm xe hơi thực ra không phải là một phát kiến mới lạ của New York City, hoặc các trung tâm thương mại tại Hoa Kỳ. Nhiều thành phố Âu châu, như London Paris, Stockholm và Berlin đã có lệnh cấm hoặc giới hạn xe hơi cá nhân đi vào trung tâm thành phố từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, đối với các thành phố Âu Châu, lệnh cấm này được cổ võ chủ yếu vì khuynh hướng bảo vệ môi sinh, chống ô nhiễm môi trường (do khí thải xăng nhớt gây ra) và kiến tạo những không gian êm đềm cho khách bộ hành thưởng ngoạn, chứ không hẳn vì đà phát triển của kinh tế như các trung tâm thương mại ở Hoa Kỳ.
Nhưng cũng chính vì sự phát triển kinh tế, và nhiều lý do khác, mà một số chuyên gia khác biện luận rằng không nên cấm xe hơi lưu thông vào thành phố. Chúng ta sẽ thảo luận về lập trường này trong bài lần tới.
Erictran216@yahoo.com







Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT