Mẹo Vặt

Cắm sào nước sâu: Phương pháp trồng cây dễ nhất không cần đất

Tuesday, 02/05/2017 - 08:04:02

Như bạn thấy trong hình đính kèm theo đây, bộ rễ cây cắm sâu và treo lủng lẳng trong lòng nước nên các nhà chuyên môn đồng lòng gọi phương pháp này là Deep Water Culture, mà theo chữ nghĩa của ông Cả Đẫn thì đúng là “cắm sào nước sâu.”

Bài VŨ HẰNG

Mấy tuần nay chúng ta đang nói về phương pháp trồng cây không đất, gọi là thủy canh (hydroponics). Tuy nhiên, những gì Hằng đã trình bày thì tuy không phải dùng đất, nhưng bạn vẫn phải bỏ nhiều công phu để dựng vườn. Nếu bạn cho rằng như vậy là phiền thì hôm nay em xin cống hiến một mẹo khác, được gọi là “cắm sào nước sâu” (deep water culture) bảo đảm dễ dàng, đơn giản hơn phương pháp “tưới đẫm rút lẹ” (flood and drain) trước đây nữa.

Tình thực mà nói, ông Cả Đẫn nhà em vốn không được hài lòng lắm với việc “tưới đẫm rút lẹ.” Ổng nói rằng làm như vậy mất nhiều công sức, đòi hỏi nhiều vật dụng và máy móc. Ông đề nghị một phương pháp khác đơn giản hơn: Như bạn thấy trong hình đính kèm theo đây, bộ rễ cây cắm sâu và treo lủng lẳng trong lòng nước nên các nhà chuyên môn đồng lòng gọi phương pháp này là Deep Water Culture, mà theo chữ nghĩa của ông Cả Đẫn thì đúng là “cắm sào nước sâu.”


Cây treo lủng lẳng trong bể nước ngày đêm mà không thối rễ. Bí quyết nằm ở những bọt khí được tiếp từ bên ngoài vào bể qua Air Pump và Air Stone

Nhìn cái hình này, chắc nhiều bạn sẽ hốt hoảng nghĩ rằng, “Ấy, làm như vậy rễ cây sẽ bị ngộp hoặc thối rữa vì úng nước!” Bạn lo là đúng, vì trước nay các thầy cô trong ngành trồng trọt vẫn lưu ý “đừng tưới quá nhiều kẻo thối rễ!” Lâu lâu mới tưới một chút mà đã lo như vậy, huống hồ lại ngâm luôn 24/24 thì làm sao sống nổi đây? Có lẽ ai cũng nghĩ như thế.


Chậu lưới trồng cây trong phương pháp cắm sào nước sâu

Ông Cả Đẫn có vẻ khoái chí khi thấy Hằng nghệt mặt lạ lùng với cái phương pháp mới này. Nhưng ổng chẳng giải thích ngay mà chỉ bảo rằng, “Sách vở đã nói như vậy,” có nghĩa là, cái gì cũng có lý do, bài bản rõ ràng, chứ không phải là việc làm tùy hứng, cầu may. Vậy xin mời bạn nghe ổng cà kê một chút cho “có trước có sau” nhé.
Theo lang quân nhà em, phương pháp “cằm sào rễ sâu” qui tụ được 3 yếu tố căn bản:

- Dưỡng khí (Oxygen): Đó chính là không khí mà chúng ta hít thở hằng ngày. Không có dưỡng khí, chúng ta sẽ chết ngắc mà cây cỏ, muôn loài không thứ gì sống được. Cây trồng dưới đất hấp thụ không khí qua những kẻ hở giữa những hạt đất. Nhưng cây trồng trong nước thì lấy không khí ở đâu?
Các bạn có để ý thấy dưới đáy bể có một ống nối từ bên ngoài vào trong hay không? Đây là một vật dụng thông thường mà những người chơi bể cá vẫn biết, gọi là Air Pump, tức là máy bơm không khí, nối với một thanh đá sốp đặc biệt gọi là Air Stone đặt ở đáy bể. Air Pump bơm không khí từ bên ngoài, thổi vào Air Stone và làm bay lên những đốm trắng, chính là những túi không khí được tiếp vào trong nước để nuôi rễ cây.

- Nước: Yếu tố thứ hai là nước, rễ cây thường xuyên ngâm trong nước, khiến bạn không bao giờ phải tưới, nhưng nước không thể làm cho rễ chết ngạt vì luôn luôn có luồng dưỡng khí dồi dào được tiếp dẫn từ ngoài vào.

- Dưỡng chất: Yếu tố thứ 3 là “thức ăn” tức là dưỡng chất cho cây. Dù trồng trên cạn, dưới nước, hay trên trời chăng nữa, cây vẫn cần phải “ăn” mới sống và phát triển được. Cũng như phương pháp “tưới đẫm rút nhanh” mà chúng ta đã biết trước đây, dưỡng chất được hòa luôn vào trong nước, và luôn luôn có sẵn tùy theo nhu cầu sử dụng của cây.
Phương pháp này rất phổ thông vì cách làm đơn giản và dễ dàng với những lợi ích cụ thể như sau:

- Vật liệu dễ kiếm, lắp ráp đơn giản: Đương nhiên bạn cần một bể nước, mấy chậu lưới (net pot), một máy bơm không khí (air pump) kèm với một thanh đá bọt (air stone), một đoạn ống plastic ngắn, và một ít sỏi….. Phí tổn tổng cộng khoảng $50. Rõ ràng là đơn giản hơn nhiều so với phương pháp “tưới đẫm rút lẹ.”


Cây rau xanh tốt, rút ngắn thời gian nuôi trồng

 



- Dựng vườn xong, bạn chỉ cần bỏ một chút thời gian để săn sóc, phần lớn thời gian còn lại chỉ là để thưởng thức và ngắm cây phát triển trên bể nước, cứ như... một phép lạ.

- Cây phát triển nhanh hơn rất nhiều: Theo ghi nhận của các nhà chuyên môn, rau diếp trồng nước có thể được thâu hoạch sau 30 ngày thay vì 60 ngày nếu trồng trên đất.
Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý những điểm sau để việc “cắm sào nước sâu” được kết quả mỹ mãn:

- Bảo đảm nguồn điện: Trong khi nước luôn luôn có sẵn thì không khí lại phải được tiếp vào qua air pump. Chẳng may điện bị cúp hoặc máy bị hư mà không phát giác kịp thời thì rễ cây sẽ mau chóng chết ngạt trong bể nước.
- Theo dõi độ pH: Độ pH thích hợp với đa số các loại cây là vào khoảng 5.5 tới 6.5. Khi cây còn non, pH có thể dưới 6, và phải tăng lên khi cây lớn hơn.
- Duy trì nhiệt độ: Bể nước cần phải có nhiệt độ điều hòa trong khoảng từ 60 độ F (16 độ C) tới 68 độ F (20 độ C). Lạnh dưới 60 độ F, cây rau sẽ “nghĩ” rằng trời đã vào thu, hoặc chuẩn bị sang đông. Nóng trên 68 độ F, lượng dưỡng khí trong nước sẽ bị rút giảm nhanh chóng, bất kể máy bơm không khí vẫn hoạt động bình thường.
Những điểm trên không khó thực hiện, nhưng đòi hỏi bạn một chút quan tâm, mà đối với người thực sự yêu cây yêu vườn hoàn toàn chẳng phải là gánh nặng, nhưng lại là một nguồn vui, phải không bạn?
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT