Bình Luận

Cấm người Tầu vào Biển Đông

Monday, 16/01/2017 - 11:21:52

So sánh này tạo vinh dự cho tân chính phủ Donald Trump; cũng như thái độ cương quyết đã tạo vinh dự cho Tổng Thống Kennedy năm 1962...

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Nhận xét về câu tuyên bố của ông Rex W. Tillerson, ngoại trưởng được chỉ định trong tân chính phủ Donald Trump, là Hoa Kỳ nên ngăn cấm không cho người Tầu ra vào những hòn đảo họ cưỡng chiếm rồi xây dựng tại Biển Đông, giáo sư chính trị học Carlyle A. Thayer, trường University of New South Wales, Úc Châu, ví von so sánh câu nói của Tillerson với việc Tổng Thống John F. Kennedy ra lệnh phong tỏa Cuba, vì người Nga đem hỏa tiễn liên lục địa sang đặt trên lãnh thổ Cuba.

Dĩ nhiên so sánh này tạo vinh dự cho tân chính phủ Donald Trump; cũng như thái độ cương quyết đã tạo vinh dự cho Tổng Thống Kennedy năm 1962, khi ông nhất định bắt người Nga phải tháo gỡ giàn hỏa tiễn họ đặt tại Cuba.

Không khí căng thẳng đến nghẹt thở kéo dài suốt 13 ngày -từ 14 đến 28 tháng 10, 1962; căng thẳng vì từ vị trí đặt hỏa tiễn đến bờ biển Hoa Kỳ chỉ có 90 miles. Ngày 22 tháng 10, 1962, Kennedy lên truyền hình trình bày với công chúng việc Nga đặt hỏa tiễn, và việc ông ra lệnh phong toả Cuba, đòi người Nga phải tháo gỡ hỏa tiễn xuống và đem trở về Nga, nếu không, ông sẽ tấn công để tiêu diệt mầm hiểm họa này.


Tổng Thống Kennedy công bố phong tỏa lãnh hải Cuba

Bất cứ lúc nào Mỹ cũng có thể dùng hải pháo tấn công hỏa tiễn Nga, và bất cứ lúc nào dàn xạ thủ Nga cũng có thể nhấn nút khai hỏa bắn hỏa tiễn vào lãnh thổ Mỹ; hỏa tiễn lại có thể chuyên chở một đầu đạn nguyên tử.

Cuối cùng, lãnh tụ Nga Nikita Khrushchev đồng ý tháo gỡ hỏa tiễn để đánh đổi với việc Hoa Kỳ cũng tháo gỡ giàn hỏa tiễn đã đặt sẵn tại Thổ.

Điểm giống nhau giữa hai diễn biến cách nhau 55 năm này, là Hoa Kỳ sử dụng lực lượng Hải Quân phong tỏa những hải đảo bị đối phương sử dụng làm căn cứ hỏa lực; đe dọa của giàn hỏa tiễn Nga sát cận lãnh thổ Mỹ nên xúc động của quần chúng Mỹ mạnh hơn, hiện thực hơn; tuy nhiên đề nghị của “chuẩn” ngoại trưởng Tillerson cũng lập tức gây sóng gió dư luận, tạo công phẫn cho người Tầu, và khiến người Á Châu phấn khởi hy vọng.

Tờ báo Anh ngữ Global Times, cơ quan ngoại vận của Bắc Kinh, viết, “Trung Quốc đủ sức mạnh và quyết tâm để phá vỡ toan tính huênh hoang của ông ta.”

Ngăn cấm không cho người Tầu vào Biển Đông -vào những hải đảo nhân tạo mà họ đã thiết lập phi trường, quân cảng, đã bố trí hỏa tiễn phòng không, phòng duyên- dĩ nhiên không phải là chuyện dễ; nhưng lại cũng không khó đến mức vượt quá khả năng của Hải Quân Hoa Kỳ.

Để thực hiện một cuộc phong tỏa như vậy, chỉ cần một trong bảy hạm đội Hoa Kỳ -Đệ Thất Hạm Đội- hiện đang thả neo tại quân cảng Yokosuka cũng thừa khả năng đảm trách.

Hạm Đội 7 có khoảng 70 chiến hạm, 300 phi cơ chiến đấu, 40,000 thủy thủ và Thủy Quân Lục Chiến; tháng Ba 2016, Hạm Đội 7 đã gửi một lực lượng gồm chiếc hàng không mẫu hạm John C. Stennis, hai khu trục hạm Chung-Hoon và Stockdale, hai tuần dương hạm Antietam và Mobile Bay, cùng với chiếc soái hạm Blue Ridge vào Biển Đông.

Đô đốc Harry Harris -tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương- trình bày với Quốc Hội Hoa Kỳ là người Tầu đang công khai quân sự hóa Biển Đông.

Điểm khác biệt quan trọng là đề nghị của “chuẩn” ngoại trưởng Tillerson đưa Hải Quân Hoa Kỳ từ thế thủ sang thế công; chiến hạm Mỹ không chạy quanh các hòn đảo Trung Cộng lấn chiếm trên Biển Đông nữa, mà sẽ bố trí hỏa lực quanh đó, rồi lập vùng “phi quân sự” không cho hải quân Trung Cộng xâm nhập nữa.


Chuẩn ngoại trưởng Tillerson đưa Hải Quân Hoa Kỳ từ thế thủ sang thế công. (Alex Wong/ Getty Images)

Giáo sư Su Hao, giảng dạy tại viện đại học Ngoại Giao Trung Quốc (China Foreign Affairs University) tại Bắc Kinh nhận định, “Trung Quốc sẽ không điều chỉnh lại chính sách ngoại giao cho phù hợp với quan điểm của tân chính phủ Mỹ; chúng ta sẽ tiếp tục hành xử theo quan điểm của chúng ta và phục vụ quyền lợi của đất nước chúng ta.”

Nói cách khác, nếu ông Tillerson được Quốc Hội tấn phong vào chức vụ ngoại trưởng, và nếu ông thực hiện quan điểm của ông “cấm Tầu vào Biển Đông” thì liệu chiến tranh Mỹ-Trung Cộng sẽ xảy ra?
Không hẳn như vậy, hoặc tối thiểu, viễn ảnh một cuộc phong tỏa quân sự trên Biển Đông cũng chưa đủ hiện thực để tạo ra những quan tâm, như người Mỹ đã quan tâm đến dàn hỏa tiễn của Nga năm 1962.
Ông Anders Corr, giám đốc tổ chức Corr Analytics -một tổ chức nghiên cứu tình hình chính trị, cơ sở đặt tại New York- cho là, “người Tầu chỉ nói cứng để dọa các chính khách và doanh nhân Mỹ, chứ họ không đủ sức mạnh quân sự để đối phó với cuộc phong tỏa ông Tillerson đề nghị.”

Corr chỉ đúng trong phần cuối của câu nói “Trung Cộng không đủ sức mạnh quân sự để đối phó với cuộc phong tỏa,” nhưng họ đang đối phó bằng cách bắt Việt Cộng hùa theo họ.

Hôm thứ Năm 12 tháng Giêng, 2017, chủ tịch đảng Việt Cộng Nguyễn Phú Trọng được gọi sang Bắc Kinh để ký thông cáo chung với chủ tịch đảng Trung Cộng Tập Cận Bình; đài VOA loan báo là Trọng ký cùng một lúc 15 văn kiện cam kết hợp tác với Trung Cộng.


Trọng được gọi sang Bắc Kinh để nhận chỉ thị

Vai trò của Trọng cũng như vai trò của Tổng Thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte trong phiên họp của Liên Minh Á Châu năm ngoái: ông ta tuyên bố thẳng thừng là “ly dị” với Hoa Kỳ, không nhận viện trợ kinh tế hay quân sự của Mỹ nữa, mặc dù Mỹ mới vận động được tòa Trọng Tài Quốc Tế lên án Trung Cộng lấn chiếm lãnh hải Phi Luật Tân.

Trung Cộng đang tìm cách đối phó với chính sách “cấm Tầu vào Biển Đông” của ông Tillerson bằng chiến thuật “tạo khoảng trống chính nghĩa”: bắt cả hai nước vùng Bắc Biển Đông -Việt Nam và Phi Luật Tân- không nước nào nhờ Hoa Kỳ can thiệp cả.

Trong lúc Tillerson chưa tìm được cớ để “cấm người Tầu vào Biển Đông,” Trung Cộng sẽ thương lượng với Trump -bằng cách để yên cho Đài Loan và bà Thái Anh Văn, người đã điện đàm cầu cứu ông Trump.
Dù sao cũng phải nhìn nhận là, chưa nhậm chức nhưng Tillerson đã tỏ ra là một ngoại trưởng sắc bén, biết sử dụng uy thế của Hải Quân Hoa Kỳ. Ít nhất điều đó vẫn đáng mừng.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT