Thế Giới

Cam Bốt: Hun Sen nằm nhà thương ở Singapore

Thursday, 04/05/2017 - 07:54:03

Tuy nhiên, các cuộc gặp đều đã bị hủy. Năm ngoái, ông Hun Sen cũng nhập viện tại Singapore trong thời gian ngắn.



SINGAPORE - Thủ Tướng Hun Sen đang nằm viện ở Singapore vì kiệt sức, nhưng sẽ về nước vào cuối tuần. Trên trang Facebook cá nhân, Thủ Tướng Cam Bốt hôm thứ Năm cho biết, ông cảm thấy kiệt sức và cần chăm sóc sức khỏe khẩn cấp. Ông đang điều trị tại một bệnh viện ở Singapore. Ông Hun Sen nhập viện từ hôm 3 tháng 5 và dự kiến được xuất viện vào ngày 7 tháng 5, để trở lại làm việc bình thường.
Hình ảnh trên trang cá nhân cho thấy ông tỏ ra mệt mỏi trên giường bệnh, tay cắm ống truyền dịch và được người nhà vây quanh. Ông Hun Sen, 64 tuổi, đã lãnh đạo Cambodia hơn 3 thập niên qua. Theo kế hoạch, ông sẽ có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Nobuo Kishi, cùng một số viên chức Ấn Độ và Pháp trong tuần này. Tuy nhiên, các cuộc gặp đều đã bị hủy. Năm ngoái, ông Hun Sen cũng nhập viện tại Singapore trong thời gian ngắn.

Syria: Nga, Iran, Thổ lập vùng giảm xung đột
ASTANA – Nga, Iran, và Thổ Nhĩ Kỳ, đã cùng ký thỏa thuận thành lập bốn “vùng giảm xung đột” tại Syria, theo đó, lực lượng không quân của Tổng Thống Bashar al-Assad sẽ đình chỉ các chuyến bay trên một số khu vực của đất nước. Thỏa thuận mới, được Nga cho biết sẽ có hiệu lực vào thứ Bảy, là nỗ lực mới nhất trong việc giảm bớt bạo động tại Syria. Tuy nhiên, chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa được xác định, và viễn cảnh tương lai về sự thành công của thỏa thuận vẫn còn hết sức mờ nhạt.
Đại diện 3 nước – Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ - vốn ủng hộ cho các thế lực đối đầu nhau tại Syria, đã ký thỏa thuận tại Astana, thủ đô Kazakhstan vào hôm thứ Năm, trong lúc một số thành viên của phái đoàn của phe đối lập Syria la ó phản đối và bỏ ra khỏi phòng họp. Phe đối lập Syria phản đối sự tham gia của Iran trong thỏa thuận này, và cáo buộc nước này đã châm ngòi cho các xung đột giữa các phe phái trong cuộc nội chiến. “Iran là quốc gia đang sát hại người dân Syria, và kẻ giết người không thể được coi là người giải cứu,” theo lời ông Abu Golani, đại diện phe đối lập tham gia cuộc họp ở Astana.
Sự phản đối của phe đối lập cho thấy sự khó khăn khi thực hiện thỏa thuận nêu trên. Chính phủ Syria từng nói rằng, dù tuân theo thỏa thuận, nhưng họ vẫn sẽ tiếp tục chống lại “những kẻ khủng bố”, ở bất cứ nơi nào những kẻ này xuất hiện. Từ ngữ này thường được Syria dùng để gọi mọi nhóm nổi dậy đang chiến đấu chống quân chính phủ. Cho đến nay, mọi nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria đều thất bại. Những người ủng hộ thỏa thuận Astana hy vọng các vùng an toàn sẽ giúp giảm bớt phần nào nỗi khổ đau của hàng trăm ngàn người dân Syria. Tuy nhiên, đa số giới quan sát đều nghi ngờ tính khả thi của thỏa thuận này.

Venezuela: Chết vì biểu tình tăng lên 36 người
CARACAS – Giới sinh viên đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trên khắp thủ đô Caracas của Venezuela vào hôm thứ Năm, trong lúc số người chết vì bạo loạn đang tiếp tục tăng lên. Tại Đại học trung tâm Venezuela, cảnh sát đã xịt hơi cay vào các sinh viên biểu tình, nhưng rất nhiều người vẫn cương quyết không rời đi. Tại một trường đại học khác, các sinh viên đã tuần hành một cách ôn hòa để gởi một thỉnh nguyện thư đến Tòa tổng giám mục Công giáo của quốc gia, yêu cầu Đức Giáo Hoàng lên tiếng về nạn bạo động ở Venezuela và các hành động độc tài của chính phủ.
Một cảnh sát đã qua đời hôm thứ Năm, sau khi bị bắn trong cuộc biểu tình vào 1 ngày trước đó. Một thiếu niên 17 tuổi cũng thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ngày thứ Tư. Cái chết của viên cảnh sát 38 tuổi nâng tổng số người thiệt mạng tại Venezuela lên 36 người sau 1 tháng biểu tình. Hàng trăm người khác cũng bị thương, gây quá tải cho các bệnh viện, và hơn 1,000 người đã bị bắt giữ.
Những người biểu tình muốn đòi tổ chức bầu cử tổng thống ngay lập tức. Trong khi đó, Tổng Thống Nicolas Maduro cáo buộc phe đối lập đang âm mưu đảo chính, và ông ta hiện đang đáp trả bằng cách ra lệnh bầu lại quốc hội và viết lại hiến pháp.

Trung Quốc dịu giọng sau khi bị Bắc Hàn chỉ trích
BẮC KINH - Trung Quốc hôm thứ Năm cho biết nước này muốn trở thành hàng xóm tốt với Bắc Hàn, sau khi Bình Nhưỡng công khai chỉ trích những bình luận của Bắc Kinh liên quan tới chương trình hạt nhân và hỏa tiễn. “Trung Quốc luôn giữ lập trường rõ ràng và đồng nhất trong việc phát triển quan hệ hữu nghị và là hàng xóm tốt với Bắc Hàn,” theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng cho biết.
Cũng theo Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn sẽ góp phần vào tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực, cũng như giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thông qua các cuộc đối thoại.
Trước đó hãng thông tấn quốc gia Bắc Hàn KCNA đã cáo buộc Trung Quốc cố tình đổ lỗi cho Bình Nhưỡng trong việc làm xấu đi quan hệ giữa 2 nước, đồng thời “tố” Bắc Kinh thổi phồng những tổn thất do các vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn gây ra, đối với 3 tỉnh phía đông bắc Trung Quốc. KCNA cũng nhắc nhở Trung Quốc không nên thử thách sự kiên nhẫn “có giới hạn” của Bắc Hàn, và cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra từ những hành động “thiếu thận trọng” của Bắc Kinh, vì Bình Nhưỡng “không bao giờ cầu xin mối quan hệ hữu nghị” với quốc gia láng giềng. Đây được xem là phản ứng cứng rắn hiếm hoi của Bắc Hàn đối với Trung Quốc - đồng minh duy nhất và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng.

Duterte điện đàm với Tập Cận Bình
MANILA – Tổng Thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã bàn luận về vấn đề Bắc Hàn với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, theo yêu cầu của Tổng Thống Donald Trump. Tổng Thống Duterte hôm thứ Năm cho biết ông đã điện đàm với Chủ Tịch Bình, nhằm thuyết phục Bắc Kinh giữ vai trò lớn hơn trong việcgiải quyết căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên. Cuộc điện đàm được thực hiện theo yêu cầu từ Tổng Thống Hoa Kỳ.
Ông Duterte cuối tuần trước đã thảo luận về việc Bắc Hàn thử hỏa tiễn với ông Trump, khi hội nghị của Hiệp hội các nước Đông Nam Á ASEAN kết thúc. Duterte khẳng định sự can thiệp từ Trung Quốc là đóng góp lớn nhất trong việc giải quyết vấn đề này.
Chủ tịch Trung Quốc và người đồng cấp Phi Luật Tân đã nói chuyện trong 26 phút. Hai bên trao đổi ý kiến về quá trình phát triển khu vực, cũng như cách giải quyết một số lo ngại. Duterte cho biết, ông sẽ vui lòng thông báo nội dung cuộc điện đàm cho ông Trump nếu được yêu cầu. Tổng Thống Philippines tuần trước nổi lên với vai trò đóng góp giải quyết leo thang căng thẳng trong khu vực. Ở cương vị Chủ tịch ASEAN, ông Duterte khẳng định sẽ khuyên ông Trump không bị Bắc Hàn kích động, đồng thời cảnh báo về những thảm họa xảy ra nếu tình hình xấu đi.

Hong Kong: Dân muốn di cư ra nước ngoài
HONG KONG – Số lượng người Hong Kong tìm cách di cư ra nước ngoài đã tăng cao trong năm 2016, theo các báo cáo mới nhất của nhà chức trách địa phương. Theo số liệu của Phòng An Ninh, trong năm 2016, cơ quan này nhận được 7,600 đơn xin giấy chứng nhận không phạm tội để dùng cho hồ sơ di dân, tăng 8.6% so với năm 2015, và 10% so với năm 2014. Lần gần đây nhất người Hong Kong tìm đường ra nước ngoài nhiều như vậy là vào năm 2013.
Trong số các điểm đến, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia được người Hong Kong ưa thích nhất, với 2,800 đơn xin visa, con số cao nhất trong vòng 5 năm qua. Kế tiếp là Úc với 2,100 đơn, và Canada với 1,000 đơn xin visa. Ông Benny Trương, giám đốc hãng tư vấn di trú Goldmax, cho biết, nguyên nhân của làn sóng di cư của người Hong Kong là do áp lực về xã hội, chính trị, và tài chính. Ông Trương cho biết, vào sau các sự kiện lớn như cuộc biểu tình giáo dục năm 2012, phong trào chiếm đóng trung tâm năm 2014, và cuộc biểu tình Mong Kok năm 2016, công ty của ông đều nhận thấy sự gia tăng trong số khách hàng muốn tìm đường di cư ra nước ngoài.
Ông Trương cũng tin rằng, việc giá nhà đất tăng cao và hệ thống giáo dục thay đổi cũng là các lý do chính khiến người Hong Kong muốn rời bỏ quê hương. Ngoài các nước phương Tây, Đài Loan cũng là một địa điểm được nhiều người Hong Kong chọn lựa, do khoảng cách địa lý khá gần, văn hóa và ngôn ngữ tương đồng, và chi phí sống tương đối thấp hơn.

Anh: Hoàng Tế Philip về hưu ở tuổi 96
LONDON – Hoàng Tế Philip, chồng của Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị, Công tước xứ Edinburg, người sẽ được 96 tuổi vào tháng tới, sẽ không còn đảm trách các hoạt động cộng đồng vào mùa thu năm nay, theo thông báo từ điện Buckingham. Ông vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện trong các sự kiện công chúng từ nay đến tháng 8. Điện Buckingham cho biết, quyết định của Công tước nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ Nữ Hoàng Elizabeth II, 91 tuổi.
Từ năm 1952 đến nay, Hoàng Tế Philip đã có 5,493 bài nói chuyện, tham gia 22,191 sự kiện riêng không có nữ hoàng, và thực hiện 637 chuyến công du nước ngoài một mình. Sau tháng 8, Hoàng Tế Philip sẽ không nhận bất kỳ thư mời dự sự kiện nào nữa. Tuy nhiên, ông vẫn có thể tham gia một số sự kiện công chúng tùy theo ý thích.
Thông báo nêu trên đã dẫn đến nhiều lời đồn đoán về sức khỏe của hoàng tế. Tuy nhiên, một viên chức hoàng gia nói rằng, sức khỏe của ông Philip hiện nay không có gì đáng lo ngại. Vào tháng 12 năm ngoái, Nữ Hoàng Elizabeth cũng bị cảm nặng và phải nghỉ ngơi vài tuần. Thái Tử Charles, Hoàng Tử William, Công Nương Kate, và Hoàng Tử Harry, trong những năm gần đây đã gánh vác nhiều hơn các trách nhiệm hoàng gia.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT