Thế Giới

Cam Bốt: Đối lập rời đất nước vì bị đe dọa

Wednesday, 04/10/2017 - 12:23:18

Bộ Nội Vụ hôm thứ Ba nói, việc các lãnh đạo khác của CNRP có bị bắt hay không sẽ tùy thuộc vào cuộc điều tra của tòa án đối với các tội danh của ông Sokha.

Phó chủ tịch đảng đối lập tại Cam Bốt đã phải rời đất nước vào sáng thứ Ba, một ngày sau khi Thủ Tướng Hun Sen đe dọa sẽ bắt giữ toàn bộ các chính trị gia chống đối. Bà Mu Sochu, 63 tuổi, phó chủ tịch đảng Cứu Quốc Cam Bốt, gọi tắt là CNRP, cho biết tình hình hiện nay tại Cam Bốt rất nguy hiểm cho các thành viên của đảng. Bà nói thêm rằng, bà phải vội vã ra đi vì nghe tin về lời đe dọa bắt giữ của thủ tướng. Trước đó, ông Kem Sokha, lãnh đạo đảng CNRP, đã bị bắt vào ngày 3 tháng 9, trong một đợt bố ráp nhắm vào những nhóm đối lập của chính phủ Phnom Penh. Những người bất đồng chính kiến gọi đây là một âm mưu của Thủ Tướng Hun Sen, nhằm bảo đảm chiến thắng cuộc bầu cử trong năm tới.
Vào hôm thứ Hai, trong bài diễn văn tại tỉnh Siem Reap, ông Hun Sen đã đe dọa sẽ có hành động chống lại những người mà ông gọi là phản loạn và là nô lệ của nước ngoài. Bà Sochua rời Phnom Penh vào buổi sáng, sau khi một viên chức chính quyền nhắn rằng bà có thể bị bắt vào tuần tới. Gần như một nửa các nhà lập pháp của đảng đối lập CNRP đều đang ở nước ngoài. Trong đó, một số người rời đi sau khi ông Kem Sokha bị bắt và bị truy tố tội phản quốc. Bộ Nội Vụ hôm thứ Ba nói, việc các lãnh đạo khác của CNRP có bị bắt hay không sẽ tùy thuộc vào cuộc điều tra của tòa án đối với các tội danh của ông Sokha.

Bắc Hàn dọa nhấn chìm Nhật trong 'mây hạt nhân'
Hãng truyền thông Bắc Hàn KCNA hôm thứ Ba đã lên án việc Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt đối thoại và gia tăng sức ép với Bắc Hàn, nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn. "Thủ đoạn của Nhật Bản nhằm kích động và gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là hành động tự sát và khiến các 'đám mây hạt nhân' bay tới quần đảo này,” KCNA nói. “Hiện chưa rõ khi nào thì tình trạng bấp bênh này dẫn đến cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng nếu điều đó xảy ra, Nhật Bản sẽ nhanh chóng chìm trong biển lửa.”
Trong bài diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9, ông Abe đã kêu gọi các nước ngăn chặn mọi hoạt động giúp Bắc Hàn tiếp cận "hàng hóa, nguồn tài chính, con người và công nghệ" cần thiết cho chương trình vũ khí của nước này. Hồi giữa tháng 9, Bắc Hàn cũng từng đe dọa sẽ dùng bom nguyên tử để nhấn chìm bốn đảo của Nhật, sau khi Liên Hiệp Quốc phê chuẩn nghị quyết gia tăng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Đài Loan sợ thành lá bài mặc cả giữa Mỹ và Tàu
Chính phủ Đài Bắc vừa cho biết, nước này sẽ theo dõi sát chuyến thăm Trung Quốc vào tháng tới của Tổng Thống Donald Trump, trước mối lo ngại rằng đảo quốc này có thể trở thành lá bài để mặc cả giữa hai cường quốc. Tổng Thống Thái Anh Văn nói, chính phủ của bà sẽ đánh giá ảnh hưởng của chuyến thăm của ông Trump, đối với mối quan hệ tam giác phức tạp giữa Hoa Thịnh Đốn, Bắc Kinh, và Đài Bắc, trong đó, mỗi bên đều có mục tiêu riêng của mình. Bà Thái khẳng định, bà sẽ quan sát sự liên hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và tình hình chung tại châu Á. Bà Thái cũng kêu gọi Bắc Kinh cân nhắc đề nghị của bà về việc thiết lập một quy tắc mới để giải quyết mối quan hệ giữa hai bên, trước khi Trung Quốc tổ chức đại hội đảng lần thứ 19 trong vòng hai tuần nữa.
Ông Trump dự kiến sẽ gặp Chủ Tịch Tập Cận Bình, trong chuyến thăm châu Á đầu tiên trong tư cách tổng thống, diễn ra từ ngày 3 đến 14 tháng 11. Giới truyền thông Đài Loan đã nêu lên mối lo ngại rằng, ông Trump có thể dùng Đài Loan để buộc Bắc Kinh nhượng bộ trong những vấn đề gai góc, như thương mại, an ninh khu vực, và Bắc Hàn. Trước khi nhậm chức tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump từng khiến Bắc Kinh tức giận khi thách thức chính sách Một Trung Hoa, bằng cách nhận điện thoại chúc mừng từ bà Thái. Tổng Thống Hoa Kỳ sau đó dịu giọng trở lại, khi Trung Quốc đề nghị thảo luận các tranh chấp thương mại và vấn đề Bắc Hàn.  

Barcelona: Biểu tình phản đối cảnh sát
BARCELONA – Hàng chục ngàn người đã biểu tình tại quảng trường University của Barcelona vào hôm thứ Ba, để phản đối các hành động trấn áp của cảnh sát đối với cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của vùng Catalan, diễn ra hôm Chủ Nhật. Đoàn biểu tình đã đứng chật các ngả đường, cầm theo các biểu ngữ dài mang màu cờ của Catalan. Các trạm xe điện ngầm bị đóng cửa tại Barcelona, các rào cản bị dựng lên trên hàng chục con đường, và nhiều nhân viên chính phủ bỏ sở làm, để ủng hộ lời kêu gọi đình công của các nhóm ủng hộ độc lập và công đoàn. Nhiều cơ sở thương mại nhỏ cũng đóng cửa trong ngày thứ Ba.
Catalonia, khu vực giàu có nhất của Tây Ban Nha, có ngôn ngữ và văn hóa riêng, và phong trào chính trị đòi ly khai đã mạnh dần lên tại vùng này trong những năm gần đây. Các đảng phái ủng hộ độc lập tại Catalan đã tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày Chủ Nhật, dù sự kiện này đã bị tòa án Tây Ban Nha coi là bất hợp pháp. Khoảng 900 người đã bị thương trong ngày bỏ phiếu, khi cảnh sát bắn đạn cao su và dùng gậy gộc đánh vào đám đông, nhằm ngăn cản cuộc trưng cầu dân ý. Đa số những người bỏ phiếu đều ủng hộ độc lập, với tỷ lệ được thông báo là lên đến 90%. Tuy nhiên, kết quả này đã được đoán trước, do những cư dân không ủng hộ ly khai đều tẩy chay và không đi bỏ phiếu. Các cuộc thăm dò dư luận, thực hiện trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, cho thấy chỉ một nhóm thiểu số 40% cư dân Catalan ủng hộ tách rời khỏi Tây Ban Nha.

ISIS tung video về 2 tù nhân là lính Nga
Nhà Nước Hồi Giáo hôm thứ Ba đã công bố đoạn video, cho thấy hình ảnh của 2 binh sĩ người Nga bị phiến quân bắt giữ tại thành phố Deir al-Zor, nơi Nga đang hỗ trợ quân chính phủ Syria chống lại các tay súng ISIS. Trong video, một người tự xưng tên là Zabalutuni Roman, sinh năm 1979 ở vùng Rostov thuộc Nga. Người này bị bắt trong một cuộc tấn công của ISIS nhắm vào một cơ sở quân sự ở quận Shula. Binh sĩ Nga còn lại là Tsorkanov Mikhailovich, sinh năm 1978, tại vùng Domodedovo. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Quốc Phòng Nga vẫn chưa xác nhận về việc binh sĩ của họ bị bắt.
Đoạn video dài 42 giây, được công bố bởi AMAQ, hãng truyền thông của ISIS. Trong video, hai người đàn ông ngồi trong một căn phòng, mặc quần áo vải màu xám. Một người có râu dài, có vẻ như đang bị còng tay. Người còn lại có vết bầm trên mặt và mắt bị sưng, có vẻ như đã bị đánh đập. Với sự hỗ trợ trên không của Nga và các tay súng từ Iran, quân đội chính phủ Syria đã tiến gần đến thành phố Deir al-Zor từ tháng 8, phá vỡ vòng vây của ISIS quanh một cộng đồng dân cư tại đây.
Cũng trong ngày thứ Ba, Bộ Quốc Phòng Nga thông báo đã phá hủy nhiều mục tiêu của ISIS bên bờ đông sông Euphrates, với con số thiệt hại của phiến quân là 304 thiệt mạng và 170 bị thương. Chính phủ Nga cũng nói rằng các cuộc không kích đã phá hủy một trung tâm huấn luyện của ISIS dành cho các thành viên nước ngoài, tiêu diệt một nhóm xạ thủ, 3 trung tâm chỉ huy, 9 căn cứ phiến quân, và nhiều kho vũ khí.

Pháp bắt 5 nghi can đánh bom
PARIS – Nhà chức trách Pháp hôm thứ Ba cho biết, năm nghi can đã bị bắt giữ, sau một âm mưu đánh bom bất thành tại một tòa chung cư ở Paris. Được biết, một người hàng xóm đã báo tin với cảnh sát về các hoạt động bất thường vào sáng sớm thứ Bảy, trong một tòa nhà ở quận 16. Nhà chức trách sau đó tìm thấy và đã tháo gỡ một thiết bị nổ. Một nhóm công tố viên chống khủng bố đã được thành lập để điều tra sự việc. Bộ Trưởng Nội Vụ Pháp Gerard Collomb hôm thứ Ba cho biết, 1 trong các nghi can đã bị chính phủ giám sát từ trước vì có tư tưởng cực đoan.
Giải thích về lý do tạo sao một kẻ bị giám sát vẫn có thể thực hiện âm mưu đánh bom, ông Collomb nói, những kẻ cực đoan thường có “bạn bè và một mạng lưới có thể thực hiện tội ác.” Đây là những người không thể hiện tư tưởng cực đoan ra ngoài, nhưng luôn “sẵn sàng để giúp đỡ.” Ông Collomb thêm rằng, sự việc cho thấy các mối đe dọa chống lại nước Pháp là “rất lớn.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT