Hoa Kỳ

California tiến thêm một bước trong việc ngừng đổi giờ

Friday, 03/05/2019 - 10:23:12

Nhiều người cho rằng việc vận động để chính phủ liên bang chấp thuận dự luật là rất khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh California đang có quan hệ hết sức căng thẳng với Washington.

SACRAMENTO – Tiểu bang California đã tiến thêm một bước gần hơn đến việc phê chuẩn sử dụng giờ “Daylight saving” quanh năm, dù có ít khả năng quá trình này sẽ hoàn tất trong năm 2019. Kế hoạch duy trì giờ “Daylight saving,” tức dậy sớm hơn 1 tiếng so với múi giờ gốc, đã vượt qua 2 phiên điều trần tại các ủy ban thuộc Hạ Viện tiểu bang. Dự luật AB-7 nay sẽ cần 2 phần 3 số phiếu tại Hạ Viện để được phê chuẩn. Tuy nhiên, dự luật này sẽ chỉ có hiệu lực nếu luật liên bang thay đổi. Nhiều người cho rằng việc vận động để chính phủ liên bang chấp thuận dự luật là rất khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh California đang có quan hệ hết sức căng thẳng với Washington.

Vụ cháy nhà máy lọc dầu ở Carson có thể khiến xăng lên giá
Vụ cháy nhà máy lọc dầu ở miền nam California trong tuần này đã gây ra lo ngại rằng, giá xăng có thể sẽ tiếp tục tăng do ảnh hưởng bởi sự việc. Giá xăng trên khắp miền nam California đang ở mức cao nhất tính từ năm 2005, với mức hơn $4 Mỹ kim một gallons ở nhiều khu vực. Sau vụ cháy hôm thứ Năm tại nhà máy lọc dầu Phllips 66 ở thành phố Carson, nhiều người lo ngại rằng giá xăng có thể sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa. “Có vẻ như mỗi khi có điều gì đó thay đổi, giá xăng lại tăng lên, và chúng ta là người phải trả tiền cho điều này,” một tài xế tại một trạm xăng ở Carson nói.
Một số chuyên gia cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để phán đoán rằng liệu vụ cháy nhà máy có khiến xăng tăng giá hay không, nhưng nếu điều này xảy ra, đây cũng không phải là điều quá ngạc nhiên. California sử dụng một loại xăng được pha trộn đặc biệt, và chỉ có một số nhà máy lọc dầu chế tạo loại xăng này. Do đó, chỉ một biến đổi nhỏ tại các nhà máy lọc dầu cũng có thể gây ảnh hưởng tới nguồn cung cấp xăng. Ngoài ra, thuế xăng cao tại California cũng là một trong các yếu tố khiến tiểu bang là một trong những nơi có giá xăng đắt đỏ nhất Hoa Kỳ.

Khách sạn khoai tây khai trương tại Idaho
BOISE – Một khách sạn 1 phòng, với vẻ bề ngoài có hình dáng giống hệt củ khoai tây đã được xây dựng tại thành phố Boise, Idaho. Không gian cư trú bên trong bao gồm một chiếc giường cỡ lớn, khu vực phòng khách và nhà vệ sinh. Chi phí để ở lại khách sạn kỳ lạ này là $200 Mỹ kim0 một đêm. Khách sạn Big Idaho Potato đã bắt đầu mở cửa kinh doanh từ cuối tháng 4. Củ khoai tây khổng lồ này ban đầu được thiết kế và xây dựng bởi Ủy Ban Khoai Tây Idaho vào năm 2012, để quảng bá cho khoai tây - một trong những sản phẩm phổ biến nhất của tiểu bang. Sau đó, cô Kristie Wolfe đã liên lạc với Ủy Ban, đề nghị thuê lại “củ khoai” này để chuyển đổi nó thành khách sạn.
Cùng với nội thất sang trọng, khách sạn Big Idaho Potato còn có một lò sưởi nhỏ và được trang trí bằng nhiều chậu cây ở khắp mọi nơi. Cô Wolfe đã tự tay trang trí nội thất và lắp đặt hệ thống sưởi và ống nước trong khách sạn. Cô Wolfe hy vọng khách sạn “củ khoai tây khổng lồ” sẽ là điểm cư trú thú vị đối với du khách và người địa phương.

Chiến hạm Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan 92 lần từ năm 2007
Truyền thông Hong Kong ngày thứ Sáu cho biết các chiến hạm Hoa Kỳ đã thực hiện 92 chuyến đi băng qua eo biển Đài Loan trong hơn 1 thập niên qua. Các con số này - được cung cấp bởi Hạm đội Hoa Kỳ-Thái Bình Dương, cho thấy các hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ trong vùng biển tranh chấp, tính từ giữa năm 2007 tới tháng 4, 2019. Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng có hiệp ước bảo vệ Đài Loan khi đảo quốc này bị tấn công, và cũng là nhà cung cấp vũ khí cho hòn đảo. Dữ liệu thống kê cho thấy, Hoa Kỳ đã tăng dần số chuyến hải trình băng qua eo biển Đài Loan dưới thời chính phủ Obama, và đạt được con số trên 10 chuyến trong các năm 2012, 2013, 2015, và 2016.
Số lượng các chuyến đi băng qua eo biển Đài Loan đạt mức cao nhất là 12 chuyến trong năm 2016, cũng là năm Tổng Thống Thái Anh Văn nhậm chức và căng thẳng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh gia tăng. Số lượng các chuyến đi giảm xuống còn 5 chuyến trong năm 2017, năm đầu tiên khi Tổng Thống Donald Trump nhậm chức, và giảm xuống 3 chuyến trong năm 2018. Từ đầu năm 2019 đến nay, Hải quân Hoa Kỳ đã có 4 chuyến hải trình băng qua eo biển Đài Loan, với các chuyến gần đây nhất diễn vào Chủ Nhật và thứ Hai vừa qua, thực hiện bởi các khu trục hạm USS Stethem và USS William P. Lawrence. Bắc Kinh ngày thứ Hai đã lên tiếng về các chuyến đi của tàu Hoa Kỳ, nói rằng Đài Loan là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ - Trung.

Quân đội muốn thử nghiệm hỏa tiễn siêu vượt âm trong năm nay
Lo ngại bị Nga và Trung Quốc vượt qua, quân đội Hoa Kỳ đang muốn phóng thử 2 hỏa tiễn siêu vượt âm trong năm 2019. "Tôi hy vọng chúng ta có thể thử nghiệm cả 2 hỏa tiễn siêu vượt âm, bao gồm Tactical Boost Glide (TBG) và Hypersonic Air-breathing Weapon Concept (HAWC) trễ nhất là vào cuối năm 2019, nhưng có thể bị lùi đến đầu năm 2020,” giám đốc cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng DARPA Steven Walker ngày thứ Tư tuyên bố.
Hoa Kỳ đang đẩy mạnh chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm, do đang có nguy cơ bị các đối thủ như Nga và Trung Quốc vượt qua trong lĩnh vực mới mẻ này. Ngũ Giác Đài hồi giữa tháng 3 công bố đề nghị ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo, trong đó yêu cầu $2.6 tỷ Mỹ kim cho chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm. Bộ Tư Lệnh Phòng Thủ Hỏa Tiễn vào đầu tháng này tuyên bố Ngũ Giác Đài đang thực hiện 5 chương trình thử nghiệm hỏa tiễn siêu vượt âm ở các giai đoạn khác nhau, tại bãi thử hỏa tiễn đạn đạo Ronald Reagan (RTS) trên quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương.
Vũ khí siêu vượt âm thường có tốc độ khoảng 6,175 đến 12,000 cây số/giờ. Về nguyên tắc hoạt động, vũ khí siêu vượt âm đánh đổi tốc độ hồi quyển cực lớn của đầu đạn hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa để tăng tầm bắn và khả năng lẩn tránh lưới phòng không đối phương. Trung Quốc được cho là đang dẫn đầu thế giới về công nghệ vũ khí siêu vượt âm, ít nhất là trong việc ứng dụng loại vũ khí này cho chiến trường thực tế.

Tìm thấy nước trên hành tinh thuộc Thái Dương Hệ
ARIZONA - Các nhà khoa học thuộc Đại Học Arizona vào giữa tuần đã công bố tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của nước trên “25143 Itokawa” - một tiểu hành tinh có đường kính khoảng 330 mét nằm trong hệ Mặt Trời. Phát hiện mới càng củng cố giả thuyết nước trên Trái Đất có nguồn gốc từ các tiểu hành tinh. Nhóm nghiên cứu đã phân tích các hạt bụi nhỏ từ bề mặt 25143 Itokawado, do tàu thám hiểm Hayabusa của Nhật Bản mang về Trái Đất vào năm 2010. Kết quả thu được cho thấy mẫu bụi chứa hàm lượng nước cao hơn mức trung bình so với những vật thể khác trong hệ Mặt Trời. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện nước trên tiểu hành tinh bằng các phân tích trong phòng thí nghiệm.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn xác định được 2 trong số các hạt bụi do tàu Hayabusa thu thập có chứa khoáng vật silicat dạng đá, được gọi là pyroxen. Trên Trái Đất, pyroxen cũng chứa nước trong cấu trúc tinh thể của chúng. Dấu vết của nước trên một tiểu hành tinh lần đầu được công bố vào năm 2010, khi các nhà thiên văn học tìm thấy nước đá trên tiểu hành tinh Themis, bằng cách sử dụng kính viễn vọng hồng ngoại của NASA ở Hawaii. Tháng 12 năm ngoái, nhiệm vụ OSIRIS-REx của NASA cũng phát hiện các khoáng chất có phân tử nước trên tiểu hành tinh Bennu.
Các nhà khoa học ngày nay tin rằng, nước xuất hiện rất nhiều trên các tiểu hành tinh trong hệ Mặt Trời, dù ở dạng nước đá hay khoáng chất chứa phân tử nước. Các tiểu hành tinh loại S như 25143 Itokawa (được tạo thành từ silicat) có thể đã cung cấp tới một nửa lượng nước trong lịch sử hình thành của Trái Đất.


Mỹ khuyến cáo nguy cơ an ninh từ Trung Cộng
Ngũ Giác Đài mới đây đã khuyến cáo rằng, việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc có thể làm xói mòn dần dần các lợi thế của Hoa Kỳ trong lĩnh vực quân sự. Lời cảnh báo được đưa ra hôm thứ Năm, trong báo cáo thường niên của Ngũ Giác Đài về sự phát triển của quân đội Trung Quốc. Báo cáo cũng nhắc nhở về các tham vọng của Trung Quốc tại vùng Bắc Cực và nguy cơ từ các chiến lược tạo ảnh hưởng của Bắc Kinh. Bản báo cáo viết, Trung Quốc “đã cố gắng gây ảnh hưởng đến các viện văn hóa, các hãng truyền thông, cơ sở thương mại, và các cơ quan chính sách của Hoa Kỳ và nhiều nước khác, để đạt được các kết quả có lợi cho mục tiêu chiến lược của họ. Trong các thập niên tới, các lãnh đạo Trung Quốc sẽ tập trung vào việc khẳng định vị thế của nước này như một cường quốc quân sự và chiếm thế áp đảo tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.”
Báo cáo cũng thêm rằng, do nhận ra các kế hoạch như Made in China 2025 và Sáng kiến Vành đai và Con đường đã khiến thế giới lo ngại, các lãnh đạo Trung Quốc hiện đã giảm bớt những lời tuyên truyền của họ khi quảng cáo cho các dự án này, tuy nhiên, Bắc Kinh không hề thay đổi các mục tiêu chiến lược cơ bản của dự án. Ngũ Giác Đài cũng quan tâm đến việc Trung Quốc gia tăng hoạt động tại vùng Bắc Cực, và cho rằng nước này có thể mượn vỏ bọc là nghiên cứu dân sự để tăng hiện diện quân sự tại Bắc Băng Dương. Theo nhiều chuyên gia quân sự, báo cáo của Ngũ Giác Đài cho thấy Washington đang rất nghi ngờ Bắc Kinh, và đang khuyến cáo nguy cơ từ Trung Quốc cho toàn chính phủ.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Canada được đề cử làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc
Tòa Bạch Ốc ngày thứ Năm đã đề cử bà Kelly Craft, đại sứ Hoa Kỳ tại Canada, làm đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc. Lời đề cử đã chính thức được đệ trình lên Thượng Viện trong cùng ngày. Tổng Thống Donald Trump tuyên bố ý định đề cử bà Craft vào vị trí đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc từ cuối tháng 2, sau khi cựu Đại Sứ Nikki Haley từ chức năm ngoái. Đề cử sẽ được Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện xem xét. Bà Craft sẽ bắt đầu gặp gỡ các nghị sĩ trong những ngày tới, và sẽ phải cho biết các lập trường của bà trong một phiên điều trần trong tương lai.
Kelly Craft và chồng bà, tỷ phú ngành khai thác than Joe Craft, là những nhà tài trợ lớn của đảng Cộng Hòa. Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016, họ đã ủng hộ Nghị Sĩ Marco Rubio của Florida trở thành ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa, trước khi chuyển sang ủng hộ ông Trump. Năm 2017, Tổng Thống Trump đề cử bà Craft làm đại sứ tại Canada, vị trí mà bà chính thức đảm nhận vào tháng 10, 2017.
Nếu trở thành tân đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, vị trí mới có thể khiến bà Craft bị kéo lại gần các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu - điều sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích kinh doanh của chồng bà. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Canada trước đó, bà Craft từng được hỏi ý kiến về việc Tổng Thống Trump rút khỏi hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. Bà đã Craft đã trả lời rằng điều quan trọng là lắng nghe từ cả hai phía của vấn đề. Ban đầu, Tổng Thống Trump định chọn bà Heather Nauert, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, làm người thay thế bà Haley. Tuy nhiên, bà Nauert bị loại sau khi bị phát hiện bà thuê một người giữ trẻ là người làm việc bất hợp pháp tại Hoa Kỳ.

Chính phủ ban hành quy định bảo vệ quyền từ chối cung cấp dịch vụ của bác sĩ
Tổng Thống Donald Trump ngày thứ Năm đã công bố quy định mới, bảo vệ các nhân viên y tế trong việc từ chối thực hiện một số công việc, dựa trên lý do đạo đức hoặc niềm tin tôn giáo. Lên tiếng tại vườn hồng của Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Trump nói quy định mới sẽ bảo vệ quyền được làm theo lương tâm của các bác sĩ, dược sĩ, y tá, và các tổ chức thiện nguyện tôn giáo. Luật lương tâm này là điều ưu tiên của các tổ chức tôn giáo bảo thủ, vốn là phần quan trọng trong lực lượng chính trị ủng hộ Tổng Thống Trump. Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng, quy định mới có thể sẽ được sử dụng để từ chối chăm sóc y tế cho những người thuộc giới LGBT, hoặc các phụ nữ muốn được phá thai, vốn là một dịch vụ y tế hợp pháp.
Trong thông điệp phản đối, Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi nói các quy định này là vô đạo đức và hết sức nguy hiểm, vì mở đường cho việc kỳ thị trong việc cung cấp dịch vụ y tế. Thành phố San Francisco cũng ngay lập tức khởi kiện chính phủ Trump, nói rằng quy định lương tâm sẽ cản trở người dân tiếp cận với dịch vụ y tế. Quy định mới của chính phủ Trump yêu cầu các bệnh viện, trường học, phòng khám, và mọi cơ sở khác có nhận các chương trình tài trợ liên bang, như Medicare và Medicaid, phải chứng minh rằng họ có tuân thủ các đạo luật liên bang bảo vệ quyền lương tâm và tôn giáo. Hầu hết các đạo luật này đều liên quan đến các dịch vụ y tế như phá thai, triệt sản, và trợ tử. Theo viên chức đại diện Bộ Y Tế, quy định mới của Washington không tạo ra đạo luật mới, cũng không vượt qua khuôn khổ của các đạo luật hiện hữu, mà chỉ bảo đảm rằng các đạo luật hiện tại có liên quan đến tôn giáo và lương tâm sẽ không bị phớt lờ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT