Hoa Kỳ

California có nên dấn thân thay nước Mỹ trong vai trò lãnh đạo thế giới?

Tuesday, 01/01/2019 - 10:13:58

California, tiểu bang đông dân nhất ở nước Mỹ và là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, đã bắt đầu bước lên để lấp khoảng trống lãnh đạo mà Hoa Kỳ đang bỏ rơi. Tiểu bang này đã tiến tới phía trước sau khi chính phủ Trump loan báo việc Mỹ rút lui ra khỏi Hiệp Định Paris về khí hậu biến đổi


Tổng Thống Donald Trump (bên phải) và Thống Đốc đắc cử Gavin Newsom của California đang quan sát hậu quả cháy rừng tại Paradise hồi tháng 11. Hai ông có lập trường khác nhau về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu trên thế giới. (Saul Loeb/Getty Images)

Chính phủ Trump đã thiếu khả năng lãnh đạo trong cộng đồng quốc tế, và vì lý do đó, tiểu bang California nên đứng lên để đảm nhận vai trò lãnh đạo thay cho nước Mỹ trên thế giới. Đó là ý kiến của ông Brendan Rawson được đăng trên nhật báo Sacramento Bee hôm thứ Hai, 31 tháng 12. Bài viết của ông được tóm lược như sau.

*
Vào cuối năm nay chính phủ Hoa Kỳ đã loan báo về dự định rút khỏi UNESCO, một tổ chức phụ trách hòa bình và di sản của cơ quan Liên Hiệp Quốc. Việc rút lui có thể được đưa thêm vào danh sách gồm những thỏa ước bị Hoa Kỳ gạt bỏ hoặc giảm bớt việc thi hành. Trong số này có hiệp định thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, thỏa thuận hạt nhân Iran, và có thể sắp tới là một hiệp ước hạt nhân với Nga.

Thay vì tham gia một cách xây dựng với thế giới, sự cô lập của chính phủ Trump đang khuyến khích những tay độc tài và những chế độ chuyên chế nổi lên trên thế giới.

Ông Anders Rasmussen, cựu tổng thư ký NATO, nói với đài CNBC, “Tổng thống Hoa Kỳ đã rút lui. Ông rút khỏi các vấn đề thế giới, và đó là lý do tại sao chúng ta thấy tất cả cảnh hỗn loạn diễn ra trên thế giới trong lúc này. Thế giới cần sự lãnh đạo, và chỉ người Mỹ mới có thể cung cấp vai trò lãnh đạo đó.”

California, tiểu bang đông dân nhất ở nước Mỹ và là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, đã bắt đầu bước lên để lấp khoảng trống lãnh đạo mà Hoa Kỳ đang bỏ rơi. Tiểu bang này đã tiến tới phía trước sau khi chính phủ Trump loan báo việc Mỹ rút lui ra khỏi Hiệp Định Paris về khí hậu biến đổi

Trong tháng 12, sau khi chính phủ Trump chiếu phim slide về “than sạch” rất đáng cười chê tại một hội nghị khí hậu quốc tế ở Katowice, Ba Lan, thì các dân cử California đưa ra những ý tưởng tiến bộ về chính sách thực tiễn. Bob Wieckowski, nghị sĩ tiểu bang California, và Ken Alex, giám đốc Văn Phòng Kế Hoạch Và Nghiên Cứu của Thống Đốc, đã thảo luận về những chiến lược liên quan đến việc hạn chế carbon và nhận được khích lệ thương mại cũng như việc đóng góp vào khí hậu đại dương.

Thống Đốc đắc cử Gavin Newsom cùng với Bộ Trưởng Tư Pháp Xavier Becerra đã tham dự lễ nhậm chức của Tổng Thống Mễ Tây Cơ Lopez Obrador trong tháng 12 tại thủ đô Mexico City.

Như ông Becerra đã nhận xét, mối quan hệ của California với Mexico “không chỉ là mối quan hệ kinh tế, mà còn vượt bên trên sự việc là nước láng giềng.”

Thống Đốc đắc cử Newsom trình bày những điều ông tin trong một email gửi cho những người ủng hộ, nói rằng, “Như tôi thấy, có ba điều không thể thương lượng ở đây: Một là chúng ta phải mở rộng cơ hội cho từng người chọn California là quê hương. Hai là chúng ta không bao giờ được rút lại những cam kết bao gồm các giá trị của California. Và ba là bất cứ điều gì chúng ta đạt được, chúng ta đạt được cùng với nhau. Vì đây là thời điểm cho chúng ta trở thành nhà lãnh đạo, không những của tiểu bang chúng ta, mà còn của quốc gia chúng ta.”

Thống đốc nên đưa những niềm tin đó vào hành động, với một chiến lược rõ ràng để bảo đảm cho California vẫn gắn bó với các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, và các thành phần khu vực tư nhân, chia sẻ các giá trị và sự cam kết hợp tác để giải quyết những thử thách ngày nay. Sau đây là năm đề nghị mà California nên theo đuổi để góp mặt trên sân khấu thế giới:

1. Newsom nên đề nghị với Liên Hiệp Quốc trao cho California tư cách một thành viên với “cương vị quan sát viên” tại UNESCO, cho đến khi chính phủ liên bang trở lại với tư cách đầy đủ là thành viên chính thức. UNESCO có hơn 30 chương trình riêng biệt giải quyết vấn đề khí hậu biến đổi. California nên tham gia để giúp soạn thảo và đóng góp vào những chiến lược đó.

2. Saudi Arabia đã đầu tư hàng tỷ Mỹ kim vào lãnh vực công nghệ ở Thung Lũng Điện Tử. California nên liên kết việc đầu tư với những điều kiện, chẳng hạn như bắt buộc Saudi phải trả di hài của ký giả Jamal Khashoggi cho gia đình ông.

3. Thiết lập những dự thảo trong hệ thống đại học University of California (UC) nhằm nâng cao vai trò của UC ở hải ngoại trong vai trò tranh đấu cho dân chủ.

4. Mở rộng Chương Trình Tái Định Cư Dân Tị Nạn của Bộ Dịch Vụ Xã Hội, và thành lập một văn phòng phụ trách sự vụ di dân, để hỗ trợ cho việc California là một điểm đến cho những người tị nạn từ khắp thế giới.”

5. Xây dựng một chiến lược ngoại giao văn hóa, bao gồm: một chương trình các đại sứ văn hóa cử các nghệ sĩ kiệt xuất ở California đến dự các hội nghị quốc tế quan trọng; một chương trình trao đổi văn hóa đưa các nghệ sĩ California ra ngoại quốc, và đưa các nghệ sĩ ngoại quốc tới đây, đặc biệt là những người từ những nước mà Tổng Thống Trump đã chê bai; và một chương trình trợ giúp các địa điểm của California trong việc nhận được cương vị Di Sản Thế Giới của UNESCO. Trong số những địa điểm đó, có thể có công viên sa mạc Manzanar, Angel Island, và vịnh Monterey Bay.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT