Mẹo Vặt

Cách chế ngự giận dữ: Nhìn xuống dưới đất, hay ngẩng cao đầu?

Tuesday, 30/01/2018 - 07:54:34

Sau này, Hằng được nghe vài vị thầy khác giảng nghĩa thêm rằng khi tự nhủ thầm như vậy, bạn đưa mình vào vị trí của người quan sát, một người quan sát khách quan, khiến cho cơn giận không còn làm chủ được mình nữa.

Bài VŨ HẰNG

Mấy hôm rồi, chúng ta nói về chuyện chào hỏi, một cử chỉ xã giao bình thường mà có ý nghĩa rất lớn, và lại càng có ý nghĩa lớn hơn khi được thực hành giữa những người thân cùng chung sống dưới một mái nhà. Hôm nay Hằng xin chia sẻ kinh nghiệm về một “cử chỉ” khác, thường xảy ra trong gia đình nhưng lại chẳng đáng hoan nghênh chút nào. Đó là những cơn nóng giận. Ở dạng nhẹ, nó được gọi là “nổi quạu,” khổ chủ nói vài ba câu dỗi hờn rồi thôi; Đi thêm bước nữa trở thành “nổi nóng,” nhưng tới mức “nóng giận” thì lửa đã bốc lên đầu, khổ chủ không còn giữ được lời ăn tiếng nói, tiếp đó là thượng cẳng tay hạ cẳng chân...


Sau cơn nóng giận thường là sự ân hận và day dứt.

Hậu quả của nóng giận thường là đổ vỡ, tan hoang tới mức không hàn gắn được, mà nếu có hàn gắn được thì cũng để lại nhiều ân hận và ray rứt trong lòng cả khổ chủ lẫn nạn nhân. Nóng giận nguy hiểm như vậy, nhưng có thể nói rằng, ai trong chúng ta cũng từng có lúc bị nó hành: Dù khổ chủ hay nạn nhân cũng đều khổ sở. Một người cha nổi cơn thịnh nộ, giơ cẳng chân đạp đứa con khiến thằng bé ngã chúi, đập đầu vào nền gạch đến nỗi ngất xỉu. Một người chồng giận vợ, hất tung mâm cơm, làm chén bát loạn bay, mảnh sành vỡ bắn vào mặt người vợ đang ngồi phía đối diện, xẻ một đường máu tươi chảy ròng ròng. Đứa bé và người vợ là nạn nhân, đau đớn đã đành, nhưng người cha người chồng cũng bị dằn vặt không ít khi nhìn thấy thương tích trên người vợ con. Những hình ảnh bạo động thật kinh hoàng, rất tiếc lại xảy ra giữa những người mà bình thường vốn thương yêu, quan tâm nhau nhiều nhất.


Hậu quả của nóng giận thường là đổ vỡ, tan hoang khó mà hàn gắn.

Vì thế, các bậc thánh hiền xưa nay thường đưa ra nhiều lời răn dạy về cách thức kềm chế cơn nóng giận, mà chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe. Có lần Hằng được một vị tu sĩ thánh thiện dạy thế này, “Mỗi lần nổi cơn nóng giận, bạn nên nhìn xuống những đầu ngón chân để nhận ra mình là ai. Cơn nóng giận chắc chắn sẽ giảm xuống khi chúng ta nhận ra thân phận hèn hạ của mình.” Lời dạy của vị tu sĩ cho thấy một sự thánh thiện siêu phàm: Trong cơn nóng giận, ông vẫn còn kềm chế nổi mình để nhìn xuống dưới chân và suy gẫm về thân phận thấp hèn của con người.

Nhưng phàm phu tục tử như chúng ta, khi nóng giận thì chỉ có ngẩng cao đầu, chứ có ai nghĩ ra rằng ở dưới đất có một thứ gọi là những ngón chân để nhìn xuống? Ông Cả Đẫn bình luận thêm, “Bụng to như tôi thì có nhìn xuống, cũng khó mà thấy được những ngón chân!” Như vậy chắc là phương pháp này không “work” với ổng, và cũng có thể không work với nhiều người.

Vậy Hằng xin mời bạn nghe một bậc thầy giảng dậy về một phương pháp khác. Mở đầu là câu chuyện hấp dẫn, hồi hộp cứ như trong... mơ. Thầy kể rằng: Có một anh kia đi lạc vào rừng, thấy đủ kỳ hoa dị thảo, nên cứ vui chân đi hoài. Bỗng dưng trước mặt anh xuất hiện một con sư tử. Nó lừ đừ tiến lại, làm anh chàng chết khiếp, tim muốn nhảy ra ngoài, nhưng chân thì chôn chặt xuống đất, nhúc nhích không nổi. Bỗng dưng, con sư tử gầm lên một tiếng, rồi nhảy chồm lại. Anh ta chết khiếp, hét lên kinh hoàng... và bừng tỉnh dậy. Thì ra... “mình nằm mơ. Thật là hú vía!” anh tự nói với chính mình.

Bây giờ, ông thầy mới dẫn sang đề tài chính, “Khi nóng giận, chúng ta mất tự chủ, để cho ngọn lửa vô minh hoàn toàn thống trị, thiêu đốt con người. Không khác gì như anh bạn kia hoàn toàn để cho sự sợ hãi làm tê cứng thân thể. Nhưng khi bừng tỉnh, anh ta biết rằng đó là một giấc mơ, thì sự sợ hãi lập tức tan biến ngay, và cũng lập tức anh lấy lại được sự thăng bằng tâm lý.”


Cơn nóng giận có thể đưa đến những hành động cực đoan.

“Bài học rút ra được là thế này,” thầy giảng tiếp, “Cơn giận, cũng như sự sợ hãi, thực ra chỉ là một giấc mơ. Nếu trong cơn giận dữ, chúng ta có thể nhủ thầm với mình một câu, chỉ một câu đơn giản như thế này, À, đang giận đấy à! Đang giận quá, phải không? Câu nhủ thầm, tự mình nói với mình, sẽ có tác dụng như một lời lay tỉnh, đưa mình ra khỏi cơn mê, có thể cắt ngay được cơn giận dữ. Giống như nỗi sợ hãi tê cứng biến tan vừa khi thần trí bừng tỉnh, nhận ra con ác thú, nhe nanh, giơ vuốt... chỉ là giấc mơ, hoàn toàn không có thực.”

Sau này, Hằng được nghe vài vị thầy khác giảng nghĩa thêm rằng khi tự nhủ thầm như vậy, bạn đưa mình vào vị trí của người quan sát, một người quan sát khách quan, khiến cho cơn giận không còn làm chủ được mình nữa.


Khi nóng giận là lửa bốc lên đầu, hoàn toàn mất tự chủ.

Thật là hay quá! Cái phương pháp này xem ra ông Cả Đẫn nhà em... chịu lắm. Đối với Hằng thì nó đơn giản như một thứ mẹo vặt, em xin gom lại bằng ít lời thế này: Chỉ cần nhủ thầm một câu nhận xét về cơn giận dữ, hoặc bất cứ chuyện gì, đang xảy ra là chúng ta sẽ có thể đặt mình vào vị trí một người quan sát, đứng chắp tay sau đít nhìn sự đời diễn biến giống như một cuốn phim... Một cuốn phim có khác gì một giấc mơ! Có ai đau khổ, sợ hãi vì những tình tiết trong giấc mơ cơ chứ? Như vậy thì cơn giận dữ hay sự đau khổ làm sao ảm vào lòng mình được!

Áp dụng lời dạy này, chúng ta khỏi phải nhìn xuống dưới chân. Nếu đang ngẩng cao đầu, bạn cứ việc ngẩng cao thêm chút nữa. Miễn là tự nhủ thầm trong lòng mình một câu “thần chú” gì đó.
Đúng là... mẹo vặt ích lớn! Dễ quá mà, chúng ta cùng làm thử như vậy xem, các bạn nhé. Và những cơn nóng giận sẽ không bao giờ có thể đưa lại sự đổ vỡ tan hoang trong gia đình chúng ta nữa.
vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT