Kinh Doanh

Các trại nuôi hải sản ở California có giải quyết được tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu?

Tuesday, 01/01/2019 - 10:18:21

Mặc dù có những đường bờ biển dài, những ngư trường một thời rất phong phú với tôm cá, và có truyền thống hàng hải, nhưng Hoa Kỳ vẫn nhập cảng 90 phần trăm trong tổng khối lượng hải sản tiêu thụ mỗi năm.


Trại nuôi tôm cá ngoài biển là nguồn cung cấp thực phẩm cho nhân loại trong tương lai, nhưng ngành này đã phát triển chậm tại Hoa Kỳ vì thiếu sự quan tâm của chính quyền. Nay tình thế đang thay đổi. (Wikipedia)

Cách đây gần năm chục năm, ông Jacques Cousteau, một khoa học gia và nhà thám hiểm Pháp, đã kêu gọi thế giới hãy “trồng trọt ở biển và chăn nuôi những động vật của biển khơi.” Khi đó người ta đã dự đoán về sự gia tăng dân số và thế giới sẽ cạn hết lương thực.

Mặc dù được khuyến khích như vậy, việc nuôi và thu hoạch tôm cua, cá và rong biển đã bị kiểm soát rất cẩn  thận, phát triển chậm tại Mỹ. Mặc dù có những đường bờ biển dài, những ngư trường một thời rất phong phú với tôm cá, và có truyền thống hàng hải, nhưng Hoa Kỳ vẫn nhập cảng 90 phần trăm trong tổng khối lượng hải sản tiêu thụ mỗi năm.

Tình trạng đó đang thay đổi. Chính phủ Trump và cộng đồng bảo vệ môi trường đang có một mẫu số chung rất hiếm hoi. Đó là đôi bên đều muốn đẩy mạnh sự phát triển các trại nuôi hải sản ở ngoài khơi, như trại Catalina Sea Ranch gần bờ biển Nam California, cách Huntington Beach khoảng sáu dặm ở ngoài khơi. Chính phủ Trump và các nhóm bảo vệ môi trường đều muốn phát triển ngành hải sản nuôi ngoài biển thành thành mục ưu tiên quốc gia, mặc dù hai bên có những lý do khác nhau.

Chính phủ Trump muốn gia tăng hải sản nuôi ở Mỹ để làm giảm bớt mức thâm hụt thương mại hải sản khoảng $15 tỷ hàng năm với các quốc gia khác, trong đó đa số là từ các quốc gia Á Châu như Trung Hoa, Nhật Bản và Nam Hàn. Trong kế hoạch chiến lược hiện thời, Bộ Thương Mại nói rằng “một ngành nuôi trồng hải sản vững mạnh ở Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền an ninh lương thực của nước này, và cải thiện cán cân thương mại của chúng ta với các quốc gia khác.”

Đối với những nhà bảo vệ môi trường nào vẫn còn một số lo ngại về ngành kỹ nghệ non trẻ này, sự lợi ích có thể sẽ rộng lớn hơn nhiều.

Việc trồng trọt và chăn nuôi trên đất liền đã làm cạn kiệt đất đai và các loài động vật ở quy mô rộng lớn trên toàn thế giới. Và khi dân số thế giới tăng thêm khoảng 2.4 tỷ người trong ba thập niên tới, thế giới sẽ cần sản xuất lương thực 70 phần  trăm nhiều hơn so với hiện nay. Các đại dương - tuy bao phủ hơn hai phần ba diện tích trái đất, nhưng chỉ sản xuất 2 phần trăm lương thực - có thể là một phương thức thay thế cho việc nuôi trồng trên đất liền.

Các hoạt động nuôi tôm cá, rong biển ở quy mô nhỏ đã có trong vùng biển của một số tiểu bang từ nhiều năm nay, gầu hết dọc theo duyên hải đông nam nước Mỹ, nơi mà những trại nuôi tôm sò hoạt động phát đạt. Những hoạt động này đang mở rộng từ từ, vì hoạt động gần bờ biển có thể khiến cho những trang trại này xung khắc với việc vận chuyển hàng hóa, câu cá giải trí, và các môn thể thao dưới nước. Phẩm chất nước cũng có thể thấp hơn so với ở ngoài khơi xa.

Ở tiểu bang Maine, những người đi bắt tôm hùm đang thăm dò xem họ có thể trồng được tảo bẹ (kelp) không, để tăng thêm mức lợi tức. Tảo bẹ là một thứ rong biển có tiềm năng được dùng làm nhiên liệu sinh học. Vùng Alaska nước lạnh cũng đang xem xét việc trồng tảo bẹ, với mục đích trở thành một xứ sở được gọi là “Saudi Arabia của rong biển.” Những người làm trang trại ở Hawaii đang nuôi cá ngừ vây vàng.

Tuy nhiên việc vượt qua những quy định trắc nghiệm cần thiết về môi trường, cần phải có để mở một trại nuôi hải sản, thường là điều khó khăn, đặc biệt trong một tiểu bang được điều tiết chặt chẽ như California. California không cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản nào trong vùng biển của tiểu bang, trong thời gian chờ hoàn tất một cuộc đánh giá chính thức về môi trường được dự kiến trong năm tới hoặc sau đó.

Thế nhưng trong vùng biển thuộc chính quyền liên bang, phần lớn cấm xâm nhập cho đến thời gian gần đây, là tương lai trước mắt của ngành nuôi hải sản. Lý do khiến cho những vùng biển này  họ không được mở ra sớm hơn là có ít liên quan tới những mối quan ngại về việc nuôi trồng thủy sản như là một lối thực hành, hơn là liên quan tới một bộ máy quan liêu liên bang, ngần ngại không dám dẫn đầu trong việc điều hành một ngành kỹ nghệ mới.

Để hoạt động trong vùng biển liên bang nơi tàu bè có thể chạy qua, một hoạt động cần có giấy phép từ cơ quan Army Corps of Engineers (Công Binh Hoa Kỳ). Nhưng một số cơ quan khác đã góp phần trong việc lập ra quy định về ngành  nuôi trồng thủy sản, trong số đó có Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường, cơ quan Quản Trị Thực Phẩm Dược Phẩm, và Quản Trị Đại Dương Và Khí Quyển Quốc Gia (NOAA). Những người muốn nuôi trồng thủy sản thường phải tới hết cơ quan này sang cơ quan khác, tốn nhiều chi phí, và thường gây thất vọng cho các nhà đầu tư.

Các giới chức NOAA làm việc với những cơ quan liên bang khác và những người nuôi trồng thủy sản, để giúp cho tiến trình được nhanh hơn. Một đề nghị sẽ làm cho NOAA đóng vai trò cơ quan đứng đầu trong việc cấp giấy phép nuôi trồng thuỷ sản, phối hợp với những cơ quan điều tiết khác. Dự luật để làm cho điều đó trở thành chính thức đã được đệ trình tại Hạ Viện và Thượng Viện trong năm nay, Tuy nhiên có lẽ luật đó phải được đệ trình lại lần nữa cho Quốc Hội nhậm chức trong tháng Giêng.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT