Đời Sống Việt

Các phong tục ngày Tết Việt Nam

Thursday, 11/02/2021 - 08:18:58

Dân tộc Việt Nam chúng ta có nhiều Tết như Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu v.v. nhưng Tết Nguyên Đán là quan trọng nhất, vì Tết Nguyên Đán là ngày khởi đầu một Năm Mới.



Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON - Dân tộc Việt Nam chúng ta có nhiều Tết như Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu v.v. nhưng Tết Nguyên Đán là quan trọng nhất, vì Tết Nguyên Đán là ngày khởi đầu một Năm Mới. Ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục, tập quán rất hay nhưng cũng có nhiều điều mê tí dị đoan mà đến nay, dù sống ở trong nước hay nước ngoài, nhiều người Việt vẫn tin, kiêng nhất định không từ bỏ.

Trước ngày Mùng Một – Tống Cựu Nghinh Tân: Hầu hết các gia đình đều lo trang trí bàn thờ, quét dọn, sơn phết lại nhà cửa, sân ngõ, vất rác rưởi , lau chùi bàn ghế và các vật dụng trong nhà, tắm rửa, giặt giũ quần áo và may sắm áo quần mới để tống khứ hết cái cũ và đón cái may mắn sắp đến nên mới gọi là “tống cựu nghinh tân.” Đó là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt.

Còn tại sao trong ba ngày Tết nhiều người không quét nhà, đổ rác? Sở dĩ có tục lệ này vì theo sách Sưu Thần Ký có ghi câu chuyện một người lái buôn ở bên Tàu tên là Âu Minh, một hôm đi qua hồ Thanh Thảo ông được Thủy Thần cho một con khỉ tên là Như Nguyện, ông đem về nhà nuôi được vài năm, gia đình trở nên giàu có. Nhưng vào sáng Mùng Một Tết, con khỉ làm ông phật lòng, ông lấy cây roi đánh nó, nó chui vào đống rác vá biến mất luôn, từ đó gia đình Âu Minh trở lại nghèo khó như trước. Kể từ đó, thiên hạ không ai dám quét, đổ rác trong nhà vào ngày đầu năm nữa. Tục lệ mê tín này hiện nay nhiều người đã bỏ.

Tuy nhiên, một việc khác cũng có tính mê tín dị đoan là sắm sửa mâm quả làm sao phải có đủ các loại trái cây “Cầu (Măng Cầu) Vừa (dừa) Đủ (đu đủ) Xài (soài). Cứ nhìn mấy chữ như dừa và soài đủ biết nó không thực tế nhưng nhiều người vẫn mua về chưng dù giá tiền mấy loại trái cây trên được tăng giá gấp ba bốn lần bình thường.

Trước giờ Giao Thừa: Đêm Giao Thừa là thời khắc quan trọng nhất của ngày Tết nên nhiều gia đình kéo nhau đến chùa lạy Phật, dự lễ Giao Thừa, và được các nhà sư lì xì, đặc biệt được “hái lộc.” Ở miền Bắc nhiều người đến chùa dự Giao Thừa xong hái sạch các lá cây mới đâm chồi nẩy lộc xung quanh chùa, càng hái được nhiều lá non người ta càng tin mình được nhiều lộc, và suốt năm sẽ hưởng nhiều lộc khác. Trước đêm Giao Thừa, nhiều ông bà, cha mẹ khuyên dặn con cháu không được đánh chửi nhau, không nói tục tĩu, gặp ai cũng phải chào hỏi niềm nở, cha mẹ không quở trách con cái trong những ngày Tết dù chúng có phạm lỗi. Trong đêm Giao Thừa chỉ nghe những lời chúc lành của ông bà, cha mẹ cho con cái, họ hàng, bạn hữu chúc nhau, nhất là được các nhà tu hành chúc tụng thì được coi như một diễm phúc.

Xông Nhà: Nhiều người đến nay vẫn tin rằng sáng Mùng Một Tết nếu được người hiền lành, đạo đức, có công ăn việc làm, có địa vị trong xã hội, tánh tình dễ dãi, bản chất nhanh nhẹn mà đến xông nhà trước tiên thì cả năm gia đình đó sẽ ăn nên làm ra. Ngược lại, nếu người đến xông nhà có những điều ngược lại thì bị coi là người “nặng vía” đến xông nhà, cả năm sẽ làm ăn lụn bại. Thế nên, ngày Mùng Một, lẽ ra là ngày vui nhất nhưng nhiều người e dè không dám đến nhà nhau sợ gia chủ làm ăn thất bại mình sẽ bị đổ thừa là mang xui xẻo đến cho nhà người ta nên ngày Mùng Một lại ít khách đến thăm là vậy.

Chúc Tuổi Và Lì Xì: Một nét văn hóa rất đẹp đáng lưu giữ là sáng Mùng Một, con cháu mang lễ vật đến chúc tuổi ông bà, cha mẹ, lễ vật là những thứ mà con cháu biết ông bà, bố mẹ mình thích như rượu, trà, bánh chưng, bánh tét. Lời chúc thường là chúc cho ông bà, cha mẹ sống lâu trăm tuổi. Sau lời chúc, ông bà hay cha mẹ thường chúc lại cho con, cháu năm mới, khỏe mạnh, học hành thi cử đỗ đạt và trao cho con, cháu những phong bao lì xì màu đỏ trong có một ít tiền mặt. Nhiều người khá giả họ không chỉ lì xì cho con, cháu mà gặp các bọn trẻ biết lễ phép, chào hỏi họ cũng sẵn sàng trao quà lì xì đầu năm cho các em.

Mùng Một Tết Cha, Mùng Ba Tết Thầy: Ngoài ông bà, cha mẹ, người học trò ngày xưa không quên ơn Thầy giáo dạy dỗ mình nên người, nên sau khi đã ăn Tết với gia đình, người học trò có bổn phận đến chúc tuổi Thầy, Cô của mình là điều hợp luân thường đạo lý, nhưng học trò ngày nay liệu có còn làm được như học trò ngày xưa?

Sau Ba Ngày Tết: Sau khi đã “Ăn Tết,” người Việt có thói quen chọn ngày khai trương. Sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, người buôn bán chọn ngày mở cửa hàng, ai cũng mong muốn năm mới mọi việc đều hanh thông, làm ăn suông sẻ, phát tài, phát lộc nên chọn ngày tốt, giờ tốt để khai trương. Ngày tốt, giờ tốt do mấy ông gọi là “Chiêm tinh gia” định đoạt, thường có in trên các tờ block lịch nên nhiều người lớn tuổi mỗi năm chọn mua cuốn lịch bóc từng tờ để biết ngày tốt xấu. Nhiều người sau khi chọn được ngày tốt, họ chỉ cần ra mở cửa, làm chừng nửa giờ hay một giờ gọi là “làm lấy ngày” rồi đóng cửa nghỉ tiếp.

Ngoài một số phong tục vừa nêu, còn rất nhiều tập quán vui chơi khác trong ba ngày Tết như tổ chức cờ bạc, bầu cua, đánh cờ tướng, tổ tôm, sóc đĩa, đánh chắn và ngoài Bắc ngày xưa thịnh hành nhất là đánh Tam Cúc. Trong miền Nam thịnh hành chơi lô tô, chơi bài tứ sắc. Tóm lại, Tết là ngày tiêu biểu cho truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, tiếc rằng Tết năm nay mất vui vì dịch bệnh Covid, nhiều gia đình mất người thân, nhiều gia đình tuy con cháu đông đúc nhưng cũng không dám đoàn tụ vì phải giữ an toàn cho nhau, nhiều người trong thân bằng quyến thuộc, bạn hữu thân thiết cũng không đến nhà chúc tuổi nhau như những năm trước đây.

Là những người có niềm tin vào quyền năng của Đấng Tạo Hóa, Các Đấng Thiêng Liêng, chúng ta đến chùa, đến nhà thờ trong đêm Giao Thừa để tham dự các nghi lễ và cầu Trời, khấn Phật, Tạ Ơn các Đấng Thiêng Liêng đã ban cho mình và gia đình một năm bình an, và sáng Mùng Một cũng đến chùa, nhà thờ tham dự các nghi lễ, cầu xin cho dịch bệnh mau chấm dứt để mọi người trở lại cuộc sống bình thường. Ước mong Tết năm Dần 2022 mọi người được vui hưởng trở lại cuộc sống an bình, vui tươi, hạnh phúc như những năm trước đây.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT