Thế Giới

Các học sinh gốc Á Châu-Thái Bình Dương bị bắt nạt nhiều nhất ở trường

Bạch Vân/Viễn Đông Friday, 04/11/2011 - 11:48:35

NEW YORK CITY, New York – Bà Shehnaz Abdeljaber, một phụ huynh học sinh ở New Jersey, hết sức kinh ngạc khi phát giác ra rằng một giáo viên và những bạn cùng lớp với con trai bà gợi ý rằng con bà là một kẻ khủng bố.

Bắt nạt không chỉ xảy ra ở trường mà có thể trên mạng Internet
- ảnh: Vincent Thái/Viễn Đông.

Bạch Vân/Viễn Đông
NEW YORK CITY, New York – Bà Shehnaz Abdeljaber, một phụ huynh học sinh ở New Jersey, hết sức kinh ngạc khi phát giác ra rằng một giáo viên và những bạn cùng lớp với con trai bà gợi ý rằng con bà là một kẻ khủng bố.
Bà mở cuốn niên giám của trường trung học đệ nhất cấp, nơi con bà đang học, và đọc thấy những lời bình luận như vậy. Sau đó bà mới khám phá ra rằng, từ nhiều năm nay, con trai bà phải chịu đựng cảnh bị ăn hiếp, thế mà nó vẫn giữ im lặng.

Kể từ khi nhìn ra sự việc, bà Abdeljaber đã thúc đẩy vị hiệu trưởng của trường ủng hộ cho những buổi tìm hiểu về nạn bắt nạt, mà nạn nhân là cả giáo viên lẫn học sinh. Tuần báo Asian Week trích dẫn lời bà nói: “Chúng ta cần một lối giải quyết vấn đề có tính cách sáng tạo hơn, và cần sự tương tác nhiều hơn với giới trẻ, để làm cho họ đủ sức ra tay làm một việc gì đó, hơn là chỉ thông qua thẩm quyền của ai đó”.
Bà được mời đến chia sẻ câu chuyện của mình, cùng với những học sinh từng bị ăn hiếp, tại Hội Nghị Của Tòa Bạch Ốc Về Việc Ngăn Chặn Nạn Ăn Hiếp Do Sáng Kiến Của Những Người Gốc Á Châu Thái Bình Dương (TBD), được tổ chức tại New York City vào hôm 29-10-2011. Tại cuộc hội nghị này, những dữ liệu mới của Bộ Giáo Dục đã được công bố, cho thấy những con số thống kê đáng kinh ngạc về tệ nạn bắt nạt ăn hiếp.

Dữ liệu, gia tăng nguy cơ bị bắt nạt
Các Học Viện Về Sức Khỏe Toàn Quốc (NIH) định nghĩa một học sinh bị bắt nạt “khi một học sinh khác, hoặc một nhóm học sinh, nói hoặc làm những điều gây khó chịu và ác độc đối với học sinh đó. Bắt nạt cũng có nghĩa là khi một học sinh bị chọc quê lập đi lập lại dưới hình thức cô ấy hay cậu ấy không thích”.
Trong năm 2009, DOE thực hiện một cuộc thăm dò về nạn ăn hiếp, phỏng vấn 6.500 học sinh trong độ tuổi từ 12 tới 18. Kết quả thăm dò cho biết rằng có 54 phần trăm trong tổng số các học sinh người Mỹ gốc Á Châu cho biết họ đã từng bị bắt nạt trong lớp học, trong khi đó có 31,3 phần trăm học sinh da trắng, 38,4 phần trăm học sinh da đen, và 34,3 phần trăm học sinh Latino cho biết rằng họ từng bị ăn hiếp ở trường.
Liên quan tới chuyện bị sách nhiễu trên Internet, có 62 phần trăm học sinh tuổi vị thành niên gốc Á Châu từng bị bắt nạt trên mạng, nhiều hơn so với 18,1 phần trăm học sinh tuổi vị thành niên người Mỹ trắng từng bị ăn hiếp trên Internet.
Những trở ngại ngôn ngữ có thể biến các học sinh gốc Á Châu thành mục tiêu hà hiếp, cũng như thành kiến chủng tộc gia tăng sau những vụ tấn công ngày 11-9-2001 phần lớn được gán cho những người Hồi giáo, theo các nhà lập chính sách cho biết. Các học sinh tuổi vị thành niên bị cho rằng theo đạo Hồi dễ bị bắt nạt nhiều hơn.
Thông tấn xã Agence France-Presse trích dẫn lời Bộ Trưởng Giáo Dục Hoa Kỳ Arne Duncan nói: “Chúng tôi đang nhìn thấy có những người trở thành nạn nhân vì một cách nào đó họ có vẻ khác với tiêu chuẩn bình thường một chút. Chúng tôi đang cố gắng soi rọi ánh sáng nhiều hơn trên vấn đề này”. Chính phủ Obama lâu nay làm cho vấn đề bắt nạt nổi bật lên, từ sau tháng 10 năm 2010, khi có sự gia tăng trong những vụ ăn hiếp được báo cáo, mà nạn nhân là những thiếu niên đồng tính, dẫn tới hậu quả là xảy ra chuyện những vụ thiếu niên như thế đi đến chỗ tự tử.
Tuy nhiên, từ mấy năm nay, đã có những người khác tham gia vào việc chiếu ánh sáng trên vấn đề bắt nạt.

Tác động của nạn bắt nạt
Trong năm 2006, đài Mountain Lake PBS, có trụ sở ở Plattsburg, New York, đã chiếu lần đầu tiên cuốn phim “Dissed-Respect: The Impact of Bullying” (Thiếu tôn trọng: tác động của nạn ăn hiếp). Giám Đốc Trung Tâm vì Tính Đa Dạng, Đa Nguyên, và Bao Quát (CDPI) của đại học SUNY Plattsburgh, Tiến Sĩ J. W. Wiley đóng vai trò cố vấn cho bộ phim này, phỏng vấn và nói chuyện với các em thiếu niên, thiếu nhi, cũng như các nhà giáo dục, để tìm hiểu những lý do, hậu quả và những hành động cần làm để giải quyết nạn bắt nạt. Kết hợp kịch nghệ, thi ca và nhạc rap với việc nghiên cứu về nạn bắt nạt đã cho phép bộ phim này bao hàm được một cử tọa gồm những thiếu niên, nhi đồng vốn thuộc thành phần rất dễ bị ăn hiếp. Cuốn phim xem xét hai cách tiếp cận đối với các khán giả: một lối cho học sinh và một lối cho giới chuyên nghiệp.
Trong lối dành cho học sinh, học sinh tìm hiểu những khía cạnh của nạn bắt nạt trong khi được hướng dẫn bởi những bạn cùng trang lứa và cùng kinh nghiệm, cũng như từ phía giới chuyên môn. Còn lối dành cho giới chuyên nghiệp mở ra cho các nhà giáo dục sự quan tâm về ảnh hưởng của nạn bắt nạt trong môi trường giáo dục của họ bằng cách lắng nghe từ các học sinh và các đồng nghiệp của họ, cũng như những ý tưởng và lý thuyết khác nhau.
TS. Wiley nói trong cuốn phim: “Chúng ta phần đông, có lẽ tất cả, vào một lúc nào đó, đều không nhìn thấy mình như là kẻ ăn hiếp. Chúng ta khó mà thấy ra được như vậy”. Tiến Sĩ Wiley tin rằng mỗi người đều từng bắt nạt một ai đó và cũng bị một người nào đó ăn hiếp trong cuộc đời mình, dù là có ý thức hay không về chuyện ấy. Sự công nhận này là một bước tiến tới việc làm giảm bớt tệ nạn ăn hiếp.

Ông nói với Viễn Đông: “Người ta thường nghĩ rằng [việc bắt nạt] là một một đứa trẻ to con sấn sổ tới trước mặt ai đó và tiến tới mức đe dọa về mặt thể lý. Đó là một cách hiểu sai về chuyện bắt nạt”. TS. Wiley nói thêm rằng bắt nạt có thể hiện rõ ra mặt hoặc tiềm ẩn.
Trong khi nạn bắt nạt ra mặt được nhắc tới nhiều nhất, bắt nạt tiềm ẩn ít khi được nhắc nhở tới khi điều đó xảy ra. Chẳng hạn, khi một người không thích ai đó vì lý do bất cứ lý do gì, người ấy có thể lôi kéo một nhóm người cùng không ưa người kia luôn. Cả nhóm cũng có thể hãm hại người đó, mà không cho rằng họ làm điều gì sai trái.
Những tổ chức, như một số cơ quan thực thi công lực, trong xã hội dòng chính đa số áp đảo Hoa Kỳ đã từng có một số hình thức bắt nạt tiềm ẩn đối với sắc dân thiểu số qua những thể thức như dựa trên ngoại hình sắc tộc để thực thi công lực (racial profiling), TS. Wiley nói với Viễn Đông. Ông nói thêm: “Tôi thà là bị đấm thẳng vào mặt còn hơn là bị đâm sau lưng theo nghĩa bóng”.

Khi bắt nạt leo thang
Hôm 19-8-2011, nhật báo Viễn Đông đưa tin về cuộc họp báo của Ủy Ban Giao Tế Nhân Sự Quận Cam (OCHR), trình bày bản Phúc Trình Tội Thù Hận, trong đó các thành viên ủy ban bình luận về tội thù hận tại Quận Cam. Các thuyết trình viên chia sẻ rằng bắt nạt có thể dẫn tới những tội ác thù hận. Đây là những hành vi tội phạm chống lại một người nào đó có một sự dị biệt thực sự hoặc do tri nhận về những tính cách đặc trưng khác với kẻ tấn công.
Mặc dù những vụ phạm tội thù hận chống lại những người Mỹ gốc Á Châu đã giảm bớt từ 2009-2010, các thuyết trình viên nói rằng những tội hận thù có thể không được báo cáo đúng mức, vì những người Mỹ gốc Á Châu nằm trong số những nhóm sắc dân thường giữ im lặng về những vụ ngược đãi mà họ gánh chịu. Những nhóm như thế phát xuất từ những lịch sử nhiều thế hệ đề cao và chấp nhận sự im lặng như là một phương thế để sống sót trên đất Mỹ

Để biết thêm tin tức
Mặc dù bắt nạt không đồng nghĩa với một tội thù hận, nó vẫn có thể dẫn tới chỗ phạm tội hận thù. Để biết thêm tin tức liên quan đến OCHR và những tội thù hận, có thể vào trang mạng www.ochumanrelations.org, gọi điện thoại qua số (714) 567-7470, gởi thư hoặc đi tới địa chỉ 1300 S. Grand Ave. Building B, Santa Ana, CA 92705.
Để báo cáo về một tội phạm thù hận, có thể gọi điện thoại qua số 1-888-No-2-Hate. - (BV)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT