Người Việt Khắp Nơi

Các chiến hữu Lực Lượng Đặc Biệt họp mặt năm 2017

Thursday, 12/10/2017 - 08:51:20

Sau đó ca sĩ Diễm Tuyết đơn ca, Hội Cảnh Sát Quốc Gia Nam Cali cũng đóng góp chương trình văn nghệ qua màn hợp ca Anh Về Thủ Đô. Tập Thể Chiến Sĩ Trung Tâm Tây Nam cũng như các chiến hữu Hải Quân đều đóng góp một số tiết mục cho chương trình và cuối cùng là phần dạ vũ và bế mạc.

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Tối Chủ Nhật, ngày 8 tháng 10, 2017 các chiến hữu thuộc Hội Thân Hữu Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) đã tổ chức buổi họp mặt tại Paracel Seafood Restaurant ở Westminster, Nam California, mục đích để tưởng niệm đồng đội đã hy sinh, điểm danh xem ai còn ai mất và hàn huyên tâm sự, chia vui, sẻ buồn trong những ngày tháng tỵ nạn trên đất Hoa Kỳ.

Thiếu Tá Trần Ngọc Lễ trên xe Jeep, dưới lá cờ Hoa Kỳ. (Thanh Phong/ Viễn Đông


Chiến hữu Trần Ngọc Lễ, Hội Trưởng Hội Thân Hữu LLĐB nói với Viễn Đông, “Cái ngày thành lập LLĐB họ lấy 100 người Nhảy Dù, 100 người ở các binh chủng khác và lấy mấy Tiểu Đoàn Biệt Cách Dù, như thế LLĐB là một tập hợp của Quân Lực VNCH.

“Ngày đó, LLĐB đảm trách chiến tranh ngoại lệ như Nhảy toán ra Bắc, hành quân qua biên giới cũng như mọi cái, thành thử ra nó có nhiều đơn vị mà ngay chúng tôi ở trong Lực Lượng cũng không biết hết, chỉ biết có Sở Công Tác, Sở Phòng Vệ Duyên Hải, có Liên Đoàn 77, có Biệt Cách Dù, có Delta v.v.. Sau này cái xuồng bay cũng ở trong LLĐB, Người Nhái cũng ở LLĐB.”

Chiến hữu Trần Ngọc Lễ mang cấp bậc Thiếu Tá. Vào thời điểm trước ngày miền Nam rơi vào tay giặc Cộng, Thiếu tá Trần Ngọc Lễ giữ chức vụ Trưởng Phòng Chính Huấn Biệt Động Quân Trung Ương.

Ông tâm sự với chúng tôi, “Lúc đó tôi là người duy nhất ở bên tướng Giai và chịu trận với ông cho đến khi bị tụi nó bắt, và đi tù ngoài Bắc tám năm. Gia đình tôi sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. vào năm 1994.”
Bằng một giọng trầm buồn, ông nói, “Tuổi mình đang ở vào tuổi xế chiều rồi, ngày nào anh em mình còn gặp nhau thì tinh thần chống cộng vẫn còn, ngày nào anh em mình nằm xuống thì coi như chẳng còn gì nữa! Do đó, ngày nào tôi còn, tôi và anh em chiến hữu LLĐB vẫn hẹn gặp nhau trong ngày hội ngộ, mỗi năm một lần; còn tổ chức được bao nhiêu lần nữa thì không biết, phải hỏi ông Trời.”


Hội Trưởng Trần Ngọc Lễ đứng dưới hai phù hiệu của LLĐB chia sẻ tâm tình với Viễn Đông. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Như lời chiến hữu Hội Trưởng vừa chia sẻ, buổi họp mặt diễn ra đơn giản với nghi thức chào cờ, mặc niệm, trong đó có niệm hương trước bàn thờ Tổ Quốc để tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh. Sau đó, MC Nguyên Thảo giới thiệu thành phần tham dự, ngoài các chiến hữu LLĐB, chúng tôi thấy có niên trưởng Trần Quan An, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Sát Tập Thể Chiến Sĩ VNCH và phu nhân, chiến hữu Bùi Đẹp, Trung Tâm Trưởng Tập Thể Chiến Sĩ Tây Nam Hoa Kỳ, chiến hữu Nguyễn Doãn Hưng, Hội Trưởng Hội CSQG Nam Cali và phái đoàn cùng một số chiến hữu các hội đoàn quân đội.

Hội Trưởng Trần Ngọc Lễ phát biểu chào mừng và cám ơn qúy chiến hữu cũng như giới truyền thông tham dự. Trước khi nhập tiệc, Trưởng Ban Tổ Chức thay mặt các chiến hữu trong Ban gồm: Nguyễn Đức Tiến, Phạm Quang Hiền, Bà Phan Lệ Giang (Hội Trưởng Hội Bà Triệu, Y Tá Trưởng của một đơn vị LLĐB), bà Phạm Ái Phương có lời cám ơn và mời mọi người nâng ly, chúc nhau sức khỏe và vừa dùng tiệc vừa thưởng thức chương trình văn nghệ, mở đầu với bản hợp ca LLĐB Hành Khúc do Hội Trưởng Trần Ngọc Lễ sáng tác và ca sĩ Xuân Thanh điều khiển.

Sau đó ca sĩ Diễm Tuyết đơn ca, Hội Cảnh Sát Quốc Gia Nam Cali cũng đóng góp chương trình văn nghệ qua màn hợp ca Anh Về Thủ Đô. Tập Thể Chiến Sĩ Trung Tâm Tây Nam cũng như các chiến hữu Hải Quân đều đóng góp một số tiết mục cho chương trình và cuối cùng là phần dạ vũ và bế mạc.

Tác giả Phan Bá Kỳ trong cuốn “Lực Lượng Đặc Biệt Giữa Những Tổ Chức Chiến Tranh Không Quy Ước của QL/VNCH” đã giới thiệu về LLĐB như sau: “Vì là không quy ước, còn gọi là ngoại lệ, nên tên gọi của các đơn vị và tổ chức đều phải mang những danh xưng khác biệt, rồi từ đó quần chúng cũng như các đơn vị bạn đã không biết họ đang phục vụ cho ai và cho mục đích gì. Chính tên mẹ đẻ của họ cũng phải giấu đi và mang những tên vỏ bọc nên gia đình, bà con, bạn bè, đồng bào cũng không biết họ đang trú đóng ở đâu và đang làm gì.


Một số chiến hữu LLĐB đến tham dự buổi họp mặt. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

“Ngoài ra, để bảo toàn hiệu quả cho các hoạt động tình báo chiến lược, họ phải giữ ngăn cách và bí mật nên chính các cấp chỉ huy, hàng tướng lãnh đến các sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ của các quân, binh chủng bạn phần lớn đều không biết họ và các hoạt động của họ, các giới chức hành chánh cao cấp, các nhà trí thức, các nhà văn, nhà báo, các phóng viên không thể lấy đâu ra những tin tức, tài liệu chính xác để có thể hỗ trợ, khích lệ hoặc truyền thông một cách thích ứng.”

Những đơn vị và những tổ chức với những danh xưng như Biệt Kích Hỗn Hợp Nhảy Dù, Nha Tổng Nghiên Huấn, Bộ Quốc Phòng, Sở Liên Lạc Phủ Tổng Thống, Lực Lượng Hành Quân Lôi Vũ, Sở Nam, Sở Bắc, Sở Không Yểm, Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Sở Tâm Lý Chiến, Sờ Khai Thác Địa Hình, Lực Lượng Đặc Biệt, Lực Lượng Hành Quân Delta, Tiểu Đoàn 81 Biệt Kích Dù, Các Toán A, B, C, Nha Kỹ Thuật, Sở Liên Lạc “Lôi Hổ,” Sở Công Tác “Hắc Long,” Lực Lượng Biệt Hải, Lực Lượng Hải Tuần v.v..
Ngoài những chiến hữu Nhảy Toán ra miền Bắc và xâm nhập các mật khu của Việt Cộng trên đất Lào và Campuchia, các chiến sĩ LLĐB đã tham dự những trận đánh lớn chống cộng quân như các trận: Nam Đông (1964), Trận Plei Me (1965), trận Darto (1967), trận Làng Vei (1968), trận Đức Lập (1968) mà sự hy sinh của các chiến sĩ LLĐB và cả các cố vấn Mỹ không nhỏ. Trong cuộc chiến tranh vừa qua, các chiến hữu LLĐB đã không được tuyên dương. Họ xứng đáng được gọi là những “Anh Hùng Vô Danh” mà Tổ quốc Việt Nam mãi mãi Tri Ân.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT