Văn Nghệ

Các ca khúc trong buổi hòa nhạc Chuyện Những Dòng Sông

Thursday, 27/09/2018 - 08:32:31

“Hai niên khóa học với nhạc sĩ Văn Giảng, tôi thích học nhạc thì ít mà mê Thầy kể chuyện thì nhiều. Cứ mỗi cuối giờ, Thầy có một câu chuyện kể về các giai thoại âm nhạc. Thích nhất là những chuyện thâm cung bí sử của những nghệ sĩ âm nhạc tài hoa.

Bài TRÂN HƯƠNG

Chiều Nhạc NGÀN KHƠI với chủ đề Chuyện Những Dòng Sông sẽ diễn ra vào lúc 4 giờ 30 chiều ngày 30 tháng 9 tại nhà thờ FIRST PRESBYTERIAN CHURCH OF GARDEN GROVE trên đường Euclid gần góc North - East Chapman.

Ai Về Sông Tương

Một ca khúc rất quen thuộc và nổi tiếng là Ai Về Sông Tương sẽ được ca sĩ Quang Tuấn, một giọng ca thật trầm ấm và điêu luyện, trình bày trong buổi nhạc. Tác giả ca khúc này là Thông Đạt tức giáo sư nhạc sĩ Văn Giảng. Ông đã qua đời ở tuổi 89 vào năm 2013 trong sự thương tiếc của mọi người.


Nhạc sĩ Văn Giảng (Thông Đạt), tác giả ca khúc Ai Về Sông Tương

Dưới đây là trích đoạn bài viết về cố nhạc sĩ cũa tác giả Trần Kiêm Đoàn:
“Thầy Ngô Văn Giảng đã là một nhạc sĩ thành danh, nổi tiếng trong cả nước, trước khi trở thành giáo sư âm nhạc của trường Hàm Nghi. Nhưng nhiều người chỉ biết Văn Giảng qua những bản hùng ca. Bởi thế, vào mấy năm đầu thập niên 1950, khi bản nhạc để đời của Thầy, Ai Về Sông Tương, trở thành một bản tình ca thời danh với tên tác giả làThông Đạt thì ít ai để ý rằng, trong góc khuất của những tâm hồn nghệ sĩ, bên cạnh nhịp đời hào hùng vươn tới vẫn có tiếng thở dài chan chứa điệu buồn.

“Hai niên khóa học với nhạc sĩ Văn Giảng, tôi thích học nhạc thì ít mà mê Thầy kể chuyện thì nhiều. Cứ mỗi cuối giờ, Thầy có một câu chuyện kể về các giai thoại âm nhạc. Thích nhất là những chuyện thâm cung bí sử của những nghệ sĩ âm nhạc tài hoa. … Thú vị hơn cả là lịch sử bản nhạc Ai Về Sông Tương. Thầy kể rằng, thời trai trẻ, Thầy ở Thành Nội và yêu một cô gái ở Kim Long – Kim Long có gái mỹ miều; trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi… mà – nhưng duyên không thành vì gia đình nho phong của cô bé không có cái nhìn thiện cảm với đời nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trong ngành âm nhạc, xướng ca… Thế là chia tay và cô bé đi lấy chồng!

“Rồi một hôm, Thầy vào rạp Xi-nê Tân Tân, gần cầu Trường Tiền bên bờ Bắc sông Hương để coi phim Bé Nhà Trời (Les enfants du paradis). Ngay trước mắt Thầy, ở hàng ghế trước có một cô Bé tóc dài. Tuy nhìn không rõ mặt nhưng từ dáng dấp đến hương tóc thoang thoảng mùi hoa Ngâu của người thiếu nữ đã làm sống lại hình ảnh người tình Kim Long. Thầy bị xúc động đến nỗi không thể còn ngồi lại lâu hơn trong rạp chiếu bóng để xem phim, nên vội vàng ra khỏi rạp.

“Thầy cởi chiếc xe đạp Dura Mercier của Thầy và đạp xe dọc theo bờ sông Hương để vô cửa Thượng Tứ vào nhà ở Thành Nội. Thoáng chốc dòng sông Hương hiện ra như là dòng sông Tương chia biệt trong truyện tình cổ thư Trung Quốc. Thầy vừa đến nhà là dựng ngay chiếc xe đạp ngoài hiên, đi nhanh vào nhà và vội vã sáng tác bản nhạc bằng tất cả sự hoài niệm và háo hức nghệ thuật với sự chấn động dị thường như phép lạ hóa thân. Bản nhạc Ai Về Sông Tương được viết ra trong vòng mười lăm phút!


Bìa bản nhạc Ai Về Sông Tương


“Sau đó, Thầy bí mật ký tên là Thông Đạt và chép một bản gởi ra đài phát thanh toàn quốc là đài Pháp Á ở Hà Nội. Ngay sau đó, Mạnh Phát vừa là nhạc sĩ vừa là ca sĩ đã hát bản Ai Về Sông Tương lần đầu trên đài Pháp Á Hà Nội. Bản nhạc sáng tác năm 1949 đã nhanh chóng nổi tiếng trong toàn cả nước. Đã trải qua hơn 60 năm, những mối tình đã cũ, những hẹn hò thuở răng trắng tóc xanh đã thành răng long đầu bạc. Nhưng Ai Về Sông Tương vẫn mới như thời gian là nước chảy qua cầu, vẫn còn là tiếng lòng tình tự của những đôi tình nhân ước hẹn không thành. Bản nhạc với một giai điệu thướt tha lãng mạn, lời lẽ đậm nét hoài niệm trữ tình làm dậy lên nguồn tình cảm sướt mướt, mượt mà mà rất sang ấy như một dòng suối tươi tắn, mát dịu trong một hoàn cảnh tạm hồi sinh sau cuộc chiến:

Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương
Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn
Mong vài lời em ngập hương…

“Cũng theo lời Thầy vui vui kể chuyện rằng, Mạnh Phát, là bạn thân của Văn Giảng, đã nhờ Văn Giảng đến nhà ấn hành tân nhạc gần như độc nhất thời bấy giờ là nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế do ông Tăng Duyệt làm giám đốc để hỏi cho ra Thông Đạt là ai ngay sau khi bản nhạc phát trên đài Pháp Á. Nhưng mãi đến ba tháng sau thì tông tích của Thông Đạt mới được tiết lộ. Mạnh Phát vô Huế chơi khi biết tui là Thông Đạt, hắn đấm lưng tui thùi thụi như rứa thì thôi! Thầy Văn Giảng nói.

“Một lần trong giờ học nhạc, trò Nguyễn Xuân Huế là tay đọc tiểu thuyết đệ nhất trong lớp hỏi Thầy: Thưa Thầy, tại sao mình có sông Hương, mình cũng có Hương giang đầu, Hương giang vỹ mà Thầy lại phải vay mượn sông Tương của Tàu như rứa ạ? Thầy trả lời, đại khái là tại sông Hương chưa có chuyện tình nào nổi tiếng trong tình sử như sông Tương. Tương Giang là một con sông ởTrung Hoa, bắt nguồn từ núi Duyên Hải, chảy qua Hồ Nam dài hơn hai ngàn dặm. Còn ý ai về sông Tương của Thầy trong bản nhạc là bắt nguồn từ cảm hứng của bốn câu thơ tình sử trích từ khúc Trường Tương Tư của nàng Lương Ý, đời Hậu Chu. Nàng và Lý Sinh yêu nhau say đắm nhưng phải chia tay. Nàng làm thơ mong gửi gấm nguồn tâm sự đau khổ khi phải xa cách người yêu:

Quân tại Tương Giang đầu
Thiếp tại Tương Giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương Giang thủy
**
(Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau không thấy mặt
Cùng uống nước sông Tương)

“Năm 1963, có lần tôi gặp Thầy trên con đò Thừa Phủ, Thầy nói là lên chùa Từ Đàm nhưng đường sá trở ngại phải đi đò sang sông rồi đi bộ lên chùa. Khi đò ra giữa sông tôi nghịch ngợm hỏi Thầy: Thưa Thầy, đã có ai về sông Tương chưa ạ? Thầy cũng cười đáp lại: Đối với tôi thì sông Tương là sông Hương. Tôi chỉ mong cuối đời về lại con sông này… Ngày đó và bây giờ, tôi tự hiểu khái niệm cuối đời về lại của Thầy là linh khí của con người luân lưu sống giữa hồn thiêng sông núi. Nếu vậy, thì hôm nay Thầy đã về sông Tương.”

Những ca khúc khác trong Chuyện Những Dòng Sông

Những dòng sông, biểu tượng một nơi chốn để trở về như với tác giả Văn Giảng (Thông Đạt) của Ai Về Sông Tương, hay như tiếng thở dài não nuột trong Muốn Về Quê Mẹ... muốn về quê mẹ mà không có đò, trong phần Sông Mẹ của trường ca Mẹ Việt Nam, rồi Sông Còn Mải Mê, Sông Vùi Chôn Mẹ, Sông Không Đường Về. Khi đời còn ngổn ngang và lòng còn mải mê... thì sông đảo điên, nước cuốn mau mẹ chìm sâu rồi sông rồng lôi kéo lũ rắn đi cắn sông đào...& người khách lữ không tìm tình thương... cho nên không đường về tim…

Về Bến Xưa của nhạc sĩ Nguyễn Hiền sẽ do Quang Tuấn hát, cũng là một bài hát cho người trở về, sóng muôn trùng, thuyền ơi mau ghé bến, vui nối lại tình thương đời ấm êm.
Trở Về Dòng Sông Tuổi Thơ với Belinda Tâm Đan, giọng ca lyric soprano đang lên của chúng ta, hát song ca cùng thân mẫu Búp Lê, giọng alto điêu luyện, sẽ là một trong những tiết mục mà khán giả vô cùng yêu mến, sông cũng như người ấy, có khí vui buồn có khi hờn ghen, chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy.

Jason Trương giọng nam trung Baritone rất trẻ, rất khởi sắc trong ca khúc Ai Qua Bến Đà Giang, từ lâu ít được nghe ai hát.
Đó là ba tiết mục của các em tuổi thanh niên sinh ra và lớn lên tại Mỹ hát lên tiếng Mẹ quê hương.
Vasa Diệu Nga, sẽ là một ngạc nhiên mới khi quý vị nghe Vasa hát Chiều Về Trên Sông và Suối Mơ, tơ đàn chùng hòa với tháng năm rừng còn nhớ tới người..



Ca sĩ  Vasa Diệu Nga
Hai cây đàn tuyệt vời và điêu luyện của chúng ta: Bạch Đằng chơi dương cầm, và Hoàng Công Luận, vừa dương cầm vừa vĩ cầm sẽ là suối nguồn dẫn ta đi mênh mang vào nét điểm kiểu đằm thắm hay hào hùng của những dòng sông quê hương mến yêu


Violinist Hoàng Công Luận


Pianist Bạch Đằng

Còn nhiều nữa, các ca khúc của dòng sông trên đất Hoa kỳ này, sông Mississipi trong Ol River Song, dòng sông trăng mộng mị của Moon River, và Riversong, river run, set my spirit free, river rushing down the mountainside, set me free… nghe thật lôi cuốn được trình bày tuần tự bởi Baritone solo Bui Quỳnh Giao, hợp xướng Ngàn Khơi & Sóng Xanh.


Ban Sóng Xanh

Ban Hợp Ca Nam Ngàn Khơi sẽ hát hợp ca bài TIẾNG DÂN CHÀI của Phạm Đình Chương
Hai bài hát về Sông Lô với hai sắc thái riêng do Thanh Tài và Bích Liên trình bày là hai trong những bản hát về những dòng sông mang tên vô cùng thân thiết với chúng ta: Giòng An Giang, Cửu Long Giang, Bạch Đằng Giang.
Chương trình sẽ khép lại với ca khúc Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, mời quý khán giả cùng hát.

Kính mời quý vị tham dự buổi hòa nhạc nghệ thuật do ban hợp xướng Ngàn Khơi tổ chức, đồng thời để Gây Quỹ thiện nguyện giúp hai hội đoàn SAP-VN & RICE FOR HUNGER. Trong giờ giải lao quý vị sẽ được xem hình ảnh hoạt động của Hội SAP-VN từng có mặt tại quận Cam trên 25 năm. Với hoạt động chính là bảo trợ tất cả các cuộc giải phẫu chỉnh hình, vá môi cho trẻ em khuyết tật, các cuộc mổ mắt cườm, mổ tim và cung cấp trang thiết bị và vật liệu y khoa cho địa phương, các hành trình đi khám bệnh lưu động hàng năm trong các làng quê, xây lớp học, tặng xe đạp, xe lăn, cứu trợ nạn lụt v.v. đem cuộc sống mới cho hàng chục ngàn bệnh nhân nghèo khổ tại Việt Nam. Tại Hoa Kỳ Hội SAP (Social Assistance Program) cũng tổ chức khám Nha khoa phòng ngừa, và cung cấp thực phẩm cho người không nhà v.v..
Xin mua Vé: $25 - Vé VIP: $50
Tú Quỳnh: (714) 531- 4284 & Nhật Báo Viễn Đông: (714) 379 – 2851

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT