Xe Hơi

Các biện pháp an toàn khi bảo trì và sửa chữa xe cộ

Saturday, 22/03/2014 - 01:49:32

Chúng ta đã nói khá nhiều về việc sửa chỗ này, chỉnh chỗ kia trong cái xe. Nhưng có một điều quan trọng lẽ ra cần nói trước thì lại chưa…. Đó là những biện pháp bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình trong khi làm việc bên cái xe. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đã liều mình dấn thân vào chỗ nguy hiểm trước nay

Hao Smith



Một kiểu Work Light, đèn làm việc cần có trong khi sửa xe



Khí thải trong ống bô rất độc hại, đã từng gây chết người. Vì thế không nên sửa xe khi xe còn trong garage
 
Chúng ta đã nói khá nhiều về việc sửa chỗ này, chỉnh chỗ kia trong cái xe. Nhưng có một điều quan trọng lẽ ra cần nói trước thì lại chưa…. Đó là những biện pháp bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình trong khi làm việc bên cái xe. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đã liều mình dấn thân vào chỗ nguy hiểm trước nay, bởi vì thực ra nếu mình có làm sai điều gì, phản ứng thường xuyên của cái xe là… im lặng, không nổ máy. Nhưng điều đó không có nghĩa là môi trường làm việc của mình hoàn toàn không nguy hiểm. Vì thế, muốn tận tình với cái xe, chúng ta cần phải hết lòng lo cho mình. Sau đây là những qui tắc về an toàn mà Hao Smith đề nghị chúng ta cần lưu tâm mỗi khi làm việc cho cái xe:

1. Đừng hút thuốc khi đang sửa chữa hoặc bảo trì xe: Lý do rất hiển nhiên, ai cũng hiểu. Nhưng thực tế vẫn có người tỏ ra khinh suất, phì phèo điều thuốc cháy đỏ trên môi khi làm việc với cái xe. Một lần nữa, xin đừng!

2. Khi có sự giúp đỡ của một người nào khác trong lúc làm việc: Đừng nhờ người đó nổ máy thử, nhưng nếu cần hãy đích thân làm điều đó. Là vì, người bạn kia có thể hiểu lầm, và cho máy nổ giữa lúc bạn không ngờ và còn đang lui cui làm việc.

3. Nhớ để máy nguội hoàn toàn hãy bắt đầu làm việc. Nếu phải kiểm tra trong lúc máy còn ấm nóng, hãy hết sức cẩn thận.

4. Khi kích xe lên cao để có đủ chỗ trống hầu làm việc dưới gầm xe: Bao giờ cũng phải đặt xe ổn định trên đế kích (Jack Stand).

5. Dụng cụ thử điện bao giờ cũng phải có tay cầm cách điện (insulated handle)

6. Khi cầm chìa khóa hoặc tuộc vít để mở một bộ phận bị kẹt, chúng ta thường phải vận rất nhiều công sức. Đến khi nó bung ra thì có thể bàn tay của mình lại đập vào vật gì đó bên cạnh, gây thương tích không nhỏ. Trong những trường hợp như thế, nếu có thể, hãy điều chỉnh để chìa khóa kéo về phía thân mình, chứ không kéo xa người mình.

7. Đồ “phụ tùng” của mình: Nhớ cởi bỏ những thứ phụ tùng trên người mình, như cà vạt, nhẫn, vòng đeo cổ, và các đồ trang sức khác. Nếu là phụ nữ, đừng quên cột mái tóc dài của mình lên. Bởi vì, chúng ta không muốn bị rớt nhẫn vào bên trong máy, tóc hay cà vạt bị quấn trong các cánh quạt hay dây belt còn đang quay.

8. Hóa chất độc hại: Nên nhớ các chất lỏng trong xe, như coolant, dầu máy, nước rửa….. đều là các chất hóa học độc hại, đừng vô tình để chúng vương vào miệng vào mắt: Khi xong việc, hãy rửa tay cẩn thận, rồi nhớ cất các bình nước này ở những nơi an toàn mà trẻ con hoặc chó mèo không thể đụng tới. Với dầu nhớt, coolant cũ…. vừa mới tháo ra khỏi xe, nhớ liệng bỏ ở một trung tâm Recycle – các tiệm bán đồ phụ tùng lớn như Autozone, Auto Parts…. đều có thùng phuy lớn để thâu thập những chất phế thải này. Đừng đổ ào xuống đất hoặc đổ vào lòng cống một cách vô trách nhiệm.

9. Tích trữ xăng? Xăng là một sản phẩm vô cùng nguy hiểm, không nên tích trữ hoặc mang theo mình. Xăng phải ở trong bình xăng. Bởi vì, chẳng những xăng là chất lỏng độc hại mà nó còn dễ bốc cháy. Ngay cả cái hơi xăng trong một can xăng đã cạn cũng có thể bắt lửa, nổ bùng và thiêu hủy cả một dãy phố. Nếu bắt buộc phải tích trữ một chút xăng (để mồi máy cắt cỏ hoặc một dụng cụ nào đó) thì nhớ phải đựng nó trong một cái bình được đặc chế để đựng xăng, và để nó trong một nơi thoáng khí (well ventilated). Không bao giờ lưu trữ thêm một bình xăng phụ để sẵn trong xe (trừ khi bạn đang tính đi thám hiểm lâu ngày trong núi rừng!)

10. Độc khí từ khói xe: Khói xe chứa nhiều độc khí, cụ thể là Carbon Monoxide . Vì thế, cần phải làm việc ngoài trời để khỏi hít phải độc khí của khói xe thải ra khi mở máy thử xe. Nếu buộc phải làm trong garage, nhớ phải mở rộng các cửa sổ và cửa chính, và đẩy xe về càng gần cửa chính càng tốt. Chắc chắn đây không phải là chuyện Hao Smith lo xa: Gần đây có “đôi trẻ” nằm chết trong xe mà cửa garage còn đóng kín. Khi cảnh sát đến thì khám phá thấy máy xe vẫn mở (với chìa khóa trong ổ), còn bình xăng thì cạn kiệt. Chuyện buồn mới xảy ra hồi cuối tháng Hai, và ngay tại Pennsylvannia thôi. Có lẽ họ muốn tìm một cảm giác mạnh nên mới rủ nhau vào “làm việc” trong xe mà vẫn tiếp tục cho máy nổ chăng?

11. Cần có một cái đèn soi, gọi là work light, để dùng trong những chỗ tối.

12. Và sau cùng, một cái bình chữa lửa (fire extinguisher): Có thể bạn sẽ cười xòa: “Làm gì mà phải đề phòng kỹ thế!” Nhưng xin nhớ rằng xăng là chất lỏng rất dễ bốc cháy, một tia lửa điện vô tình xẹt ngang trong lúc chúng ta đang nối dây bu-gi… Và biết đâu một mẩu thuốc lá vô tình bắn vào từ đâu đó… Nếu có bình xịt dập lửa ngay bên, chúng ta có thể phản ứng kịp thời để ngăn ngừa một vụ hỏa hoạn lớn sau đó.

Trên đây chỉ là những điều cần lưu ý để bảo đảm an toàn cho bản thân. Chúng ta làm việc – bảo trì, điều chỉnh và sửa chữa cái xe - để có thể chủ động và tăng niềm vui sống của mình. Sự đề phòng để khỏi trở thành nạn nhân ngốc nghếch của rủi ro không bao giờ là thừa thãi.

haosmith@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT