Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Ca sĩ Phạm Hà, chàng ca sĩ "tài tử" tài hoa

Friday, 26/02/2016 - 09:35:37

Phạm Hà chân thành bày tỏ, “Lần đầu tiên Phạm Hà hát trước mọi người là lúc đang học tiểu học lớp 3. Năm đó gần lễ giáng sinh, cô giáo dạy trong lớp mới hỏi có em nào biết hát bài Hang Bêlem [là một ca khúc Giáng sinh tiếng Việt, do nhạc sĩ Công giáo Phanxicô Hải Linh (tên thật là Trần Văn Trị) sáng tác]. Hà giơ tay lên, cô giáo mời Phạm Hà lên đứng trước bạn bè trong lớp để hát cho các bạn nghe.

Bài BĂNG HUYỀN

                                                                              Phạm Hà

Các khán giả thường xem những chương trình hòa nhạc định kỳ trong năm của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ tổ chức, đều rất quen với tiếng hát của ca sĩ Phạm Hà và sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của Phạm Hà với nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng cùng dàn nhạc giao hưởng của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ luôn đem đến những màn trình diễn thăng hoa. Dù đó là những bài hát trữ tình Việt Nam hay những trích đoạn nhạc kịch Broadway, trích đoạn Opera, nhạc phim bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Latin, tiếng Ý, Tây Ban Nha đều được phát âm rất chuẩn và anh luôn chinh phục cảm xúc của khán giả bằng cách hát da diết, tự sự, đượm tình của mình.


Sắp tới đây, trong chương trình nhạc thính phòng mang tên “Tình Quê Hương” vào lúc 3 giờ chiều ngày 6 tháng 3 năm 2016, tại hội trường nhật báo Người Việt, Phạm Hà sẽ góp tiếng hát đơn ca của mình qua một số ca khúc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương và Trịnh Công Sơn với phần đệm đàn guitar của Phương Thảo và piano của Phương Lan, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều thú vị cho người nghe.

Giọng hát thiên phú giàu cảm xúc

Phạm Hà là một trong những ca sĩ được đánh giá hát live rất tốt, với chất giọng baritone (nam trung) trầm ấm, có sức nặng và chiều sâu, nhưng vẫn có thể lên được những nốt cao vừa đủ, không chói, gắt thật nhẹ nhàng, bay bổng, hay xuống những nốt thấp như giọng bass (nam trầm) rất đẹp. Anh đã truyền cái lửa từ giọng hát của mình đi sâu vào ngóc ngách cảm xúc của người nghe, khiến cho nốt nhạc trở nên lưu luyến lạ kỳ, lưu lại trong trái tim khán giả những xúc cảm khó quên.

Phạm Hà cho biết tên thật của anh là Nguyễn Phạm Hà. Dù không xuất thân trong gia đình có người theo nghiệp ca hát chuyên nghiệp nhưng nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc trong Phạm Hà từ nhỏ chính là những bản nhạc nghe trong gia đình. Bố của anh là người rất mê âm nhạc, ông thường hay nghe nhạc tiền chiến Việt Nam, nhạc Pháp, còn các anh chị của anh thì nghe nhạc Mỹ, và một số nhạc trẻ Pháp.

Điều khiến người viết rất ngạc nhiên khi nghe Phạm Hà thật thà cho biết anh không học một trường nhạc nào hết, không biết rành về nhạc lý, không thể đọc được nốt nhạc, không biết chơi một nhạc cụ nào. Những kinh nghiệm ca hát là từ sự tích lũy kinh nghiệm của một ca viên hát trong ca đoàn Costa Mesa tại nhà thờ Saint John the Baptist từ năm 1981 cho đến nay.

Phạm Hà nói, “Lời ca tiếng hát của Phạm Hà có được như hôm nay là do Thiên Chúa ban cho. Vì Phạm Hà là người công giáo, do đó điều đầu tiên Phạm Hà làm với giọng hát của mình là cám ơn và vinh danh Thiên Chúa. Hằng tuần mỗi chiều thứ Bảy, Phạm Hà đều hát lễ, ngoài phần hát chung với ca đoàn, Phạm Hà còn được giao hát solo để các giáo dân tĩnh tâm, cầu nguyện, rước mình thánh Chúa. Thường thì Phạm Hà được giao hát phần này. Đôi khi cũng có ca viên khác hát. Phạm Hà còn được giao hát solo trong những thánh lễ lớn như dịp Giáng Sinh, Phục Sinh... của cộng đoàn Costa Mesa tại nhà thờ Saint John the Baptist.

“Khi tập hát trong ca đoàn, trước những chương trình lớn, anh ca trưởng của ca đoàn Costa Mesa có tập cho các ca viên trong ca đoàn cách warm up giọng, nhờ hát lâu ngày thì Phạm Hà cũng học được vài kinh nghiệm để áp dụng khi hát nhạc đời ngoài những bài thánh ca trong nhà thờ.”

Nhắc lại buổi đầu mới xuất hiện trước khán giả trong cộng đồng người Việt tại quận Cam, Phạm Hà kể: “Vào dịp Giáng Sinh năm 1999 là lần đầu tiên Phạm Hà xuất hiện trong một chương trình Lễ Giáng Sinh phục vụ cộng đồng người Việt ngay tại vùng Little Saigon, Phạm Hà chọn ca khúc “Have youself a Merry little Chrismas (sáng tác Hugh Martin và Ralph Blane).

Sau một thời gian Hà chỉ hát trong ca đoàn Costa Mesa thì đây là lần đầu tiên Phạm Hà ra mắt trước công chúng cộng đồng Việt Nam tại đây. Phạm Hà cảm thấy rất vinh dự, vì lần đầu tiên hát trước công chúng, mà lại nhận được khen ngợi của khán giả và những người có tiếng trong giới nghệ thuật của cộng đồng, chương trình lần đó có giáo sư nhạc sĩ Lê Văn Khoa, nhạc trưởng Trần Chúc, nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng, ban hợp xướng Ngàn Khơi...”

Lần đầu tiên xuất hiện thành công đã rộng mở cho tiếng hát nhiều triển vọng của Phạm Hà, để anh mang niềm đam mê ca hát của mình đến gần hơn với khán giả yêu nhạc. Anh được mời tham gia hát trong chương trình nhạc thính phòng do nhóm The Friends, Việt Band, Ban hợp xướng Ngàn Khơi tổ chức..., đặc biệt là nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng đã mời Phạm Hà hát solo trong chương trình vinh danh nhạc sĩ Phạm Duy, là chương trình “Một Đời Nhìn Lại” tổ chức vào năm 2002, là chương trình Phạm Hà hát trước 2000 khán giả được tổ chức tại San Jose hát với dàn nhạc giao hưởng của hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ (có khoảng 60 nhạc công). Đây là chương trình do Hội Ung Thư Việt Mỹ tổ chức.

Anh cho biết, “Lần đầu tiên hát với dàn nhạc giao hưởng mà Phạm Hà có thể hát thành công, không bị rớt nhịp, dù bản thân Hà không hề được học gì về âm nhạc, những ca sĩ hát trong chương trình lúc bấy giờ như chị Mai Hương, anh Duy Quang, chị Kim Tước, chị Quỳnh Giao, Thái Hiền... hát rất sành sõi trên sân khấu rất ngạc nhiên về Phạm Hà. Nhất là thầy Khoa và nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng có nói sao Hà không biết gì về âm nhạc, vậy mà ra vô khi hát với dàn nhạc thật nhịp nhàng. Thật ra thì đây là khiếu trời cho Hà, giúp Hà có lỗ tai nghe nhạc rất thính. Thẩm âm trong âm nhạc khi học 1 ca khúc mới của Hà rất nhanh.”

Trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, Phạm Hà cũng từng kết hợp với nhiều ca sĩ khác và tạo nên những cặp song ca ăn ý như với Bích Vân, Teresa Mai, Thương Linh, Ngọc Hạ, anh cũng từng được mời hát cùng với nhóm “Tiếng Tơ Đồng” (gồm ca sĩ Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao) trước đây.

Dù vậy, Phạm Hà cho biết anh chỉ nhận là một ca sĩ hát “tài tử” chứ không phải là một ca sĩ chuyên nghiệp sống bằng nghề hát. Anh tâm sự, “Lúc đầu khi nghe giới thiệu là ca sĩ, Phạm Hà rất ái ngại, vì chưa bao giờ Hà tự cho mình là ca sĩ cả, mà chỉ là một người rất mê âm nhạc, được thiên phú ban cho giọng ca tốt. Chỉ biết đi nhà thờ để hiến dâng giọng hát ngợi ca Thiên Chúa. Đồng thời cũng hát những bài nhạc đời có giá trị nghệ thuật cho những người đam mê âm nhạc cùng thưởng thức thôi.”

Khán giả yêu tiếng hát của Phạm Hà chỉ có thể nghe anh hát nếu thường đi dự chương trình do Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, chương trình của ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, một số buổi nhạc thính phòng tổ chức trong cộng đồng ở quanh quận Cam, hoặc xa hơn 1 chút thì anh có tham dự buổi nhạc tổ chức tại San Jose, và đi diễn trong live concert của Bích Vân tổ chức tại thành phố Montréal (Canada). Những khán giả người Việt ở các tiểu bang xa hay bên ngoài nước Mỹ ít biết đến Phạm Hà, vì bản thân anh không hát cho trung tâm ca nhạc và cũng chưa từng phát hành CD riêng, hay tự tổ chức mini live show, hay live concert của cá nhân mình, mà chỉ góp tiếng hát trong những chương trình của những ca sĩ khác tổ chức. Anh không bị áp lực phải làm mọi cách để được nổi tiếng, phải nhận nhiều show để kiếm tiền, mà đi hát với anh là niềm vui được sống với âm nhạc, được thả hồn theo cảm xúc trong từng tác phẩm, người bạn đời của anh luôn là người ủng hộ con đường ca hát của anh.

Riêng về lý do suốt bao năm qua, anh vẫn chưa thực hiện CD tiếng hát của riêng mình, Phạm Hà giải thích, “Hát live rất nhiều chương trình, nhưng chưa bao giờ Phạm Hà làm CD riêng tiếng hát của mình, vì rất lười. Nhiều khán giả là fan của Phạm Hà đều đề nghị Phạm Hà hãy làm CD, nhưng tới giờ Hà chỉ hứa sẽ làm mà vẫn chưa làm. Kỹ lưỡng thì cũng 1 phần, nhưng thật ra bắt đầu từ đâu thì Hà chưa bao giờ làm, nên chẳng biết bắt đầu từ đâu. Hà có thu cho Bích Vân một số bài trong CD của Bích Vân. Có thu 2 bài cho CD nhạc của giáo sư nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Thu cho người khác thì Hà rất sốt sắng, vì người ta đã biên tập, chuẩn bị sẵn mọi thứ hết rồi, Hà chỉ đến phòng thu và hát thôi. Còn thu riêng cho chính mình thì Hà phải làm từ A đến Z, nên Hà hơi ngại ngần là vậy.”

 

                                                                              Phạm Hà

 Nét riêng của tiếng hát Phạm Hà

Ngoài những bài hát trữ tình bằng tiếng Việt, Phạm Hà còn hát nhiều nhất nhạc tiếng Latin (Vì hầu hết các bài thánh ca trong nhà thờ đều bằng tiếng Latin), tiếng Anh, tiếng Pháp (Bản thân anh có 1 phần tư gốc Pháp, do ông ngoại là người Pháp lai, nên với ngôn ngữ này anh cũng rất có năng khiếu, dù là tự học), anh có thể hát một số bài hát tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha. Dù đây là 2 ngôn ngữ anh không thông thạo như tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng khi hát, anh luôn cố gắng phát âm giống như cách hát của người Ý, người nói tiếng Tây Ban Nha và gắng chuyển tải cảm xúc của mình thật đầy đặn khi hát.

Có lẽ những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim. Khi nghe Phạm Hà hát, khán giả dễ dàng nhận thấy anh đã tiếp cận với bài hát bằng trái tim, và kết quả là giọng hát của anh cũng đến được với trái tim người nghe.
Phạm Hà tâm sự với mỗi bài hát, anh thường đọc kỹ ca từ, học thuộc để cảm nhận những niềm vui, những nỗi buồn, những yêu thương trong đó. Cảm nhận để hiểu được những gì mà tác giả muốn gửi gắm, muốn chia sẻ. Cảm nhận để rồi tìm ra những cảm xúc cho riêng mình.

Đối với Phạm Hà những chuẩn mực về thanh nhạc trong anh vẫn luôn là cảm xúc, tình cảm tận đáy lòng mỗi khi anh hát. Vốn là người rất dễ xúc động, khi hát anh luôn đặt hết cảm xúc của mình vào bài ca, dù đó là một bài hát nhạc đời diễn trên sân khấu, hay bài thánh ca hát trong thánh lễ, hay hát trong lễ tang tại nhà thờ, rất nhiều lần anh tự làm “xấu” mình, vì đã rơi nước mắt, để rồi nấc nghẹn, không hát được.

Anh kể, khi được ban tổ chức chương trình chiều nhạc Ngàn Khơi “Hành Trình Quê Mẹ” tổ chức vào tháng 11 năm ngoái giao cho hát ca khúc “Lời Kinh Đêm” của cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng, đây là bài hát hoàn toàn mới tinh đối với anh, dù bài này là ca khúc nổi tiếng hầu như ai cũng biết. Bấy giờ anh tìm hiểu về ca khúc, rồi học lời, tập hát và đã nhiều lần không hát được vì xúc động.

Trong buổi diễn này, khi nghe Phạm Hà hát “Lời Kinh Đêm”, giọng hát đầy biểu cảm của anh đã khiến không ít khán giả “run rẩy” như cảm nhận được những giọt lệ nhỏ xuống từ tận cùng của nỗi đau hãi hùng của biết bao người Việt tị nạn đã phải trải qua trên đường vượt biển để đến được bến bờ Tự Do đi tìm tự do. Bởi khi hát, anh đã đặt hết cảm xúc của mình vào lời ca, vì anh cũng từng là một thuyền nhân vượt biển từ năm 1979 khi đang ở độ tuổi vị thành niên và sau 8 tháng ở trên nhiều đảo khác nhau của Indonexia, anh đã đến định cư tại thành phố Costa Mesa (quận Cam, California) đi học Costa Mesa high school, rồi học tại Orange Coast College, sau đó chuyển sang sống ở thành phố Gadern Grove đến nay.


Tình yêu dành cho âm nhạc vẫn đong đầy theo năm tháng

Người viết hỏi sau bao năm đứng trên sân khấu hát, cảm giác của anh thế nào so với hồi mới bắt đầu? Anh tự cảm thấy sự trưởng thành của mình thế nào?

Phạm Hà chân thành bày tỏ, “Lần đầu tiên Phạm Hà hát trước mọi người là lúc đang học tiểu học lớp 3. Năm đó gần lễ giáng sinh, cô giáo dạy trong lớp mới hỏi có em nào biết hát bài Hang Bêlem [là một ca khúc Giáng sinh tiếng Việt, do nhạc sĩ Công giáo Phanxicô Hải Linh (tên thật là Trần Văn Trị) sáng tác]. Hà giơ tay lên, cô giáo mời Phạm Hà lên đứng trước bạn bè trong lớp để hát cho các bạn nghe.

“Đó là lần đầu tiên Phạm Hà hát trước công chúng là những bạn học. Từ xưa đến nay Phạm Hà rất yêu âm nhạc. Ngoài việc hát thánh ca trong nhà thờ để vinh danh Thiên Chúa, kể từ khi hát bên ngoài cộng đồng hơn 10 năm nay, Phạm Hà càng ngày càng già dặn hơn, nhưng mỗi khi lên sân khấu hát dù đó là chương trình nhỏ hay chương chương trình lớn, thì lúc nào Hà cũng run, tùy ít hay nhiều thôi. Vì khi ra sân khấu hát, Phạm Hà luôn muốn cho khán giả hơn 100 phần trăm mà mình đã chuẩn bị, muốn đạt tốt nhất những gì mình muốn trao cho khán giả. Mỗi lần ra hát thì Phạm Hà luôn có những xúc động riêng, cảm nhận riêng, luôn cố gắng sao cho hoàn hảo nhất.”

Anh tâm sự, “Vào ngày 13 tháng 2 vừa rồi, Phạm Hà đã không xuất hiện trong đêm nhạc chủ đề Yêu tổ chức tại Viện Việt Học, dù Phạm Hà đã nhận lời hát trong đêm nhạc này. Phạm Hà đã gửi lời xin lỗi ban tổ chức và những khán giả yêu thương tiếng hát Phạm Hà có đến dự buổi nhạc hôm đó. Chẳng may là ngày thứ 6 trước hôm diễn, Phạm Hà bị flu, sốt cao lên 103, dù có uống thuốc, nhưng yếu quá, không thể hát được, nên vào Thứ Bảy phải gọi điện xin lỗi không tham gia được.

“Đây là lần đầu tiên Hà phải từ chối tham gia show diễn mình đã nhận lời, trong khi những lần khác cũng trở trời, sức khỏe không tốt, nhưng vẫn cố gắng hết sức rồi cũng tạm ổn, chứ chưa bao giờ phải hủy show, lần này thì nặng quá, đành phải cancel. Phạm Hà rất áy náy với những khán giả thương mến tiếng hát Phạm Hà. Những ngày nay sức khỏe của Phạm Hà đã dần hồi phục, Phạm Hà đang dưỡng sức để gặp các khán giả trong buổi nhạc “Tình quê hương” sẽ diễn ra lúc 3 giờ chiều ngày 6 tháng 3 năm 2016 tại hội trường nhật báo Người Việt. Rất mong khán giả hãy đến dự buổi nhạc này, vì đây là một chương trình có giá trị nghệ thuật với tiếng hát của Thương Linh, Phạm Hà, Bùi Quỳnh Giao, Đan Tâm cùng ban hợp xướng Ngàn Khơi, những tiếng hát song ca, tứ ca, nhóm Cát Trắng là thành viên của Ngàn Khơi tiếng đàn guitar của nghệ sĩ Tây Ban Cầm Phương Thảo và tiếng dương cầm của nghệ sĩ Dương Cầm Phương Lan. Buổi nhạc này còn có ý nghĩa vì là buổi gây quỹ cho hội từ thiện Hope Today giúp người nghèo tại Việt Nam và giúp quỹ sinh hoạt cho ban hợp xướng Ngàn Khơi.”

Vé chương trình “Tình Quê Hương” hiện đã có bán tại Nhà sách Tú Quỳnh. Trụ sở của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi tại số 14265 đường Brookhurst, Garden Grove CA 92843. Nhật Báo Viễn Đông, địa chỉ 14891 Moran Street, Westminster, CA 92683. (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT