Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Ca sĩ Bích Vân và những ước mơ nghệ thuật

Saturday, 02/11/2013 - 12:37:22

Với chất giọng nữ cao (soprano), giọng hát của ca sĩ trẻ Bích Vân thật trong sáng, tinh tế, khả năng luyến láy và điều khiển chất giọng cũng như cảm xúc luôn đong đầy trong từng tác phẩm.

Băng Huyền/ Viễn Đông

Với chất giọng nữ cao (soprano), giọng hát của ca sĩ trẻ Bích Vân thật trong sáng, tinh tế, khả năng luyến láy và điều khiển chất giọng cũng như cảm xúc luôn đong đầy trong từng tác phẩm. Là một giọng hát có kỹ thuật vững vàng, có màu giọng riêng đầy nữ tính, quãng giọng rất rộng và mạnh mẽ, Bích Vân còn có khả năng hát nhiều thể loại nhạc từ Pop cho đến Opera, nhạc kịch Broadway, kể cả nhạc dân ca Việt Nam 3 miền Bắc Trung Nam. Ở ca khúc nào, Bích Vân cũng chạm được sâu vào trái tim người nghe, khoe được những nốt cao bay bổng, mà vẫn rất sáng và mượt mà.

Khuôn mặt xinh xắn, vóc dáng nhỏ nhắn, đôi mắt tròn xoe biết nói, và cách trò chuyện duyên dáng, đối diện với Bích Vân, tôi thấy ở cô ca sĩ trẻ này có quá nhiều điều đáng để kể.

Không chỉ là những buổi diễn live show, mini show của Bích Vân [gần đây nhất là đêm nhạc rất thành công “Mùa Thu Cho Em” lúc 8 giờ tối, Thứ Bảy, 19-10-2013 tại Hội Quán Lạc Cầm, Nam California] mà tôi đã xem; hay những cảm xúc Bích Vân mang lại cho người nghe qua những tác phẩm âm nhạc; mà Bích Vân còn tạo bất ngờ cho tôi, bởi những suy nghĩ rất giản dị, rất đời và lại rất sâu của người nghệ sĩ trẻ giàu tình yêu với “con đường âm nhạc” nhiều chông gai thử thách, đòi hỏi ở cô ngoài tài năng, còn cần phải có sự mạnh mẽ. Mạnh mẽ để cô kiên trì với tình yêu âm nhạc của mình và những mục tiêu cao trong học tập, rèn luyện, thực hiện được những dự định, đeo đuổi giấc mơ nghệ thuật mà cô luôn ấp ủ bấy lâu nay: “Trở thành một nghệ sĩ gốc Việt bước vào được thị trường của Mỹ, tham gia vào những vở nhạc kịch Broadway của Mỹ , để có được chỗ đứng trong cộng đồng lớn hơn, để đem lại niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, rằng cũng có ca sĩ Việt Nam làm được những việc để cho người ta biết đến người Việt Nam giàu ý chí và khả năng, đó chính là ước mơ cháy bỏng nhất của em hiện nay, đó là một con đường dài cần nhiều cố gắng, nên em vẫn tiếp tục luyện tập để đeo đuổi mục tiêu này, chứ không tự bằng lòng những gì đạt được mà ngưng lại.”

Tài năng và sự khổ luyện

Nhắc lại quá trình đến với âm nhạc của mình, Bích Vân kể rằng cô may mắn sinh ra trong gia đình, ông bà, bố mẹ đều rất yêu nhạc. Là con một, Bích Vân lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ, trong niềm tin Cơ Đốc, và trong tiếng nhạc. Bích Vân bắt đầu học đàn Mandoline lúc 4- 5 tuổi, do ông nội dạy, sau đó được Mẹ cho đi học đàn Piano chuyên về nhạc cổ điển từ năm 10 tuổi và kéo dài hơn 10 năm. Từ nhỏ Bích Vân đã bắt đầu sinh hoạt văn nghệ thiếu nhi trong trường học, luôn đạt được những giải thưởng khi dự thi tại trường học và tham gia trong ca đoàn, đệm đàn piano tại các chương trình Thánh lễ ở nhà thờ tại Sài Gòn. Sau khi học xong trung học, Bích Vân quyết định thi vào Nhạc Viện Sài Gòn, và cũng thi đậu trường Đại Học Kiến Trúc, học về Graphic Design. Riêng về nhạc viện Sài Gòn, Bích Vân chọn thi vào khoa Thanh Nhạc, chứ không thi vào khoa Piano, vì cô thấy mình yêu ca hát hơn là trở thành một dương cầm thủ chuyên nghiệp.

Trước khi đến định cư tại Hoa Kỳ cùng gia đình, Bích Vân đã có 3 năm học song song Nhạc Viện Sài Gòn và Đại học Kiến Trúc. Cô cũng từng được giải 1 tiếng hát sinh viên Đại Học Kiến Trúc.

Bích Vân đã theo học nhạc ở Đại học Santa Ana, rồi chuyển lên học thanh nhạc cổ điển opera ở Nhạc Viện Bob Cole thuộc Đại học Cal State Long Beach. Sau khi hoàn tất bằng cử nhân, Bích Vân học tiếp cao học và chọn ngành nhạc kịch Broadway tại Đại Học New York University (NYU). Học xong cao học, cô đã ở lại trường NYU và dạy thanh nhạc được khoảng 2 năm, vài tháng nay Bích Vân đã chuyển về lại Nam California để tiếp tục đeo đuổi những dự án nghệ thuật của mình.

Bích Vân tâm sự: “Em rất thích chương trình học bên New York, vì được gần thủ đô nghệ thuật của nước Mỹ. Những gì mới nhất là em được tiếp thu liền. Em vừa học hát vừa học về diễn xuất, đúng với ngành mà em yêu thích, nên 3 năm ở New York là những kỷ niệm rất quý. Em học hỏi được rất nhiều cho nghệ thuật và nghề nghiệp của mình.”

Giải thích vì sao cô không tiếp tục trụ lại New York để có cơ hội tham gia vào nhà hát nhạc kịch Broadway mà cô rất yêu thích, Bích Vân cho biết, tại đây có quá nhiều nhân tài đổ về, nên có sự sàng lọc rất khắc nghiệt. Khi tốt nghiệp, Bích Vân được ký ngay với một quản lý, họ cũng giúp cô rất nhiều trong khoảng thời gian mà cô dạy tại trường. Ngoài giờ dạy, Bích Vân từng đi thử vai và được chọn diễn vài tuần một vở diễn off-Broadway “A World Without Harmony” và Mono Drama mang tên “Count To Ten” (hát trong vòng 15 phút không ngưng, với nhiều cảm xúc tâm trạng khác nhau qua tác phẩm này).

Bích Vân nói: “Tuy nhiên, nhạc kịch rất quan trọng về hình thức của nghệ sĩ. Nếu vai được viết cho người Mỹ trắng, tóc vàng, thì họ không thể nào chọn mình vào thử vai đó. Đây cũng là những hạn chế với em. Em chỉ có thể thử vai nào dành cho người Châu Á mà thôi, ví dụ như Miss Saigon, King and Ìa Khoảng thời gian ở New York, em đi thử vai rất nhiều lần. Đa số, họ chọn những người phải có bề dày kinh nghiệm, em thấy mình cũng phải tốn vài năm để có những kinh nghiệm như vậy.”

Bích Vân chia sẻ thêm: “Hơn nữa, khi đó em cũng rất nhớ nhà, vì em ở bên đó có một mình. Đến mùa đông, thì rất buồn. Gia đình em cũng rất muốn em về lại Nam California. Em cũng nghĩ là New York thì em có thể quay trở lại được mọi lúc, nhưng thời điểm này, em cần xây dựng sự nghiệp cá nhân, nên em nghĩ về lại California thì sẽ tốt hơn. Vì sẽ nhận được sự hỗ trợ, động viên của nhiều người từ gia đình, bạn bè và cộng đồng. Ở bên đó, em thiếu vắng những điều Đó. Em nghĩ mình được sự yêu mến của cộng đồng rất nhiều, nên em cũng muốn đóng góp trở lại cho cộng đồng của mình.”

Để đạt được những thành công như hiện nay, Bích Vân đã phải trải qua rất nhiều khổ luyện để giữ gìn tiếng hát của mình luôn đẹp, giàu cảm xúc.

Bích Vân tâm sự: “Ai cũng hỏi em sao đi học nhiều quá, mà vẫn còn tập thêm làm gì. Thật ra em phải tiếp tục luyện tập, để giữ vị trí bây giờ và còn đi xa hơn nữa. Mỗi ngày, hoặc cách ngày, em đều phải tự luyện giọng hết. Sắp tới, em cũng sẽ tìm huấn luyện viên để huấn luyện thêm cho mình. Vì tự mình luyện thanh, đến một ngày nào đó, sẽ không nghe được những gì thay đổi, mà cần phải có huấn luyện viên hướng dẫn thêm cho mình. Nếu là nghệ sĩ chỉ hát cho vui, hay chỉ hát kiếm tiền cuối tuần thôi, thì sẽ dễ dàng hơn. Nhưng vì em đã xây dựng mục tiêu dài thì em phải cố gắng đạt tới bằng khả năng không ngừng học hỏi.”

Theo Bích Vân, để giữ giọng hát nữ cao của mình, Bích Vân cần phải gìn giữ hơn là những chất giọng khác như giọng thấp hay giọng nam. Vì để hát được những nốt cao, cần giữ sức khỏe rất nhiều, không dám thức quá khuya, trước khi hát không ăn dầu mỡ nhiều, không dám uống nhiều chất có cồn, không bao giờ hút thuốc... Giữ gìn cơ thể thật khỏe mạnh thì mới có sức để tập luyện và biểu diễn hằng đêm. Cần luyện giọng mỗi ngày thì mới mong giữ được giọng, nếu không rất dễ bị mất những nốt cao. Tuổi càng cao sẽ bị mất những nốt cao nhất của mình. Cách duy nhất là cứ phải luyện tập đều đặn để giữ được giọng hát đó, thì mới mong đi hát lâu dài. Hơn nữa, những nghệ sĩ nhạc kịch ở New York, khi diễn, là diễn mỗi đêm, chứ không chỉ diễn cuối tuần. Mỗi lần như vậy, không chỉ hát thôi, mà còn phải có sức khỏe diễn suốt 3 tiếng đồng hồ vừa diễn, hát, những cảm xúc của nhân vật như vở Miss SaiGon chẳng hạn. Mà mỗi đêm đều biểu diễn, nên diễn viên rất mệt mỏi, sau khi diễn xong, phải về liền để ăn, ngủ, để có sức khỏe hôm sau tập luyện, rồi tối lại diễn tiếp.

Trong đêm diễn “Mùa Thu Cho Em” vừa qua, Bích Vân đem lại nhiều thích thú cho khán giả khi cô hát “Người ơi người ở đừng về” ngọt ngào không thua gì các nghệ nhân hát Quan Họ. Bích Vân cho biết, cô đã được học cách hát dân ca 3 miền trong thời gian theo học tại Nhạc Viện Sài Gòn, mặc dù sinh ra tại Sài Gòn, nhưng quê ngoại của Bích Vân ở Hà Nam Ninh, quê nội ở Quảng Ninh đều di cư vào Sài Gòn từ năm 1954, có lẽ gốc gác quê hương đã hun đúc trong cô tình yêu với dân ca miền Bắc rất sâu nặng.
Bích Vân bày tỏ: “Em rất thích những luyến láy, cách hát dân ca miền Bắc, nhưng ở bên này, ít có dịp trình diễn thể loại dân ca, tuy vậy, khi nào em cũng yêu thích và trân quý nghệ thuật này, vì nó là di sản của Việt Nam. Em cũng mong sau này có nhiều dịp hơn, để thể hiện loại nhạc này. Khi em học về nhạc kịch Broadway tại New York, thì em nhận thấy kỹ thuật nhạc kịch và kỹ thuật hát dân ca của mình lại có nhiều điểm rất giống nhau. Như vị trí mình đặt âm thanh để hát rất giống nhau. Khi nghe dân ca, giọng rất trong, rất thanh. Cách hát Broadway cũng đòi hỏi chất giọng như vậy, nên nó hỗ trợ cho nhau rất nhiều. Những luyến láy, những nguyên âm mà mình đẩy lên mũi, kỹ thuật đó cũng rất gần với cách hát của Broadway, cho nên hai cái đó hỗ trợ cho nhau nhiều. Em nghĩ cách hát này giúp cho cách kia, không phải là một chiều mà cả hai chiều.”

Niềm tin

Khi được hỏi mục đích sống cao nhất mà Bích Vân luôn theo đuổi trong cuộc đời này là gì? Bích Vân chân thành cho biết: “Em luôn Kính Chúa, Yêu Người. Em nghĩ đức tin là rất quan trọng trong cuộc đời của mình, thật ra nếu em không có đức tin, em sẽ không có đủ nghị lực để vượt qua mọi khó khăn.

Chẳng hạn từ Việt Nam qua Mỹ là một sự thay đổi thật lớn, từ California qua New York một thân một mình, gặp nhiều khó khăn, cám dỗ, em từng bị cướp dí súng vào người... Nếu không có sự che chở của Ơn Trên, không có đức tin vào Thiên Chúa, thì bản thân em rất khó khăn trong cuộc sống. Mẹ em dẫn dắt em tin Chúa từ nhỏ, em sinh hoạt trong ban nhạc của nhà thờ, đi hát nhiều chương trình trong nhà thờ, nên em có nền tảng đức tin khá vững chắc. Đức tin giúp em rất nhiều trong cuộc sống, từ việc học đến những quyết định khó khăn trong cuộc sống của mình. Em nghĩ một mình mình quyết định thì rất sợ sai lầm. Nhưng nhờ có đức tin, em luôn nghĩ Chúa phù hộ cho em, nên em thay đổi rất nhiều trong cuộc sống khi em tin Chúa. Em luôn sống ngay thẳng, vì em luôn kính sợ Chúa, không muốn làm những việc không tốt đến người khác. Em nghĩ mình làm tốt, thì Chúa cũng sẽ đem tới những điều tốt đến với mình. Nên em luôn nhờ cậy nơi Chúa, nhiều khi sức riêng của mình cũng không thể nào làm được. Và em nghĩ, khi Chúa ban phước cho mình, thì mình có thể giúp đỡ cho nhiều người khác.”

Bích Vân đã sáng tác rất nhiều Thánh Ca, những bài hát được nhiều người biết đến là: Thay Đổi (bài hát đầu tay của Bích Vân).. Trong CD thánh ca thứ năm, mới nhất “Khao Khát” cũng có 3 sáng tác của Bích Vân là: Lời Ngài, Ngợi Danh Giê-xu và Ngày Mai Sẽ Đến, và đang chuẩn bị phát hành một CD nhạc thính phòng gồm những bản nhạc xưa bất hủ vào đầu năm mới 2014.

Nói về dự định trong tương lai, Bích Vân mong là ngoài những show diễn thường xuyên phục vụ cộng đồng người Việt ở hải ngoại, Bích Vân hy vọng sẽ mở rộng studio dạy nhạc của mình, và thành lập một theater company cho thiếu nhi để hướng dẫn các em đàn, hát, diễn xuất trong những vở nhạc kịch cho thiếu nhi. “Bên cạnh đó, em vẫn muốn có thời gian và cơ hội tiếp tục đi thử vai cho những vở nhạc kịch và concert cua Mỹ. Em cũng ao ước vào dạy được trong những trường đại học Mỹ tại Nam California, để truyền lại những gì mình đã học và dạy trong trường Đại Học ở New York. Em luôn thấy mình may mắn, khi nhận được sự ủng hộ của khán giả. Nhất là khi em sang học tại New York suốt ba năm, mà khi về lại California, khán giả vẫn nhớ đến em, vẫn ủng hộ em, em rất muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ đó của quý vị để em có đủ nghị lực làm được những việc khó hơn, lớn lao hơn nữa.”

Bích Vân đang giảng dạy thanh nhạc và piano tại Studio riêng. Mọi người có thể liên lạc bằng email: bichvanmusic@gmail.com hoặc số phone: 714-485-8577
(B.H)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT