Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Ca sĩ Anh Chi từ Paris tới Cali

Saturday, 08/08/2015 - 01:46:20

Rồi Kim Yến đã đưa người nghe như trôi đi trong những cảm xúc bất tận đến “gai” người khi hát “Hát Cho Tự Do” (Việt Dzũng). Là sự phẫn nộ, kêu gào, đớn đau và đầy nỗi nhức nhối, xót xa qua giọng hát Nguyên Phong khi anh hát “Anh Là Ai” của Việt Khang.

Bài BĂNG HUYỀN

Đêm nhạc “Paris To Cali” diễn ra vào tối Thứ Bảy, ngày 1-8-2015 tuần qua tại Viện Việt Học, giới thiệu tiếng hát của ca sĩ Anh Chi đến từ Pháp quốc do câu lạc bộ thân hữu Việt Tân và Anh Chi thực hiện, với 2 chủ đề “Giọt Nắng Trầm” (phần 1) gồm những khúc tình ca Việt, Pháp và “Lời Kinh Đêm” (phần 2) gồm một số tác phẩm nhạc đấu tranh của cố nhạc sĩ Việt Dzũng, nhạc sĩ Phạm Văn Hưng (Úc châu), cố nhà văn Võ Hoàng (Tác giả ca khúc “Thế Kỷ Này Thế Kỷ Của Chúng Ta”) Việt Khang (trong nước).
Đây là một bữa tiệc âm nhạc đầy cảm xúc, ngọt ngào sâu lắng nhưng cũng không kém phần da diết, khắc khoải về những nỗi đau và bất hạnh của người dân nơi quê nhà đang phải sống kềm kẹp dưới chế độ hiện thời có quá nhiều bất công với những tiếng hát Anh Chi, Kim Yến, Trương Minh Hoàng, Nguyên Phong, Lâm Dung và Ngọc Quỳnh (song ca), ban hợp ca của câu lạc bộ thân hữu Việt Tân, phần độc tấu guitare cổ điển đặc sắc của Thái Minh, đọc thơ tiếng Pháp của Trần Lộc. Nguyễn Minh giữ vai trò điều hợp chương trình. Đệm cho các ca sĩ hát là tiếng đàn keyboard, tiếng dương cầm của Huy Cường, acoustic guitar: Lê Thăng.

Ca sĩ Anh Chi và ban hợp ca thân hữu Việt Tân hát bài kết “ Dòng Máu Việt Nam” kết thúc đêm nhạc (Băng Huyền/Viễn Đông)



Đêm nhạc càng ý nghĩa hơn khi chương trình còn là dịp ca sĩ Anh Chi giúp Việt Tân gây quỹ để gửi tiền về quốc nội giúp những tù nhân lương tâm, những người bất đồng chính kiến, những nhà đấu tranh dân chủ trong nước hiện đang sống trong lao tù cộng sản.
“Giọt Nắng Trầm” là chủ đề phần 1 của đêm nhạc và “Nốt Trầm” là chủ đề CD (gồm một số tình khúc Việt tiêu biểu qua tiếng hát Anh Chi) được ca sĩ Anh Chi giới thiệu trong giờ giải lao của chương trình, đã nhận được sự ủng hộ rất đông của khán giả. Vì họ không chỉ yêu thương tiếng hát của Anh Chi, mà còn muốn ủng hộ tấm lòng của chị, bởi số tiền bán CD sẽ được chị dành tặng cho quỹ của Việt Tân gửi về Việt Nam giúp những tù nhân lương tâm đang bị giam cầm trong các nhà tù ở trong nước.

Anh Chi cùng các thân hữu Việt Tân hát ca khúc “Trái Tim Tự Do” (Băng Huyền/Viễn Đông)

Vẻ đẹp trữ tình của Giọt Nắng Trầm
Nếu CD “Nốt Trầm” của ca sĩ Anh Chi gồm những tình khúc Việt, thì trong phần 1 “Giọt Nắng Trầm” của đêm nhạc có thêm những bài tình ca nhạc Pháp qua tiếng hát Anh Chi. Khán giả đã được đắm chìm vào không gian âm nhạc lãng mạn và tràn ngập tình yêu với âm thanh nhẹ nhàng, sâu lắng, những giai điệu đắm say đầy ắp hoài niệm về nhạc Pháp với những khán giả từng có một thời tuổi trẻ ở Sài Gòn trước 1975 như: Bang Bang, Lui lui lui, La vie en rose, liên khúc Rhumba gồm những ca khúc Besame, Autumn, Solenzara; đã lần lượt được tái hiện lại vô cùng quyến rũ qua giọng hát trầm, đẹp của Anh Chi. Giọng hát của chị có âm vực sâu rộng, làn hơi khỏe khoắn, cách nhả chữ đầy đặn, ngọt ngào như quyện lấy cảm xúc người nghe.

Anh Chi cũng thật khắc khoải khi thể hiện “Lời Kinh Đêm” (Băng Huyền/Viễn Đông)



Tô điểm thêm vẻ trữ tình, lãng mạn cho chương trình là giọng đọc tiếng Pháp ấm áp, du dương của Trần Lộc giới thiệu bài thơ tình của một nữ thi sĩ người Pháp sáng tác từ thế kỷ 19.
Không chỉ hát nhạc Pháp thật tình, ca sĩ Anh Chi còn gửi tặng các khán giả 2 ca khúc “Cho Nhau Lần Cuối” và “Dạ Khúc Cho Tình Nhân” của nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Bằng chất giọng ấm áp, quyến rũ và kỹ thuật điêu luyện được học hành bài bản của mình khi còn ở trong nước, chị đem tới cho người nghe sự cảm nhận run rẩy mà mong manh, đằm trải mà thản nhiên như tiếng thở dài qua cách hát của chị. Chị đã thể hiện thật trọn vẹn những ẩn ý mà nhạc sĩ Lê Uyên Phương gửi gắm trong 2 ca khúc này, có sự nóng bỏng và say đắm, có sự bùi ngùi, chua xót và cả hạnh phúc.
Cùng góp thêm vẻ đẹp trữ tình cho phần 1 “Giọt Nắng Trầm“còn có giọng hát trầm ấm, truyền cảm của Nguyên Phong, anh lột tả được hết những nồng nàn, đã mê dụ được lòng người khi nghe anh hát “Nỗi đau muộn màng”. Với giọng hát ngọt ngào, sâu lắng ca sĩ Kim Yến đã mang đến một nét rất riêng cho ca khúc “Có Những Niềm Riêng”, cách hát như trút cả trái tim và tâm hồn mình vào đó của chị thật nhẹ nhàng chạm sâu vào cảm xúc người nghe. Trương Minh Hoàng đã khiến khán giả xao xuyến bằng sự khổ đau, chia lìa, hạnh phúc lẫn nghiệt ngã qua ca khúc “Hiu Hắt Đời Nhau” và mang đến cho người nghe chút bồi hồi, thổn thức qua ca khúc “Một Mai Em Đi”.

Ca sĩ Anh Chi thật tình với những tình khúc nhạc Pháp trong phần 1 “Giọt Nắng Trầm” (Băng Huyền/Viễn Đông)



Những nhạc phẩm đấu tranh với ước vọng một quê hương dân chủ, tự do

Chị Mai Hương là phu nhân Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân và là trưởng ban truyền thông Việt ngữ của Việt Tân, thay mặt ban tổ chức, nói với nhật báo Viễn Đông: “Thật ra buổi văn nghệ này là do nhã ý của Anh Chi. Anh Chi là người rất có lòng với đất nước, cô sẵn sàng hát cho bất cứ tổ chức nào, chứ không phải chỉ riêng với Việt Tân. Nhân dịp cô qua Cali thăm gia đình bên này, cô đến với Việt Tân và có nhã ý muốn hát miễn phí cho Việt Tân, để Việt Tân bán vé gây quỹ, lấy số tiền đó chuyển về quốc nội, giúp các nhà dân chủ trong nước. Việt Tân cảm động trước tấm lòng của Anh Chi, nhưng thấy ở đây nhiều khán giả vẫn chưa biết đến Anh Chi, thành ra câu lạc bộ thân hữu Việt Tân mới nghĩ ra cùng Anh Chi tổ chức đêm nhạc vào cửa miễn phí để giới thiệu Anh Chi đến với khán giả quận Cam. Và khi chúng tôi thực hiện đêm nhạc này, chúng tôi đã nhận được khá nhiều bảo trợ của các mạnh thường quân.”
Chị Mai Hương nói thêm: “Trong giờ phút sôi động của đất nước như hiện nay, người dân ở trong nước đã không còn sợ nữa, thì chúng ta ở hải ngoại, hãy cùng đoàn kết lại tất cả mọi tổ chức, để chúng ta giải thể được chế độ cộng sản và đem được dân chủ đa nguyên về cho đất nước chúng ta.”
Riêng với ca sĩ Anh Chi, trong phần 2 của chương trình trước khi chị cầm thùng donation để nhận sự đóng góp tùy tâm của từng khán giả trong đêm nhạc, chị cũng đã chia sẻ với khán giả về lý do lần đầu tiên chị ra mắt khán giả quận Cam trong một đêm nhạc thật đặc biệt như thế này: “Khi còn ở trong nước Anh Chi không có dịp đấu tranh, vì những năm đó phong trào chưa có mạnh như bây giờ. Khi Anh Chi qua Pháp định cư (vào năm 2010 cùng chồng) ngoài việc tiếp tục ca hát, Anh Chi có tham gia sinh hoạt với cộng đồng người Việt tại Pháp, và với sự phát triển ngày càng mạnh của internet, nhất là facebook, thì những tin tức đấu tranh dân chủ trong nước Anh Chi đọc hằng ngày và điều làm cho Anh Chi xúc động nhất là vụ tự thiêu của mẹ tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần. Điều đó tác động đến Anh Chi ghê gớm lắm. Từ biến cố đó nên Anh Chi tự nói với mình, không thể thờ ơ hơn được nữa. Anh Chi biết là quý vị ở đây, những cô chú bác, các anh chị đi trước đã “mòn mỏi” 40 năm, Anh Chi chỉ là người “sinh sau đẻ muộn”, dấn thân vào con đường đấu tranh này cũng mới mẻ thôi. Nhưng Anh Chi hứa với quý vị là Anh Chi sẽ không bao giờ ngừng, khi quý vị chưa ngừng, thì Anh Chi cũng sẽ không ngừng.”
Sau những tràng pháo tay của khán giả cổ vũ cho tinh thần của chị, chị nói tiếp: “Đến giờ phút này, qua theo dõi tin tức trong nước, Anh Chi cảm nhận được là đây đã đến thời điểm rất quan trọng, cần đến sức mạnh và sự đoàn kết của chúng ta. Khi nói đến sức mạnh đoàn kết, Anh Chi không dám nói nhiều lời, vì Anh Chi chỉ là người “sinh sau đẻ muộn”. Nhưng thưa quý vị, đoàn kết bây giờ chúng ta nên bằng hành động, chứ không còn là lời nói nữa. Anh Chi biết rằng trong mỗi người chúng ta đều có một chính kiến riêng của mình, đều có phán xét, nhận thức, đánh giá... Anh Chi chỉ mong chúng ta hãy giữ lại những điều ấy lại cho mình để khi mà đất nước mình có được tự do rồi, thì trên bước đường canh tân, đó là lúc chúng ta đưa ra chính kiến hoặc là những phán xét, đòi hỏi... Còn bây giờ, nếu chúng ta có chung một mục đích, đó là lật đổ chế độ độc tài cộng sản, đưa được tự do, nhân quyền về với Việt Nam, thì tạm thời chúng ta hãy dẹp bỏ mọi phán xét, công kích hay hoài nghi qua một bên. Hãy để dành giai đoạn sau đó, để bây giờ chúng ta hãy cùng hiệp lực với nhau.”.
Để mở đầu cho phần hai “Lời Kinh Đêm”, ban hợp ca của thân hữu Việt Tân cùng hát vang ca khúc “Thế Kỷ Này Thế Kỷ Của Chúng Ta”, ca khúc là một thông điệp về khát vọng và ước mơ về một quê hương tự do, tươi đẹp của cố nhà văn Võ Hoàng.
Anh Chi đã làm cho nhiều khán giả rưng rưng cảm động khi chị hát “Một Chút Quà Cho Quê Hương” (sáng tác Việt Dzũng)
“Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay
Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy
Gởi về cho chị dăm ba xấp vải
Chị may áo cưới hay chị may áo tang
Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng...”

Giọng hát đầy biểu cảm, yêu thương của chị khi hát “Lời Của Gió” (Phan Văn Hưng) và đặc biệt với ca khúc “Lời Kinh Đêm” (sáng tác Việt Dzũng) là sự phẫn nộ, nhức nhối và đầy nỗi xót xa gợi nhắc về những chuyến vượt biển hãi hùng: **”Thuyền mong manh ôi đời lênh đênh. Thuyền bấp bênh cuộc sống mơ hồ. Trời chơ vơ ôi người bơ vơ. Người vẫn ôm mảnh ván rũ mục. Lời kinh cầu từng hồi nấc nghẹn. Lời mẹ buồn giữa tiếng Amen. Người buông xuôi về nơi đáy nước. Người có mộng một nấm mộ xanh. Biển ngây ngô hay biển man rợ. Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ...”** qua giọng ca của Anh Chi khiến không ít khán giả “run rẩy” trước những lời thương xót cho con người Việt Nam đọa đày nơi quê hương lầm than!
Từng bài của nhạc sĩ Phan Văn Hưng tiếp tục được hát lên qua phần song ca của Ngọc Quỳnh- Lâm Dung thấm một nỗi buồn nhân thế khi hát “Tiếng gọi phố phường” và “Bậu”(thơ Bắc Phong-nhạc Phan Văn Hưng). Bậu là tên một thôn nữ đẹp và thích làm dáng, ngay cả sau khi gia nhập kháng chiến. Ngờ đâu, cái chết tức tưởi của người yêu khiến Bậu không còn là Bậu ngày xưa nữa. Những câu chuyện thương tâm như vậy. Những câu chuyện xã hội như nối tiếp nhau trong những bài hát của nhạc sĩ Phan Văn Hưng tưởng như không bao giờ có thể hết được những khổ sở, những chua cay.
Rồi Kim Yến đã đưa người nghe như trôi đi trong những cảm xúc bất tận đến “gai” người khi hát “Hát Cho Tự Do” (Việt Dzũng). Là sự phẫn nộ, kêu gào, đớn đau và đầy nỗi nhức nhối, xót xa qua giọng hát Nguyên Phong khi anh hát “Anh Là Ai” của Việt Khang.
Anh Chi và hợp ca thân hữu Việt Tân cùng hát “Trái Tim Tự Do” (Phan Văn Hưng), ban hợp ca hát vang “Đừng Sợ Nữa” (Phan Văn Hưng) và kết thúc đêm nhạc là ca khúc “Dòng Máu Việt Nam”. Mỗi ca khúc là một cung bậc cảm xúc đầy nhiệt huyết khác nhau của các nhạc sĩ kể về những câu chuyện thương đau, bi đát của dân tộc.
Mỗi bài hát rất riêng và dường như từng giai điệu, từng nốt nhạc cứ như xuyên thấu lòng người. Đó còn là lời thơ chất chứa cả nỗi lòng nặng trĩu với những suy tư về đất nước quê hương của cô gái trẻ Nguyễn Phương Uyên (bài thơ Đất Nước, sáng tác Nguyễn Phương Uyên)
Đêm nhạc đã kết thúc, nhưng thông điệp của buổi diễn với ước mong mọi người dân Việt yêu chuông tự do, dân chủ hãy cùng nhau đoàn kết, cùng gánh lấy trách nhiệm, cùng làm điều gì đó cho đất nước để sớm được dân chủ, tự do. Thông điệp này sẽ vẫn tiếp tục vang vọng trong sâu thẳm cõi lòng của những người con Việt vẫn còn tha thiết với quê hương.
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT