Hôm Nay Ăn Gì

Cá chuồn ngào nghệ chiên giòn, ngày hè thương nhớ

Monday, 14/06/2021 - 08:23:23

Ông từng nói với tôi rằng cá chuồn là loài cá lạ và khó hiểu nhất đối với một ngư dân lâu năm như ông. Và thời cha của ông còn trẻ, cha cũng từng nói với ông như vậy...


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM


Ông từng nói với tôi rằng cá chuồn là loài cá lạ và khó hiểu nhất đối với một ngư dân lâu năm như ông. Và thời cha của ông còn trẻ, cha cũng từng nói với ông như vậy, ông không tin lời cho mấy, đến khi ông đi biển thì câu chuyện này mới tỏ, và có một lúc ông sợ, không dám ăn cá chuồn. Mãi đến sau này, ông mới hiểu ra chuyện gì nằm sau câu chuyện ấy và ông cảm thấy món cá chuồn ngào nghệ chiên giòn ngon lạ lùng.

Cha của ông kể rằng người đi biển, vào mùa tháng Ba, tháng Tư âm lịch có một tục lệ là không bao giờ mời ăn cơm, cứ tới bữa, nhà bếp dọn cơm ra và gõ kẻng thì cả đoàn ngư dân cứ lẳng lặng ngồi vào bàn mà ăn. Khi ăn, tuyệt đối không khua đũa và không để cơm rơi vãi, không nhắc về hai chữ ăn cơm… Chú của ông thì bảo rằng đây là chuyện dị đoan và xằng bậy, không có cơ sở. Nhưng cha của ông nói với ông rằng nếu không tin, hãy vãi một nắm cơm xuống biển, câu chuyện sẽ rất khác.

Khi ông thành trai tráng, cha ông qua đời trong một cơn bão biển, năm đó cả làng chài hình như có đi mà không có về, làng chài Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam. Người làng gọi nơi đây là làng Chan Chu, gọi theo tên cơn bão dữ đã cướp mất người thân của làng. Những người còn sống sót nói rằng hầu hết ngư dân đã đi tránh bão, bởi theo nguồn tin dự báo khí tượng thủy văn của Hải Quân Mỹ thì bão sẽ vào khu vực Biển Đông, quần thảo ngay vị trí các ngư dân đang đánh bắt. Nhưng chưa đầy mười giờ sau, đài khí tượng thủy văn Trung Ương Việt Nam loan báo rằng bão Chan Chu đã chuyển sang hướng khác, không ảnh hưởng đến vị trí họ đánh bắt, như vậy là ngư dân túa ra biển. Bởi hầu hết mùa bội thu nằm ở chỗ này, khi có bão, cá sẽ tránh vùng nước động, dồn sang khu vực lân cận.

Nhưng riêng ông, không hiểu sao lúc các ngư dân ra khơi trở lại, tàu đánh cá của ông bị trục trặc, mở máy không nổ, sửa, kiểm tra mọi thứ vẫn ổn nhưng đề máy vẫn không nổ. Ông chán nản ngồi lại bến trú bão và tìm một quán rượu trên bờ mà uống cho đỡ buồn. Cho đến khi bão kéo đến, ông biết chắc rằng các bạn đồng nghiệp của ông đang gặp nguy hiểm nhưng chẳng còn cách nào. Năm đó, ông trở về đất liền với chiếc tàu trống rỗng cá nhưng đầy đủ người. Không khí tang tóc, đau buồn phủ lên làng chài Bình Minh.


(Tom/ Viễn Đông)

Sau bão, dường như ông chẳng còn muốn ra biển thêm lần nào nữa, hết mùa Xuân, mùa của đánh cá, ông vẫn không buồn ra biển, cho đến khi có một cá Ông (tức cá voi) trôi dạt vào bờ, nằm chết, làng chài tổ chức đám tang cho cá Ông, vậy là ông trở thành chủ bái trong lễ tang. Không hiểu sao, lúc ấy ông lại nhớ tới lời của cha mình, ông nghĩ tới những con cá chuồn và ông tin rằng có một mối tương hệ nào đó giữa Ông và những đàn cá chuồn được xem là “lộc biển.” Sau đám tang cá Ông, ông lại ra khơi, với một niềm tin kỳ lạ. Lúc này cũng đang là mùa cá chuồn.

Và cái lần ra khơi một cách mù mờ, đi theo tiếng gọi của một thứ gì đó trong sâu thẳm, chẳng chuẩn bị gì nhiều, cũng chẳng gọi nhiều ngư bạn cùng đi, với linh cảm có lẽ, những đàn cá chuồn kia không có tánh linh như mình nghĩ, bởi nếu báo bão phải nghĩ đến chim hải âu, cá chuồn không dự báo điều gì, phải chăng mỗi khi ngư dân tuyệt vọng vì thất bát, cá Ông giúp đỡ, cho một ít cá chuồn để qua mùa… Lần đó, ông thử thả một ít cơm xuống biển, ông không màng tới chuyện thả lưới, đi là để đỡ buồn chán, đi là đi nên ông chẳng màng gì… Không ngờ, chưa đầy mươi phút sau, ông nhìn thấy cá chuồn bay tứ tán và chúng bắt đầu bay thẳng vào tàu của ông, giãy đành đạch trên sàn gỗ, lạ ở chỗ là cá nhảy từ nhiều hướng, lúc này thì chúng tới từ phía bắc, chừng mươi phút lại có bầy khác tới từ phía nam, rồi đông, tây… Cứ như vậy nhảy đầy tàu và ông nổ máy quay về. Trước khi rời tàu đi, cá Ông xuất hiện, vẫy đuôi mấy cái rồi đi. Vậy là ông đã hiểu, chính cá Ông giúp đỡ cho ông.

Và theo như cách lý giải của khoa học thì việc này chẳng có gì đặc biệt, đơn giản là cá Ông rượt đuổi cá chuồn để ăn, cá chuồn nhảy lên tàu. Nhưng ông không hiểu nổi vì sao cá chuồn lại nhảy từ các hướng và nhảy từng đợt rất bài bản, điều này khỏi gây nguy hiểm cho ông, bởi nếu nhảy một phía thì tàu bị nghiêng và nguy cơ lật tàu rất cao. Dường như có mối tương cảm nào đó giữa biển cả với con người. Cũng lần đó, ông về, nói vợ mua cà chua xanh về kho cá chuồn, rồi mua củ nén, nghệ tươi về ướp chiên giòn cho ông. Cả gần hai mươi năm ông không dám đụng tới món ăn này, với ông, mọi thứ như một cuộc cách mạng trong món ăn vừa dân dã, bình dị vừa đầy thi vị này.


(Tom/ Viễn Đông)

Món cá chuồn kho cà chua xanh, tôi đã đề cập ở một bài viết trước đây, riêng món cá chuồn ngào nghệ (nói theo cách của ông) thì hơi tốn thời gian một chút: Cá chuồn làm sạch mang, vi, vảy (cá chuồn rất ít vảy, dường như không tốn công cạo vảy) và ruột. Rửa sạch qua nước lạnh, sau đó cho một ít muối bột vào ruột cá, xát nhẹ, rửa sạch lần nữa, để vào dĩa đợi cho ráo. Nghệ tươi gọt vỏ, giã nhuyễn, củ nén làm sạch, giã nhuyễn, nếu muốn cá hơi cháy sém khi chiên thì cho một chút xíu đường cát vào nghệ, trộn đều chung với củ nén giã nhuyễn. Nhét hỗn hợp nghệ, nén, đường, một chút muối vào bụng cá và dùng chỉ buộc gấp cá lại (như trong hình), sau đó thì chiên cá. Cho dầu vừa phải, phi hành tỏi cho thơm thì cho cá vào chảo chiên, chiên chừng ba phút thì trở mặt dầu, sau đó chiên ba phút thì đậy nắp chảo, chừng mười phút lại mở nắp chảo và chiên cho đến khi cá có mùi thơm thì trở mặt dầu cho cá thêm một bận nữa, lúc mặt kia vàng thì có thể tắt lửa, cho cá ra dĩa.

Cá chan với nước mắm ớt tỏi đường chanh lúc nóng, cứ để như vậy cho đến khi cá hơi nguội thì ăn với cơm nóng. Hãy thử thưởng thức món này, một món ngon và thi vị! Kính chúc quí vị có bữa cơm ngon miệng và ấm áp không khí Việt Nam trên đất Mỹ!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT