Đạo và Đời

Buông xả

Wednesday, 27/06/2018 - 08:24:12

Vị đệ tử già trả lời, “Bạch thầy, con bắt đầu thấy những triệu chứng lúc lâm chung, nhưng không hiểu tại sao bỗng dưng những triệu chứng đó quay ngược trở lại làm con cảm thấy thân thể đau đớn vô cùng. Con la hét um sùm nên người ta mới đưa con vào đây.”


(Wouter de Jong/Pexels)

Bài TRƯƠNG THỊ MỸ-VÂN

Câu chuyện có thật này nói về chữ “Xả” theo ý nghĩa Phật giáo do một vị lạt-ma Tây Tạng là ngài Nawang Gehlek Rimpoche kể lại trong quyển sách “Good Life, Good Death” (Penguin, 2001) của ngài.
Câu chuyện này do chính vị thầy của ngài Gehlek Rimpoche là ngài lạt-ma Gomo Rimpoche kể lại.

Vào giữa thập niên 1950, lúc Tây Tạng bị Trung Hoa xâm chiến và các vị lạt-ma bị tàn sát, ngài Gomo Rimpoche cùng một số đệ tử phải xuống định cư tại miền tây bắc Ấn Độ. Trong số các đệ tử của ngài Gomo Rimpoche có hai vị lạt-ma già yếu, biết mình không sống được bao lâu nữa nên họ muốn mất lúc trí óc còn minh mẫn để có thể áp dụng phương pháp thiền định đặc biệt của các vị lạt-ma Tây Tạng lúc lâm chung. Vì thế hai vị lạt-ma thỉnh ý kiến của ngài Gomo Rimpoche để quyết định ngày ra đi của hai vị đệ tử này.

Thế nhưng đến ngày đã dự tính, chỉ có một vị lạt-ma an tịnh nhắm mắt lìa đời, còn vị lạt-ma kia không những chưa mất mà còn bị đưa vào phòng cấp cứu của bệnh viện địa phương. Khi nghe tin này, ngài Gomo Rimpoche lập tức cải trang thành một người lao công rồi lẻn vào bệnh viện “American Hospital” để thăm vị lạt-ma này.
Ngài hỏi vị lạt-ma, “Tại sao con còn nằm đây? Có chuyện gì xảy ra thế?”

Vị đệ tử già trả lời, “Bạch thầy, con bắt đầu thấy những triệu chứng lúc lâm chung, nhưng không hiểu tại sao bỗng dưng những triệu chứng đó quay ngược trở lại làm con cảm thấy thân thể đau đớn vô cùng. Con la hét um sùm nên người ta mới đưa con vào đây.”

Ngài Gomo Rimpoche biết vị sư già này là một người tu hành tinh tấn, có khả năng tự đi về cõi tịnh độ nên ngài không hiểu có chuyện gì đã ngăn cản sự ra đi song suốt của vị này vào giờ phút lâm chung.
Bỗng dưng ngài Gomo Rimpoche để ý thấy vị sư này mặc một chiếc áo mới rất đẹp. Ngài hỏi, “Cái áo này ở đâu con có vậy?”

Vị sư già thưa, “Áo đẹp quá phải không thầy? Bạn con vừa mới tặng con ngày hôm kia đó thầy. Thầy thích không?”

“Ừ, đẹp quá! Thầy thích lắm, con cho thầy đi!”
Vị sư già ngần ngại đáp, “Nhưng con cũng rất thích cái áo này mà thầy!”
Ngài Gomo Rimpoche năn nỉ, “Thầy muốn có cái áo này. Nếu con không cho thầy thì từ nay sẽ không còn thầy trò gì nữa.”

Vị sư già cởi áo đưa và ngài Gomo Rimpoche liền xé toang cái áo. Sau đó vị lạt-ma này nhắm mắt bình thản ra đi.

Câu chuyện này cho thấy ngay cả những vị sư tu hành tinh tấn lâu năm, đến giờ phút cuối cùng nếu còn vướng víu vào một điều gì đó cũng không thể nhắm mắt thanh thản nhẹ nhàng ra đi được.
Thời Đức Phật còn tại thế, khi giảng về Tứ Vô Lượng Tâm tức là bốn chữ “Từ, Bi, Hỷ, Xả,” để nhấn mạnh tầm quan trọng của chữ Xả, Ngài nói, “Này các tỳ kheo, nếu các người muốn được bình an thì hãy luôn luôn nhớ giữ lấy chữ Xả làm đầu vì chỉ có tâm buông xả mới thực sự là tâm thanh tịnh và từ sự thanh tịnh đó mới có được sự bình an.”

Và sau đây là một bài kệ ngắn cùng đề tài trên của Thầy Thích Pháp Hòa (Tu Viện Trúc Lâm, Edmonton, Canada):

Ở đời học một chữ Buông
Buông sân, buông giận, buông buồn, buông mê.
Buông cho nó khỏe người ơi,
Buông cho lòng dạ thảnh thơi nhẹ nhàng.

(Trích từ Tinh Tấn Magazine số tháng Tám 2018)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT