Phóng Sự

Buôn người, hình thức nô lệ mới thời hiện đại (kỳ 7)

Sunday, 24/01/2016 - 08:56:23

Bản báo cáo cho rằng “Việt Nam là quốc gia xuất phát của nhiều nam giới, phụ nữ và trẻ em bị mua bán vì mục đích tình dục hoặc bị cưỡng ép lao động trong nước và nước ngoài. Việt Nam là quốc gia có nhiều nam giới và phụ nữ di cư ra nước ngoài lao động thông qua con đường tự túc hoặc thông qua các công ty xuất khẩu lao động nhà nước, tư nhân và cổ phần.

Bài BĂNG HUYỀN

Liên Minh CAMSA
Trong báo cáo năm 2015 về tình hình buôn người trên thế giới, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tiếp tục xếp Việt Nam vào Danh sách loại 2 ( TIER 2 ).

Báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp hạng 188 nước, trong đó nước nào làm được nhiều nhất trong cuộc chiến chống nạn buôn người được xếp vào bậc một, và ít nhất nằm trong bậc ba. Còn Việt Nam trong danh sách loại 2 “vì vẫn chưa tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu, tuy nhiên cũng đã có những nỗ lực đáng kể nhằm xóa bỏ nạn mua bán người.”

Bản báo cáo cho rằng “Việt Nam là quốc gia xuất phát của nhiều nam giới, phụ nữ và trẻ em bị mua bán vì mục đích tình dục hoặc bị cưỡng ép lao động trong nước và nước ngoài. Việt Nam là quốc gia có nhiều nam giới và phụ nữ di cư ra nước ngoài lao động thông qua con đường tự túc hoặc thông qua các công ty xuất khẩu lao động nhà nước, tư nhân và cổ phần.

“Sau đó, một số người đã bị cưỡng ép lao động trong các ngành xây dựng, đánh bắt thuỷ sản, nông nghiệp, khai thác mỏ, khai thác gỗ, chế tạo, và một số ngành khác, chủ yếu tại Đài Loan, Malaysia, Nam Hàn, Lào, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, và Nhật Bản, và ở mức độ thấp hơn là tại Trung Quốc, Thái Lan, Cam Bốt, Indonesia, Anh, Cộng hoà Séc, Đảo Síp, Pháp, Thuỵ Điển, Trinidad và Tobago, Costa Rica, Nga, Ba Lan, Ukraina, Libya, Ả Rập Xêút, Jordani và một số quốc gia khác ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi.

“Phụ nữ và trẻ em Việt Nam tiếp tục bị bán sang các nước ở châu Á vì mục đích cưỡng ép tình dục, đặc biệt là Trung Quốc, Cam Bốt, Malaysia, và Nga. Nhiều nạn nhân người Việt của việc buôn bán tình dục cũng đã được tìm thấy ở Ghana. Một số phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Macao, Singapore hay Hàn Quốc để thành hôn với người nước ngoài thông qua môi giới, sau đó đã bị cưỡng ép phục vụ trong gia đình, hành nghề mại dâm, hoặc cả hai.

Công nhân Việt tham dự một buổi thuyết trình do CAMSA tổ chức. Văn phòng hỗ trợ công nhân Việt Nam của CAMSA tại Penang (Malaysia) kết hợp với Hội Công Đoàn Malaysia và Hội Thánh địa phương tổ chức buổi huấn luyện về Luật Lao Động Malaysia cho công nhân Việt Nam đang làm việc ở ba khu vực Prai. (CAMSA)



“Các mạng lưới tội phạm có tổ chức của Việt Nam và Trung Quốc đã đưa những người dân Việt Nam, chủ yếu là trẻ em, sang Vương quốc Anh và Đan Mạch, buộc họ làm việc trong các trang trại trồng cần sa.
“Các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam, hầu hết là các đơn vị thành viên của các công ty nhà nước, và các nhà môi giới lao động trung gian không có giấy phép hoạt động, đôi khi đã bắt người lao động phải đóng những khoản phí vượt quá mức quy định của pháp luật để được đi xuất khẩu lao động. Kết quả là người lao động Việt Nam phải gánh chịu những khoản nợ cao nhất trong số những lao động người châu Á, và họ rất dễ rơi vào cảnh bị cưỡng ép lao động, bao gồm việc phải làm công trừ nợ.

“Sau khi đến nước tiếp nhận lao động, một số người mới nhận ra rằng họ bị bắt buộc phải làm việc trong những điều kiện tồi tàn, được trả lương rất ít hoặc không được trả lương, bất chấp những khoản nợ đang đè nặng trên vai, cũng như không được tiếp cận với kênh trợ giúp pháp lý đáng tin cậy nào.”

Ông Dan M. Trần là thiện nguyên viên của BPSOS (Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển-Boat People SOS, là một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận của người Mỹ gốc Việt hoạt động về dân sự và chính trị được thành lập vào năm 1980, do tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng làm chủ tịch, kiêm giám đốc điều hành). Ông Dan M. Trần chuyên về ngân sách cho CAMSA (là tên tắt của Coalition to Abolish Modern-Day Slavery in Asia, tức Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Châu Á, mà BPSOS là một trong bốn thành viên của CAMSA). Vai trò chính của ông Dan M. Trần là một trong những thiện nguyện viên tổ chức những buổi gây quỹ cho CAMSA, chăm lo chương trình giúp những người Việt tị nạn tại Thái Lan.

Bày tỏ mối quan tâm của mình về vấn nạn buôn người tại Việt Nam, ông Dan M. Trần nói, “Theo tôi nạn buôn người ngày nay vẫn còn tồn tại trên thế giới nói chung và riêng tại Việt Nam cũng vì xuất phát từ sự nghèo đói, tham nhũng và sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền. Đặc biệt là tại Việt Nam, vấn nạn này càng ngày càng tăng.”

Ông Dan M. Trần chia sẻ, “Là một thiện nguyện viên của BPSOS và tham gia tổ chức những buổi gây quỹ cho Camsa, bản thân tôi rất trân trọng những mục đích mà Liên Minh CAMSA đề ra.

“Mục đích tối hậu của Liên Minh là xoá sạch nạn buôn người để bóc lột sức lao động. Để đạt mục đích này, CAMSA vận động và tạo điều kiện để chính quyền của quốc gia gốc (Việt Nam) và các quốc gia tiếp nhận (Mã Lai, Đài Loan, Thái Lan, Jordan, v.v.) thực thi đúng vai trò bảo vệ nạn nhân và trừng trị thủ phạm buôn người.

“Sở dĩ CAMSA đặt trọng tâm vào buôn lao động vì đây là vấn đề đang phát triển mạnh trong thời đại toàn cầu hóa nhưng lại ít được quan tâm hơn buôn người trong lãnh vực mãi dâm. Trong khi buôn phụ nữ và trẻ em để khai thác về tình dục thường do tư nhân thực hiện lén lút ở tầm cỡ nhỏ, đường dây buôn lao động thường dựa vào các chính sách phát triển kinh tế của nhà nước nên có hoạt động công khai, được luật pháp quốc gia hỗ trợ, di chuyển hàng trăm ngàn người mỗi năm, và nhiều khi có sự can dự của các giới chức chính quyền. Bởi vậy nhiều chính quyền sẵn sàng chống buôn tình dục nhưng không muốn chống buôn lao động. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhận ra sự bất quân bình này trong bản phúc trình năm 2009: trong năm 2008 chỉ có 10 phần trăm các vụ truy tố trên thế giới là nhắm vào buôn lao động, còn 90% là truy tố về buôn tình dục.”

Ông Dan M. Trần nhắc lại những đặc điểm kế hoạch của CAMSA khi tập trung vào buôn lao động thông qua hình thức xuất khẩu lao động: “Việt Nam cố tình phô trương với quốc tế nỗ lực chống buôn tình dục nhằm che đậy tình trạng buôn lao động - bỏ con tép để bắt con tôm vì kỹ nghệ buôn lao động có quy mô lớn và dính đến chính quyền còn buôn tình dục chỉ là hoạt động lẻ tẻ của cá nhân. Các tổ chức hoạt động chống buôn người ở Việt Nam phải tập trung thuần tuý vào lãnh vực buôn tình dục.

“Vì không muốn bị rơi vào kế này của nhà nước Việt Nam, CAMSA tuy giúp đỡ những trường hợp phụ nữ bị buôn tình dục nhưng đặt trọng tâm chính vào buôn lao động. Một khi phá vỡ được mạng lưới buôn lao động thì cũng sẽ làm giảm đi tình trạng buôn tình dục vì nhiều phụ nữ bị lường gạt vào kỹ nghệ mãi dâm qua con đường lao động ngoài nước.

“Chính phủ Việt Nam luôn phủ nhận tình trạng buôn lao động và lúc nào con số báo cáo của nhà nước về nạn nhân buôn lao động cũng là 0. Để chứng minh ngược lại, Liên Minh CAMSA hoạt động ở những quốc gia có đông người lao động Việt Nam và đã có luật chống buôn người để qua đó truy ra nạn nhân và rồi vận động các quốc gia ấy áp dụng luật có sẵn. Lúc ấy Việt Nam không thể nào phủ nhận rằng có buôn lao động từ Việt Nam.

“Liên Minh tập trung vào một số nhỏ trường hợp buôn lao động mà dấu tích buôn người không thể chối cãi. Với mỗi hồ sơ như vậy, Liên Minh không chỉ can thiệp và giải cứu nạn nhân mà còn có luật sư lập hồ sơ để từng bước nhắm vào các đầu mối buôn người: chủ sử dụng lao động, công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam, các giới chức chính quyền liên can, và hệ thống luật pháp cũng như chính sách dung túng cho tội phạm buôn người.

“Muốn đạt được điều này, CAMSA khai thác luật quốc tế, đặc biệt là luật chống buôn người của Hoa Kỳ. Chính nhờ những hồ sơ cụ thể tích luỹ mà Liên Minh CAMSA đã chứng minh được là có tình trạng buôn lao động rất phổ biến ở Việt Nam.

“Trước áp lực quốc tế, nhiều quốc gia đã ban hành luật chống buôn người. Khi chính sách đã thay đổi, luật lệ được ban hành thì vấn đề can thiệp và giải cứu nạn nhân sẽ thuận lợi hơn. Và như vậy CAMSA lại có nhiều cơ sở vững chãi hơn nữa để thúc đẩy thêm cho những thay đổi về chính sách. Kế hoạch này đã được áp dụng thành công ở Mã Lai và Đài Loan. Một khi đã có lượng hồ sơ tương đối nhiều do hoạt động ở các quốc gia ngoài Việt Nam, bước kế tiếp là áp dụng kế hoạch đối với Việt Nam. Cứ vậy, CAMSA huy động thế và lực quốc tế để đẩy lùi dần thế và lực của đường dây buôn người ở Việt Nam.”

Sự ra đời của CAMSA

Giới thiệu về CAMSA, ông Dan. M. Trần cho biết Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng vừa là giám đốc điều hành tổ chức BPSOS vừa là đồng sáng lập viên của Liên Minh CAMSA, đây là một mạng lưới phối hợp hoạt động của các tổ chức có cùng mục đích chống nạn buôn người ở Á Châu và khắp nơi trên thế giới. CAMSA được thành lập vào tháng Hai, 2008, có các tổ chức tham gia vào Liên Minh CAMSA, gồm BPSOS International Society for Human Rights (Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế, ở Đức), Vietnamese Canadian Federation (Liên Hội Người Việt Canada), Teneganita (Malaysia), U.S. Committee to Protect Vietnamese Workers.
Ông Dan M. Trần cho biết CAMSA phối hợp với các tổ chức chuyên nghiệp, mở văn phòng hoạt động thường trực ở các quốc gia có đông công nhân Việt để:
- Giúp đỡ và bảo vệ cho các nạn nhân của nạn buôn người với mục đích bóc lột sức lao động của họ.
- Huấn luyện công nhân về sinh hoạt tương trợ, quyền lao động và nhân quyền.
- Huấn luyện về luật pháp và chính sách chống buôn người bằng cách:
- Gởi chuyên gia đến giúp các cơ quan chính quyền và tổ chức địa phương phát triển năng lực trong hoạt động phòng chống buôn người.
- Tổ chức hội nghị quốc tế hàng năm về phòng chống buôn người.
- Huấn luyện chuyên gia về phòng chống buôn người qua chương trình thực tập dài hạn.
- Phối hợp với các tổ chức luật gia và công đoàn quốc tế để khởi tố chủ nhân vi phạm hợp đồng và luật lao động.

- Hợp tác và hỗ trợ các chính quyền để phá vỡ các đường dây buôn người qua việc:
- Đóng góp thông tin cho bản phúc trình thường niên của các chính phủ trên thế giới.
- Giám sát việc bài trừ các đường dây buôn người.
- Thiết lập trang mạng www.CAMSA-coalition.org để thông tin bằng Anh ngữ và Việt ngữ.
- Tổ chức gây quỹ tài trợ mạng lưới văn phòng thường trực ở các quốc gia.
- Phát triển thêm tổ chức thành viên.

Hoạt động của CAMSA

Giới thiệu về những hoạt động của CAMSA, ông Dan M. Trần nói, “Liên Minh CAMSA huy động thế và lực của quốc tế và ở từng quốc gia nhằm đẩy lùi thế và lực của đường dây buôn lao động.
“Chủ sử dụng lao động bắt chẹt công nhân thì CAMSA nhắm vào thân chủ của chính chủ sử dụng lao động: các công ty đặt hàng và giới tiêu thụ.

“Môi giới lường gạt hoặc tắc trách thì CAMSA hướng dẫn cho người dân đề phòng và giúp nạn nhân đòi công lý qua các biện pháp về pháp lý và kinh tế.

“Luật pháp quốc gia khiếm khuyết hay bênh vực cho thủ phạm thì CAMSA huy động luật quốc tế để vận động sự cải tổ.

“Chính phủ tắc trách hoặc bao che thì CAMSA vận động áp lực quốc tế với đe doạ chế tài.
“Liên Minh CAMSA sử dụng biện pháp tổng hợp, gồm nhiều mũi nhọn: kiện dân sự, gây thiệt hại về uy tín kinh tế, và truy tố hình sự.

“Để kiện dân sự, CAMSA hợp tác với luật sư và tổ chức pháp lý ở quốc gia sở tại. Tính đến nay ở Mã Lai, CAMSA đã thực hiện 5 vụ kiện dân sự đối với những chủ sử dụng lao động hay công ty môi giới tuyển người đã vi phạm hợp đồng. Đối với Việt Nam, Liên Minh hướng dẫn cho nạn nhân làm đơn khiếu kiện gồm chứng cớ và phân tích về hành động vi luật để yêu cầu các cấp chính quyền điều tra và truy tố thủ phạm. Bước kế tiếp sẽ là thực hiện các vụ kiện dân sự tại toà án nhân dân.

“Về mặt kinh tế, vì phần lớn các trường hợp buôn lao động dính líu đến các công ty ngoại quốc đặt hàng, CAMSA huy động áp lực từ dư luận quốc tế và giới tiêu thụ. Liên Minh đòi hỏi các công ty phải thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội đúng như lời họ quảng cáo về công ty của họ. Vì lo lắng cho tiếng tăm và uy tín, một số công ty hoặc bồi thường cho công nhân, hoặc áp lực chủ sử dụng lao động phải giải quyết vấn đề, hoặc cả hai.

“Cũng về mặt kinh tế, CAMSA phổ biến trong công luận quốc tế thông tin về các công ty môi giới. Đối với môi giới ở quốc gia tiếp nhận, Liên Minh báo động cho các công ty ngoại quốc để họ tránh sử dụng các môi giới bê tha hoặc hoạt động phi pháp. Đối với môi giới ở Việt Nam, Liên Minh báo động cho người dân tránh xa những công ty tắc trách và đồng thời thông báo cho các công ty ngoại quốc tránh tuyển người qua các môi giới ấy. Nhiều công ty ngoại quốc không muốn mang tiếng dính líu đến buôn lao động vì sợ bị ảnh hưởng uy tín đối với giới tiêu thụ.

“Liên Minh khuyến khích các quốc gia cải thiện luật quốc gia dựa trên các định chuẩn quốc tế về buôn người. Quan trọng hơn nữa, Liên Minh vận động các chính phủ tích cực điều tra và truy tố hình sự các thủ phạm cũng như hợp tác trong vấn đề giải cứu, bảo vệ và trợ giúp cho nạn nhân.”

Theo ông Dan M. Trần, Liên Minh CAMSA rất cần sự yểm trợ của đồng hương để tiếp tục phát triển các hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia. CAMSA cũng rất cần có thêm nhiều thiện nguyện viên là luật sư tham gia giúp các nạn nhân.

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:
BPSOS/CAMSA, PO Box 8065, Falls Church, VA 22041, USA
Tìm hiểu thêm về CAMSA, xin quý vị hãy vào trang nhà của Camsa, địa chỉ www.CAMSA-coalition.org
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT