Phóng Sự

Buôn người, hình thức nô lệ mới thời hiện đại (kỳ 5)

Sunday, 10/01/2016 - 10:34:01

Để có quỹ hoạt động và thực hiện các dự án của mình, Sen Hoa thường tổ chức những buổi gây quỹ, bán nữ trang trên mạng và nhận đóng góp thường kỳ từ các mạnh thường quân.

Bài BĂNG HUYỀN

Sen Hoa Foundation và những dự án cứu giúp các nạn nhân nô lệ tình dục tại Cambodia

Tại Cambodia, kể từ năm 1990 khi quốc gia này bắt đầu mở cửa cho du khách và thương gia ngoại quốc vào du lịch và kinh doanh, thì nạn mại dâm đã trở thành một vấn nạn lớn của xã hội, đặc biệt là mại dâm trẻ em, đã và đang gây nhức nhối nhiều năm qua ở đất nước chùa Tháp. Luật pháp Cambodia luôn xem buôn người là bất hợp pháp nhưng các hoạt động này vẫn diễn ra trước sự bất lực của chính phủ.
Cambodia không có luật pháp cứng rắn để bảo vệ quyền lợi trẻ em, đất nước này dễ dàng trở thành môi trường thuận lợi để những tội ác lạm dụng và hành hạ trẻ vị thành niên cả về thể chất lẫn tình dục phát triển, biến cuộc đời của những đứa trẻ này bị chôn vùi trong các nhà thổ, chịu đựng sự tra tấn về mặt thể xác lẫn tâm hồn.

Từ trái qua phải, Sylvia Dang (Office Manager của Sen Hoa foundation), chụp lưu niệm cùng các thiện nguyện viên của Sen Hoa Foundation gồm Jamie Vân, Ngọc và Vy. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Trong những năm gần đây, truyền thông quốc tế liên tiếp đề cập tới những câu chuyện cuộc đời của các thiếu nữ may mắn thoát khỏi động mại dâm. Các tổ chức bảo vệ trẻ em quốc tế đã thành lập những trung tâm phúc lợi ở Cambodia nhằm cứu giúp nạn nhân của những kẻ buôn người, hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng.

Một trong những tổ chức mà bài viết này xin được giới thiệu đến độc giả Viễn Đông chính là tổ chức Sen Hoa foundation.

Trò chuyện với phóng viên nhật báo Viễn Đông, cô Sylvia Dang hiện đang đảm nhận vai trò là Office Manager của Sen Hoa cho biết, bản thân cô từng tham gia là thiện nguyện viên cho Sen Hoa khoảng hai năm trước khi trở thành nhân viên và đảm nhận vai trò Office Manager của Sen Hoa. Cô đã có vài lần sang Cambodia đến làm việc ngay tại trung tâm tạm cư của Sen Hoa mở ra tại Seam Reap.

Sylvia Dang nói những đối tượng được Sen Hoa giúp tại Seam Reap có khoảng 50 phần trăm là người gốc Việt sống tại Cambodia và 50 phần trăm là người Cambodia.

Sự ra đời của Sen Hoa Foundation

Giới thiệu về Sen Hoa, Sylvia Dang cho biết, “Sen Hoa Foundation là một tổ chức vô vị lợi do MC Thùy Dương (của trung tâm Asia) sáng lập và giám đốc điều hành. Quỹ Sen Hoa có mục đích giúp trẻ em, phụ nữ Việt Nam, Cambodia… ở Seam Reap bị buôn bán vào đường mại dâm và được cứu về, học nghề, học chữ, hỗ trợ sinh kế để sớm hòa nhập lại với cộng đồng, giúp các em không bị quay trở lại con đường cũ.
“Sen Hoa đã bắt đầu hoạt động tại Cambodia từ năm 2008, chính thức trở thành tổ chức vô vụ lợi vào năm 2010. Ngày 25 tháng 5, 2013 MC Thùy Dương đã đại diện Quỹ Sen Hoa, sang Vienne nhận giải thưởng The Life Ball Crystal of Hope Award 2013 do Swarovski tài trợ. [Được biết kể từ năm 2005, AIDS Life đã tổ chức trao giải thưởng hàng năm cho những dự án xuất sắc trong nỗ lực chống lại sự lan truyền của bệnh AIDS và HIV.].

“Sen Hoa Foundation là một trong 12 dự án được đề cử và cuối cùng nằm là một trong bốn tổ chức được chọn trao giải thưởng này. GlobalGiving, một tổ chức phi vụ lợi giúp trẻ em nghèo khó, đã đến thăm các chương trình làm việc của Sen Hoa tại Cambodia vào năm 2012 và đề cử Sen Hoa nhận giải thưởng trên.”

Sylvia Dang chia sẻ, “Qua những tìm hiểu của tôi từ internet và trò chuyện với các em (từng là nạn nhân nô lệ tình dục) đã được giải cứu và đang sống tại trung tâm tạm cư của Sen Hoa, tôi biết được là những người Việt Nam sống ở Cambodia có khoảng hơn trăm ngàn người, phần lớn họ là những di dân bất hợp pháp. Họ sống tập trung tại các làng Việt Nam, có khoảng 20 làng sống rải rác khắp Cambodia nhưng tập trung nhiều quanh Phnom Penh, Siem Rap (nơi có danh lam Angkor Wat), Tonle Sap, phía Nam của Biển Hồ.

“Trong số những di dân Việt Nam này có nhiều người sinh đẻ tại Miên, một số khác bỏ Việt Nam trốn sang Cambodia mong kiếm được những nghề nghiệp tốt hơn. Vì là những cư dân bất hợp pháp, dân Việt Nam tại đây phải chịu sự kỳ thị và ngược đãi của một số dân Miên và cả chính quyền địa phương. Một số đông người Việt tại đây không được cấp giấy tờ hộ trú hay giấy làm việc hợp pháp, kể cả người sinh đẻ tại quốc gia này. Thêm vào đó phần lớn lại mù chữ thành thử họ chỉ có thể sinh sống bằng nghề đánh cá hay lao động như thợ hồ, làm mướn, hoặc đi lượm ve chai, cuộc sống rất vất vả.

“Chính do thu nhập không ổn định, có ngày có có ngày không, đời sống những gia đình này chỉ biết hiện tại mà không thấy được tương lai.

“Những con em của những người này cũng chịu chung số phận như cha mẹ, phần lớn các em không được học hành, thiếu dinh dưỡng, bố mẹ lại quá bận rộn với miếng cơm manh áo thành thử các em phần lớn phải phụ giúp làm việc nhà hoặc đi làm để phụ thêm cho gia đình ở cái tuổi rất sớm, nhiều em vẫn còn đang trong tuổi tiểu học đã đi giúp việc nhà kiếm tiền rồi. Một số em bị cha mẹ cho đi làm lao động, ở mướn để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ hay trả nợ cho gia đình.

“Một số khác, phần đông là các em gái, bị gạt gẫm đưa đi làm những công việc lúc ban đầu tưởng là lương thiện nhưng cuối cùng lại trở thành những động mại dâm trá hình. Có em thì bị gia đình bán cho những ổ mãi dâm vì túng quẫn hay để trừ nợ, một số các em khác, phần lớn là từ tuổi 14, 15 trở lên đã tình nguyện đi làm vì hoàn cảnh gia đình nghèo, cha mẹ không để ý đến con cái; bản thân các em lại không có học vấn, thiếu khả năng để làm những nghề như thợ may, thợ cắt tóc, thợ nail... Ngay cả những việc lao động phổ thông đơn giản cũng chẳng phải dễ tìm, nhất là cho các em gái. Mà tiền kiếm được thì không bao nhiêu.”

Sylvia Dang nói, chính hoàn cảnh nghèo của những người Việt Nam tại đây, cũng như những gia đình nghèo người Cambodia là những yếu tố chính đã đưa đẩy các em bé bị bắt vào con đường mại dâm.
Hiểu rõ điều này, nên tổ chức Sen Hoa rất quan tâm đến việc học vấn cho các em nhỏ: vì học vấn sẽ là nền tảng xây dựng cho các em một căn bản về kiến thức và đạo đức để đối đầu với những cạm dỗ, là công cụ cho các em vươn lên và hòa nhập trong xã hội, và cũng là cánh cửa mở rộng cho các em có một tương lai tốt đẹp hơn. Vì thế Sen Hoa rất chú trọng đến những dự án bảo trợ giáo dục cho các em.

Các dự án của Sen Hoa

Sen Hoa có ba chương trình, gồm Lotus Kids Club. Đây là chương trình giúp những em nhỏ học mầm non, mẫu giáo, các em được lo sách vở, ăn trưa, hầu khích lệ các gia đình cho con đi học. Những em lớn hơn đi học trường công tại Cambodia thì chương trình cung cấp tiền học phí cho các em, tiền học kèm, tiền mua cặp sách… để các em được tiếp tục đến trường.

Chương trình thứ hai dành cho những cô gái không có nhà ở chung với nhau. Giúp những cô gái này học những nghề như nail… để các cô có thể tìm việc làm tự mưu sinh.

Chương trình thứ ba mở lớp dạy học cho những em gái tuổi từ mười lăm trở lên. Dạy cho những em gái này nghề làm nữ trang, các em làm nữ trang cho Sen Hoa và được trả lương để sống. Những nữ trang này được Sen Hoa bán trên mạng internet và bán tại những khách sạn hạng sang tại Cambodia, hoặc những buổi tiệc gây quỹ. Các em còn được dạy những kỹ năng sống, sử dụng computer, dạy tiếng Anh, tiếng Cambodia để giúp các em có thể kiếm việc làm được tiền lương tốt khi hội nhập lại với đời sống.
Sen Hoa còn giúp cho mượn tiền (không tiền lời) cho những gia đình nghèo có vốn buôn bán, tránh việc bán con của họ vào động mại dâm.

Thường thì những kẻ buôn người luôn rảo quanh các làng mạc Cambodia dụ dỗ các gia đình có con nhỏ, những cô gái ngây thơ, hứa hẹn tìm cho một công việc nhẹ nhàng lương cao ở thành phố, nhưng thực chất là bán vào động mại dâm. Vì thế những chương trình trên của Sen Hoa không chỉ giúp các nạn nhân nô lệ tình dục được giải cứu mà còn giúp cả những người là nạn nhân của bạo hành gia đình, bị thân nhân hãm hiếp, và những người chuẩn bị trở thành nạn nhân buôn người.

Sen Hoa giúp những người tiềm năng sẽ thành nạn nhân buôn người trong tương lai tránh bước vào con đường đen tối, cho họ được ăn học đàng hoàng, có nghề nghiệp, giới thiệu việc làm để bảo vệ họ tránh xa khỏi việc trở thành nạn nhân nô lệ tình dục.

Sylvia Dang nói do các nhân viên của Sen Hoa có lương từ Normerica, Inc/Northdown Industries (đây là nhà bảo trợ chính của Sen Hoa), vì vậy 100 phần trăm những đóng góp của các mạnh thường quân dành cho Sen Hoa đều đến được với những người cần giúp hoàn toàn 100 phần trăm.

Để có quỹ hoạt động và thực hiện các dự án của mình, Sen Hoa thường tổ chức những buổi gây quỹ, bán nữ trang trên mạng và nhận đóng góp thường kỳ từ các mạnh thường quân.

Những đóng góp của các mạnh thường quân luôn được Sen Hoa minh bạch, mỗi năm Sen Hoa luôn gửi các thông báo cụ thể cho những mạnh thường quân biết rõ về những chi thu của Sen Hoa foundation.
Cũng theo Sylvia Dang do tổ chức Sen Hoa vẫn còn nhỏ nên Sen Hoa chỉ giúp đỡ được phần nào chứ không giúp được hết toàn bộ các cô gái Việt Nam, Cambodia sống tại Cambodia. Hiện nay Sen Hoa cũng chỉ mới mở trung tâm tạm cư cho các cô gái, em gái tại Siem Riep ở Cambodia, chứ chưa mở rộng thêm các địa phương khác và những quốc gia lân cận như Thái Lan, Lào, Việt Nam…

“Hiện nay Sen Hoa đang cố gắng làm được bao nhiêu thì làm, dẫu biết rằng trong cuộc chiến chống nạn buôn người toàn cầu hiện nay, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em vào con đường mại dâm là không dễ gì ngăn chặn, xóa bỏ hết hòan toàn mà cứ tiếp diễn hoài. Vì lợi nhuận của nó quá lớn. Dẫu biết thế, nhưng cũng như bao tổ chức giúp các nạn nhân buôn người có đường hướng hoạt động minh bạch khác, các thành viên và thiện nguyện viên, mạnh thường quân của Sen Hoa luôn cố gắng bằng hết khả năng của mình cùng chung tay giúp những nạn nhân vượt qua sợ hãi, tự tin tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.”

“Sen Hoa cũng rất mong có được thêm nhiều các thiện nguyện viên tham gia cùng với Sen Hoa giúp những dự án của Sen Hoa hoàn thiện và phát triển mạnh hơn. Để biết thêm chi tiết về Sen Hoa Foundation, quý vị hãy vào tìm hiểu tại địa chỉ trang nhà www.senhoa.org
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT