Phóng Sự

Buôn người: hình thức nô lệ mới thời hiện đại (kỳ 2)

Monday, 21/12/2015 - 01:29:43

Được biết hiện nay trong thế kỳ 21 có hơn 30 triệu người trên khắp thế giới đang sống cuộc sống như một "nô lệ thời hiện đại" hoặc buộc phải làm gái mại dâm để mưu sinh. Trong số đó, hiện chỉ có 1% là được giải thoát.

Bài BĂNG HUYỀN

Caroline Nguyễn Hoài Phượng thực hiện đề tài về nạn buôn người

“From Global to Local Awareness: Human Traffiking” là đề tài về tệ nạn buôn người đã được em Caroline Nguyễn Hoài Phượng thực hiện vào năm 2013 (bấy giờ em được 17 tuổi) để lấy đẳng hiệu Hoàng Kim (Gold Award) là đẳng hiệu cao nhất của các em Nữ Hướng Đạo Sinh. Đề tài này đã được Caroline Nguyễn Hoài Phượng thuyết trình dài khoảng 1 tiếng rưỡi tại Miriame Warne Community Building tại thành phố Westminster vào ngày 14 tháng 8, 2013 với nhiều tham dự viên gồm có Thị Trưởng Tạ Đức Trí, ông Cảnh Sát Trưởng Kevin Baker, một số huynh trưởng và hướng đạo sinh của Liên đoàn Hướng Đạo Hùng Vương (là nơi em Caroline Nguyễn Hoài Phượng sinh hoạt từ năm học lớp 6), đại diện của Nữ Hướng Đạo quận Cam.

Em Caroline Nguyễn Hoài Phượng (bên trái) và mẹ, bà Frances Nguyễn Thế Thủy. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Đề tài “From Global to Local Awareness: Human Traffiking” do Caroline Nguyễn Hoài Phượng thực hiện không chỉ dừng lại đó, vào niên học 2013- 2014 khi em là sinh viên năm thứ nhất tại trường Đại Học San Franciso State University, ngành học Marketing, song song với việc học tại trường em quyết định tiếp tục hoàn thiện thêm đề tài này chuyên sâu hơn và em đã ghi danh tham gia chương trình TEDx Orange Coast Teen Contest để rồi khi vào niên học 2014-2015 lúc này em đang là sinh viên năm thứ Hai và là President SFSU Marketing Association, đồng thời kiêm thêm Residential Assistant của khu nội trú trong trường Đại Học San Franciso State University, em đã đến Costa Mesa Performance Arts Center để tham dự chương trình TEDx Orange Coast Teen Contest, trình bày trước khoảng 1,000 cử tọa về đề tài Human Trafficking mà em thực hiện, và em là một trong ba người được chọn (trong số 20 người).

Em cũng là người duy nhất trong ba người được Ban Tổ Chức cử một hướng dẫn viên là bà Cynthia Biret (là một chuyên viên quay phim) giúp em thực hiện cuốn phim tài liệu về nạn buôn người. Sau khi hoàn thành xong cuốn phim em trở lại với TEDx Talk Teen Challenge tại Soka University ở Mission Viejo để trình chiếu phim này cho khán giả tham dự và nhận giải thưởng.

Trên nhật báo Viễn Đông trước đây, trong bài viết của phóng viên Thanh Phong cũng có nhắc đến “Nhật báo Orange County Register vào dịp cuối năm 2014 đã chọn ra 100 người mà tờ báo cho là có ảnh hưởng nhất tại Quận Cam thì Caroline Nguyễn Hoài Phượng là một trong 100 người được vinh dự đó.”

Nói về đề tài “From Global to Local Awareness: Human Traffiking” ngay từ khi Caroline Nguyễn Hoài Phượng thực hiện vào năm 2013 để lấy đẳng hiệu Hoàng Kim (Gold Award) của Nữ Hướng Đạo Sinh, mẹ của em, bà Frances Nguyễn Thế Thủy (từng là Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California, cựu Chủ Tịch Phòng Thương Mại Westminster, hiện là chủ nhân của Golden Trophy & Awards ở thành phố Westminster) kể, “Lúc tôi đưa Caroline Nguyễn Hoài Phượng đến gặp bà Robyne Sotile là cố vấn (advisor) của Nữ Hướng Đạo quận Cam (OC. Girls scouts Community Liaison) để nhờ bà gợi ý đề tài cho cháu thực hiện để lấy đẳng hiệu Hoàng Kim, bà đề nghị thực hiện đề tài về Human Traffiking (nạn buôn người).

Caroline Nguyễn Hoài Phượng đã về tìm hiểu trên mạng rồi đồng ý thực hiện đề tài này. Lúc đó tôi đã đưa cháu đến gặp Thị Trưởng Tạ Đức Trí nhờ giúp hướng dẫn cháu, và thị trưởng đã ủng hộ, giúp cháu phòng ốc để cháu trình bày project của mình ngay tại thành phố. Ngoài ra còn giới thiệu cho cháu gặp Cảnh Sát Trưởng Kevin Baker. Ông Baker có nhóm nhân viên trong sở cảnh sát chuyên nghiên cứu về nạn buôn người, đồng thời ông giới thiệu thêm Cơ quan Chống Buôn Người Quận Cam (Orange County Human Trafficking).

Hoài Phượng được những giới thiệu này đã liên lạc và thu thập thêm các tài liệu, phỏng vấn, tìm hiểu buôn người là gì, đang xảy ra ở đâu, có mấy loại buôn người khác nhau… để hoàn thiện đề tài.
Điều mà bà Frances Nguyễn Thế Thủy rất mừng khi con gái lớn của mình thực hiện đề tài về nạn buôn người vì chính trong thời gian Hoài Phượng thực hiện đề tài, em học hỏi được nhiều điều thực tế sẽ áp dụng vào cuộc sống sau này. Ngoài ra đây là đề tài rất có ích cho cộng đồng không chỉ người Việt mà cả những người sắc dân khác trên nước Mỹ hiểu biết thêm về vấn nạn buôn người đang là một vấn nạn của cả toàn cầu phải đối diện hiện nay.

Sau khi em hoàn tất đề tài và đạt được Gold Award, điều mà bà vui nhất và xem là phần thưởng cao quý nhất của con gái trong suốt quá trình sinh hoạt Hướng Đạo là “giúp ích mọi người bất cứ lúc nào, và trở nên một công dân có ích cho xã hội”. Vì vấn nạn buôn người không chỉ xảy ra bên ngoài nước Mỹ mà ngay tại nước Mỹ vẫn có những nạn nhân buôn người. Để mọi người hiểu rõ về tầm quan trọng của tệ nạn buôn người và cùng tham gia đấu tranh chống tệ nạn này.

Bà Frances Nguyễn Thế Thủy bày tỏ, “Về buôn người, nếu mình không giúp được nhiều, thì mình giúp trên phương diện phổ biến những tài liệu về vấn nạn buôn người cho những người xung quanh chúng ta biết. Người xung quanh chúng ta không chỉ là người Việt Nam mình, mà cả những người không phải là Việt Nam, để cùng chúng ta giải quyết vấn đề này để nơi mình ở được an toàn hơn và đồng thời giúp cho những nạn nhân vượt qua được những khổ sở, trở lại đời sống tự do.”

Tâm sự về lý do vì sao quyết định thực hiện đề tài “From Global to Local Awareness: Human Traffiking,” em Caroline Nguyễn Hoài Phượng nói, “Khi được gợi ý đề tài, em có tìm hiểu các tài liệu trước khi thực hiện, lúc đó em thật sự shock khi biết rằng nạn buôn người không chỉ xảy ra tại những nước nghèo, mà ngay trên nước Mỹ này cũng có những nạn nhân của nạn buôn người lao động khổ sai và trong ngành kinh doanh tình dục. Năm-mươi phần trăm nạn nhân của nạn buôn người dưới 16 tuổi, là những em gái và em trai, tuy nhiên các số liệu này chỉ phản ánh những trường hợp được nhà chức trách phát hiện. Còn trong thực tế có thể nạn nhân còn nhiều hơn.”

Được biết hiện nay trong thế kỳ 21 có hơn 30 triệu người trên khắp thế giới đang sống cuộc sống như một "nô lệ thời hiện đại" hoặc buộc phải làm gái mại dâm để mưu sinh. Trong số đó, hiện chỉ có 1% là được giải thoát.

Nạn nhân tệ nạn buôn người tại nước Mỹ

Em Caroline Nguyễn Hoài Phượng cũng cho biết qua những tìm hiểu của em để thực hiện đề tài “From Global to Local Awareness: Human Traffiking” em biết được không phải trẻ em bị mua, bán dâm tại Mỹ hầu hết là nạn nhân của các vụ buôn người từ nước ngoài như Mexico, Nam Mỹ,… mà thực tế trong số đó có cả người mang quốc tịch Mỹ. Chỉ nhờ lòng tốt của số ít người, cộng với hoạt động hiệu quả của FBI và một số cơ quan thực thi pháp luật, cuộc sống của số ít nạn nhân bọn buôn người mới được cứu vớt.
Trên nước Mỹ này nhiều trẻ em đã bị gia đình bán cho các tay buôn người, các em xuất thân từ mọi nhóm sắc tộc và đến từ nhiều tiểu bang khác nhau. Những trẻ em là nạn nhân của bạo lực tình dục và buôn người ở Mỹ không khác nhiều so với những quốc gia khác. Những trẻ này bị bắt cóc, hoặc dụ dỗ bởi những kẻ buôn người.

Thông thường, những kẻ buôn người đưa ra những miếng mồi ngon như cho đi học hoặc tìm việc làm để dụ các em và khi đã bị sập bẫy, những trẻ em này thường xuyên bị cưỡng hiếp, đánh đập và tra tấn nếu chạy trốn. Các em bị buộc làm mại dâm trong những tụ điểm trá hình. Các em thường bắt đầu ở tuổi 14 và kéo dài đến 25 tuổi.

Em Caroline Nguyễn Hoài Phượng bày tỏ ước mong là từ trước đến nay và sẽ tiếp tục trong tương lai, qua những bài nói chuyện của mình quảng bá về nạn buôn người sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn nạn buôn người. Để mọi người hiểu rõ về vấn nạn này là có thật và rất nguy hiểm chứ không phải là những câu chuyện tưởng tượng trên sách báo và phim ảnh. Em mong là mọi người hãy luôn để ý nơi mình sống xung quanh có nạn nhân của nạn buôn người không.

Có thể các dấu hiệu mà quý vị nghi ngờ đó là những nạn nhân buôn người không đồng nghĩa với việc chắc chắn người đó đang bị buôn bán. Quý vị cũng nên thông báo cho nhà chức trách biết về sự nghi ngờ của mình. Nếu quý vị nào phát hiện ra nạn nhân, đừng cố gắng đối đầu với những kẻ tình nghi hoặc nỗ lực tự giải cứu người gặp nạn, mà hãy liên lạc với dịch vụ khẩn cấp để báo cho các nhà chức trách để họ giải cứu nạn nhân.

Những dấu hiệu quý vị có thể nghi ngờ người nào đó hay nhóm người nào đó là nạn nhân của nạn buôn người, chẳng hạn như họ không thể tự do đi lại, bị kiểm soát và theo dõi chặt chẽ. Vì bọn buôn người sẽ làm mọi cách để bảo đảm rằng các nạn nhân không thể trốn thoát hoặc nhờ sự giúp đỡ của chính quyền.
Những nạn nhân của nạn buôn người thường rất ngại giao tiếp và làm theo những kẻ đang kiểm soát họ. Sự sợ hãi và hăm doạ là hai trong số nhiều biện pháp mà những kẻ buôn người sử dụng để kiểm soát các nô lệ của mình. Chúng thường hạn chế sự giao tiếp và tương tác của nạn nhân bởi họ có thể nói những điều khiến người khác nghi ngờ.

Còn với những trẻ em bị buôn bán làm nô lệ tình dục sẽ có xu hướng ăn mặc hở hang. Chúng còn có thể chịu tác động của rượu hoặc thuốc. Những trẻ em này thường suy dinh dưỡng hoặc có các dấu hiệu bị lạm dụng tình dục (các vết bầm tím, trày xước hoặc vết bỏng thuốc lá…).

Luật pháp nước Mỹ và tiểu bang California sẽ không khoan dung cho bất cứ ai chà đạp lên nhân quyền và sự tự do của con người, chắc chắn những kẻ buôn người phải bị pháp luật trừng phạt và nạn nhân của tệ nạn lạm dụng và buôn người luôn được luật pháp nước Mỹ

Caroline Nguyễn Hoài Phượng nói em rất mong mọi người hãy quan tâm nhiều hơn về vấn nạn buôn người, và cùng chung tay với nhà chức trách ngăn chặn, xóa bỏ tệ nạn buôn bán người và các tổ chức tội phạm hoạt động trong lĩnh vực này. Những ai đang sống tại quận Cam khi có nghi ngờ gì về tệ nạn buôn người ngay tại nơi mình sống thì hãy liên lạc với Orange County Human Trafficking Task Force số điện thoại 1 (888) 3737-888.
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT