Người Việt Khắp Nơi

Buổi thuyết trình của Bác Sĩ Ngô Bá Định về bệnh loãng xương

Monday, 24/06/2019 - 05:24:24

Tuần qua tại hội trường Việt Báo, Bác Sĩ Ngô Bá Định đã có buổi thuyết trình cho đồng hương về bệnh loãng xương và thuốc Prolia. Bác sĩ Định tốt nghiệp về bác sĩ nội khoa tại UCI và làm bác sĩ nội trú tại Jorba Linda University Medical Center

Bác sĩ Ngô Bá Định đang thuyết trình về bệnh loãng xương. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 


Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Tuần qua tại hội trường Việt Báo, Bác Sĩ Ngô Bá Định đã có buổi thuyết trình cho đồng hương về bệnh loãng xương và thuốc Prolia. Bác sĩ Định tốt nghiệp về bác sĩ nội khoa tại UCI và làm bác sĩ nội trú tại Jorba Linda University Medical Center, sau đó đã phục vụ trong ngành y tế 20 năm nay tại cộng đồng Việt Nam, Nam California. Trong buổi thuyết trình, bác sĩ Ngô Bá Định đã thẳng thắn nói với mọi người, “Ở Mỹ này các bác đừng trông hòng gặp được một lương y như từ mẫu, may lắm là gặp được một bác sĩ có lòng, còn ngoài ra họ chỉ vì tiền.”

Trước khi thuyết trình, bác sĩ Định cho biết ông là phát ngôn viên của Amgen, đã được Amgen hướng dẫn cho nên hôm nay ông thuyết trình là dựa trên những nghiên cứu của Amgen và những gì đã được cơ quan FDA chấp thuận, và bác sĩ chỉ giới hạn trong phạm vi nội dung đó, tức là chỉ nói về vấn đề loãng xương, về sức khỏe của xương và thuốc Prolia.


Chị Trần Năng Khiếu đang chia sẻ với bác sĩ và mọi người về thuốc Prolia. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 


Trước tiên bác sĩ Định cho biết, trong cơ thể chúng ta có khoảng 160 đốt xương, càng lớn thì xương càng bị mòn đi, thoái hóa đi nên mỗi khi chúng ta té hay va chạm thì rất dễ bị gẫy xương, cách hay nhất để không bị gẫy xương là đừng để bị té ngã. 90% bị gẫy xương là do bị té.
Đối với phụ nữ trên 50 tuổi khả năng bị gẫy xương rất cao. Người Á châu dễ bị gẫy xương vì cái bộ khung người Á Châu nhỏ hơn người phương tây và cái tỷ trọng cơ thể thường dưới 20 nên dễ bị dòn xương, dễ bị gẫy xương hơn.

Khi còn ở Việt Nam, chúng ta ở vùng nhiệt đới, khí hậu nóng và chúng ta ăn những thức ăn có nhiều quang lượng (thức ăn hấp thụ ánh sáng) nên nó tạo ra nhiều calcium, vitamin D mà cái vitamin D nó giúp làm cho xương được chắc hơn. Nhưng khi sang Mỹ, chúng ta lại nghe và tin những lời quảng cáo trên TV hay một số bác sĩ khuyên đừng ăn những thứ béo bở, thịt cá kẻo bị béo phì, bị cao mỡ, cao máu, mà những thứ đó lại là những thứ cung cấp nhiều can xi, mà can xi rất cần thiết để giữ cho xương chắc, khỏe.

Ngoài ra, người Á châu chúng ta sợ nắng làm hư da, mất đẹp nên ít ai dám ra bãi biển cởi đồ ra nằm phơi nắng như người Mỹ thành ra chúng ta càng dễ bị loãng xương, dòn xương và có thể gẫy xương nếu chẳng may bị té. Theo thống kê, những người phụ nữ từ 50 tuổi trở lên bị loãng xương trong thời kỳ hậu mãn kinh vô nhà thương vì liên quan đến gẫy xương nhiều hơn số người bị đau tim, đột qụy hay ung thư vú.
Phụ nữ bị nhiều nhất, cứ một trong hai người trên 50 tuổi là bị loãng xương, mà khi bị loãng xương thì khả năng bị gẫy xương cao hơn người khác, và đã bị gẫy xương một lần rồi thì khả năng gẫy xương khác cao hơn nhiều, nên khi lớn tuổi thì đi đứng phải hết sức cẩn thận đừng để bị té.


Bác sĩ Ngô Bá Định giải thích cho một đồng hương về chứng loãng xương. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Bác sĩ cũng lưu ý những người chăm sóc người già, người bệnh mà có hưởng tiền của chính phủ, nếu người được chăm sóc bị gẫy xương, có thể chính phủ sẽ điều tra xem người chăm sóc lúc đó ở đâu, và nếu không có ở bên cạnh người được chăm sóc thì sẽ bị trách nhiệm liên quan đến việc gẫy xương của người mình nhận chăm sóc.
Bác sĩ Định cho biết, nam giới nên thường xuyên đến bác sĩ gia đình kiểm tra chiều cao cơ thể, nếu chiều cao bị thấp xuống, có thể đã bị loãng xương. Nam giới cũng bị loãng xương như phụ nữ, ở Hoa Kỳ 12 triệu đàn ông được ước tính bị loãng xương, và thường không được chẩn đoán và không phát hiện ra bệnh cho đến khi họ bị nứt hoặc gẫy xương.

Sau khi trình bày nguyên nhân bị loãng xương và gẫy xương, bác sĩ Ngô Bá Định nói về thuốc Prolia là thuốc theo toa được dùng để gia tăng khối lượng xương ở nam giới có nguy cơ nứt hoặc gẫy xương cao. Prolia đã được chứng minh làm gia tăng mật độ khoáng chất trong xương (BMD) ở nam giới bị loãng xương. Prolia có thể giúp cho xương chắc khỏe hơn với 01 mũi thuốc được chích mỗi 6 tháng.
Bác sĩ khuyên mọi người nên dùng chất canxi và vitamin D theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ trong lúc điều trị với thuốc Prolia. Prolia giúp ngăn chặn không cho các tế bào hủy xương tiếp cận và gây ra tình trạng mất xương. Tóm lại, đừng chờ đến khi bị đau lưng, mất chiều cao hoặc gặp một số triệu chứng khác mới đặt câu hỏi về chứng loãng xương.

Về thuốc Prolia, quý vị không nên dùng nếu lượng canxi trong máu thấp, bị dị ứng với denosumab hoặc bất cứ thành phần nguyên liệu nào trong Prolia. Nên yêu cầu bác sĩ gia đình cho đi chụp ảnh kiểm tra mật độ xương (DXA). Đó là một xét nghiệm x- quang nhanh, không đau và chính xác. Xét nghiệm này sẽ giúp xác nhận xem mình có bị loãng xương hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng một điểm gọi là chỉ số T để giúp xác định tình trạng sức khỏe của xương. Nếu chỉ số T từ -2,5 trở xuống, cho biết quý vị bị loãng xương.

Sau khi thuyết trình, bác sĩ dành thời gian để mọi người đặt câu hỏi hoặc chia sẻ kinh nghiệm khi dùng Prolia.
Chị Trần Năng Khiếu nói, “Hồi đó tôi bị đau lưng rất lâu sau cuộc đại giải phẫu, đau dữ lắm, đau đến nỗi ông xã phải mua cái nệm thật cứng mới nằm được. Tôi làm nghề may, tôi phải đeo cái đai ở lưng mới ngồi được và vẫn chịu đau cho đến khi tôi vô ông bác sĩ cách đây 6, 7 năm thì bác sĩ cho tôi đi khám tổng quát về xương, kết quả cho biết tôi bị rỗng xương ở lưng. Bác sĩ đề nghị và xin phép cho tôi được dùng thuốc Prolia và tôi uống cancium thì bị phản ứng làm đau bụng, bón và người đau nhức. Năm đầu tiên chích Prolia, mỗi 6 tháng chích một lần và năm đầu thấy hơi đỡ; đến năm thứ hai đi chụp lại thì bác sĩ cho biết chỗ đó đỡ rồi nhưng họ lại khám phá bị rỗng xương chỗ khác và tôi lại chích tiếp tục, hai năm sau tức là 4 năm thì đỡ hẳn đau lưng, và sau này nằm chiếc nệm mềm không còn thấy đau gì hết, nhưng hôm vừa rồi đi chụp, lại thấy bị ở chỗ khác nên tôi tiếp tục chích Prolia.”

Để biết thêm thông tin về thuốc Prolia xin quý vị vào www.myProlia.com/vietnamese hoặc gọi 1-888-426-6360.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT