Người Việt Khắp Nơi

Buổi sinh hoạt văn hóa của Cộng đồng Việt Nam Stuttgart, Đức

Wednesday, 10/05/2017 - 08:02:11

Trong buổi sinh hoạt này, thi sĩ Đan Hà nói về "Tiếng Việt qua bao thăng trầm và theo vận nước," còn nhà văn Vũ Nam giới thiệu và đọc tác phẩm mới nhất của ông, “Quê Người Nhớ Quê Nhà” phát hành năm 2016.

Bài TÂM VIỆT

Tiếng Việt và quê nhà

Vào ngày 22 tháng Tư, 2017, nhiều thân hữu và bạn mới đã đến tham dự buổi chiều sinh hoạt văn hóa của Cộng Đồng Việt Nam Stuttgart, tại trung tâm Padua Stuttgart-Plieningen, Đức. Trong buổi sinh hoạt này, thi sĩ Đan Hà nói về "Tiếng Việt qua bao thăng trầm và theo vận nước," còn nhà văn Vũ Nam giới thiệu và đọc tác phẩm mới nhất của ông, “Quê Người Nhớ Quê Nhà” phát hành năm 2016.


Từ trái, nhà văn Vũ Nam, thi sĩ Đan Hà, BS Trần Huê (Moderation/hướng dẫn chương trình)

"Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi..."

Nơi xứ người, hằng ngày người Việt phải phấn đấu với ngôn ngữ của nước mình cư ngụ. Đi học, đi làm, hoặc thuần túy là để giao lưu thành công trong đời sống hằng ngày. Viết và nói tiếng Việt trở thành rất riêng tư như để ôm giữ một phần của quê hương. Đề tài nói chuyện của Thi sĩ Đan Hà và nhà văn Vũ Nam, vì vậy, hứa hẹn “một buổi chiều Việt nam trên xứ Đức.”

Thi sĩ Trần Đan Hà tên thật là Trần Văn Huyền, sinh năm 1945 tại Quảng Trị. Ông được tàu Cap Anamur cứu vớt, định cư ở Đức từ năm 1982. Thi sĩ Trần Đan Hà đã đóng góp trong nhiều thi tập và là hội viên trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, biên tập viên báo Viên Giác ở Đức, sinh hoạt trong Hội Phật tử Reutlingen và là Thư Ký Hội Cứu Trợ Thương Phế Binh VNCH tại Đức.


Bìa sách “Quê nhà nhớ quê người”

Thi sĩ Đan Hà nói về thời kỳ tiếng và chữ Việt đã hoàn chỉnh và phát triển tột bực, về Nhóm Tự Lực Văn Đoàn, về sự đóng góp của nhiều văn thi sĩ trẻ vào tiền bán thế kỷ 20. Đan Hà nói về tiếng nói ở ba miền đất nước, thậm chí có những danh từ khác nhau để chỉ cùng một vật thể hoặc người: cha miền Bắc gọi là bố, ở Quảng Trị gọi là bọ, trong Nam gọi là ba. Nếu không thạo, buổi đầu rất bỡ ngỡ cho người ở miền này tiếp xúc với người từ miền kia.


Nghe các thí dụ dẫn diễn cũng thấy lạ lùng, dí dỏm. Như cách phát âm ở Miền Nam: "phai tây," "cá gô," "hơm goa."
Tuy vậy, khi chúng ta đi học thì cả ba miền đều đọc và viết chung một thứ tiếng trong các cuốn từ điển.

Yêu em mới biết dại khờ.
Biết dan dối biết tình cờ chia tay.
Yêu em mới biết có ngày.
Ra vào than thở "lóng rày mình ên"

Đất nước bị chia đôi năm 1954, Miền Bắc dưới chế độ CS, ngôn ngữ Việt và sự sáng tạo văn chương Việt bị co cụm. Phong Trào Nhân Văn Giai phẩm bị đàn áp tàn bạo. Ở Miền nam, nhìn lại dưới chế độ VNCH, tuy ở trong một nền dân chủ non trẻ và hoàn cảnh chiến tranh, đời sống văn hóa tiếng Việt được phát triển tự do, nền giáo dục học đường khai phóng. Một triệu đồng bào Miền Bắc di cư làm cho đời sống văn hóa ở phía Nam càng thêm phong phú, sống động.


Buổi giới thiệu sách “Quê Nhà Nhớ Quê Người” tại tiểu bang Virginia, tháng 8/2016. Nhà văn Vũ Nam, người thứ năm từ trái sang.


Nhà thơ Nguyên Sa, thấy nắng Sài Gòn mà ông nhớ màu áo lụa Hà Đông. Như đoản văn "Tôi Đi Học" của nhà văn Thanh Tịnh mà hầu hết học sinh Miền Nam đều thuộc nằm lòng, một thí dụ xuất sắc của lối hành văn nhẹ nhàng, diễn đạt một kỷ niệm thân thương, êm đềm với tất cả ưu điểm của tiếng Việt.

Sau 30 tháng Tư 1975, tiếng Việt trên cả nước bị CSVN gò ép, méo mó, kém văn minh như "xưởng đẻ," "máy bay lên thẳng," hay "bộ đội gái." Tiếng Việt còn bị lạm dụng cho mục tiêu tuyên truyền của nhà nước. Ngôn ngữ bị dùng để truyền bá giáo điều, để phân biệt đối xử "bạn và thù" thay vì cho hòa giải dân tộc, thay vì phát biểu tự do cho niềm mơ ước thanh bình và các giá trị nhân bản.

Nói về việc nhà nước CSVN cấm năm bài hát trước 75 (rồi rút lại sau đó), Đan Hà dẫn lời của nhạc sĩ Lê Minh, "Thật ra khi cái mới không đáp ứng đủ nhu cầu, cái mới không hay hơn, không có cái gì đặc biệt hơn thì người ta quay về cái cũ. Đó là vấn đề phát triển tự nhiên theo xu hướng của xã hội vậy."

Ở hải ngoại, mặc dù phải vật lộn với cuộc sống mới, các tác phẩm truyện ngắn, truyện dài, nhớ về quê hương nở rộ khắp năm châu mà nhà thơ Đan Hà gọi là "Văn hóa lưu vong" hay "Văn hoá về nguồn." Khắp nơi xuất hiện các lớp học tiếng Việt, các Lễ hội cổ truyền, Tết Nguyên Đán... Đang có khuynh hướng chuyển sang nền "Văn hóa hội nhập." Tuy tiếng Việt không là một ngôn ngữ thế giới như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Việt ngày nay chẳng những còn giữ nhiều bản sắc Việt Nam, tại mỗi nơi, mỗi nước có người Việt sinh sống, tiếng Việt cũng phát triển, có những từ ngữ mới dựa theo và lấy từ tiếng bản xứ.

Nhà thơ Đan Hà truyền cho người nghe một thông điệp lạc quan nhằm gìn giữ tiếng Việt, phát huy tiếng Việt và làm phương tiện chuyên chở cho sự cảm thông của người Việt trong nước và hải ngoại, vượt qua những khác biệt của quá khứ. Tiếng Việt giúp cho người Việt hải ngoại mãi gắn bó với quê hương, góp cho một VN tiến bộ và thịnh vượng.

Quê nhà, quê người

Được tàu Cap Anamur cứu vớt và sau một thời gian ở Palawan, Phi Luật Tân, nhà văn Vũ Nam đến Tây Đức định cư từ năm 1981. Ông tên thật là Lý Văn Văn, sinh năm 1954 tại Phước Tuy (Bà Rịa). Ông là cựu sinh viên sĩ quan không quân sau "Mùa hè đỏ lửa," Ở Đức, ông theo học Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Reutlingen. Sau khi ổn định đời sống phần nào, suốt từ 1985 đến nay, Vũ Nam đã sáng tác đều đặn và phong phú, gồm 6 truyện ngắn và 2 truyện dài. Ngoài ra, Vũ Nam còn cộng tác với các báo và websites ở hải ngoại, sinh hoạt trong Hội Phật Tử Reutlingen.

"Quê Người Nhớ Quê Nhà" là tuyển tập truyện ngắn mới nhất, gồm trên 30 bài bút ký của nhà văn Vũ Nam do Cỏ thơm xuất bản năm 2016. Họa sĩ Nguyễn Sơn sống ở Đức, trình bày trang bìa và các hình ảnh trong sách rất trang nhã.

Trong các truyện, với lối hành văn dễ hiểu, nhiều tượng hình và trôi chảy, Vũ Nam cho người đọc tham dự vào những kỷ niệm êm đềm, hồn nhiên trong thời thơ ấu của ông, lớn lên ở làng Nước Ngọt, Long Hải: sông rạch, biển xanh, cát trắng. Và còn nhiều tỉnh thành, làng xóm Miền Nam cũng như những kỷ niệm với đồng đội trong thời gian huấn nhục ở quân trường Nha Trang. Cả thời "ngăn sông cấm chợ" sau 1975.

Tác giả còn chia sẻ với người đọc những ý nghĩ của mình lúc gặp lại bạn cũ, làm quen với bạn mới ở Mỹ, ở Âu châu, lúc đi thăm các danh lam thắng cảnh. Ấn tượng ở quê người làm Vũ Nam không ngớt liên tưởng tới quê nhà, như từng đoạn phim ngắn được quay lại, vuốt ve an ủi tác giả nơi quê người.

Vũ Nam đọc các truyện bút ký của ông, người tham dự càng thấy gần gũi hơn với tác giả hiện thân trước mặt. Không ít người cũng nghĩ đó là kỷ niệm, ý nghĩ của chính mình, cũng được làm quen với các bạn của Vũ Nam. Thật nhiều trong quân đội và giới văn bút hải ngoại.

Từ đâu mà Đan Hà thích làm thơ và Vũ Nam thích viết văn?
Có những sự việc, hoàn cảnh xảy ra, bình thường thôi đã gợi hồn thơ, làm cho nhà thơ cảm hứng gói gọn tâm trạng, tình cảm của mình trong mấy vần thơ. Tương tự, nhà văn thấy có nhu cầu viết văn và viết dễ dàng.
Tiếng nói và chữ viết giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và phát triển văn hoá tốt của một dân tộc, Nhờ kỹ thuật in ấn, kiến thức và tư tưởng được phổ biến rộng. Ngày nay, Internet còn đẩy mạnh sự giao lưu qua ngôn ngữ và sự phổ biến nhanh chóng trên toàn cầu.

Buổi chiều Việt Nam qua nhanh. Nhiều mặt của tiếng Việt trong nước chưa được thảo luận mà giới văn nghệ sĩ "bị lưu đày ngay chính trên quê hương của mình" để có thể nói tự do và làm tròn vai trò của mình cho một xã hội nhân văn và khai phóng, như Đan Hà nói. Vấn đề gìn giữ tiếng Việt ở hải ngoại cho tương lai?

Khi nào thì quê người trở thành quê nhà? Có lẽ càng xa xứ lâu, cuộc sống nơi quê người chiếm phần lớn cả thể xác lẫn tinh thần của người hải ngoại. Nhưng con người Việt Nam và những kỷ niệm ở quê nhà sẽ bừng dậy mãnh liệt bất cứ lúc nào - khi bị khơi lại!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT