Người Việt Khắp Nơi

Buổi ra mắt CD Hoa Bay Khắp Trời

Thursday, 19/11/2015 - 08:00:22

Cư sĩ Phan Tấn Hải là một người hiền lành dễ mến, ký giả Thanh Huy của Việt Báo cho biết, ông sống rất đơn giản, ăn mặc xuềnh xoàng, không cầu kỳ, không to tiếng với ai bao giờ. Trong lúc đang làm việc, thỉnh thoảng ông cũng dành ít phút “thiền.”

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Chiều thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015, Hòa Thượng Thích Nguyên Trí (viện chủ chùa Bát Nhã), hai Ni Sư Thích Nữ Chân Thiền, Thích Nữ Chân Diệu (Thiền Viện Sùng Nghiêm), Nghị Sĩ Tiểu Bang Janet Nguyễn, Thị Trưởng Tạ Đức Trí, Gíam Sát Viên Andrew Đỗ, Kỹ sư Bùi Phát (Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali), và Kỹ sư Ngãi Vinh (Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Nam Cali), nữ tài tử Kiều Chinh cùng gần hai trăm đồng hương đã đến tham dự buổi ra mắt CD “Hoa Bay Khắp Trời,” thơ Phan Tấn Hải, nhạc sĩ Trần Chí Phúc phổ nhạc, tổ chức tại hội trường VNCR , thành phố Westminster.
Từ trước đến nay ít ai nghe nói nhà báo Phan Tấn Hải là một nhà thơ, đa số Phật tử biết ông là cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải, chủ bút nhật báo Việt Báo, và đã có một số tác phẩm như Cậu Bé và Hoa Mai, Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ, Thiền Tập, Những Lời Dạy Từ Các Thiền Sư Việt Nam Xưa, Trần Nhân Tông, Đức Vua Sáng Tổ Một Dòng Thiền – Tuệ Trung Thượng Sĩ được viết theo lối truyện ngắn, biên khảo và dịch thuật và duy nhất một tập thơ mang tựa đề “Ở Một Nơi Gọi Là Việt Nam” nhưng ít phổ biến.


Thi sĩ Phan Tấn Hải (bên phải) và nhạc sĩ Trần Chí Phúc trong buổi ra mắt CD Hoa Bay Khắp Trời chiều thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015. (Thanh Phong/Viễn Đông)



Không ngờ, chỉ một lời yêu cầu của nhạc sĩ Trần Chí Phúc nhờ giúp cho một bài thơ để ông kịp phổ nhạc và hát tại đạo tràng Nhân Quả trong mùa Phật Đản 2015, trong vòng một tiếng đồng hồ sau, cư sĩ Nguyên Giác đã email cho nhạc sĩ Trần Chí Phúc bài thơ ông vừa sáng tác “Dâng Hoa Cúng Phật;” người nhạc sĩ đọc thấy hay liền phổ nhạc và hôm sau đến đạo tràng Nhân Quả ôm đàn hát cho các Phật tử nghe, ông nhận được lời khen tặng và nhất là được chính tác giả bài thơ cảm kích, thích thú.

Từ sự phấn khởi đó, vị cư sĩ, nhà báo Nguyên Giác Phan Tấn Hải tiếp tục viết một lèo chín bài thơ nữa: Phật Giáo VN Lên Đường, Hoa Bay Khắp Trời, Chờ Em Bên Sông, Bát Chánh Đạo, Mời Em Vào Cõi Bất Sinh, Rồi Mẹ Như Sương, Lắng Nghe Hơi Thở, Quán Thế Âm, Niệm Phật, và được nhạc sĩ Trần Chí Phúc phổ nhạc và làm thành CD để phổ biến rộng rãi trong giới Phật tử và đồng hương. Sự việc này chứng tỏ, ngoài việc làm báo, viết văn, cư sĩ Nguyên Giác còn có một bầu thơ trong bụng, để khi cần cho ra ngay. Ngoài ra, cư sĩ Nguyên Giác còn một biệt tài khác ít ai biết, ông là một họa sĩ, chỉ vài nét nguệch ngoạc, ông đã tạo ra được một tác phẩm gợi nhắc sự tài hoa của nữ họa sĩ Bé Ký.

Cư sĩ Phan Tấn Hải là một người hiền lành dễ mến, ký giả Thanh Huy của Việt Báo cho biết, ông sống rất đơn giản, ăn mặc xuềnh xoàng, không cầu kỳ, không to tiếng với ai bao giờ. Trong lúc đang làm việc, thỉnh thoảng ông cũng dành ít phút “thiền.”

Có lẽ chất thiền đã ăn sâu vào tâm can của người cư sĩ, nên 10 bài gọi là thơ nhưng thực ra là những bài văn xuôi, không có vần điệu, niêm luật, và được gọi là “Thiền Ca.” Suốt 10 bài thơ do ông sáng tác, có những câu mà chỉ có người hiểu biết thâm sâu về Thiền mới có thể hiểu nổi. Thí dụ “Nhìn kia, chỉ hình hiện ra, không người không ta, chỉ hình được thấy, không ai đang thấy” trong bài Hoa Bay Khắp Trời; “Nhìn cảnh, hiện rồi biến, theo duyên, khởi rồi tan, trong mắt, thuần Chánh Kiến, nhìn tâm, thấy vô tâm. Nhìn sóng, chỉ là nước, không ta, cũng không người, nghe tiếng, nhận ra thức, Chánh Ngữ, ngộ không lời” trong bài Bát Chánh Đạo; “Nơi đây tôi ngồi, Tôi nói tôi cười, tôi nhìn tôi ngó, tôi nghe tôi thở, hôm qua như mơ, ngày mai rất lạ, cũng không là tôi, cũng không tôi là” trong bài Mời Em Vào Cõi Bất Sinh, và còn nhiều câu khác rải rác trong 10 bài Thiền Ca.

Quả thật, những lời dẫn chứng vừa kể, nếu không biết về Thiền thì “ở cõi nhân sinh không thể hiểu”!
Cũng như bài Hoa Bay Khắp Trời được dùng làm chủ đề cho cuốn CD; nếu không có tác giả Huệ Tánh giải thích: “Ngày xưa Đức Phật thành đạo, thay vì Nhập Niết Bàn thì Ngài ở lại trần thế 49 năm để thuyết pháp. Mỗi lần Ngài thuyết pháp xong chư thiên rải hoa bay đầy trời để tán thán công đức” mọi người mới hiểu ý nghĩa của Hoa Bay Khắp Trời là gì.

Riêng nhạc sĩ Trần Chí Phúc, một cựu sinh viên Luật Khoa Saigon trước 1975, ông đã sáng tác khoảng 70 ca khúc, thực hiện các CD và tập nhạc: Ru Em Đời Mất Xứ, Saigon Em Ở Đó, Chiều San Franciso, Saigon Em Vẫn Còn Đây, Chào Em Năm 2000, và sáng tác mới nhất: Saigon Một Thoáng 40 Năm, cùng với việc phổ nhạc 10 bài thơ của thi sĩ Phan Tấn Hải, thiền ca Hoa Bay Khắp Trời.

Trong lời phát biểu, nữ tài tử Kiều Chinh chúc mừng “đứa con tinh thần của cuộc kết hôn đẹp đẽ giữa thi sĩ Phan Tấn Hải và nhạc sĩ Trần Chí Phúc.”

Nghị Sĩ Janet Nguyễn trao tặng hai nghệ sĩ này một Bằng Tưởng Lục. Ngoài ra, Hoa Bay Khắp Trời còn nhận được lời khen tặng của Hòa Thượng Nguyên Trí và nhiều vị khác.

Trong buổi ra mắt, một số nhạc phẩm trong Hoa Bay Khắp Trời đã được các tiếng hát: Đặng Kim Loan, Nam Trân, Hương Thơ, Hồ Xuân Đào, Mai Phi Long gửi đến khán giả và được nồng nhiệt tán thưởng.
Muốn có CD Hoa Bay Khắp Trời xin liên lạc qua email: chiphuctran@yahoo.com hoặc nguyengiac@yahoo.com.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT