Người Việt Khắp Nơi

Buổi họp mặt của Lực Lượng Đặc Biệt thắm tình huynh đệ chi binh

Monday, 02/12/2019 - 07:07:57

Mỗi năm Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) lại tổ chức một lần hội ngộ để các niên trưởng và chiến hữu trong binh chủng có dịp gặp nhau...

Chiến hữu Nguyễn Đức Tiến, Hội Trưởng phát biểu (Thanh Phong/Viễn Đông)


Bài THANH PHONG


WESTMINSTER - Mỗi năm Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) lại tổ chức một lần hội ngộ để các niên trưởng và chiến hữu trong binh chủng có dịp gặp nhau, hàn huyên tâm sự, điểm danh quân số xem ai còn, ai mất. Năm nay buổi họp mặt được tổ chức tại nhà hàng Paracel Seafoof, Westminster vào trung tuần tháng 11, 2019. Ngoài chuyện hội ngộ, buổi họp mặt lần này cũng để ra mắt tân Ban Chấp Hành của Hội.
Chương trình buổi họp mặt do chiến hữu Nguyễn Đức Tiến (Hội Trưởng) và chiến hữu Ngô Văn Quy (Hội Phó Ngoại Vụ) điều hợp. Mở đầu với nghi thức rước Quốc, Quân Kỳ vào vị trí hành lễ do nhóm hậu duệ đảm trách. Phía trước sân khấu, hai hàng quân danh dự gồm đủ Hải, Lục, Không Quân đứng dàn chào.
Theo sự điều khiển của hai MC, mọi người nghiêm chỉnh chào quốc kỳ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa. Trong nghi thức Tưởng Niệm các đồng đội đã hy sinh, ban tổ chức mời các niên trưởng Phan Văn Huấn, Lê Tất Biên, Phan Bá Kỳ, Phan Văn Diêu, Nhan Hữu Hậu lên thắp nhang trước bàn thờ Tổ Quốc. Sau đó có nghi thức Tưởng Niệm Đồng Đội khá cảm động.

Chiến hữu Nguyễn Đức Tiến, Hội Trưởng Hội Ái Hữu LLĐB, thay mặt Ban Chấp Hành ngỏ lời chào mừng và cám ơn sự hiện diện của quý niên trưởng, chiến hữu các đơn vị bạn cũng như các thân hữu LLĐB và các cơ quan truyền thông. Ông nói về mục đích buổi họp mặt, “Hôm nay chúng ta họp mặt để tưởng nhớ những thanh niên ưu tú của miền Nam Việt Nam, vì yêu thương màu cờ sắc áo kiêu hùng của binh chủng LLĐB, vì yêu quê hương miền Nam Việt Nam thanh bình, no ấm đã tình nguyện dấn thân chấp nhận mọi hiểm nguy, gia nhập binh chủng LLĐB với mục đích là được phục vụ đất nước, bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam. Một số các chiến hữu đã âm thầm lặng lẽ ra đi, đem xác thân, xương máu tô điểm cho tổ quốc thân yêu và làm rạng danh cho đơn vị. Hôm nay, chúng ta, những người còn ở lại cùng nhau tưởng nhớ đến các anh , những anh hùng vô danh đã vị quốc vong thân và chúng ta cũng gặp lại anh em trong binh chủng để ôn lại những kỷ niệm xưa kia khi chúng ta cùng chiến đấu bên nhau.”


Nghi thức chào cờ trong buổi họp mặt của Lực Lượng Đặc Biệt. (Thanh Phong/Viễn Đông)


Sau diễn văn khai mạc, Hội Trưởng Nguyễn Nguyễn Đức Tiến giới thiệu tân Ban Chấp Hành. Ngoài ông là Hội Trưởng còn có các chiến hữu Ngô Văn Quy (Phó Hội Trưởng Ngoại Vụ); Don Nguyễn (Phó Hội Trưởng Nội Vụ); Huỳnh Văn Thanh (Thư Ký), bà Phạm Ái Phương (Thủ Quỹ), bà Lệ Giang (Trưởng Ban Xã Hội); chiến hữu Võ Hùng Phương (Trưởng Ban Khánh Tiết và Nghi Lễ); Luật sư Katie Hoàng (Cố Vấn Pháp Luật). Ban Cố Vấn vẫn giữ nguyên không thay đổi.

Niên Trưởng Nhan Hữu Hậu được mời phát biểu. Là một chiến sĩ LLĐB đã từng vào sinh ra tử, hiện nay tuy tuổi tác đã cao nhưng ông vẫn hăng hái có mặt trong các sinh hoạt chống cộng, và nhất là không vắng mặt lần nào khi binh chủng của ông tổ chức họp mặt. Niên trưởng Nhan Hữu Hậu nói ngắn gọn, “Tuy phần lớn chúng ta tóc đã bạc, tuổi đời đã cao nhưng tinh thần chúng ta vẫn rắn rỏi, chúng ta là những người đã nặng nợ với núi sông, thời gian còn lại của chúng ta còn rất ngắn ngủi, nên hãy trân trọng quý mến nhau, hàn gắn lại những gì đã làm chúng ta xa nhau trong thời gian qua, để cùng nhau sống hạnh phúc, yêu thương như lúc chúng ta còn chiến đấu bên nhau.”

Phu nhân cố Trung Tá Nguyễn Quang Ngọc (LLĐB) từ New Orleans qua cũng được mời phát biểu. Bà chỉ nói mấy lời cám ơn ban tổ chức, cám ơn quý niên trưởng và tất cả các chiến hữu LLĐB đã có thời gian cùng phục vụ với phu quân của bà trong màu áo LLĐB. Trong dịp Hội ngộ lần này, tân Ban Chấp Hành có tặng qúy vị niên trưởng trong lực Lượng, mỗi vị một chiếc mũ nồi đen có huy hiệu LLĐB.


Nghi thức Tưởng Niệm đồng đội (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Trong số các chiến hữu LLĐB có nữ chiến hữu Phan Lệ Giang, trước đây bà là Y Tá săn sóc các thương binh LLĐB tại bệnh viên Long Bình, bà đã chứng kiến không biết bao nhiêu chiến sĩ LLĐB đã hy sinh vì tổ quốc cũng như những chiến sĩ đã hy sinh một phần thân thể cho đất nước, tuy còn sống nhưng đã trở thành phế nhân, thật tội nghiệp, vì thế bà luôn có mặt mỗi lần họp mặt của Hội Ái Hữu LLĐB. Hiện nay bà Lệ Giang Phan Thị Chín là Hội Trưởng Hội Ái Hữu Bà Triệu gần 20 năm qua, một vị Hội Trưởng giữ chức vụ lâu dài nhất. Sau các tiết mục trên, chương trình bước vào phần tiệc mừng hội ngộ và văn nghệ.

Lực Lượng Đặc Biệt được thành lập vào tháng 3 năm 1963 dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. LLĐB là một tổ chức chiến tranh không quy ước hay còn gọi là chiến tranh ngoại lệ, vì thế tên gọi của các đơn vị và tổ chức đều phải mang ám số (vỏ bọc) để các đơn vị bạn cũng như quần chúng không biết họ đang phục vụ với mục đích gì? phục vụ cho ai? Và ngay chính gia đình họ cũng không biết họ đang làm gì, tại đâu?
Niên trưởng Phan Bá Kỳ cho biết, “Để bảo toàn hiệu quả cho các họat động tình báo chiến lược, họ phải giữ ngăn cách và bí mật nên chính các cấp chỉ huy, hàng tướng lãnh đến các sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ của các binh chủng bạn phần lớn đều không biết họ và các họat động của họ. Các giới chức hành chánh cao cấp, các nhà trí thức, các nhà văn, nhà báo, các phóng viên không thể lấy đâu ra những tin tức, tài liệu chính xác để có thể hỗ trợ, khích lệ hoặc truyền thông một cách thích ứng.”

Giai đoạn đầu thành lập, LLĐB có tên gọi là Sở Liên Lạc đặt trực thuộc Phủ Tổng Thống và có bí danh là “Trung Ương Cục” để đối đầu với Trung Uơng Cục Miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt. Một trong các nhiệm vụ nguy hiểm nhất của LLĐB là hành quân thả toán trong các mật khu Việt Cộng ở miền Nam, hành quân thả tóan xuống miền Bắc, vì thế các vị Chỉ Huy LLĐB được tuyển chọn kỹ càng và được Tổng Thống trực tiếp bổ nhiệm, trong đó có Đại Tá Lê Quang Tung, Đại Tá Trần Khắc Kính, Chuẩn Tướng Lam Sơn, Thiếu Tướng Đoàn Văn Quảng, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Trung Tá Trần Hữu Tác, Đại Tá Lâm Quang Phòng, Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, Đại Tá Hồ Tiêu…


Các phu nhân chiến sĩ Lực Lượng Đặc Biệt trong tà áo dài làm tăng vẻ đẹp và trang trọng trong buổi họp mặt. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 


Hai đơn vị của LLĐB được nhiều người biết đến là Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù với hai câu thơ “An Lộc Địa Sử Ghi Chiến Tích – Biệt Cách Dù Vị Quốc Vong Thân” và Mặt Trận Gươm Thiêng Ái Quốc tức là Mặt Trận Giải Phóng Miền Bắc, trong đó có đài phát thanh Gươm Thiêng Ái Quốc. Đến tháng 6/1969 LLĐB chỉ còn điều hành Đài Phát Thanh Phản Gián có tên là Đài Tiếng Nói Tự Do do Trung Tá Vũ Quang Ninh làm Quản Đốc. Trung Tá Vũ Quang Ninh cũng là người sáng lập đài Little Saigon Radio tại Nam California. Đài hiện vẫn đang được đồng hương yêu mến tín nhiệm, nhưng Trung Tá Vũ Quang Ninh đã ra người thiên cổ. LLĐB tồn tại đến cuối năm 1970 và giải tán. Hầu hết các chiến sĩ LLĐB được chuyển qua binh chủng Biệt Động Quân Biên Phòng và chiến đấu rất anh dũng cho đến ngày miền Nam bi rơi vào tay Cộng sản miền Bắc.
Muốn biết chính xác về LLĐB cần phải đọc cuốn “Lực Lượng Đặc Biệt Giữa Những Tổ Chức Chiến Tranh Không Quy Ước” của tác giả Phan Bá Kỳ, một niên trưởng phục vụ trong Bộ Tư Lệnh LLĐB, sách xuất bản vào năm 2006 tại California Hoa Kỳ.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT