Người Việt Khắp Nơi

Bức Tường Tưởng Niệm Tử Sĩ Chiến Tranh Việt Nam đến Quận Cam

Friday, 07/10/2011 - 09:19:15

Bức Tường Di Động này là một bản sao nguyên thủy có kích thước bằng một phân nửa của Bức Tường Tưởng Niệm Các Cựu Chiến Binh Việt Nam ở thủ đô Washington.

Bức Tường Di Động dời hết mọi sự: tình yêu, chiến tranh, quốc kỳ, súng đạn

Vanessa White/Viễn Đông


Chạm vào quá khứ - ảnh: Venessa Beck/Viễn Đông

GARDEN GROVE, California – Nếu mọi sự trong tình yêu và chiến tranh là công bằng, thì cả hai phải ngang nhau.
Vào hôm 6-10-2011, ông Frans Vandenbroek, một cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam, đã nói đến điểm này, trong buổi lễ khai mạc Bức Tường Di Động. Với tư cách là một diễn giả được mời, ông nói với đám đông đang trầm tư rằng ông có khuynh hướng nhìn những từ ngữ “tình yêu” và “chiến tranh” như là những đối cực tương khắc, không được sử dụng một cách thích hợp trong cùng một câu.
Tuy nhiên, bầu không khí ở khu công viên Garden Grove Park, nơi đón Bức Tường Di Động, cho thấy có một sự trân trọng đối với những sinh mạng đã mất đi vì chiến tranh, những mạng sống được yêu thương.
Những lá cờ Mỹ tí hon phất phới hai bên đường Atlantic Avenue, và người ta quây quần lại, ôm nhau và bắt tay nhau. Những điệu nhạc chầm chậm, khiến người ta thả hồn suy tư phát ra từ các loa phóng thanh ở gần một sân khấu dựng tạm, phảng phất na ná như những bước chân và những gương mặt của những người đang tiến bước về phía Bức Tường.


Một thoáng suy tư, hồi tưởng - ảnh: Venessa Beck/Viễn Đông

Bức Tường Di Động này là một bản sao nguyên thủy có kích thước bằng một phân nửa của Bức Tường Tưởng Niệm Các Cựu Chiến Binh Việt Nam ở thủ đô Washington. Mục đích của Bức Tường Di Động là đem lại cho những người nào không thể đến thủ đô Hoa Kỳ một cơ hội để nhìn ngắm Bức Tường Tưởng Niệm với chiều cao đầy đủ. Bức Tường Di Động đi khắp cả nước Mỹ, từ tháng 4 đến tháng 11.
Với chiều cao tăng lên dần dần, khi được nhìn từ trái sang phải, Bức Tường Di Động chứa đựng danh tánh của 58.267 quân nhân Hoa Kỳ, mỗi một tên tuổi đều nhắc lại một trường hợp tử vong, làn nhớ lại một người hy sinh mạng sống trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam.
Garden Grove là quê hương của 41 tử sĩ như vậy, tất cả đều nhận được tình yêu mến vào ngày 6-10-2011.
Tất cả là chỉ vì chiến tranh.

* Câu chuyện của ông Vandenbroek
Trong khi ông Vandenbroek tiếp tục nói, dừng lại cô đọng giữa mỗi chữ, ông đưa ra những sự so sánh song song giữa tình yêu và chiến tranh, rút ra từ chính kinh nghiệm của ông trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam.
Cha là người Hòa Lan và mẹ là người Nam Dương, ông Vandenbroek cùng với cha mẹ mình và anh chị em mình chạy trốn khỏi bạo loạn ở Nam Dương vào năm 1958, khi ông lên 10 tuổi. Sau khi sống ở Hòa Lan được gần hai năm, gia đình ông di cư sang Hoa Kỳ trong năm 1960, định cư ở thành phố Cypress.
Cảm thấy mang ơn nước Mỹ, ông Vandenbroek bèn nhập ngũ vào Quân Đội Hoa Kỳ trong năm 1966. Ông được huấn luyện để trở thành trưởng phi hành đoàn, và phục vụ trong Đại Đội Trực Thăng Tấn Công 68. Ông bị mất bốn chiếc trực thăng và hai viên phi công trong thời gian Chiến Tranh Việt Nam.
Sau khi trở về Mỹ, và được giải ngũ trong vinh dự, vì những thương tích trong một vụ chìm một chiếc tiểu đĩnh võ trang, ông trở thành công dân Hoa Kỳ vào năm 1969.
Thời gian trôi qua, nhưng những hoài niệm ký ức không qua đi. Cách đây mấy năm trên mạng Internet, tình cờ ông bắt gặp danh tánh của một trong những viên đại úy trước đây chỉ huy ông. Ông liền gọi điện thoại cho người này, và viên đại úy ấy cũng nhớ ra ông. Sau một hồi nói chuyện, ông được mời tới dùng bữa chung với viên đại úy và gia đình.
Trước cuộc tái ngộ, ông Vandenbroek cảm thấy bồn chồn lo lắng, vì tôn ti trật tự trong quân đội không cho phép binh sĩ và các cấp sĩ quan cư xử xuề xòa với nhau.
Khi gặp lại viên đại úy của mình, ông Vandenbroek chìa tay ra và chào bằng cấp bậc đại úy và họ của vị chỉ huy cũ. Ông đại úy liền cười xòa mà nói: “Bây giờ là Ron rồi”, và ôm lấy ông Vandenbroek.
Cuộc đoàn tụ với vị đại úy của mình đã cho ông Vandenbroek thấy rằng tình yêu và chiến tranh đúng là cùng tồn tại với nhau, những mối dây liên kết được hình thành trở thành đại diện cho một tình yêu đối với đất nước của ông và những người ông từng cùng họ phục vụ.

* Tình yêu cảm nhận được, dù không nói ra được
Khi có mặt tại Trung Tâm Giáo Dục, trong một phòng thể dục ở gần Bức Tường Di Dộng, nơi trưng bày hình ảnh, những mẩu chuyện, và các bộ quân phục từ cuộc Chiến Tranh Việt Nam, phóng viên nhật báo Viễn Đông gặp được Trung Tá Nguyễn Đạt, một cựu chiến binh của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Đạt giở nhanh những tập hồ sơ chứa đầy những tấm ảnh chụp từ thời chiến tranh, dừng lại và chỉ vào ảnh của một người nào đó, như cựu Tổng Thống Richard Nixon, một phụ nữ Việt Nam, và một nhóm lính Mỹ chuẩn bị ra trận.


Cho những binh sĩ đã nằm xuống - ảnh: Venessa Beck/Viễn Đông

Với một cái nhìn nghiêm trang, ông nói: “Nhiều người Mỹ đã chết ở Việt Nam”, rồi ông tiếp tục lật nhanh qua các tấm ảnh, không nói thêm gì nữa.
Ông bước tới phía những tấm bảng được dựng lên trong phòng, có gắn những bức ảnh chụp các chiến sĩ cầm súng, với những chữ như “Liêm Chính” và “Dũng Cảm” gắn bên những tấm hình.
Kế bên tấm bảng này, có một tấm bảng khác treo quốc kỳ Mỹ. Cảnh tượng phản ảnh những từ ngữ mà ông Vandenbroek đã dám đặt cạnh bên nhau và làm cho bình đẳng ngang hàng hai chữ: tình yêu và chiến tranh.


Một phần Bức Tường Tưởng Niệm với lá cờ Quốc Gia Việt Nam, biểu tượng cho
Di Sản và Tự Do của người Việt tị nạn Cộng Sản. Tự do cũng là lý tưởng
mà những người lính Hoa Kỳ đã hy sinh để bảo vệ - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông.

* Thăm Bức Tường Tưởng Niệm và Trung Tâm Giáo Dục
Bức Tường Tưởng Niệm và Trung Tâm Giáo Dục sẽ mở cửa cho đến hết ngày 10-10-2011, vào cửa hoàn toàn miễn phí. Trung Tâm Giáo Dục mở cửa cho công chúng vào thăm, từ 10 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều, vào hai ngày 8 và 10 tháng 10, và cho đến 7 giờ tối vào ngày 9 tháng 10. Còn Bức Tường Tưởng Niệm được mở cửa cho công chúng suốt 24 tiếng đồng hồ.
Một nghi lễ bế mạc sẽ được tổ chức vào ngày 9 tháng 10, lúc 3 giờ chiều.
Bức Tường Kỷ Niệm được dựng trong khu công viên Garden Grove Park, số 9301 đường Westminster Ave. ở thành phố Garden Grove, còn Trung Tâm Giáo Dục tọa lạc tại khu Garden Grove Sports and Recreation Center, bên cạnh công viên. - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT