Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Bữa tiệc âm nhạc đặc sắc A Lifetime of Music mừng thọ giáo sư Lê Văn Khoa

Saturday, 30/11/2013 - 01:17:11

Một không gian âm nhạc hoàn mỹ, khán giả được thư giãn và thưởng thức phong cách âm nhạc đa dạng, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau qua một số tác phẩm sáng tác, hòa âm tiêu biểu của giáo sư, nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa, và một vài tác phẩm qua phần hòa âm của nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng

Băng Huyền/ Viễn Đông




Toàn thể nghệ sĩ (hình Lê Minh Khải).


 
Một không gian âm nhạc hoàn mỹ, khán giả được thư giãn và thưởng thức phong cách âm nhạc đa dạng, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau qua một số tác phẩm sáng tác, hòa âm tiêu biểu của giáo sư, nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa, và một vài tác phẩm qua phần hòa âm của nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng, Vũ Trụ, do dàn nhạc giao hưởng 60 nhạc sĩ Việt- Mỹ biểu diễn; và sự tham gia của dương cầm thủ Nguyễn Vân Anh (đến từ Úc Châu), nghệ sĩ vĩ cầm Nguyễn Phúc Hải (đến từ tiểu bang Washington); 15 em nhỏ chơi vĩ cầm thuộc dàn nhạc thiếu nhi Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ; ban hợp xướng 65 ca sĩ, cùng phần góp mặt của lực lượng ca sĩ hùng hậu trong phần đơn ca như Quỳnh Giao, Ngọc Hà, Mộng Thủy, Bích Liên, Bích Vân, Nguyễn Cao Nam Trân, Teresa Mai, Diana Nebria- Rossignol, Anh Dũng, Quang Tuấn, Phạm Hà, Lê Hồng Quang, bé Hugo Nguyễn.


                       Ca sĩ Ngọc Hà trong khúc “Ngày Mai Chia Tay” của Lê Văn Khoa (hình Don Nguyen)



Chương trình là sự chắt chiu, tích lũy của hàng trăm con người với năng lực chuyên môn hàng đầu, cùng hợp lực để tạo nên một buổi hòa nhạc đỉnh cao, oai hùng nhưng đầy cuốn hút và mê hoặc, đây chính là những gì khán giả có thể cảm nhận được ở đêm nhạc “A Lifetime of Music” do hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ tổ chức vào tối thứ Bảy 23-11-2013 tại hý viện La Mirada Theatre (thành phố La Mirada) để mừng sinh nhật 80 tuổi của giáo sư Lê Văn Khoa và tôn vinh những đóng góp tuyệt vời của ông cho âm nhạc. Trước khi buổi hòa nhạc bắt đầu, phần nghi lễ vinh danh giáo sư Lê Văn Khoa diễn ra thật ấm cúng và thân tình, lần lượt những đại diện của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, Học Khu Garden Grove, Hội Đồng Thành Phố Westminster, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, Hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam đã trao tặng bằng tưởng lục và những món quà ý nghĩa để chúc thọ 80 đến nhạc sĩ Lê Văn Khoa.



                                                   Nhạc sĩ vĩ cầm tí hon (hình Lê Minh Khải)



Trong vòng gần 4 tiếng đồng hồ, 23 tác phẩm đã được các nghệ sĩ, ca sĩ, các em thiếu nhi trong dàn nhạc hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ đưa khán giả vào những giây phút, những khoảnh khắc của âm nhạc, của tình thương, nỗi nhớ nhà và những điều thiêng liêng khác, thoát khỏi những lo toan, nhọc nhằn, tìm được sự yên bình, thanh thản.

Tiếng vĩ cầm, viola, bộ gõ, dàn kèn đồng, tiếng sáo, tiếng piano... hòa điệu cùng nhau, với đủ sắc thái. Không còn phân biệt âm nhạc của Đông hay Tây, không còn “cách trở” không gian và thời gian, mà tất cả cùng giao hòa trong cảm xúc, cùng một nhịp đập của trái tim.


           Nhạc trưởng Lê Văn Khoa điều khiển dàn nhạc và ban hợp xướng trong ca khúc “Ca Ngợi Tự Do” (hình Don Nguyen)



Nét đẹp của tác phẩm khí nhạc

Bằng đôi tay khéo léo, nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng đã điều khiển dàn nhạc để mở đầu chương trình với tác phẩm “Waves of the Danube” của nhà soạn nhạc Ion Ivanovici, qua phần hòa âm tuyệt đẹp của giáo sư Lê Văn Khoa, người nghe cảm đuợc phần hòa âm thật đa dạng của dàn nhạc giao hưởng, tiếng violin, piano… cảm nhận được cường độ, trường độ, nhịp độ đi kèm với giai điệu Valse, đưa người nghe mường tượng đến vẻ đẹp nước cuồn cuộn lên từng đợt, lớp sóng sau lên cao hơn lớp sóng trước rồi vỡ òa ra để chảy chậm rãi và uy nghi, rồi cuối cùng lớn dần thành sông cái với nhịp sóng nhè nhẹ và vui tươi của con sông Danube.


                        Nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng và ca sĩ Bích Liên trong “Đôi Mắt Người Sơn Tây.”



Tài năng của giáo sư Lê Văn Khoa không chỉ được biết đến trong phần hòa âm những tác phẩm cổ điển của thế giới, ông còn sáng tác những tác phẩm độc lập của riêng mình, như “Nocturne,” “là tiếng lòng của ông, được viết ở San Diego trong thời gian ông hay tin thân phụ của ông qua đời ở Việt Nam,” tác phẩm này từng được ông viết cho đàn violin và piano.

Trong đêm nhạc “A Lifetime of Music,” khán giả được thưởng thức tác phẩm này do giáo sư Lê Văn Khoa viết lại cho violin độc tấu do Nguyễn Phúc Hải solo với dàn nhạc. Tiếng vĩ cầm của Nguyễn Phúc Hải đã diễn đạt trọn vẹn cảm xúc của tác giả, nỗi cuồn cuộn nhung nhớ, nỗi đau quặn thắt lòng người khi nghĩ đến thân phụ vừa qua đời, khi thì dìu dặt, lúc da diết, cháy bỏng, mênh mang, sâu lắng, đã truyền đến cảm xúc lay động mọi giác quan người nghe, dẫu không có phần lời dẫn dắt, khán giả buộc phải tưởng tượng nhiều hơn, hình dung sâu hơn về cấu trúc trong âm nhạc và khoảng không gian mà nó tạo thành.


    Dương cầm thủ người Úc gốc Việt Nguyễn Vân Anh trình tấu tác phẩm “Evening” của Lê Văn Khoa.



Còn với tác phẩm “Evening,” được giáo sư Lê Văn Khoa viết cho phần độc tấu piano cùng với dàn nhạc giao hưởng, những đoạn trình diễn solo điêu luyện của dương cầm thủ Nguyễn Vân Anh diễn tấu vô cùng lôi cuốn, khả năng làm chủ cây đàn thành thục và phong thái trình diễn tinh tế, sự “tác hợp” ăn ý giữa tiếng đàn piano và dàn nhạc giao hưởng dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng đã khiến khán giả Mỹ, Việt mê đắm vẻ độc đáo đầy gợi cảm của tác phẩm “Evening.”

Nét độc đáo và thăng hoa của tác phẩm thanh nhạc

Đan xen giữa các tiết mục hoà nhạc không lời, là những ca khúc đầy thanh thoát, sâu lắng của giáo sư Lê Văn Khoa viết nhạc và lời, hay phần hòa âm của giáo sư Lê Văn Khoa cho dân ca Việt Nam, những ca khúc của các nhạc sĩ tài danh Lê Thương, Dương Thiệu Tước, Cung Tiến, Phạm Duy, Phạm Đình Chương… cùng phần hòa âm của nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng, Vũ Trụ.


               Hugo Nguyễn, “Nếu có ai hỏi em, em là người nước nào thì em xin thưa rằng em là người Việt Nam trong máu xương...” (hình Don Nguyen)



Giọng hát giàu cảm xúc của ca sĩ Ngọc Hà, hiền thê của giáo sư Lê Văn Khoa, đã thể hiện trọn vẹn nỗi khắc khoải, thiết tha trong ca khúc “Memory” hay còn có tên gọi khác là “Ngày Mai Chia Tay,” được ông sáng tác vào năm 1956 khi còn trẻ, lúc ông đang bệnh lao phổi nặng, tưởng chừng sẽ phải “chia tay sự sống.” Đây có thể xem là một bản tình ca đẹp nhưng đượm buồn với giai điệu quyến luyến cùng những lời ca u hoài da diết, đã gợi mở sự “cảm nhận lưu luyến, không muốn chia rời cuộc sống” giàu rung cảm sâu sắc.

Vẫn là giọng hát trầm ấm, nhả chữ rất đẹp, quãng trầm vang, rền, từng câu từng từ đều nắn nót của ca sĩ Quang Tuấn, nhưng nét nhạc quen thuộc “Mộng Dưới Hoa” (thơ Đinh Hùng, nhạc Phạm Đình Chương) được vang lên bởi dàn nhạc đã tạo nên những cảm xúc bâng khuâng khó tả cho người nghe.

Giọng hát của Mộng Thủy đầy kỹ thuật, nhưng cũng thật tình cảm, đã “tan” thật sự, tan trong từng nốt nhạc, tan trong từng lời ca của Phạm Duy (viết lời Việt) cho tác phẩm “Serenata” của Enrico Toselli, hòa âm Lê Văn Khoa, để một lần nữa chắp cánh cho nó thăng hoa, bay lên, bay lên cùng một tiếng hát cứ mãi vút cao. Ca sĩ Lê Hồng Quang đầy tâm trạng khi thể hiện trọn vẹn những cung bậc ẩn hiện tiếng lòng người con mong nhớ, tha thiết yêu quê mình qua “Tình Hoài Hương” (nhạc và lời Phạm Duy, hòa âm Lê Văn Khoa).


Các nghị viên thành phố Westminster Diana Carey và Margie Rice chụp hình với nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa. (hình Don Nguyen)



Tứ ca Ngọc Hà, Vương Lan, Vũ Anh, Bùi Quỳnh Giao thể hiện thành công giai điệu vui tươi đằm thắm như nét đặc trưng của tâm hồn người Việt của bài dân ca quan họ Bắc Ninh “Se Chỉ Luồn Kim” (hòa âm Lê Văn Khoa).

Tuy nhiên, trong chương trình vẫn có những tác phẩm chưa được các ca sĩ thể hiện xuất sắc lắm, chưa phô diễn hết tài năng mà họ đã từng thể hiện trong những chương trình khác, như ca sĩ Phạm Hà với ca khúc “Riêng một góc trời” (nhạc và lời Ngô Thụy Miên, hòa âm Vũ Trụ), Nguyễn Cao Nam Trân thể hiện “Hương Xưa” (nhạc và lời Cung Tiến, hòa âm Lê Văn Khoa), Quỳnh Giao với “Thụy Khúc” (nhạc và lời Vũ Thành, hòa âm Lê Văn Khoa), Anh Dũng hát “Kiếp Dã Tràng” (nhạc và lời Từ Công Phụng, hòa âm Lê Văn Khoa), Bích Liên với “Đôi Mắt Người Sơn Tây” (Thơ Quang Dũng, nhạc Phạm Đình Chương, hòa âm Lê Văn Khoa).


            Nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa ký tặng sách “Lê Văn Khoa: Một Người Việt Nam” cho thị trưởng Westminster Tạ Đức Trí. (hình Don Nguyen)



Bù lại, những tiếng hát của Bích Vân, Teresa Mai, Diana Nebria Fisher-Rossignol, ban hợp xướng Little Saigon Master Choral và bé Hugo Nguyễn đã cống hiến những tiết mục xuất sắc, đem lại những tràng pháo tay cổ võ của cả ngàn khán giả nơi hí viện La Mirada Theatre.

Những tiếng hát xuất sắc, tỏa sáng trong chương trình

Giọng hát trong veo, cao vút của Teresa Mai vút lên thật lộng lẫy và làm chủ bài hát “Nessun Dorma” trong vở opera cổ điển “Turandot” của nhà soạn kịch bậc thầy Giamoco Puccini (hòa âm Nguyễn Khánh Hồng) thật mạnh mẽ, lôi cuốn, tự tin, nhưng cũng đầy chất trữ tình.

Giọng ca của Teresa Mai (trong vai Kim) với làn hơi khỏe khoắn, cách diễn đạt tinh tế, đặt tâm hồn mình vào từng nốt, từng câu, cùng giọng ca của Phạm Hà (vai Chris), cùng thể hiện trích đoạn của nhạc kịch “Miss Saigon” (bài “Sun and Moon” âm nhạc của Claude- Michel Schonberg và Alain Boublil, lời Richard Maltby, hòa âm Nguyễn Khánh Hồng) thật thiết tha, đớn đau của cuộc tình ngang trái giữa một quân nhân Mỹ và cô gái mồ côi xinh đẹp người Việt, vào những năm cuối cùng người Mỹ hiện diện tại miền Nam Việt Nam.

Kỹ thuật và cảm xúc hoàn hảo gần như tuyệt đối, phong thái trình diễn xuất thần của ca sĩ Bích Vân khi thể hiện ca khúc “Mơ Về Quê Tôi” của giáo sư Lê Văn Khoa. Quãng giọng rộng và khả năng tự tình trong từng từ, từng đoạn của”Mơ Về Quê Tôi” đã khiến khán giả lắng nghe Bích Vân hát như nuốt lấy từng lời và bỗng chốc lại rùng mình mỗi khi Bích Vân bùng nổ trong những cao trào.

Một phần trình diễn có khả năng lay động đến từng tế bào người nghe khi cô diễn tả tâm trạng xa xứ, nỗi đau hãi hùng trong bước đường đi tìm tự do, đó cũng chính là tâm trạng và hoàn cảnh của tác giả Lê Văn Khoa và của biết bao người Việt tị nạn đã phải trải qua trên đường vượt biển, vượt biên để đến được bến bờ Tự Do. Bích Vân đã hát “The Blue Danube” (Nhạc của Johan Strauss II, lời việt “Dòng Sông Xanh”của Phạm Duy, hòa âm Nguyễn Khánh Hồng) với giọng ca véo von bay bổng, rộn ràng, miêu tả thật tuyệt mỹ vẻ đẹp mênh mông xa vắng đến nao lòng của sông Danube xanh.

Giọng nữ cao của Diana Nebria Fisher-Rossignol rất giàu cảm xúc, tiết chế và đúng mực, giọng hát “đẳng cấp” của chị khiến khán giả gần như nín thở để lắng nghe “I Remember” (Nhạc và lời Lê Văn Khoa, lời tiếng Anh James Banarian, hòa âm Lê Văn Khoa) thật mãnh liệt, nó cuốn đi và bừng sáng như một ngọn lửa.

Chất giọng trong trẻo, hồn nhiên, đong đầy cảm xúc của bé Hugo Nguyễn (7 tuổi), sinh ra tại Mỹ, con trai của anh Hoài Nguyễn và chị Anh Thư Võ, khiến cả khán phòng vỡ òa cảm xúc và tự hào khi bé hát vang ca khúc thiếu nhi “Nếu có ai hỏi em” (nhạc và lời Lê Văn Khoa) đứng bên cạnh dàn nhạc thiếu nhi và dàn nhạc giao hưởng hòa tấu.

Ở giọng ca nhỏ tuổi này còn có sự tự tin và bản lĩnh làm chủ sân khấu, một “điểm cộng” mà không ít ca sĩ phải mất nhiều năm mới có được. Lần trình diễn này em chỉ được tập với dàn nhạc một lần trước khi ra diễn chính thức, trước đó, em chỉ được ba tập hát ở nhà. Đây là một giọng hát khá đẹp, chắc nhịp.

Một trong những lợi thế lớn của Hugo Nguyễn được sinh ra trong một gia đình có thẩm mỹ nghe nhạc rất cao. Anh Hoài Nguyễn biết chơi đàn guitare và thường hay hát nghêu ngao với con, tập cho bé hát, để truyền tình yêu tiếng Việt, nhạc Việt cho bé. Hugo Nguyễn từng đạt giải nhất chương trình “Tiếng Việt Mến Yêu” vào tháng 6 năm 2012, trên đài truyền hình SBTN, qua ca khúc đơn ca “Anh Là Ai” của Việt Khang, trước đó cũng trong tháng 6, bé đã thể hiện lần đầu tiên ca khúc này trong lễ bế giảng lớp tiếng Việt mà bé theo học từ Mẫu giáo tại Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam. Hugo Nguyễn đã được ba mẹ ghi danh theo học đàn piano với giáo sư Lê Văn Khoa khoảng 1 năm nay.

Anh Hoài Nguyễn chia sẻ với người viết, “Trước khi gửi Hugo theo học với thầy Khoa, tôi có theo dõi một số chương trình về giáo sư Lê Văn Khoa và tôi rất cảm phục thầy, ước muốn con mình ít nhiều bước chân theo được con đường, suy nghĩ, lập trường nghệ thuật y như thầy. Tấm gương của thầy Khoa mà tôi luôn muốn con noi theo chính là khi đến với nghệ thuật, phải bằng hết tâm sức và hết mình cống hiến để làm rạng danh cho người Việt nơi hải ngoại này, giống như thầy Khoa đã làm trong suốt cả cuộc đời.”

Vẻ đẹp của hợp xướng

Với đơn ca, người ta thường bị lôi cuốn bằng sự rung cảm đơn tính, đưa đến sự thán phục trước tài năng cùng sự thăng hoa của người ca sĩ, nhưng lại làm cho bản thân người thưởng thức thường “lùi xa” để chiêm ngưỡng. Thì đối với hợp xướng, ngoài sự rung cảm, nể phục những giọng ca đẹp, người nghe còn thấy sự ấm cúng, gần gũi, thậm chí dẫn đến trạng thái hòa mình vào cùng dàn hợp xướng, muốn trở thành một thành tố của thứ âm nhạc mà mình đang thưởng thức.

Nhạc trưởng Trần Chúc thật tài hoa khi điều khiển dàn nhạc và ban hợp xướng Little Saigon Master Choral qua tác phẩm Hòn Vọng Phu 3 (nhạc và lời Lê Thương, hòa âm Lê Văn Khoa) và “Việt Nam- Việt Nam” (Nhạc và lời Phạm Duy, hòa âm Lê Văn Khoa), đã đem lại sự thỏa mãn tuyệt đối cho người nghe.

Còn với bài hợp xướng “Ca Ngợi Tự Do” (Trích trong bản giao hưởng “Việt Nam 1975” của Lê Văn Khoa) do chính giáo sư Lê Văn Khoa điều khiển trong vai trò nhạc trưởng, là một kết thúc đẹp của chương trình. Bản hợp xướng đã vang lên dữ dội, khốc liệt, đầy bi thương, phẫn nộ của người dân miền Nam khi bị cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam. Kết thúc bài nhạc thật bay bổng, vút cao cho khát vọng tự do.

Chương trình hòa nhạc “A Lifetime of Music” đã kết thúc, nhưng với khán giả, vẫn còn đó những dư âm về một chương trình nghệ thuật hấp dẫn.

Với kinh phí rất cao cho một chương trình lớn, những người làm chương trình đã vượt qua nhiều khó khăn, áp lực, mang đến một bữa đại tiệc âm nhạc lay động lòng người, để lại những ấn tượng khó quên về những “hồi ức” đau thương và cả “niềm hy vọng,” tình yêu quê hương, đất nước, mà tài năng của giáo sư Lê Văn Khoa đã dành trọn cả cuộc đời để cống hiến cho âm nhạc, đem lại niềm tự hào cho người Việt nơi hải ngoại thật sống động, cùng những điều tốt đẹp, tính trữ tình, thân ái vẫn lẩn khuất trong lòng người Việt Nam nơi xứ người. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT