Văn Nghệ

Bữa tiệc âm nhạc đặc sắc "Ngàn Khơi 30 Năm Kỷ Niệm"

Friday, 29/11/2019 - 07:30:13

Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, một ban hợp xướng với những giọng hát giàu biểu cảm, yêu nghệ thuật hợp xướng qua những ca khúc quê hương


Tiết mục hòa tấu Bình Bán Vắn mở màn buổi diễn, do Nhạc Trưởng David Rentz điều khiển dàn nhạc giao hưởng Orchestra Collective of Orange County. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

 

Bài BĂNG HUYỀN

Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, một ban hợp xướng với những giọng hát giàu biểu cảm, yêu nghệ thuật hợp xướng qua những ca khúc quê hương với ước mong bảo tồn và làm đẹp thêm âm nhạc Việt Nam, đã sinh hoạt ngay thủ đô của cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ suốt 30 năm qua.

Dẫu trải qua biết bao thăng trầm, nhưng những thành viên sáng lập từ buổi đầu của ban Hợp Xướng Ngàn Khơi như nha sĩ Vũ Nguyễn Sương, bác sĩ Nguyễn Thị Nhuận, bà Ngô Nguyễn Tặng, v.v. cùng các thành viên tham dự thời gian sau vẫn cố gắng duy trì sinh hoạt trong chừng ấy năm để tạo được thành một gia đình hòa hợp đồng điệu trong việc cùng luyện tập hợp xướng bên nhau mỗi chiều Chủ Nhật hằng tuần.
Chiều Chủ Nhật tuần qua, ngày 24 tháng 11, 2019 tại Saigon Performing Arts Center, đã diễn ra buổi diễn rất đặc biệt, “Chiều nhạc hòa tấu hợp xướng Ngàn Khơi 30 Năm Kỷ Niệm.” Buổi diễn đã để lại nhiều dư âm đẹp, đầy cuốn hút và mê hoặc cùng những xúc cảm dâng trào, lắng đọng sâu sắc nơi trái tim của các khán giả trong khán phòng rạp hát Saigon Performing Arts Center.


Phần chào kết của các nhạc sĩ, nhạc trưởng, ca sĩ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Chiều nhạc càng đẹp hơn vì những tác phẩm có giá trị nghệ thuật trong gia tài âm nhạc Việt Nam của các nhạc sĩ Phạm Duy, Lê Văn Khoa, Hùng Lân, Vũ Văn Tuynh, Phạm Đình Chương, Nguyễn Văn Qùy, Lê Thương, Văn Cao, Cung Tiến, Tuấn Khanh, Vũ Thành, Từ Công Phụng, Vivian Lê, qua tài hòa âm của Lê Văn Khoa, Hồ Đăng Tín, Vũ Văn Tuynh, Trần Đại Phước, Vũ Ngọc Quang, Trần Bạch Đằng, Steven Ottomanyi đã được trình diễn bởi Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, những nhóm hát của Ngàn Khơi như nhóm Cát Trắng, ban Sóng Xanh dưới sự điều khiển của các nhạc trưởng Trần Mộng Thủy, Nguyễn Hoàng Hương, Bùi Quỳnh Giao, Lee Lee Trương. Các em học trò nhỏ của lớp nhạc VS Music Studio do ca sĩ Bích Vân và Sean Buhr hướng dẫn. Những giọng hát đơn ca, tạo được dấu ấn đẹp trong lòng khán giả mộ điệu gần xa, như Nguyên Khang, Bích Vân, Vasa Diệu Nga, Ngọc Hà, Bích Liên, Lê Hồng Quang, Mê Linh, Thu Vàng cùng với phần hòa đàn của dàn nhạc giao hưởng Orchestra Collective of Orange County với hơn 33 nhạc sĩ với các nhạc cụ đàn dây violin, viola, cello, bass, sáo, harp, kèn, bộ gõ... do Nhạc trưởng David Rentz (tiến sĩ âm nhạc, dạy tại đại học Claremont) điều khiển, tiếng dương cầm của Quốc Vũ, Trần Bạch Đằng. Dẫn dắt các tiết mục trong chương trình do ba MC Lê Đình Y Sa, luật sư Nguyễn Hoàng Dũng và Bích Trâm.

Bấy nhiêu thôi cũng đủ cho thấy vị thế vững vàng, độc đáo, là một concert thính phòng sang trọng và gây xúc động cho người thưởng thức do ban Hợp Xướng Ngàn Khơi tổ chức. Có lẽ, đó cũng là một trong những lý do khiến chương trình của Ngàn Khơi bao năm qua luôn thu hút sự quan tâm của những khán giả yêu nghệ thuật. Năm nay cũng không ngoại lệ, khán giả đến xem rất đông, với các hàng ghế trong rạp hát gần như kín hết.


Ca sĩ Bích Vân(Băng Huyền/ Viễn Đông)


Chương trình đã được mở màn với tác phẩm Bình Bán Vắn, là một trong những bản nhạc nhập môn đờn ca tài tử và cải lương đã được Giáo Sư Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa ký âm và hòa âm cho dàn nhạc giao hưởng hòa tấu. 

Tiếng vĩ cầm, viola, bộ gõ, tiếng sáo... hòa điệu cùng nhau, với đủ sắc thái do các nhạc sĩ của dàn nhạc giao hưởng Orchestra Collective of Orange County được Nhạc trưởng David Rentz điều khiển đã không còn phân biệt âm nhạc của Đông hay Tây, không còn “cách trở” không gian và thời gian, mà tất cả cùng giao hòa trong cảm xúc, cùng một nhịp đập của trái tim.

Bản Bình Bán Vắn đã không còn là bản nhạc đờn ca tài tử quen thuộc mà đã dày dặn hơn, nhiều bè nhiều lớp hơn để trở thành một tác phẩm khí nhạc mang tính chất thính phòng, sánh ngang với các tác phẩm khí nhạc quan trọng khác. Là sự phối hợp rất kỳ lạ và thú vị giữa âm nhạc dân gian với âm nhạc phương Tây, làm cho ngôn ngữ âm nhạc phong phú, sức diễn đạt mạnh mẽ, đa dạng và ý nhị hơn rất nhiều.


Ca sĩ Vasa Diệu Nga (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Lời ca, tiếng đàn của các nghệ sĩ trong chương trình đã vẽ lại vẻ đẹp của quê hương bằng âm nhạc, chất chứa tất cả những gì về một quê hương tuyệt đẹp trong ký ức khiến những người con xa xứ vẫn luôn say đắm, bồi hồi khi nhớ về.

Vẻ đẹp của hợp xướng, hợp ca

Các ca viên của ban hợp xướng Ngàn Khơi đã không phụ lòng kỳ vọng của các nhạc trưởng Mộng Thủy, Nguyễn Hoàng Hương, Bùi Quỳnh Giao, Lee Lee Trương và của chính họ suốt bao tháng trời luyện tập bên nhau, đưa người nghe vào một không gian âm nhạc với nhiều cảm xúc đẹp qua hình thức hợp xướng. Là một thế mạnh nổi trội trong việc biểu hiện mạnh mẽ sức mạnh cộng đồng, khơi gợi khí phách Việt, qua những tác phẩm Khỏe Vì Nước (sáng tác Hùng Lân, hòa âm cho hợp xướng Hồ Đăng Tín do nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Hương bắt nhịp). Xuân Quang Trung (Sáng tác Vũ Văn Tuynh, hòa âm cho hợp xướng và dàn nhạc giao hương Vũ Văn Tuynh, do nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Hương bắt nhịp). Lữ Hành (sáng tác Phạm Duy, Hồ Đăng Tín hòa âm cho hợp xướng, do Nhạc trưởng Mộng Thủy bắt nhịp). Năm ca khúc trong Biển Mẹ (trích Trường Ca Mẹ Việt Nam, sáng tác Phạm Duy, Vũ Ngọc Quang hòa âm cho hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng, nhạc trưởng Bùi Quỳnh Giao bắt nhịp).


Ca sĩ Nguyên Khang (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 


Các ca viên của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi thật xuất sắc khi gửi đến người nghe vẻ đẹp của các tác phẩm âm nhạc với phần hòa giọng tuyệt vời, nhịp nhàng, đúng chỗ, đúng lúc, đúng thanh điệu, âm sắc với những mảng bè được phối đủ màu sắc, độc đáo, thể hiện kết quả của một quá trình luyện tập gian khổ. Đặc biệt như bài “Hương Xưa” vốn thường được hát đơn ca, trong chương trình qua phần hát hợp xướng đã được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết hòa âm cho hợp xướng 3 bè, như được khoác lên một tấm áo mới vô cùng quyến rũ, tôn lên vẻ đẹp vốn có của tác phẩm thêm bội phần.

Mở đầu phần hai chương trình là tiết mục trình diễn có khả năng lay động đến từng tế bào người nghe khi Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi cùng với dàn nhạc giao hưởng, do Nhạc trưởng David Rentz điều khiển, hát Bài Ca Ngợi Tự Do (Trích trong bản giao hưởng “Việt Nam 1975”, sáng tác Lê Văn Khoa, do Lê Văn Khoa viết hòa âm cho hợp xướng và.dàn nhạc giao hưởng). Bản hợp xướng đã vang lên dữ dội, khốc liệt, đầy bi thương, phẫn nộ của người dân miền Nam khi bị cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam. nỗi đau hãi hùng của biết bao người Việt tị nạn đã phải trải qua trên đường vượt biển, vượt biên để đến được bến bờ Tự Do, Kết thúc bài nhạc thật bay bổng, vút cao cho khát vọng Tự Do.


Nhóm Sóng Xanh (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Lấy cảm hứng từ một sự tích dân gian, một bi kịch đã được truyền tụng từ bao đời nay, cố nhạc sĩ tài hoa Lê Thương, tác giả của bộ ba ca khúc trường ca Hòn Vọng Phu bất hủ, đã kể câu chuyện bi thiết về người thiếu phụ có chồng đi chinh chiến, vẫn thủy chung ôm con chờ chồng hóa đá, bằng âm nhạc đặc sắc với ca từ bay bổng giàu tính tự sự. Dưới sự bắt nhịp của nhạc trưởng Trần Mộng Thủy, vẻ đẹp của những âm điệu khi trầm bổng, khi cao vút, lúc thì dồn dập, khi thì khoan thai, lúc thật êm dịu, bi thiết, não nùng, du dương tuyệt vời đã được ban hợp xướng Ngàn Khơi, lĩnh xướng Julianne Yên Thư diễn tả đầy đặn cảm xúc thật mênh mông như trải dài suốt biển trời đất nước Việt Nam.

Các ca viên của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi không chỉ thành công khi hát những bài hợp xướng, mà vài thành viên lập nên những nhóm hát như Ban Cát Trắng, Nhóm Sóng Xanh. Những nhóm hát này còn chứng minh cho khán giả thấy khả năng xử lý tinh tế phần phối bè, cùng với ưu điểm nổi bật của mỗi giọng hát trong nhóm hòa quyện với nhau, tạo nên một thể thống nhất đầy sắc màu, tô điểm thêm vẻ đẹp cho mỗi tiết mục khi họ vẽ lại trong trí người nghe vẻ đẹp của cảnh sắc quê hương tuyệt mỹ qua “Thu Cô Liêu” (nhạc và lời Văn Cao. Trần Đại Phước hòa âm cho hợp ca, Nhạc trưởng Lee Lee Trương bắt nhịp cho Nhóm Sóng Xanh và dàn nhạc), (Sáng tác Anh Việt Thu, hòa âm Hồ Đăng Tín, do ban Cát Trắng ca), “Ngày Xưa Hoàng Thị” (Nhạc Phạm Duy, thơ Phạm Thiên Thư, Hồ Đăng Tín hòa âm cho hợp xướng, do Nhạc trưởng Trần Mộng Thủy bắt nhịp).

Những tiếng hát trong trẻo, những gương mặt ngời sáng của các em nhỏ VS Music Studio dưới sự dìu dắt của ca sĩ Bích Vân và Sean Buhr đã đem lại thích thú cho khán giả qua hai ca khúc “Hoa Cam” (Sáng tác Vivian Lê) và Tuổi Thơ (Lê Thương). Ttiết mục của các em đã nhận được những trào pháo tay khích lệ đầy yêu thương từ các khán giả.


Ban Cát Trắng (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Các tiếng hát đơn ca

Bữa tiệc âm nhạc mừng Ngàn Khơi 30 năm không chỉ có hợp xướng, hợp ca, mà còn lưu lại cảm xúc trong trái tim người nghe là những tiếng hát đơn ca của các ca sĩ.
Ca sĩ Bích Vân, một giọng hát trong vắt, mượt mà đã in sâu trong lòng khán giả với nhiều thể loại âm nhạc. giọng ca của Bích Vân ẩn chứa chất tự sự trong cách biểu cảm như trút hết gan ruột khi hát “Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi (Phạm Duy). Giọng hát cao vút du dương, khi nhẹ nhàng, khi bay bổng, thánh thót của Bích Vân đã thể hiện trọn vẹn những cung bậc ẩn hiện tiếng lòng đầy thổn thức của những người con ly hương của đất mẹ Việt Nam dành cho quê hương qua ca khúc “Giấc Mơ Hồi Hương” (Vũ Thành).
Giọng nam cao Lê Hồng Quang đã đem đến cảm xúc đầy đặn cho người nghe khi hát Đôi Mắt Người Sơn Tây (Nhạc Phạm Đình Chương, phổ thơ Quang Dũng).

Giọng hát nồng ấm của Nguyên Khang với quãng trầm vang, rền, từng câu từng từ đều nắn nót rất đẹp, đã tạo nên những cảm xúc bâng khuâng khó tả cho người nghe khi anh hát Chiếc Lá Cuối Cùng (Tuấn Khanh). Còn với Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà (Nhạc Phạm Duy, phổ thơ Hữu Loan, với phần hát bè của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi), giai điệu của Phạm Duy và ca từ của nhà thơ Hữu Loan, cả hai đều đẹp đẽ mà sâu lắng, hùng dũng mà thân thương, da diết mà cháy bỏng. Tất cả quyện vào nhau, tạo nên một tác phẩm rung động trái tim bao người.

Ca khúc này được ca sĩ Nguyên Khang và Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi dưới sự bắt nhịp của nhạc trưởng Trần Mộng Thủy, đã làm người nghe không khỏi bồi hồi, xúc động, khiến bài hát vốn đã đẹp của sự hòa quyện giữa lời và nhạc, lại càng đẹp thêm qua giọng hát, tiếng đàn của các nhạc sĩ.
Tiếng hát đầy kỹ thuật, nhưng cũng thật tình cảm của Bích Liên kết hợp cùng phần hòa giọng của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, do Nhạc trưởng Trần Mộng Thủy bắt nhịp đã trình bày khá thành công ca khúc Tình Hoài Hương (Phạm Duy, Lê Văn Khoa viết hòa âm cho dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng).


Ca sĩ Julianne Yên Thư hát lĩnh xướng cùng Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi tác phẩm Hòn Vọng Phu 2. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 


Giọng hát của ca sĩ Ngọc Hà, hiền thê của giáo sư Lê Văn Khoa, đã thể hiện trọn vẹn nỗi khắc khoải, thiết tha trong ca khúc “Memory” hay còn có tên gọi khác là “Ngày Mai Chia Tay,” được ông sáng tác vào năm 1956 khi còn trẻ, lúc ông đang bệnh lao phổi nặng, tưởng chừng sẽ phải “chia tay sự sống.” Đây có thể xem là một bản tình ca đẹp nhưng đượm buồn với giai điệu quyến luyến cùng những lời ca u hoài da diết, đã gợi mở sự “cảm nhận lưu luyến, không muốn chia rời cuộc sống” giàu rung cảm sâu sắc.
Tiếng hát của ca sĩ Thu Vàng rất giàu cảm xúc, tiết chế và đúng mực khi trình bày vẻ đẹp của ca khúc Dạ Khúc (Nguyễn Văn Qùy).

Giọng ca thanh thoát, nhẹ nhàng của Vasa Diệu Nga đã kể cho người nghe về Kiếp Dã Tràng (sáng tác Từ Công Phụng, Lê Văn Khoa viết hòa âm cho dàn nhạc giao hưởng, do Nhạc trưởng David Rentz điều khiển. Giọng ca đẹp hòa cùng tài hòa âm tài tình của GS Lê Văn Khoa và tài nghệ trình tấu của các nhạc sĩ và nhạc trưởng, khi thong thả, lúc dồn dập, lúc lại chơi vơi thánh thót và kết thúc bằng một đoạn cao trào để rồi bản nhạc hết rồi mà còn âm vang mãi trong lòng người nghe.
Tiếng hát Mê Linh trong trẻo và dịu dàng đã thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp cảnh huyền ảo tuyệt vời với hương thơm lâng lâng trong một đêm hè ở Huế qua ca khúc Dạ Lai Hương (Phạm Duy, Lê Văn Khoa viết hòa âm cho dàn nhạc giao hưởng, do Nhạc trưởng David Rentz điều khiển ), người nghe như say và bay lên cùng giai điệu du dương lúc nào không hay.
Những lời ca kiêu hùng đầy lôi cuốn mạnh mẽ của “Việt Nam- Việt Nam” (Phạm Duy. Lê Văn Khoa viết hòa âm cho hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng, nhạc trưởng Trần Mộng Thủy bắt nhịp) Việt Nam kêu gọi thương nhau

Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai,
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời
Tình yêu đây là khí giới,
Tình thương đem về muôn nơi

Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người, đã được Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi hát vang, cùng tiếng vỗ tay theo nhịp bài hát của các khán giả trong khán phòng rạp hát, là tiết mục được chọn để kết thúc buổi diễn.
Những người thực hiện chiều nhạc Ngàn Khơi 30 Năm Kỷ Niệm và người thưởng thức, đã trao gửi cho nhau một hành trình thương nhớ quê nhà và hào khí của cha ông. Tâm tình ấy đã được thể hiện thật tuyệt vời qua các tác phẩm được chọn để biểu diễn. Chiều nhạc Ngàn Khơi 30 Năm Kỷ Niệm đã kết thúc nhưng những dư âm về một chương trình nghệ thuật hấp dẫn còn đọng mãi nơi người nghe. Với sự cố gắng của các thành viên trong ban quản trị của ban hợp xướng Ngàn Khơi, cùng sự cộng tác của các ca viên, các ca sĩ khách mời, nhạc sĩ trong dàn nhạc... đã vượt qua nhiều khó khăn, áp lực, mang đến cho khán giả một chương trình nghệ thuật lay động lòng người, để lại những ấn tượng khó quên về những hồi ức đau thương và cả niềm hy vọng,”tình yêu quê hương, đất nước nơi những người con Việt dẫu xa quê nhưng trong tim vẫn vọng về cố quốc bên kia bờ đại dương.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT