Đạo và Đời

Bốn dấu ấn của hiện hữu (Kỳ 02)

Wednesday, 18/11/2015 - 08:05:01

Nếu ai tin tưởng là sự giác ngộ hiện hữu qua những kích thước của thời gian và không gian bằngquyền lực của một sức mạnh thiêng liêng, thì kẻ đókhông phải Phật tử”.

Lạtma Dzongsar Jamyang Khyentse
Hoàng Phong chuyển ngữ

4- Dấu ấn thứ tư: Niết-bàn là an tịnh (santam nirvanam)

Niết -bàn (Nibbana) là một thể dạng phát sinh khi dục vọng và mọi nguyên nhân gây ra dục vọng đã hoàn toàn chấm dứt. Trên bình diện tổng quát, Niết-bàn có nghĩa là sự an tịnh (santi), vì thế cũng có thể đồng hóa Niết-bàn với một thể dạng của tâm thức. Niết-bàn cũng có nghĩa là sự giải thoát khỏi thế giới luân hồi, một thể dạng tự do không bị ràng buộc và vướng mắc trong điều kiện, vượt lên trên hiện tượng vô thường và mọi biến động, không còn sinh, thành và hoại. Niết-bàn còn có nghĩa là “bờ bên kia” và dịch sang ngôn ngữ Tây Tạng thì lại có nghĩa là “phía bên kia của khổ đau”. Đó là một thể dạng vượt lên trên hư vô và cả sự trường tồn vĩnh cửu. Tùy theo học phái, định nghĩa của Niết-bàn có một vài khác biệt thứ yếu.

Theo định nghĩa của Nam tông, Niết-bàn là thể dạng của giải thoát mà người A-la-hán có thể đạt được, một thể dạng mà mọi dục vọng và nguyên nhân phát sinh ra dục vọng đã hoàn toàn chấm dứt. Có “hai thứ” niết-bàn:

-Niết-bàn Hữu dư (sopadhisesanirvana): đó là thể dạng giải thoát của một vị A-la-hán khi còn tại thế. Tuy rằng dòng tiếp nối liên tục thuộc tâm thức của vị A-la-hán ấy đã được giải thoát khỏi sự vận hành ô nhiễm, của tạo tác và vô minh, tức là những nguyên nhân trói buộc trong thế giới luân hồi, và đồng thời mọi nguyên nhân tạo nghiệp cũng không còn hiện hữu nữa, nhưng người A-la-hán vẫn phải tiếp tục sống trong một thân xác cấu hợp mà họ đang có, vì đấy là hậu quả của những nghiệp trong quá khứ. Vì thế họ vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi đau đớn và bệnh tất, mặc dù tâm thức của họ đã an tịnh.

–Niết-bàn Vô dư (nirupadhisesanirvana): Đó là thể dạng của một vị A-la-hán đã được giải thoát và đã tịch diệt. Khi “trút bỏ” được tứ đại cấu hợp, tức phần dư thừa ô nhiễm, thì khi đó vị A-la-hán giác ngộ mới hoàn toàn “nhập” vào thể dạng Niết-bàn. Thể dạng ấy là thể dạng không còn giác cảm và đối tượng của giác cảm (ayatana, tiếng Hán gọi là trần hay cảnh...), không còn một hiện tượng nhận biết nào (dhatu), không còn một “khả năng” hay “chức năng” (indriya) thuộc vật chất hay tâm thần nào nữa, giống như một ngọn lửa tắt đi khi nhiên liệu đã hết.

Theo định nghĩa của Bắc tông, Niết-bàn không hẳn là một thể dạng tịch diệt, tịch tĩnh hay tịch lặng như đã được định nghĩa trong Nam tông, trái lại là một thể dạng mang tính cách tích cực của sự giác ngộ hoàn hảo (samyaksambuddha) Chư Phật và các vị Bồ-tát giác ngộ không “nhập” vào Niết-bàn tĩnh lặng, nhưng cũng không “rơi” vào cảnh giới ô nhiễm của luân hồi. Vì lòng từ bi thúc đẩy, họ tự nguyện lưu lại trong cõi luân hồi để giúp đỡ chúng sinh. Thể dạng tích cực đó hiển hiện qua một hình tướng siêu nhiên trong cõi sắc giới và gọi là Sắc thân (Rupakaya). Nếu hiểu theo quan điểm và khái niệm ấy thì người Bồ-tát không thể hình dung được Niết-bàn là gì khi nào chúng sinh vẫn còn hiện hữu trong cõi luân hồi. Nếu dựa vào định nghĩa của Niết-bàn ở một cấp bậc cao hơn nữa theo trường phái Trung đạo, thì đó là một thể dạng “ngang hàng” với luân hồi. Niết-bàn và luân hồi là hai thực thể có cùng một thể dạng, vì thế không có chuyện “vượt thoát” thế giới luân hồi để “nhập” vào cõi Niết-bàn. Khi đã đạt được sự quán nhập về tánh Không, thì sự phân biệt giữa luân hồi và niết bàn sẽ tan biến. Niết-bàn không phải là một thể dạng chấm dứt của một sự tạo tác nào cả, bởi vì trên phương diện sự thật tuyệt đối, không có sự tạo tác nào của bất cứ một hiện tượng nào, tức là không có thành cũng không có hoại, không có sinh mà cũng không có tử.

Nói chung,Niết-bàn không phải là một sự hiện hữu từ bên ngoài, không phải là một sáng tạo của Đức Phật dành riêng cho những kẻ đã giác ngộ, nó cũng không mang một đặc tính nào của không gian, tức không thuộc về hướng Đông cũng chẳng phải ở hướng Tây, nó vượt lên trên đặc tính của thời gian, tức không hư vô mà chẳng thường hằng. Tóm lại, Niết- bàn là một thể dạng của tâm thức, hiển hiện khi ta nghĩ đến nó. Tuy nhiên nó chỉ có thể thật sự hiển hiện với ta khi những quán nhận ô nhiễm, sai lầm và vô minh đã được xóa bỏ.

Tóm lại,nếu phân tích thật kỹ thì bốn dấu ấn vừa định nghĩa trên đây không phải là những khái niệm biệt lập, hàm chứa những sự thật riêng rẽ và đối nghĩa với nhau, nhưng đó là những sự thật liên kết với nhau, hỗ trợ cho nhau, từ bản chất vô thường đến tánh Không của mọi hiện tượng, từ sự biến động đến sự an tịnh của Niết-bàn.

Tách trà và nước trà

Vị Lạt-ma Dzongsar Jamyang Khyentse được nhắc đến trên đây, đã khẳng định trong quyển sách của ông như sau:

“Nếu ai không đủ sức chấp nhận mọihiện tượng cấu hợp và tạo tác là vô thường, đồng thời vẫn còn tin tưởng có một thực thể hay một khái niệm nào đó trường tồn và bất biến, thì kẻ đókhông phải là một Phật tử.

Nếu ai không đủ mọi chấp nhận tất cảmọi xúc cảm là khổ đau,đồng thời vẫn tin tưởng có những xúc cảm mang bản chất hoàn toàn êm ái, thì kẻ đókhông phải là một Phật tử.

Nếu ai không đủ sức chấp nhận tất cảmọi hiện tượng là ảo giác và trống không, đồng thời vẫn tin là một thứ gì đó hiện hữu một cách tự tại, thì kẻ đókhông phải là Phật tử.

Nếu ai tin tưởng là sự giác ngộ hiện hữu qua những kích thước của thời gian và không gian bằngquyền lực của một sức mạnh thiêng liêng, thì kẻ đókhông phải Phật tử”.

Bốn dấu ấn là những gì chứng nhận một người Phật tử đích thực, dù kẻ đó chỉ là một người thể tục. Tuy nhiên bốn dấu ấn không chỉ dùng để chứng nhận suông mà còn đòi hỏi người được chứng nhận phải luôn chú tâm vào ý nghĩa của bốn dấu ấn và sống phù hợp với những ý nghĩa ấy. Dzongsar Jamyang Khyentse đưa ra hình ảnh nước trà để so sánh những cạm bẫy của văn hóa Phật giáo với những gì tinh túy của Phật pháp: hình thức tu tập hay cạm bẫy văn hóa giống như một cái tách và phần tinh túy của Phật pháp là nước trà đựng trong tách.

Nước trà tượng trưng cho bốn dấu ấn, trong khi đó phương pháp và hình thức tu tập là cái tách. Phương pháp và kỹ thuật có thể mô tả và nắm bắt được, những sự thật thì vô cùng khó khăn. Không để bị lôi cuốn và mê hoặc bởi hình dánh và màu sắc của cái tách là một sự thách đố cho mỗi người trong chúng ta.Những hình thức tu tập bên ngoài rất dễ nhìn thấy, và người ta có chiều hướng xem đó là Phật giáo, chẳng hạn như ngồi im trên một tọa cụ, đánh chuông, gõ mõ và tụng niệm liên tục..., trong khi những khái niệm sai lầm và bấn loạn vẫn tiếp tục tung hành trong tâm thức và chi phối mọi cảm nhận trên thân xác thì vô thường đang tác động, tất cả các thứ ấy người tu tập không nhìn thấy và không ý thức được.
Trải qua hơn hai mươi thế kỷ lịch sử của Phật giáo, không biết bao nhiêu hình thù, màu sắc và kích thước của cái tách đã được sáng tạo. Dù rằng những sáng tạo đó mang mục đích tích cực, hướng dẫn người tu tập bằng những phương pháp hữu hiệu và thích nghi nhất, nhưng đồng thời chúng cũng có thể là những chướng ngại, những cạm bẫy mê hoặc người tu tập làm cho họ chỉ biết nâng tách trà trong hai tay để chiêm ngưỡng, nhưng quên bẵng đi không nghĩ đến việc uống nước trà trong tách. Nhang đèn, ảnh tượng, chuông mõ, lễ lạt... có vẻ rất hấp dẫn và mê hoặc, nhưng vô thường và vô ngã thì lại không, chúng vừa rắc rối lại chẳng có gì thu hút một hành giả. Dù cho họ có quan tâm đi nữa thì biết đâu những lời giảng liên quan đến các khái niệm ấy đối với họ chỉ có tính cách lý thuyết dùng để nghe cho bùi tai trong giây lát, nhưng chẳng có gì liên hệ đến đời sống hằng ngày của họ. Khi sống thì cầu an để được sống lâu và khỏe mạnh cho đến lúc chết, khi chết thì cầu siêu để chờ được tiếp dẫn về Tây phương Cực lạc, quả thật chẳng có gì dễ hơn, nhưng nếu bắt buộc phải thấu hiểu sự kiện Niết-bàn vượt lên trên mọi khái niệm thì lại là chuyện quá rắc rối.

Trong Phật giáo nếu có những gì có thể thích ứng được, ấy là nghi lễ, biểu tượng, phương pháp, nhưng sự thực thì không. Sự thực tuyệt đối mô tả trong Phật giáo là những sự thực không thể biến dạng để thích ứng. Bốn dấu ấn đã từng là sự thực tại phương Đông thì ngày nay vẫn còn tiếp tục là sự thực ở phương Tây. Dù cho người Tây phương chú tâm nhiều về giá trị triết học và khoa học của Phật giáo, và dù cho họ có đặt nặng lý thuyết hơn về tu tập đi nữa, thì bốn dấu ấn vẫn là phần nòng cốt của nền giáo lý Phật giáo đang phát triển ở phương Tây ngày nay. Giới luật và phương pháp tu tập có thể biến đổi để thích nghi với xã hội và biên giới quốc gia, nhưng bốn dấu ấn hay bốn sự thực thuộc chân lý của Phật pháp thì vẫn thế, những sự thực ấy không cần phải thích ứng, và cũng không thể nào thích ứng được.

Ta có thể rót nước trà sang một cái tách khác, nhưng nước trà vẫn là nước trà. Từ hơn hai ngàn năm trăm năm nay, nếu như “những hiện tượng cấu hợp đều vô thường” thì ngày nay chúng vẫn tiếp tục vô thường trên một cánh đồng lúa sình lầy của Á châu hay trên đại lộ Paris. Nếu “những gì chuyển động đều là khổ đau” thì chúng ta vẫn tiếp tục là khổ đau, dù đấy là những chuyển động trong tâm thức của một cá thể hay thuộc vào ngoại cảnh, trên một triền dốc của Hy-mã-lạp sơn hay trong chốn rừng rậm của lục địa Phi châu. Người ta không có cách gì để làm thay đổi những sự thực trong bốn dấu ấn của Phật giáo, không có một thể chính trị nào, một cấu trúc xã hội nào hay một nền văn hóa nào có thể làm được việc đó.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT