Đạo và Đời

Bốn dấu ấn của hiện hữu (Kỳ 01)

Wednesday, 04/11/2015 - 07:51:02

Cách định nghĩa các dấu ấn cho thấy có một vài khác biệt thứ yếu tùy theo kinh sách hay tông phái, các khác biệt ấy sẽ được lần lượt trình bày trong phần giải thích tiếp theo đây.

Lạtma Dzongsar Jamyang Khyentse

Hoàng Phong chuyển ngữ

Bốn dấu ấn của hiện hữu, Phạn ngữ gọi là caturlaksana , Pà li ngữ là caturlakkhana , hoặc còn gọi là Dharma mudra . Các kinh sách Hán ngữ tương đối ít đề cập đến khái niệm này, tuy nhiên trong tập Luận Địa Trì cũng có nhắc đến bốn dấu ấn và gọi là Tứ Ưu Đàn-na, chữ Đàn-na do chữ Mudra trong tiếng Phạn mà ra, chữ này có nghĩa là “biểu tượng” hay “dấu ấn”. Sở dĩ gọi là bốn dấu ấn vì đó là những “con dấu” dùng để chứng nhận một người Phật tử đích thực khi đã hiểu được Phật pháp là gì. Bốn dấu ấn là:

1- Tất cả hiện tượng hình thành từ các điều kiện đều vô thường
2- Tất cả những gì giả hợp đều là khổ đau
3- Tất cả mọi hiện tượng đều không có cái ngã
4- Niết - bàn là an tịnh

Cách định nghĩa các dấu ấn cho thấy có một vài khác biệt thứ yếu tùy theo kinh sách hay tông phái, các khác biệt ấy sẽ được lần lượt trình bày trong phần giải thích tiếp theo đây. Tuy nhiên, một vài học phái Tây Tạng chỉ nêu lên ba dấu ấn (tiếng Phạn: trilaksana , tiếng Tây Tạng: phyag - rgya gsum ), nhưng không quan tâm đến dấu ấn thứ tư là Niết - bàn, và cũng không sắp xếp theo thứ tự thường thấy:

Tất cả mọi hiện tượng (dharma ) đều không có tự ngã.
Tất cả mọi hiện tượng giả hợp đều vô thường.
Tất cả mọi tạo nghiệp (samskra) mang tính cách giả hợp đều là khổ đau.

Bốn dấu ấn trình bày trong tập Luận Địa Trì nêu lên rất đúng với ý nghĩa thường thấy về bốn dấu ấn:

Nhất thiết hành vô thường
Nhất thiết hành khổ
Chư pháp vô ngã
Niết – bàn tịch diệt.

Tóm lại, bốn dấu ấn trình bày trên đây là những gì đặc thù của Phật giáo, có thể nói đấy là những sự thực tuyệt đối mà Đức Phật đã nêu trong giáo pháp của Ngài, bao hàm cả các lãnh vực triết học, khoa học và tín ngưỡng. Hành vi quy y mang tính cách nghi lễ nhiều hơn là tu tập, ngũ giới thì biến dạng, thật khó nắm bắt và cũng không hẳn là những đặc thù của Phật giáo, vì thế bốn dấu ấn mới đích thực là những gì có thể dùng để xác nhận một Phật tử. Vậy thật sự ý nghĩa của bốn dấu ấn là gì?

1. Dấu ấn thứ nhất: Tất cả mọi hiện tượng đều vô thường (Aniya sarva samskarah )

Hiện tượng ở đây có nghĩa là tất cả mọi vật thể, mọi biến cố, gồm cả tư duy, xúc cảm hoặc tất cả những gì mà ta có thể hình dung hay tưởng tượng được, kể cả không gian và thời gian... , tiếng Phạn gọi chung tất cả những hiện tượng ấy là dharma , kinh sách gốc Hán dịch là pháp. Cũng cần chú ý khi chữ Dharma viết hoa thì lại có nghĩa là Phật pháp. Tất cả mọi hiện tượng, tức các pháp, đều có tính cách cấu hợp và được tạo tác dựa vào thật nhiều điều kiện. Điều kiện đổi thay, vạn pháp biến động. Những biến động đó tạo ra sự sinh và hình thành, sự tan rã hay cái chết. Mọi sự hiện hữu, tức mọi hiện tượng cấu hợp không mang tính cách độc lập, chúng đều lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác, vì thế chúng không thể nào tự duy trì một cách vững bền được, do đó nhất thiết chúng là vô thường. Bản chất không độc lập và lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác của tất cả mọi hiện tượng, trong đó kể cả cái ta, Phật pháp gọi là vô ngã.

Chúng ta sống với những cảm nhận sai lầm về bản chất của hiện thực, dựa vào những cảm nhận và những diễn đạt lệch lạc của cảm giác, chi phối bởi ảnh hưởng của xúc cảm và bản năng. Những sai lầm và lệch lạc đó, chẳng hạn như không cảm nhận được hiện tượng vô thường, Phật pháp gọi là vô minh.

Một vài kinh sách còn xác định dấu ấn thứ nhất như sau:

Tất cả mọi chuyển động đều vô thường. Chữ chuyển động không nhất thiết chỉ định những chuyển động vật chất mà thôi mà còn bao gồm tất cả những thể dạng tâm thần gồm tư duy và xúc cảm. Chuyển động cũng là bản chất của năng lượng, của các làn sóng đủ loại, của cả những hạt vi thể thuộc lãnh vực vật lý lượng tử làm căn bản cho vật chất, những chuyển động ấy tạo ra hình tướng và mọi loại biến cố. Khi đã là chuyển động thì nhất thiết chúng phải mang tính cách nhất thời và giai đoạn, tức có nghĩa là vô thường, và nhất thiết bản chất của vô thường là khổ đau. Kinh A–hàm có nêu như sau:

Tất cả muôn vạn chuyển động đều là vô thường, là khổ đau và vô ngã; Niết- bàn là thanh tịnh.

Câu phát biểu trên đây cũng là một cách tóm tắt về ý nghĩa của bốn dấu ấn. Trong một đoạn khác, kinh A-hàm cũng nêu lên bản chất của sự chuyển động nơi mọi hiện tượng:

“Tất cả mọi chuyển động đều vô thường
Bởi vì chúng lệ thuộc vào sự sinh và sự tan biến
Khi nào sự sinh và sự tan biến chấm dứt
[Thì] sự tắt nghỉ sẽ trở thành niềm hạnh phúc và an tịnh”.

Tuy rằng vô thường là khổ đau, nhưng vô thường cũng hàm chứa một niềm hy vọng, tức là sự biến cải. Nhờ có sự biến cải mà thể dạng thiếu tỉnh thức hay vô minh của ta ngày hôm nay mới có thể xóa bỏ được ngày mai trên con đường tu tập Phật pháp.

2. Dấu ấn thứ hai: Tất cả những gì giả hợp đều là khổ đau (Dukkhah sarva samskarah)

Chữ giả hợp trong trường hợp này có nghĩa là những cấu thành tạm thời, lệ thuộc vào điều kiện, tức mang tính cách giả tạo và không độc lập. Sách nghiên cứu Phật học Tây phương dùng các chữ như corrupted hay crrompu để dịch chữ này, tiếng Tây Tạng thì dùng chữ zagché có nghĩa là ô nhiễm hay dính bẩn, vì thế dấu ấn thứ hai cũng có thể định nghĩa là: tất cả những gì ô nhiễm đều là khổ đau. Ngoài ra cũng có một số kinh sách và tài liệu xác định dấu ấn thứ hai như sau: Tất cả mọi xúc cảm đều là khổ đau. Xúc cảm có nghĩa là những dao động trong tâm thức, phát sinh từ sự hoang mang và cách hiểu biết nhị nguyên. Sở dĩ mạo muội dông dài về phương diện thuật ngữ như trên đây là nhắm vào mục đích chứng minh ngôn từ đã nắm giữ một vai trò khá phức tạp trong việc trình bày và tìm hiểu một khái niệm, nếu không thấu triệt tính cách quy ước của ngôn từ sẽ dễ gây ra hoang mang và cho rằng kinh sách về Phật giáo bất nhất.

Muốn hiểu được dấu ấn thứ hai, trước hết phải tìm hiểu khổ đau đã được Phật giáo định nghĩa như thế nào. Sau khi đạt được Giác ngộ hoàn hảo và trong lần thuyết giảng đầu tiên cho năm đệ tử, Đức Phật nêu lên khái niệm về Bốn sự thực cao quý tức là Tứ diệu đế. Sau đó suốt trong bốn mươi lăm năm giảng huấn, Ngài đã xây dựng giáo lý dựa trên bốn sự thực ấy, trong đó sự thực thứ nhất là khổ đau. Khổ đau theo Phật giáo rất sâu xa, cùng khắp, khó nhận biết, không nhất thiết đơn giản là những đau đớn trên thân xác hay sự giày -> dày vò trong tâm thức. Đức Phật nêu lên tám loại khổ đau là: sinh, lão, bệnh, tử, gánh chịu những gì mình không thích, xa lìa những gì mình thích, không đạt được những gì mình mong muốn và bám víu vào ngũ uẩn. Ngũ uẩn là năm thứ ràng buộc, gồm có sắc (sáu giác quan), thụ (sự cảm nhận), tướng (sự diễn đạt các cảm nhận), hành (xúc cảm, ý đồ và hành vi phát sinh từ tướng), thức (tri thức nhận biết của sáu giác quan). Cũng xin nêu lên ở đây là Phật giáo xem tâm thức là giác quan thứ sáu. Tính chất khổ đau của năm uẩn là một khái niệm triết học quan trọng trong Phật giáo. Năm uẩn là một sự giả hợp, tức vô thường, và vô thường là bản chất của khổ đau. Sự sống của con người là một chuỗi dài tiếp nối của vô số hiện tượng biến động liên quan đến thân xác và tâm thức, chúng hiện hữu từ trước khi sinh và sẽ còn tiếp tục hiện hữu sau khi chết. Những biến động nối tiếp, liên kết và xô đẩy nhau như thế được xem là những hình thức khổ đau trong thế giới luân hồi.
(còn 3 kỳ)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT