Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Bohemian Rhapsody

Thursday, 22/11/2018 - 09:24:56

Ngay phút đầu tiên, nghe bài nhạc mở màn của 20th Century Fox được chơi lại bằng tiếng guitar điện của Brian May ta có thể yên trí rằng phim dù có sao chăng nữa thì phần nhạc sẽ hay. Và thật sự là vậy, nhạc phim không có chỗ nào chê.

Bài PHIÊN AN

Bộ phim biopic về ca sĩ Freddie Mercury và ban nhạc Queen đã trình làng. Phần lớn các nhà phê bình đều cho điểm thấp, trong khi hầu hết khán giả bình dân lại khen nức khen nở. Ai đúng, ai sai?
 

Rami Malek trong vai Freddie Mercury. (20th Century Fox)

Biopic là do hai chữ “biography” (tiểu sử) và “picture” (phim) gộp lại. Xét về mặt tiểu sử thì các nhà phê bình có lý. Nhiều tình tiết trong phim đã không xảy ra đúng theo trình tự thời gian ở ngoài đời. Có chuyện xảy ra về sau được đưa ra sớm hơn, như khi Freddie Mercury phát hiện mình bị bệnh AIDS. Tuy nhiên, từ góc độ của người viết kịch bản, việc sắp xếp lại một số sự kiện có thể chấp nhận được miễn là nó giúp câu chuyện trôi chảy hơn mà không ảnh hưởng đến nội dung, vì đây là phim Hollywood chứ không là phim tài liệu.

Nói vậy chứ các chi tiết về cuộc đời của Freddie Mercury được tường thuật rất chính xác - từ chuyện gia đình anh đến từ Zanzibar cho đến cuộc tình với Mary Austin, người mà Freddie gọi là “Love of my Life.” Thậm chí nếu dùng tựa bản nhạc đó đặt tên cho phim cũng hợp, vì Mary Austin (Lucy Boynton) là một nhân vật chủ chốt trong câu chuyện, và đã có mặt bên Freddie cho tới phút cuối cùng.
 

Cảnh Wembley Stadium được tái tạo trong phim. (20th century Fox)

Nhưng ngoài các chi tiết đời thường đó, nhiều nhà phê bình phim cho là “Bohemian Rhapsody” đã không đào sâu đủ vào cuộc đời và nội tâm vô cùng phức tạp của Freddie Mercury, nhất là về mặt giới tính. Dù Freddie xem Mary Austin như người bạn đời duy nhất và đã để lại cho cô một nửa gia tài khi mất, nhưng đồng thời anh ta cũng là một người lưỡng giới tính (bisexual) với nhiều nhân tình nam giới.

Thế nhưng phim gần như đề cập rất ít về khía cạnh này. Ta có thể đoán phần nào lý do. Vì đây là phim PG-13, những đề tài về sex, nhất là sex đồng tính, khó mà cho lên màn ảnh lớn. Hơn nữa, thị trường Mỹ tuy lớn nhưng khá bảo thủ, nên có thể nhà làm phim phải thận trọng, không khéo là bị ném đá và mất doanh thu. Người viết cho rằng nhà làm phim đã giải quyết vấn đề nhạy cảm này tương đối ổn thoả, tránh tranh cãi phiền phức.
 

Freddie Mercury tại Live-Aid concert (Live Aid)

So với những bộ phim rock biopic nổi tiếng xưa nay, như “Ray” (về nhạc sĩ mù Ray Charles, thắng giải Oscar) thì có lẽ “Bohemian Rhapsody” không xuất sắc bằng, mặc dù một nhân vật độc đáo như Freddie Mercury lẽ ra phải dễ cho đạo diễn khai thác.

Tuy nhiên, “Bohemian Rhapsody” cũng có nhiều điểm mạnh. Điểm mạnh trước nhất là mảng âm nhạc. Ban Queen, như ta biết, chỉ thua có The Beatles về số lượng dĩa bán. Trong phim, các bản nhạc hay của Queen đã được tận dụng tối đa. Không những vậy, hai thành viên nòng cốt của Queen còn là Executive Producer về âm nhạc cho phim; đó là tay guitar Brian May và tay trống Roger Taylor.

Ngay phút đầu tiên, nghe bài nhạc mở màn của 20th Century Fox được chơi lại bằng tiếng guitar điện của Brian May ta có thể yên trí rằng phim dù có sao chăng nữa thì phần nhạc sẽ hay. Và thật sự là vậy, nhạc phim không có chỗ nào chê.

Điểm mạnh thứ nhì của “Bohemian Rhapsody” là kịch bản. Đầu đuôi câu chuyện được sắp xếp khá trơn tru, lời đối thoại tự nhiên không có vẻ gì cường điệu, đôi chỗ hài hước một cách thâm thuý (như màn bốn chàng giả gái làm MTV video cho bài “I Want To Break Free”). Một điều bất ngờ là khác với nhiều phim rock biopic trước giờ, chủ đề của “Bohemian Rhapsody” thật ra là về gia đình. Chữ “family” được dùng rất nhiều lần trong phim.
 

Mary Austin và Freddie Mercury (Express)

Trước tiên là gia đình di dân của cậu thanh niên Farrokh Bulsara, trước khi cậu đổi tên thành Freddie Mercury. Rồi đến ban nhạc Queen mà bốn thành viên coi nhau như một gia đình - cũng có cãi cọ bất đồng v.v. Và tiểu gia đình “bất thành văn” giữa Freddie và Mary và đoàn mèo mười con của hai người. Tất cả những mối liên hệ gia đình này được đan xen vào nhau một cách khéo léo tài tình.

Nhưng điểm mạnh nhất của phim mà cả khán giả lẫn nhà phê bình phim đều đồng ý là Rami Malek trong vai Freddie Mercury. Malek đóng xuất thần đến nỗi lắm lúc ta cứ tưởng đang được xem Freddie Mercury thật. Những màn diễn của Freddie được Malek tái tạo giống từng li từng tí, không chê vào đâu được. Người viết bài đã từng được xem Queen vào thập niên 1980 nên có thể nói rằng Malik nhập vai Freddie quá đạt. Những khi Malik hát, dù biết là anh ta chỉ nhép theo tiếng hát của Freddie nhưng Malik bắt
chước giống và chính xác đến nỗi người xem cứ tưởng đó là giọng của anh ta. Rất nhiều người (kể cả các nhà phê bình khó tính nhất) cho rằng Malik xứng đáng được đề cử giải Oscar “Best Actor” cho phim này.
Tuy “Bohemian Rhapsody” không thuộc loại phim có thể thắng Oscar, nhưng nó vẫn là phim xem được. Fan của Queen chắc chắn sẽ rất thích. Những ai chỉ biết nhạc Queen sơ sơ, chủ yếu qua những bài top hit bảo đảm cũng sẽ không thất vọng vì đoạn kết của phim cũng là phần hay nhất.

Nó là buổi diễn lưu danh muôn thuở của Queen trước hàng trăm ngàn người trong sân vận động Wembley Stadium tại London cho chương trình Live Aid (1985) gây quỹ cứu đói Phi Châu. Live Aid còn được phát hình trực tiếp đến hơn 1.5 tỉ người khắp hành tinh, một sự kiện lớn chưa từng có trong lịch sử truyền thông và nhạc sống. Trong số các ban nhạc lừng danh tham gia chương trình như Paul McCartney, The Who, David Bowie v.v. thì màn diễn của Queen được các sử gia chấm là hay nhất.

Vì muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của màn này, đạo diễn Bryan Singer đã cho quay cảnh này trước tiên. Nhưng để chuẩn bị, Singer bắt bốn thành viên của ban nhạc là Rami Malek (vai Freddie), Ben Hardy (Roger Taylor, trống), Joseph Mazello (John Deacon, bass) và Gwylim Lee (Brian May, guitar) tập dợt mấy tháng trời liên tiếp. Họ phải thuộc lòng mọi cử chỉ của Queen, không được sai trật dù chỉ một bước hay một nhịp. Ngoài việc xem phim để học, họ còn được Brian May và Roger Taylor trợ giúp một tay.
Thời gian tập luyện cho màn Live Aid cũng là dịp để các diễn viên nhập vai và hội nhập vào cái “gia đình” mới tên là Queen.

Kết quả là người xem được bơi ngược dòng thời gian, trở về một nơi chốn lẽ ra chỉ hiện hữu trong ký ức hay trí tưởng tượng. Nhờ có phim này mà chúng ta có thể hoà mình vào trong cái thế giới nửa ảo nửa thật của nhà nghệ sĩ thiên tài Freddie Mercury. Đây là một phim nên coi trong rạp có âm thanh nổi, và nếu là fan của Queen thì càng nên coi hai, ba lần. Cuộc đời quá ngắn ngủi, hãy tận hưởng những niềm vui nho nhỏ trước khi nó trôi qua và không bao giờ trở lại. Như lời Freddie viết cho Mary:

Bring it back, bring it back
Dont take it away from me because
You dont know what it means to me
Love of my life, love of my life…

(Trích từ báo Trẻ Magazine, Dallas, Texas)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT