Mẹo Vặt

Bọ lành bọ độc: Rệp Cây

Thursday, 12/05/2016 - 10:39:07

Những con rệp chúng ta thấy trên cây thường là bọ cái (bọ đực giống như con muỗi vắt, rất ít khi xuất hiện). Rệp sống bằng nhựa cây, hút lên xuyên qua một cái vòi cực nhỏ cắm vào lá…. “Nạn nhân” bị nhắm tới nhiều nhất là những cây chanh, cây tắc, cây cam, cây quít. Bị nhiễm dịch rệp, cây lá trông rất thảm hại với những đốm trắng nhếch nhác, rồi từ từ trở nên èo uột, không thể sinh hoa kết quả vì bị hút hết dưỡng chất.

Bài VŨ HẰNG 


            Rệp cây (phải) mình tròn có gai, còn khắc tinh của rệp (trái) trông như những sợi bông nối với nhau

 

Dù không làm vườn để kiếm tiền, ai trong chúng ta cũng từng nuôi trồng vài thứ rau quả để làm vui. Yêu cây, chúng ta ghét những con bọ đeo bám trên cây thường bị “vơ đũa cả nắm” là kẻ thù của cây và của chúng ta. Ít ai biết rằng, có những thứ bọ là bạn chúng ta, nó bảo vệ vườn, chứ không hề làm hại. Khổ một điều là trong nhiều trường hợp, bạn hay thù là một cặp giống y như nhau, thật khó phân biệt thứ nào với thứ nào. Chẳng hạn cặp đôi bọ rùa Lady Bug và Mexican Bean Bug; cặp đôi Kiến Ba Khoang và Kiến Kìm; cặp đôi bọ xít – Chiến Sĩ Mình Gai và Trái Bí Ngô Độc… được nói tới mấy tuần nay: Rõ ràng một thứ lành một thứ độc mà nếu không được nhắc trước chúng ta chẳng sao phân biệt được. Hôm nay, Hằng xin giới thiệu với các bạn một cặp đôi khác, trông chẳng khác gì những con rệp cây..


                Lớn lên, ấu trùng trở thành những Lady Bug cứng cáp phương phi với nét đẹp đặc sản của xứ Úc

Rệp cây: Bọ độc

Rệp cây (Mealybug) thoạt trông như những đốm trắng đeo bám mặt dưới lá, cọng lá, hoặc đọt cây non… không xa lạ gì với mọi người. Chúng ta ra vườn, vô tình đập vào đám lá đó là sẽ thấy bụi trắng bay lên mờ trời, nhìn rất nản. Thực ra đó không phải là bụi, nhưng là những con bọ nhỏ li-ti, gọi là rệp cây. Một khi xuất hiện, rệp cây thường lan tràn như một thứ dịch, bao gồm những con bọ nhỏ cỡ 1/10 inch, trắng xóa như một lọn bông biết nhúc nhích bò đi với 2 cái đuôi, và thân mình lởm chởm những cái tua gai trắng….

Những con rệp chúng ta thấy trên cây thường là bọ cái (bọ đực giống như con muỗi vắt, rất ít khi xuất hiện). Rệp sống bằng nhựa cây, hút lên xuyên qua một cái vòi cực nhỏ cắm vào lá…. “Nạn nhân” bị nhắm tới nhiều nhất là những cây chanh, cây tắc, cây cam, cây quít. Bị nhiễm dịch rệp, cây lá trông rất thảm hại với những đốm trắng nhếch nhác, rồi từ từ trở nên èo uột, không thể sinh hoa kết quả vì bị hút hết dưỡng chất.

Nhìn thấy dịch rệp tàn phá cây cối, chủ vườn tay mơ thường phản ứng bằng cách lấy vòi nước xịt mạnh, cho đám bọ trắng tung ra khỏi tàng lá, để rồi mấy hôm sau lại thấy chúng trở về như trêu chọc, thách thức. Sở dĩ nói “tay mơ” là vì chủ vườn đã không biết nguyên nhân gây dịch rệp chính là do tưới nước quá nhiều, hoặc tưới phân quá nhiều. Để đối phó với thứ ôn dịch này, chúng ta chỉ cần làm ngược lại là tưới ít và đừng … tiêu diệt chúng. Bởi vì rất có thể chúng ta lại giết lầm đám bọ lành. Rệp cây thì luôn luôn là kẻ thù cần phải trừ khử, nhưng có một thứ trông rất giống nó, mà lại là bạn của chúng ta.

                                      Có ai phân biệt được đây là rệp, hay khắc tinh của rệp?

Bọ lành: Ấu trùng diệt rệp

Thứ bọ lành đóng cặp với rệp trông chả mấy khác, cũng một màu trắng và những cái tua lởm chởm quanh thân.
Tuy cùng một cặp nhưng nó là khắc tinh của rệp, rõ ràng với cái tên “ấu trùng diệt rệp” (mealybug destroyer larvae). Quê hương nguyên thủy của ấu trùng diệt rệp là Úc Châu, được nhà vườn chuyên nghiệp tại California cho nhập cư vào Mỹ từ năm 1891 để giải vây những vườn cam đang bị dịch rệp tàn phá ở Orange County.
Đúng thực, chúng chỉ là một đám ấu trùng, chưa kịp trưởng thành. Nhưng dù chỉ là những “em bé sơ sinh”, ấu trùng đã biết chiến đấu bằng cách xơi tái những con rệp cây! Lớn lên thì khỏi nói, chúng có thể khử rệp – và nhiều loại sâu rầy phá phách khác – với mức độ mạnh mẽ và hiệu quả hơn nhiều. Bởi vì, khi đó không còn là ấu trùng mà chúng đã trở thành những con bọ rùa Lady Bug cứng cáp với nét đẹp đặc sản Úc Châu.

Những Lady Bug phương phi hùng dũng thì không có thể lầm với đám rệp lẹp bẹp, nhưng khi chúng còn là ấu trùng thì nếu không để ý, nhà vườn sẽ thấy “bạn” và “thù” cũng như nhau. Sau đây là một vài mẹo vặt giúp chúng ta phân biệt:

- Kích thước: Dù còn trong giai đoạn “sơ sinh”, ấu trùng diệt rệp cũng lớn gấp đôi loài rệp chuyên hút nhựa cây.

- Hình dáng: Ấu trùng diệt rệp trông như những sợi bông nối vào nhau, còn loài rệp thì mình tròn với những cái gai chĩa ra hoặc có đuôi dài.

Dù chỉ làm vườn tài tử, chúng ta cũng cần phải phân biệt cặp đôi này. Trong khi rệp cây phá hoại vườn tược, cần phải trừ khử, thì ấu trùng lại là “người” giúp đỡ, bảo vệ công sức chúng ta, nên cần được nuôi dưỡng cho nhiều. Niềm vui khi nhìn cây xanh trái lớn sẽ còn tăng lên hơn nữa nếu chúng ta hiểu thêm được những bí ẩn về các loài bọ cộng sinh trong vườn. Làm vườn hấp dẫn là thế.

Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT