Mẹo Vặt

Bọ lành bọ độc: Kiến đuôi kìm Earwig

Thursday, 05/05/2016 - 10:37:01

Trước tiên về cái tên, Earwig được gọi “kiến đuôi kìm” là vì nó có cái đuôi chĩa ra thành 2 gọng kìm oai vệ và sắc mẻm, nhưng lại yếu xìu. Có thể đó chỉ là “đồ trang sức” do ông Trời tặng cho, chứ không phải là vũ khí tấn công của con vật.

Bài VŨ HẰNG

Bài này tiếp nối những gì Hằng đã thưa trước đây về kiến ba khoang (Rove Beetle): Hôm nay, chúng ta nói về một con bọ khác, làm thành một cặp bài trùng với kiến ba khoang, tên là Earwig, có người gọi là kiến đuôi kìm, có người gọi là … con sâu tai. Toàn là những cái tên lạ, nhưng Earwig là một côn trùng quen thuộc, rất thường gặp trong vườn.

Con trùng chui vào tai, còn ló cái đuôi kìm: “Lạy ông, tôi ở bụi này!”



Đối với vườn cây, Rove Beetle được xếp vào hàng “bọ lành” vì nó chỉ ăn sâu rầy hoặc thân rễ nát mục, chứ không ăn lá xanh non, còn Earwig thì được xếp vào loại bọ độc vì nó ăn cả sâu rầy lẫn lá rau, làm hại vườn tược. Về con bọ độc này, chúng ta có khá nhiều chuyện hay, mời các bạn thưởng thức.

Trước tiên về cái tên, Earwig được gọi “kiến đuôi kìm” là vì nó có cái đuôi chĩa ra thành 2 gọng kìm oai vệ và sắc mẻm, nhưng lại yếu xìu. Có thể đó chỉ là “đồ trang sức” do ông Trời tặng cho, chứ không phải là vũ khí tấn công của con vật.

Còn tên gọi “sâu tai” có nguồn gốc từ một câu chuyện cổ bên nước Anh, đại khái thế này: Có hai ông kia làm bạn với nhau, một ông đẹp trai, và một ông xấu trai. Ông đẹp trai chẳng chịu lấy vợ, cứ sống độc thân để còn … chờn vờn hết bông hoa này tới bông hoa khác. Ông kia thì già và mập, mà lại có vợ trẻ đẹp.

Ông đẹp trai tự tin lắm, cứ qua lại tán tỉnh vợ bạn với hy vọng rốt cuộc người phụ nữ sẽ xiêu lòng. Nhưng kết quả, ông chỉ được mấy cái tát những khi buông lời lả lơi. Tuy vậy, ông không nản chí mà suy nghĩ cách… khử ông chồng già hầu chiếm đoạt người vợ. Để thi hành mưu kế ấy, ông thuê hai tay du đãng địa phương bắt một con trùng độc bỏ vào lỗ tai người bạn già giữa lúc ông này đang say ngủ trong đêm khuya.

Sáng hôm sau, khi ba người gặp nhau tại bàn ăn – bởi vì cả ba sống trong cùng một nhà, ông đẹp trai ở phòng ngoài, vợ chồng người kia ở phòng trong – ông đẹp trai chờ đợi với hy vọng nhìn thấy người bạn già tỏ ra đau đớn khó chịu, rồi lăn đùng ra nhà... Nhưng trái lại, ông xấu trai vẫn cứ tỉnh bơ, còn ông đẹp trai lại thấy lỗ tai mình kêu lột rột, ngứa ngáy, rồi từ từ nhức buốt chịu không nổi.

Thì ra, hai tên du đãng đã vào lầm phòng, và bỏ trùng độc vào lỗ tai của chính thủ phạm, chứ không phải là lỗ tai nạn nhân. Suốt mấy tuần lễ sau đó, con sâu tai “cần mẫn” làm việc, gây ra cho ông đẹp trai nhiều pha đau đớn sống dở chết dở. Nhưng bỗng một hôm, ông thấy người nhẹ nhõm hẳn, vì con trùng đã từ từ bò ra theo lỗ tai bên kia. Ông mừng rỡ thoát nạn, nhưng bây giờ lại sợ bị cảnh sát bắt cho vào tù vì âm mưu đã bị bại lộ.

Tuy nhiên, vợ chồng người bạn không đi thưa mà gọi một bác sĩ đến săn sóc. Sau khi khám bệnh, bác sĩ cho biết: “Con trùng này là con mái, trước khi ra khỏi tai, nó đã kịp thời đẻ khá nhiều trứng trong đó!” Thật là khủng khiếp, một con quậy chịu còn không thấu, huống hồ sau này đám trứng ấy nở ra. Chỉ nghĩ tới đó là ông đẹp trai lại muốn té xỉu, không còn thần trí đâu mà thưởng thức hương sắc của đóa hoa đang nhởn nhơ trước mặt nữa.

Có thể câu chuyện được người xưa nghĩ ra để dạy chúng ta một bài học về “Gieo Gió Gặt Bão” mà thôi, chứ thực sự “con sâu tai” không làm cái chuyện ác đức đó. Nó chưa bao giờ chui vào lỗ tai để hành hạ ai cả, các thầy cô trong ngành sinh vật học bảo đảm như vậy. Nhưng nó vẫn bị chết cái tên “sâu tai” từ đó.
Mùa này ra vườn, chắc bạn sẽ dễ dàng nhận ra con vật qua cái “đuôi kìm đặc biệt của nó. Cũng giống như kiến ba khoang (rove beetle), con sâu tai có hình dáng thon dài, sống ở những nơi ẩm ướt tăm tối, như đám vỏ vụn nát vun ở gốc cây, ở những đám rau cỏ xình thối, hoặc ở những khe hổng bên dưới những chậu bông….

Nhưng Earwig khác với Rove Beetle ở những điểm sau:
- Không chứa nọc độc trong bụng, nên lỡ tay hoặc lỡ chân đạp vào nó cũng không sao (không sao với người đạp, chứ còn con Earwig thì đương nhiên tiêu tùng cuộc đời). Khi bị đụng chạm, hai cái gọng kìm có khép lại cũng chẳng gây ra thương tích gì cho chúng ta. Trái lại, ai chạm vào Rove Beetle, tệ hơn nữa là đạp dập xác nó, chắc chắn sẽ bị trúng nọc độc, sưng phỏng và đau nhức nhiều ngày.

- Earwig có bộ râu dài hơn, và rõ nhất là cái đuôi “kìm”, trong khi Rove Beetle râu ngắn, đuôi nhọn hoặc tầy.

- Earwig hiền hơn nhưng lại bị gọi là bọ độc đối với vườn tược, do ăn lá cây nhất là lá rau diếp, lá dâu tây, cúc thược dược (dahlia), cúc vạn thọ (marigold), cúc ngũ sắc (zinnia)…. Trong khi đó, Rove Beetle chứa nọc độc, mà lại được gọi là bọ lành. Bởi vì, nó thường ăn sâu rầy, chứ không ăn lá non làm hại cây.
Quan sát những con vật nhỏ bé này, chúng ta thấy vũ trụ thật là bao dung với mọi giống mọi loài: Con người và con vật, thông minh và ngu dốt, đẹp đẽ và xấu xí, hiền lành và ác độc….. Hiểu biết về những loài cộng sinh với mình trong vũ trụ, chúng ta sẽ có một cuộc sống an toàn, hài hòa và ý nghĩa hơn.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT